Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phát động Tết trồng cây Xuân Kỷ Hợi 2019
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, năm 2018, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, nguồn vốn ngân sách đầu tư cho phát triển rừng còn hạn chế, ngành lâm nghiệp đạt được kết quả cao và toàn diện, nhiều chỉ tiêu chủ yếu vượt kế hoạch đề ra.
Cả nước trồng được trên 231.000ha rừng tập trung (vượt 18,7% kế hoạch) và trên 63 triệu cây phân tán (vượt 27,7% kế hoạch); khoán quản lý bảo vệ 6,5 triệu ha rừng; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng 386.000ha.
Giá trị xuất khẩu lâm sản vượt ngưỡng 9,3 tỷ USD, xuất siêu 7 tỷ USD; thu chi trả dịch vụ môi trường rừng 2.860 tỷ đồng; giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 6,10%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,65%.
Những thành quả của ngành lâm nghiệp góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, có ý nghĩa kinh tế, xã hội và nhân văn sâu sắc.
Trong thời gian tới, các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp trọng tâm nhằm tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của rừng và đất lâm nghiệp, thực hiện thắng lợi “Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020” với mục tiêu: Nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng.
Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng bình quân hàng năm 6,0%; kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 10,5 tỷ USD và nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 41,85% trong năm 2019, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Cụ thể là tăng cường phổ biến, tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp, bảo đảm các quy định pháp luật về lâm nghiệp được áp dụng đồng bộ, thống nhất, phát huy hiệu quả trên thực tiễn.
Các địa phương, đơn vị có kế hoạch tổ chức trồng cây, trồng rừng, phân khai Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 ngay từ những ngày đầu năm 2019; tổ chức tốt việc chăm sóc, quản lý bảo vệ cây trồng, phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô hanh; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng, thực hiện nghiêm túc chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên; tiếp tục cải cách hành chính và phương thức quản trị để tạo môi trường phát triển thuận lợi, cạnh tranh lành mạnh thu hút đầu tư vào lâm nghiệp theo hướng xã hội hóa...
Yên Bái là tỉnh miền núi phía Tây Bắc, điều kiện kinh tế, xã hội còn khó khăn; nhưng có nhiều lợi thế phát triển lâm nghiệp, phát triển cây đặc sản, văn hóa đặc sắc. Đồng bào các dân tộc Yên Bái luôn khát vọng vươn lên, có truyền thống lao động cần cù, sáng tạo.
Năm 2018, tỉnh cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh đã đề ra. Trong đó, lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục có chuyển biến tích cực, tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,2%; trồng rừng đạt 15.443ha (103% kế hoạch); công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng được quan tâm thực hiện hiệu quả, tỷ lệ che phủ rừng đạt 63%...
Phát biểu tại Lễ phát động, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Cách đây gần 60 năm, ngày 28-11-1959, với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã viết bài đăng trên báo Nhân Dân với nhan đề "Tết trồng cây," phân tích ý nghĩa to lớn và lợi ích thiết thực của việc trồng cây, gây rừng đối với đất nước, gia đình và mỗi người dân.
Người chỉ rõ: "Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều;" "Đó cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người, từ các cụ phụ lão đến các cháu nhi đồng, đều có thể hăng hái tham gia."
Cuối năm Kỷ Hợi (1959), Người kêu gọi toàn dân hưởng ứng một tháng trồng cây, gọi là Tết trồng cây; khuyên nhân dân cần duy trì bền bỉ Tết trồng cây.”
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, toàn dân ta đã thực hiện Tết trồng cây đầu tiên trong dịp Tết nguyên đán Canh Tý (1960). Từ đó tới nay, Tết trồng cây theo lời Bác đã thực sự mang lại lợi ích to lớn cho đất nước và trở thành một tập quán tốt đẹp của nhân dân ta trong những dịp tết đến xuân về.
Trồng cây, trồng rừng đã góp phần quan trọng trong việc chủ động phòng, chống thiên tai, điều hoà khí hậu, cải thiện môi trường sinh thái, làm đẹp thêm cảnh quan thiên nhiên, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh hiện nay, đất nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Mỗi năm đất nước phải dành một diện tích đáng kể để phát triển công nghiệp, đô thị.
Cùng với quá trình này, chất lượng môi trường cũng đang ngày càng suy giảm đến mức báo động, những ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, sự nóng lên của trái đất và nước biển dâng là một trong những thách thức môi trường lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21.
Những năm qua, thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan đang gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, để lại hậu quả rất nặng nề. Phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên đã trở thành một xu thế chủ đạo, yêu cầu sống còn của mỗi quốc gia-dân tộc.
Trong bối cảnh đó, việc trồng cây, gây rừng càng trở nên cần thiết, có ý nghĩa to lớn. Trồng thêm cây xanh sẽ góp phần khắc phục sự tàn phá, khai thác rừng bừa bãi, chống xói mòn, hạn chế lũ lụt; tạo ra một tiềm năng của cải vật chất to lớn cho đời sống của mỗi gia đình và xã hội.
Đối với các thành phố, trung tâm công nghiệp, trồng thêm cây xanh còn góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, giữ cho không khí trong lành.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, các cấp, các ngành, các địa phương, toàn thể đồng bào, đồng chí hãy hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng; người người trồng cây, nhà nhà trồng cây, trồng cây nào, tốt cây đó; đồng thời nâng cao ý thức và có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái phép; tăng cường đầu tư, ứng dụng khoa học-công nghệ, tạo cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế rừng bền vững.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tin tưởng rằng với khí thế mới, quyết tâm mới, "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Kỷ Hợi 2019 sẽ đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, góp thêm hương sắc cho đất Việt mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững như di nguyện thiêng liêng của Bác Hồ: "Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân."
Ngay sau Lễ phát động, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu có mặt, đồng chí, đồng bào địa phương tham gia Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ Xuân Kỷ Hợi 2019, tại xã Việt Cường, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn phú Trọng, Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam đã trao 200 suất quà tặng đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã đến thăm, tặng quà gia đình bác Văn Hữu Khanh, thương binh 1/4, tại xã Việt Cường, huyện Trấn Yên; mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Lô tại xã Văn Phú, thành phố Yên Bái.
Đồng tâm, đồng chí, đồng ý, đồng lòng - nhân tố cực kỳ quan trọng để phát triển đi lên
Tiếp đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gặp mặt thân mật cán bộ chủ chốt, chúc Tết Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà đã báo cáo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về tình hình, kết quả ba năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh và công tác chăm lo Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Đến nay, cơ bản các chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh đều bảo đảm tiến độ, trong đó 5/21 chỉ tiêu đã vượt mục tiêu. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, bình quân 3 năm đạt 6,38%, chất lượng tăng trưởng được nâng lên.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ. GRDP bình quân đầu người năm năm 2018 đạt 33,6 triệu đồng, tăng 8,6 triệu đồng so với năm 2015.
Yên Bái tập trung xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới trên cơ sở khai thác, tận dụng tối đa lợi thế của từng vùng, từng địa phương; tỷ lệ che phủ rừng đạt 63%, xếp thứ 4 trong cả nước. Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2016-2018 đạt gần 4,4%/năm (cao hơn giai đoạn trước).
Đến nay, toàn tỉnh có 46 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 29% tổng số xã của tỉnh, vượt 84% mục tiêu Nghị quyết Đại hội; phấn đấu năm 2019 có 64 xã và 01 huyện (Trấn Yên) đạt tiêu chí nông thôn mới. Đồng thời, Yên Bái quan tâm phát triển công nghiệp theo hướng nhanh, bền vững, hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường, coi đây là khâu đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; đẩy mạnh phát triển đồng bộ thương mại, dịch vụ, du lịch, tạo động lực mới cho phát triển.
Đảng bộ, chính quyền các cấp luôn quan tâm chăm lo phát triển đồng bộ, hài hòa kinh tế với văn hóa-xã hội, nâng cao dân trí và đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Công tác xây dựng Đảng được đặc biệt quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực...
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thân ái gửi tới toàn thể Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân dịp Xuân mới Kỷ Hợi 2019.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước hoan nghênh Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Yên Bái phối hợp tổ chức Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, mở đầu phong trào trồng cây gây rừng trong cả nước nhân dịp Xuân mới Kỷ Hợi 2019. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong điều kiện đất nước ta đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp tác động bất lợi đến sản xuất và đời sống của nhân dân, tình trạng phá rừng vẫn diễn ra nghiêm trọng...
Được chọn là nơi phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ Xuân Kỷ Hợi 2019, Yên Bái cần phát huy vai trò gương mẫu, làm thật tốt công tác trồng cây gây rừng để các địa phương khác cùng hưởng ứng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước vui mừng trước những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Yên Bái đạt được thời gian qua, đặc biệt là trong năm 2018. Những thành tựu đó đạt được có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân đầu tiên là sự đoàn kết thống nhất, đồng tâm, đồng chí, đồng ý, đồng lòng, đây là nhân tố cực kỳ quan trọng, bài học sâu sắc để tiếp tục phát triển đi lên.
Nhớ lại đầu nhiệm kỳ, Yên Bái gặp không ít khó khăn, xảy ra sự cố không ai mong muốn, trong đó có yếu tố khách quan, nhưng chủ quan cũng có những cái phải rút kinh nghiệm. Nhưng rất mừng là Yên Bái đã nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định tình hình và đạt được nhiều kết quả thành tựu như vừa qua.
Bộ mặt nông thôn, thành thị, điện, đường, trường, trạm có nhiều đổi mới, nhà cao tầng mọc lên, đường nhựa đến xã, bản. Chiều sâu đằng sau những đổi thay đó là nội bộ đoàn kết tốt, cách làm ăn bài bản.
Vấn đề đặt ra là Yên Bái phải tiếp tục phát huy truyền thống, kinh nghiệm đã có, truyền thống anh hùng, cần cù lao động, sáng tạo, tiếp tục khắc phục khó khăn, không được bằng lòng, chủ quan, để phấn đấu vươn lên mạnh mẽ hơn nữa. Bởi đất nước còn nhiều khó khăn, Yên Bái vẫn là tỉnh miền núi nghèo.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng, với nền tảng, cơ sở đã có, với tinh thần quyết tâm cao, sự hỗ trợ giúp đỡ của Trung ương, Yên Bái nhất định sẽ có bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chúc Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái tiếp tục phấn đấu, năm 2019 đạt kết quả tốt hơn năm 2018 trên tất cả các phương diện./.
Hơn 47.000 lượt người vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh dịp Tết  (10/02/2019)
Bứt phá ngay từ những ngày đầu, tháng đầu  (10/02/2019)
Tưng bừng khai hội đầu xuân  (10/02/2019)
Tổng Giám đốc IMF cảnh báo nền kinh tế Anh sẽ lao dốc sau Brexit  (10/02/2019)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay