Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, tiếp Chủ tịch Tập đoàn SCG Thái Lan, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế Nhật Bản - Mekong
TCCSĐT - Ngày 26-02, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; tiếp Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn SCG Thái Lan Roongrote Rangsiyopash; tiếp ông Yoichi Kobayashi, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Kinh tế Nhật Bản - Mekong thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI).
* Sáng 26-02, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương chủ trì cuộc họp của Hội đồng, triển khai nhiệm vụ năm 2019.
Cùng dự có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng; lãnh đạo các bộ, ngành là thành viên của Hội đồng.
Theo báo cáo của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương năm qua, Hội đồng đã thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước khen thưởng cho trên 65.700 trường hợp. Trong đó khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp công tác chiếm 21% tổng số cá nhân được khen thưởng.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, công tác thi đua - khen thưởng năm qua kịp thời và truyền thông hiệu quả, đóng góp quan trọng vào kết quả tích cực, toàn diện của đất nước năm 2018. Thủ tướng đánh giá cao kết quả thực hiện các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, cách thức tổ chức trang trọng, thiết thực, tạo không khí sôi nổi trong cả nước.
Thủ tướng nhìn nhận, các phong trào thi đua được triển khai bài bản, đa dạng, có tiêu chí và nội dung rõ ràng, có nhiều đổi mới, sáng tạo, bám sát nhiệm vụ chính trị và được nhân dân hưởng ứng. Các phong trào Thủ tướng và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động tiếp tục được triển khai hiệu quả và đi vào chiều sâu, trở thành nòng cốt định hướng cho các phong trào thi đua cả nước.
Công tác khen thưởng, đã thực hiện đúng quy định, kịp thời thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước và rất ít sơ suất xảy ra.
Về nhiệm vụ năm 2019, Thủ tướng nhắc lại chủ trương 12 chữ của Chính phủ và yêu cầu công tác thi đua khen thưởng cũng phải tập trung, góp phần tạo kết quả là đạt được sự bứt phá và nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ quan trọng như quán triệt tinh thần chủ trương đường lối của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua khen thưởng; đẩy mạnh học tập và làm theo phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh, thiết thực kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Người. Do đó, các phong trào thi đua phải thực hiện thiết thực, hiệu quả, gắn với nhiệm vụ chính trị cơ quan đơn vị. Cùng với đó là đôn đốc kiểm tra, tổ chức phong trào thi đua ở cơ sở.
Thủ tướng giao Bộ Nội vụ cùng Văn phòng Chính phủ hướng dẫn các tiêu chí để phát động thi đua và “đã nói là làm đến nơi đến chốn”; phát động dễ nhớ, dễ thực hiện, cổ vũ tinh thần tận tụy, sáng tạo, đề cao đạo đức công vụ, nói không với tiêu cực, nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác.
Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng có giải pháp, bảo đảm hoạt động tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng được chặt chẽ, không để xảy ra sai phạm, tiêu cực.
Bộ Nội vụ và các cơ quan chức năng tham mưu tổng kết phong trào 10 năm cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, biểu dương khen thưởng các bộ, ngành và địa phương đạt thành tích xuất sắc. Cùng với đó là tập trung chỉ đạo, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, hồ sơ phải đáp ứng yêu cầu, quy trình chặt chẽ, kịp thời biểu dương các tấm gương điển hình tiên tiến, các tấm gương sáng trong xã hội.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo, các thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và cơ quan thường trực của Hội đồng tiếp tục chủ động triển khai các nhiệm vụ được phân công, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, trên tinh thần “bứt phá, hiệu quả”.
** Chiều 26-02, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn SCG Thái Lan.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Tập đoàn đã có các hoạt động đầu tư tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như hóa chất, vật liệu xây dựng và bao bì, đóng góp thiết thực vào mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan.
Nhấn mạnh Việt Nam coi trọng tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Thái Lan, Thủ tướng vui mừng nhận thấy sự phát triển mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị SCG tiếp tục đầu tư tại Việt Nam, thúc đẩy các dự án đang đầu tư, trong đó có Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam bảo đảm đúng tiến độ, hiệu quả, bảo vệ môi trường như cam kết của Tập đoàn và tuân thủ pháp luật của Việt Nam.
Chủ tịch Tập đoàn SCG Roongrote Rangsiyopash trân trọng cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành thời gian tiếp và báo cáo Thủ tướng về tiến độ Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam đang được Tập đoàn triển khai.
Ông cho biết dự án bảo đảm tiến độ và dự kiến đưa vào vận hành năm 2023. Tập đoàn cũng đã chủ động làm việc với các cơ quan chức năng để thúc đẩy tiến độ dự án và bày tỏ cảm ơn các cơ quan chức năng Việt Nam đã hỗ trợ tích cực.
Hiện có khoảng 400 nhà thầu đang thi công dự án, khoảng 60 kỹ sư Việt Nam đang làm việc và ông Rangsiyopash cho biết sẽ đưa các kỹ sư này đi đào tạo chuyên sâu để nâng cao chuyên môn, đáp ứng yêu cầu công việc. Tập đoàn cam kết tiếp tục thi công đúng tiến độ, bảo đảm an ninh, an toàn và bảo vệ môi trường.
Thủ tướng đánh giá cao Tập đoàn quyết tâm bảo đảm tiến độ của dự án, nhất là việc bảo đảm an ninh, an toàn và môi trường trong quá trình triển khai dự án. Thủ tướng nhấn mạnh lọc hóa dầu là lĩnh vực quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam và đề nghị Tập đoàn triển khai đúng tiến độ cam kết, phấn đấu hoàn thành sớm nhất.
Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục kiểm tra tiến độ của dự án này. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư Thái Lan, như cắt giảm các thủ tục đầu tư và điều kiện kinh doanh, giảm chi phí cho nhà đầu tư.
Thủ tướng tin tưởng hoạt động đầu tư kinh doanh của Tập đoàn SGC nói riêng, các nhà đầu tư Thái Lan tại Việt Nam nói chung sẽ tiếp tục thành công, đóng góp vào mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Thái Lan.
** Chiều cùng ngày, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Yoichi Kobayashi, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Kinh tế Nhật Bản-Mekong thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI).
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng nhận thấy quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản đang ngày càng phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, có sự tin cậy cao; tin tưởng mối quan hệ này trong thời gian tới tiếp tục được củng cố và phát triển lên một tầm cao mới. Hai nền kinh tế Việt Nam và Nhật Bản có sự bổ sung, chia sẻ rất lớn.
Ông Yoichi Kobayashi cho biết, đoàn JCCI lần này sang Việt Nam gồm khoảng 30 doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, tài chính... trong bối cảnh hai nước ngày càng thắt chặt quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Đây là điều mà các doanh nghiệp Nhật Bản hết sức phấn khởi; hy vọng thời gian tới, sự hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản được mở rộng mạnh mẽ hơn nữa. Số lượng các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng lên. Ngày càng có nhiều người Việt Nam sang Nhật Bản học tập và nghiên cứu.
Ông cho biết, từ tháng 4 này, Chính phủ sẽ tăng cường tiếp nhận các lao động Việt Nam với visa kỹ năng đặc thù; hy vọng ngày càng có nhiều người Việt Nam sang Nhật Bản học tập và lao động.
Ông cũng thông báo, JCCI đang tích cực hợp tác với các bộ, ngành, cơ quan chức năng, địa phương của Việt Nam để triển khai các biện pháp cụ thể tăng cường hợp tác kinh tế.
Ông đánh giá cao đường lối phát triển kinh tế của Chính phủ Việt Nam, cho rằng, chính sách đang gặt hái những thành quả tốt đẹp. Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, đông đảo với tay nghề cao. Nếu cơ sở hạ tầng Việt Nam phát triển mạnh hơn nữa thì lợi thế về lao động của Việt Nam sẽ được phát huy, đem lại hiệu quả rất lớn.
Việt Nam đang ngày càng trở nên hết sức quan trọng với Nhật Bản; hy vọng hai bên sớm ký kết được Hiệp định RCEP. JCCI sẽ nỗ lực hết sức mình đóng góp vào việc phát triển quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với Việt Nam.
Cảm ơn những ý kiến của ông Yoichi Kobayashi, Thủ tướng đề nghị, JCCI thúc đẩy để Nhật Bản vươn lên dẫn đầu trong số các nước, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam tương xứng mối quan hệ hai nước.
Thủ tướng hoan nghênh ý kiến của JCCI dịch chuyển đầu tư của Nhật Bản từ các nước khác vào Việt Nam và các nước Mekong. Thủ tướng cũng đánh giá cao đóng góp của Ủy ban Hợp tác Kinh tế Nhật Bản - Mekong trong việc thúc đẩy giao lưu kinh tế giữa Nhật Bản và Việt Nam thông qua các hoạt động như cử đoàn khảo sát tìm hiểu chính sách, tổ chức hội thảo, góp ý cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị JCCI tiếp tục tổ chức các đoàn doanh nghiệp thuộc các ngành nông nghiệp. công nghiệp hỗ trợ, công nghệ thông tin, Internet vạn vật (IoT), quy hoạch đô thị, du lịch... sang khảo sát, đầu tư và tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản làm ăn thành công tại Việt Nam. Những kiến nghị của doanh nghiệp Nhật Bản liên quan các cơ chế, chính sách Việt Nam, Thủ tướng khẳng định sẽ giao các bộ, ngành chức năng xem xét, giải quyết./.
Việt Nam góp phần kiến tạo hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên  (27/02/2019)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 18 đến ngày 24-02-2019)  (27/02/2019)
Đổi mới giảng dạy triết học Mác - Lê-nin ở các trường đại học theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII  (27/02/2019)
Điện cảm ơn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi Quốc vương Campuchia  (27/02/2019)
Toàn văn Tuyên bố chung CHXHCN Việt Nam - Vương quốc Campuchia  (27/02/2019)
Đội ngũ y, bác sỹ là những “người anh hùng thầm lặng”  (27/02/2019)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay