Đối thoại Shangri-La: Cần xây dựng lòng tin chiến lược, tăng cường hợp tác, đối thoại
Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 18.
Đối thoại Shangri-La (SLD) lần thứ 18 khai mạc tối 31-5 tại Singapore.
Giám đốc điều hành châu Á tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) Tim Huxley cho biết SLD 18 có 6 phiên toàn thể, bao gồm: Tầm nhìn của Hoa Kỳ về an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; An ninh Triều Tiên: Những bước tiếp theo; Trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á và những thách thức; Trung Quốc và hợp tác an ninh quốc tế; Ngăn ngừa xung đột tại các lĩnh vực có cạnh tranh; Đảm bảo một khu vực tự cường và ổn định.
Ngoài ra, diễn đàn còn có 6 phiên họp đồng thời với các chủ đề liên quan đến an ninh hàng hải, phát triển công nghiệp quốc phòng, hợp tác quốc phòng.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan có bài phát biểu đề cập "Tầm nhìn của Hoa Kỳ về an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" ngay trong phiên thảo luận đầu tiên vào sáng 01-6. Bài phát biểu của quan chức quốc phòng Mỹ liên quan tới các nội dung cụ thể của Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như làm rõ mục đích của chiến lược này đối với khu vực, nhất là trong bối cảnh hiện nay được dư luận đặc biệt quan tâm.
Đối thoại dành một phiên thảo luận về vấn đề an ninh Triều Tiên nhằm tìm kiếm các bước tiếp theo cho tiến trình hòa bình ở Bán đảo Triều Tiên, sau những diễn biến mới nhất có phần căng thẳng gần đây. Phiên thảo luận này có sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-Doo , Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya và bà Federica Mogherini, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU).
Thủ tướng Lý Hiển Long: Các nước cần xây dựng lòng tin chiến lược, tăng cường hợp tác, đối thoại
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cảnh báo nguy cơ từ xung đột Mỹ - Trung hiện nay xuất phát từ thiếu lòng tin chiến lược, đồng thời cho rằng trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh giữa các siêu cường thì những nước nhỏ cần tăng cường hợp tác trên mọi mặt, nâng cao vị thế thông qua việc xây dựng các thể chế đa phương.
Thủ tướng Lý Hiển Long đã bày tỏ quan ngại về sự gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, nhấn mạnh rằng con đường hiện tại của hai cường quốc này là "sai lầm", dù sự va chạm là không thể tránh khỏi về mặt chiến lược. Ông kêu gọi các bên cần nỗ lực hết sức để tránh xung đột, gây tổn thất cho cả hai bên và thế giới, kéo dài tới vài thế hệ. Theo ông, Mỹ và Trung Quốc cần tìm một cách thức mang tính xây dựng, dù cạnh tranh song đồng thời cũng hợp tác trong những vấn đề lớn có chung lợi ích và có tầm quan trọng toàn cầu.
Thừa nhận sự phát triển của Trung Quốc đã làm thay đổi cán cân chiến lược cũng như trọng tâm kinh tế thế giới và sự thay đổi này vẫn đang tiếp diễn, song Thủ tướng Singapore cũng thúc giục Trung Quốc "nên thể hiện vai trò lớn hơn" nhằm xây dựng hình ảnh một cường quốc có trách nhiệm và hào hiệp, không cần phải sợ hãi. Như vậy, Trung Quốc sẽ được tôn trọng như một cường quốc đáng tin cậy để hỗ trợ cho hòa bình và ổn định khu vực. Trên cơ sở đó, ông cho rằng Trung Quốc nên giải quyết các tranh chấp thông qua ngoại giao và thỏa hiệp hơn là ép buộc hoặc đe dọa dùng vũ lực, đồng thời tôn trọng lợi ích và quyền lợi cốt lõi của các quốc gia khác.
Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh tới vai trò của các nước nhỏ trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh giữa các siêu cường. Theo ông, những nước nhỏ như Singapore khó có thể gây ảnh hưởng đến các cường quốc, nhưng không phải hoàn toàn không có vai trò gì, đồng thời lưu ý rằng các nước nhỏ hơn có nhiều cơ hội để tăng cường hợp tác kinh tế, tăng cường hội nhập khu vực và xây dựng các thể chế đa phương. Bằng cách này, các nước nhỏ có thể tăng cường ảnh hưởng với tư cách một nhóm quốc gia, nâng cao vị thế tập thể về các vấn đề quan trọng như thương mại, an ninh hoặc công nghệ.
Thủ tướng Singapore cũng đề cao vai trò của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và cho rằng kể từ khi ra đời đến nay, ASEAN đã có vai trò quan trọng, không chỉ xử lý các vấn đề của khu vực mà còn góp phần điều tiết quan hệ giữa các nước trong khu vực với các nước lớn và là một diễn đàn đối thoại, hợp tác hiệu quả. Các nước cũng đánh giá cao vai trò trung tâm ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực.
Về bài phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long, các chuyên gia cho rằng nhà lãnh đạo Singapore nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ "ổn định và mang tính xây dựng" giữa Mỹ và Trung Quốc đồng thời nêu bật những vai trò tiềm năng mà Singapore cũng như các quốc gia nhỏ khác có thể đóng góp vào việc củng cố trật tự thế giới đa phương. Thủ tướng Lý Hiển Long đã thể hiện một thông điệp về "sự cân bằng" khi khéo léo viện dẫn lịch sử về quan hệ của các nước Đông Nam Á với các nước lớn qua các thời kỳ để từ đó nêu bật vai trò của các nước lớn, những hậu quả tiêu cực khi gia tăng đối đầu và vai trò của các nước nhỏ trong bình diện an ninh chung.
Mỹ kêu gọi phối hợp duy trì hòa bình và ổn định tại Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
Patrick Shanahan phát biểu với chủ đề "Tầm nhìn của Mỹ về an
ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
Tại phiên thảo luận toàn thể về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ và an ninh bán đảo Triều Tiên, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã có bài phát biểu với chủ đề "Tầm nhìn của Mỹ về an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", theo đó, khẳng định Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực ưu tiên của Mỹ và Washington đang đầu tư vào khu vực này, cũng như sát cánh với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, khu vực này hiện đang đối mặt với một số thách thức an ninh nghiêm trọng trong đó có vấn đề hạt nhân Triều Tiên, chủ nghĩa khủng bố, an ninh mạng, ma túy và tội phạm xuyên quốc gia. Thêm vào đó là các hành động đi ngược lại với trật tự, luật pháp quốc tế, quân sự hóa, hoặc toan tính ép buộc các nước khác phải thuận theo chiến lược của mình…
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nêu rõ không nước nào "có thể hoặc nên chi phối khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" và mối đe dọa lâu dài và lớn nhất đối với lợi ích sống còn của các nước trong khu vực xuất phát từ các nhân tố muốn phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Theo ông Shanahan, với phương châm thúc đẩy xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do, Mỹ sẽ tập trung tăng cường hợp tác với các đối tác trong khu vực để nâng cao khả năng phòng vệ tập thể, sẵn sàng ứng phó và hóa giải các thách thức. Bên cạnh đó, các nước đồng minh châu Á cũng cần tăng cường chi tiêu an ninh.
Trong phát biểu của mình, ông Patrick Shanahan cho biết Trung Quốc là đối tác hợp tác lớn nhất, song cũng là nước cạnh tranh lớn nhất của Mỹ. Tuy nhiên, theo ông, cạnh tranh sẽ không dẫn đến đối đầu, cạnh tranh để giúp các bên cùng phát triển, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định và phồn vinh chung tại khu vực. Dẫn chứng về chiếc máy bay Boeing được hình thành từ các chi tiết sản xuất tại rất nhiều nước trên thế giới, ông Patrick Shanahan khẳng định hòa bình và ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng phải được xây dựng từ tổng hợp của mạng lưới quan hệ hợp tác của tất cả các nước trong khu vực.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cũng giới thiệu với các đại biểu tham dự đối thoại một số nội dung liên quan đến kế hoạch tăng cường hợp tác, bố trí lực lượng quân sự và mở rộng quy mô các hoạt động diễn tập đa phương tại khu vực để nâng cao khả năng ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống tại khu vực.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã có cuộc hội đàm bên lề Đối thoại Shangri-La (SLD) lần thứ 18. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo quốc phòng hai nước đối thoại trực tiếp kể từ cuộc gặp tháng 11-2018 tại thủ đô Washington giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là ông James Mattis và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa. Cuộc gặp trên diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung leo thang căng thẳng về thương mại. Ngày 10-5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh áp mức thuế bổ sung, tăng từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, trong thời điểm hai bên đang tiến hành đàm phán. Ông chủ Nhà Trắng thậm chí đe dọa áp thuế 25% đối với toàn bộ hàng hóa còn lại của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ giá trị khoảng 325 tỷ USD, bất chấp những cảnh báo của giới chuyên gia cũng như các đồng minh trong đảng Cộng hòa rằng mức thuế mới có thể khiến Trung Quốc đáp trả và đẩy cuộc chiến thương mại tưởng như sắp kết thúc này leo thang trở lại. Trung Quốc cũng thông báo sẽ tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Mỹ từ ngày 01-6.
Theo người phát ngôn Lầu Năm Góc, lãnh đạo quốc phòng hai nước đã thảo luận về cách thức xây dựng mối quan hệ quân sự nhằm giảm thiểu hiểu nhầm và tính toán sai lầm giữa hai nước. Quyền Bộ trưởng Shanahan đã thảo luận cách thức quân đội hai bên có thể hợp tác tốt hơn trong việc thực thi lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Ông nhận định cuộc gặp kéo dài 20 phút này là "mang tính xây dựng và hiệu quả", đồng thời hy vọng cuộc thảo luận này sẽ là nền tảng cho sự gắn kết trong tương lai.
Trước thềm cuộc gặp, Bộ trưởng Shanahan đã bày tỏ lạc quan rằng quan hệ giữa quân đội hai nước có rất nhiều triển vọng. Ông cũng cho biết sẽ thảo luận với người đồng cấp Trung Quốc về một số đề xuất để cải thiện quan hệ với Bắc Kinh.
Về phần mình, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm nêu rõ trong cuộc thảo luận, hai bên đã đạt được đồng thuận về một số vấn đề cùng quan tâm. Hai Bộ trưởng đã nhất trí sẽ hợp tác trong việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, trong bối cảnh đàm phán Mỹ - Triều đã bị đình trệ sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Hà Nội vào cuối tháng 2 vừa qua./.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Viettel cần đạt mục tiêu đứng trong nhóm 10 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất thế giới vào năm 2025  (01/06/2019)
Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị làm việc tại tỉnh Thái Bình  (01/06/2019)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Thủ tướng Lào  (01/06/2019)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên