Trung tâm sáng tạo phải là nơi khởi nghiệp của nhiều thành phần xã hội
21:40, ngày 04-03-2019
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các nhà tư vấn đã đưa ra ý tưởng về xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia.
Ngày 04-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nghe lãnh đạo một số bộ, ngành, các nhà tư vấn quốc tế về việc hình thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (gọi tắt là NIC).
Với 5 lĩnh vực ưu tiên của Trung tâm này là nhà máy thông minh, nội dung số, an ninh mạng, đô thị thông minh, công nghệ môi trường, trung tâm được kỳ vọng trở thành hạt nhân cho việc thúc đẩy việc phát triển kinh tế đất nước về dài hạn.
Tháng 7-2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia.
Thực hiện chỉ đạo này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập ngay Nhóm nghiên cứu xây dựng Đề án và đồng thời mời Tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group (BCG), Công ty Kiến trúc Arup tham gia hỗ trợ xây dựng đề án.
Nhóm nghiên cứu trong nước và quốc tế cùng nghiên cứu rà soát kinh nghiệm của trên 30 cơ sở hỗ trợ hỗ trợ đổi mới sáng tạo trên thế giới, tìm hiểu các bài học thành công và thất bại của họ.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia là một giải pháp thực hiện chiến lược tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo tiền đề cần thiết để đất nước có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, vươn lên mức thu nhập trung bình cao và cao.
Theo góp ý của các chuyên gia, Việt Nam có lợi thế so với nhiều quốc gia trong khu vực vì có đội ngũ nhân tài số, kỹ sư phần mềm làm việc tại Singapore hay Mỹ chỉ đứng sau Hàn Quốc và Trung Quốc. Do đó, cùng với việc hình thành trung tâm, cần có biện pháp thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao này về Việt Nam.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo không phải chỉ là tòa nhà, không gian làm việc mà phải là biểu tượng về đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái hoàn chỉnh và tốt hơn các quốc gia xung quanh, là nơi làm ra các sản phẩm sáng tạo và có thể chuyển giao vào thực tiễn.
Các cơ chế về thuế, đất đai, thủ tục hành chính liên quan đến đổi mới sáng tạo, cấp bản quyền và thương mại hóa các nghiên cứu phải đảm bảo thuận lợi. Hiện đã có một số tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới tỏ ra quan tâm đến mô hình này của Việt Nam và đây là điều hết sức thuận lợi.
Kinh nghiệm các nước cho thấy, Trung tâm Đổi mới sáng tạo nói riêng và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của họ phát triển rất mạnh mẽ, như tại Singapore, với sự hỗ trợ lớn từ phía Chính phủ. Nếu Việt Nam cũng làm được điều này, lợi ích mang lại về kinh tế là rất lớn.
Lấy ví dụ từ thành công của Hàn Quốc, các chuyên gia cho biết, mỗi năm, nước này thu về 30 tỷ USD doanh thu từ các trung tâm đổi mới sáng tạo, giải quyết việc làm cho 40 nghìn lao động chất lượng cao, kết nối với hàng nghìn công ty với trung tâm. Việt Nam cũng có thể làm được điều này và cần có chính sách tập trung vào một ngành cụ thể mang tính động lực.
Nếu thí điểm thành công Trung tâm này, các chuyên gia cho rằng, cần tạo ra mạng lưới các trung tâm trên toàn quốc và ngành công nghiệp này tương tác với các ngành công nghiệp khác.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng kỳ vọng, Trung tâm này gắn với việc thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Đây sẽ là Trung tâm đầu tiên trong hệ thống các trung tâm và các trung tâm liên quan hiện có sẽ kết nối vào trung tâm này. Trung tâm không sử dụng ngân sách Nhà nước mà huy động nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa. Hiện nhiều doanh nghiệp trong nước cũng thể hiện sự quan tâm đến Trung tâm này.
Các bộ, ngành cho rằng, để khuyến khích Trung tâm hoạt động hiệu quả, Chính phủ cần đi đầu trong sử dụng ứng dụng các sản phẩm đổi mới sáng tạo; đặt hàng các sản phẩm đổi mới sáng tạo. Cho phép các trung tâm đổi mới sáng tạo nước ngoài đã hình thành liên kết với các trung tâm đổi mới sáng tạo trong nước vận hành các trung tâm này.
Bên cạnh đó là cần xã hội hóa nguồn lực đầu tư vào Trung tâm với các cơ chế ưu đãi, thông thoáng. Phải xác định rõ sản phẩm đổi mới đổi mới sáng tạo sẽ phục vụ nền kinh tế ra sao; bám sát vào chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Cũng có lãnh đạo Bộ cho rằng, chỉ nên giới hạn 1 hoặc 3 lĩnh vực ưu tiên đối với Trung tâm đổi mới sáng tạo thay vì 5 lĩnh vực ưu tiên như Đề án, để có trọng tâm, trọng điểm hơn trong đầu tư phát triển.
Sau khi nghe các chuyên gia, các bộ, ngành phát biểu ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh, đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các nhà tư vấn đã đưa ra ý tưởng về xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và các bộ phát biểu ý kiến đều ủng hộ. Thủ tướng tán thành với ý kiến của các bộ, chuyên gia cho rằng, đây là Trung tâm mang tính thí điểm, và nếu thành công có thể nhân rộng ra thành nhiều trung tâm khác.
Cho biết, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia là một điểm nhấn trong Chiến lược triển khai cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc hình thành trung tâm này, có ý nghĩa mở đầu, mang tính dẫn dắt. Đây là trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, có sự khác biệt bằng việc áp dụng triệt để các kinh nghiệm quốc tế, huy động tư nhân hoặc chuyên gia nước ngoài điều hành, thể chế thuận lợi có thể cạnh tranh với các quốc gia khác trên thế giới.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại tính cấp thiết và khả thi của trung tâm để nhanh chóng triển khai; có cơ chế xã hội hóa nguồn lực đầu tư. Thủ tướng tán thành với các đại biểu về việc cần tạo thể chế thuận lợi, thu hút nhân tài về làm việc. Trung tâm phải được kết nối với nhân tài người Việt toàn cầu, kết nối với các doanh nghiệp, các phòng thí nghiệm. Đây phải là nơi khởi nghiệp của nhiều thành phần xã hội.
Để nhanh chóng triển khai, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có lộ trình cụ thể, chặt chẽ, hoàn thiện đề án để sớm phê duyệt. Bộ là đầu mối chịu trách triển khai trước Thủ tướng, Chính phủ về Trung tâm này, trước hết, đây là nơi kết nối, tập hợp nhân tài, tiếp theo là hệ sinh thái khởi nghiệp và các điều kiện khác.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục chỉ đạo các cơ quan tư vấn hoàn thiện, tiếp thu ý kiến của các đại biểu và cho biết Thủ tướng, Chính phủ chờ Đề án hoàn thiện về Trung tâm.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ làm hết sức mình để ủng hộ Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, bởi nếu không có đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ sẽ không thành công, không tận dụng được thời cơ đến với Việt Nam./.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đạt doanh thu 111.800 tỉ đồng trong 2 tháng đầu năm  (04/03/2019)
Thắt chặt quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức  (04/03/2019)
Khởi công xây dựng Khu tưởng niệm Thanh niên xung phong C283  (03/03/2019)
Có khả năng Brexit sẽ bị hoãn đến tháng 6  (03/03/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển