Thủ tướng dự Diễn đàn “Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản và lễ khánh thành nhà máy sản xuất nước tinh khiết, thảo dược và hoa quả
* Sáng 22-02, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn “Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 - Thành công, bài học kinh nghiệm; giải pháp bứt phá năm 2019”.
Cùng dự Diễn đàn có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường và khoảng 600 đại biểu là đại diện các bộ, ngành Trung ương, địa phương, đại sứ quán, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội và trên 300 doanh nghiệp.
Theo Bộ NN&PTNT, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam đạt 9,382 tỷ USD, chiếm trên 23% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, giá trị xuất siêu đạt trên 7,1 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á, đứng đầu Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và lâm sản. Thị trường xuất khẩu gỗ, lâm sản ngày càng được mở rộng, đến hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đến nay, cả nước có 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, trong đó 95% là doanh nghiệp tư nhân, 3,5% doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng. Số doanh nghiệp chế biến sản phẩm xuất khẩu đạt trên 1.800 doanh nghiệp, tăng hơn 300 doanh nghiệp so với năm 2017.
Phát biểu tại diễn dàn, Thủ tướng đánh giá cao Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản và các địa phương đã có sáng kiến tổ chức diễn đàn, đây là câu trả lời thiết thực của ngành nông nghiệp đối với chủ trương “bứt phá” của Chính phủ năm 2019.
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đã đứng đầu ASEAN, đứng thứ nhì châu Á và đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu gỗ rừng trồng, với một số sản phẩm có thiết kế mẫu mã tốt, được thị trường khó tính chấp nhận. Việc chuyển giao công nghệ từ các viện, trường, các nhà nghiên cứu đến với sản xuất, thị trường xuất khẩu bước đầu tốt. Đặc biệt, các sản phẩm xuất khẩu, gỗ tiêu dùng ở Việt Nam phần lớn là rừng trồng, từ đó, hạn chế cần thiết gỗ nhập khẩu và nghiêm cấm khai thác gỗ trồng tự nhiên. So với năm 2005, kim ngạch xuất khẩu đã tăng 900%, mức tăng mà không phải ngành nào cũng đạt được.
Tuy vậy, theo Thủ tướng, là nước nông nghiệp nhiệt đới, Việt Nam mới chiếm 6% thị phần thế giới thì đây là mức thấp; sản phẩm đồ gỗ còn chưa đa dạng, hấp dẫn.
Thủ tướng đặt ra một số câu hỏi lớn để ngành chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản tìm câu trả lời. Đó là phát huy thế mạnh rừng và đất rừng thông qua trồng rừng, chế biến lâm sản. Thủ tướng cho biết, ông đã giao Bộ NN&PTNT thảo luận với Bộ Tài chính để tìm ra phương thức hỗ trợ trồng rừng cho các tỉnh có đất trồng rừng, có khả năng là 100.000 tấn gạo để người dân yên tâm, có điều kiện trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc.
Thủ tướng cũng đã đặt hàng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT trong 10 năm tới, Việt Nam phải vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, phấn đấu để Việt Nam trở thành một trung tâm hàng đầu về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ, có thương hiệu uy tín trên thị trường thế giới.
Nhu cầu đồ gỗ của thế giới là 430 tỷ USD, riêng giá trị thương mại nội thất và ngoại thất khoảng 150 tỷ USD. Vậy theo tốc độ phát triển hiện nay thì sau 10 năm nữa, chúng ta có thể chiếm bao nhiêu phần trăm thị phần toàn cầu, có đủ để trở thành một trong những nước đứng hàng đầu và là trung tâm sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản trên thị trường thế giới được không, Thủ tướng đặt vấn đề.
Ngoài ra, còn có những câu hỏi khác như đất ở đâu để trồng rừng, trồng loại cây gì để hiệu quả tốt nhất; công tác thiết kế, nghiên cứu nội thất thế giới có những xu hướng nào để có giá trị gia tăng cao? “Đây là những câu hỏi mà các địa phương cần trả lời. Trồng rừng, chế biến, xuất khẩu gỗ rừng trồng là điều mà tỉnh nào cũng có thể làm được. Vấn đề là việc nghiên cứu, phân công sản xuất cho hợp lý của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, của Bộ NN&PTNT”.
Với tinh thần đó, Thủ tướng trao đổi một số điểm để các đại biểu tham chiếu, tìm lời giải đáp cho các câu hỏi trên.
Đầu tiên là nhận diện đầy đủ về tiềm năng, lợi thế của ngành để phát huy, tận dụng, nắm bắt thời cơ để phát triển bền vững, đạt hiệu quả. Về cơ chế chính sách, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương có nhiều nỗ lực triển khai một số giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Tiếp tục củng cố để có nguồn nguyên liệu đủ lớn, hợp pháp từ rừng trồng cho sản xuất đồ nội thất xuất khẩu, giúp doanh nghiệp liên tục xuất siêu ở mức cao. Đây là cơ sở hình thành bản sắc riêng, niềm tự hào quốc gia.
Về kỹ thuật, công nghệ, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp chế biến gỗ, lâm sản nâng cấp, ứng dụng khoa học công nghệ cao, đổi mới thiết bị sản xuất, thiết kế mẫu mã, mỹ thuật, tận dụng được tối đa nguyên liệu, tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Thủ tướng đề nghị cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế bất cập của ngành chế biến xuất khẩu gỗ, lâm sản để thảo luận và có giải pháp khắc phục. Đó là các vấn đề như: Nhà nước đã có cơ chế đầu tư xứng đáng với tiềm năng, lợi thế của ngành chưa? Chính sách tín dụng nào hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến? Làm sao tạo điều kiện cho người dân trồng rừng, phát triển rừng nguyên liệu? Làm thế nào để có nguồn nguyên liệu chất lượng và hợp pháp? Đặc biệt là tỉ lệ gỗ khai thác rừng trồng để sản xuất sản phẩm thô giá trị thấp hiện nay còn quá cao.
Một vấn đề khác là việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều mặt hàng trong nước hoàn toàn có thể sản xuất được, bảo đảm chất lượng mà vẫn phải nhập khẩu do không có thương hiệu để cạnh tranh ngay cả ở thị trường trong nước. Vấn đề này phải do bộ phận nghiên cứu thị trường trong nước xem xét.
Thủ tướng cũng lưu ý về những bất cập như một số lâm sản giá trị kinh tế cao như sâm Ngọc Linh, quế, hồi, sa nhân, thảo quả và nhiều sản phẩm dưới rừng chưa phát huy được giá trị, chúng ta mới xuất khẩu được rất ít, chủ yếu do chưa xây dựng, phát triển được thương hiệu uy tín với nước ngoài và chế biến chưa tốt.
Việc thực thi pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, lâm sản còn nhiều bất cập, nhất là có những điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng trái phép. Công tác sắp xếp đổi mới các công ty lâm nghiệp còn chậm, nhiều vướng mắc, tranh chấp đất rừng còn gay gắt mà chưa được xử lý dứt điểm.
Về mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ, lâm sản năm 2019 là 11 tỷ USD, Thủ tướng cho là quá thấp và yêu cầu có giải pháp để vượt mức con số này.
“Muốn đi xa thì phải cùng đi”, Thủ tướng nêu rõ, nếu chúng ta chỉ trông chờ vào số lượng các doanh nghiệp như hiện nay thì rất khó sau 10 năm nữa có thể chiếm được thị phần chi phối trên thế giới. Chúng ta phải kêu gọi, phải hợp tác thật nhiều với các doanh nghiệp, các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp tầm trung và cả các doanh nghiệp nhỏ trên thế giới. Chúng ta cần biến Việt Nam trở thành một công xưởng của thật nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu đồ gỗ. Làm như vậy chúng ta mới có thể thực hiện được khát vọng đưa ngành chế biến lâm sản Việt Nam tiến bước xa hơn.
** Chiều 22-02, tại huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, Thủ tướng đã dự lễ khánh thành nhà máy sản xuất nước tinh khiết, thảo dược và hoa quả Núi Tiên và phát động hưởng ứng Tết trồng cây tại quê hương Bác Hồ.
Nhà máy do Tập đoàn TH đầu tư với tổng vốn 1.177 tỷ đồng, sử dụng dây chuyền Aseptic để sản xuất các loại nước hoa quả, sữa gạo, sữa trái cây, thức uống thảo dược… Với tổng công suất 76.000 chai/giờ, đây là nhà máy có công suất lớn nhất khu vực miền Trung.
Khi đi vào hoạt động, nhà máy dự kiến sẽ tạo việc làm cho hơn 300 lao động, doanh thu năm 2019 dự kiến đạt 340 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách địa phương khoảng 34 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ biến đổi khí hậu đang ngày càng đe dọa trực tiếp đến sản xuất truyền thống. Nhiều năm qua, chủ trương kêu gọi đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã được Chính phủ cùng các bộ, ngành và các địa phương rất chú trọng và tạo nhiều điều kiện thuận lợi.
Miền Tây Nghệ An rất rộng, chiếm trên 83% diện tích của tỉnh, là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế tự nhiên, phong phú, đất đai màu mỡ, lực lượng lao động dồi dào, rất thuận lợi cho phát triển cây dược liệu, nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh đã có các dự án nông nghiệp công nghệ cao rất sớm. Việc đầu tư phát triển các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chế biến các sản phẩm từ nông sản, cây dược liệu, đảm bảo tốt an toàn thực phẩm sẽ góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của miền Tây Nghệ An nói riêng và tỉnh nói chung.
Trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, Nghệ An không được phép “đi trước, về sau” trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 5-7% diện tích đất canh tác nông nghiệp được ứng dụng công nghệ cao, tỉ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 15% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhà. Đến năm 2030, phấn đấu đưa giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 50% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Thủ tướng đánh giá Tập đoàn TH đã đóng góp tạo ra sự thay đổi lớn cho thị trường Việt Nam. Đến nay, Tập đoàn đã chiếm 38% thị phần sữa tươi Việt Nam, là Tập đoàn điển hình về tái cơ cấu nông nghiệp thành công trong hội nhập quốc tế sâu rộng của nước ta.
Theo Thủ tướng, nhà máy nước tinh khiết, thảo dược và hoa quả Núi Tiên do Tập đoàn TH đầu tư xây dựng và triển khai phù hợp với chiến lược quốc gia về an toàn thực phẩm, chiến lược quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường.
Để khai thác, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, đồng thời tạo bứt phá cho nông nghiệp Nghệ An, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn TH thực hiện vận hành thương mại hiệu quả, an toàn nhà máy vì sức khỏe cộng đồng, đồng thời thực hiện tốt chuỗi giá trị trong liên kết sản xuất nông nghiệp, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, góp phần nâng cao đời sống của công nhân và nhân dân địa phương.
Các cấp, các ngành tỉnh Nghệ An quan tâm, tạo điều kiện để Tập đoàn TH tiếp tục nghiên cứu, đầu tư các dự án trên địa bàn. Tỉnh nhà cần dành nguồn lực hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, có cơ chế hỗ trợ bán hàng theo chuỗi cho các doanh nghiệp.
Các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách, các quy định của pháp luật liên quan phát triển nông nghiệp công nghệ cao, minh bạch hóa thị trường sữa, đồ uống, hỗ trợ tỉnh Nghệ An thu hút các dự án đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng Bắc Trung Bộ theo Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị.
Sau lễ khánh thành, lễ phát động Tết trồng cây Xuân Kỷ Hợi 2019 trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được tổ chức ngay tại khuôn viên nhà máy./.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Tổng Giám đốc Ngân hàng MUFG (Nhật Bản)  (23/02/2019)
Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 22-02  (23/02/2019)
Thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào  (21/02/2019)
Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (21/02/2019)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên