Hòa Bình cần tận dụng Thủ đô để phát triển
TCCSĐT - Ngày 11-12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác của Chính phủ đã tới thăm và làm việc tại tỉnh Hòa Bình; tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018.
* Sáng 11-12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác của Chính phủ đã tới thăm và làm việc tại tỉnh Hòa Bình - địa phương từng được biết đến là cái nôi của người Việt cổ với nền văn hóa 4 Mường: Bi, Vang, Thàng, Động. Vùng đất này còn là địa danh gắn liền với nhiều truyền thuyết độc đáo và hấp dẫn như: Sử thi “Đẻ đất, Đẻ nước”, truyền thuyết ông Đùng, bà Đà, Út Lót - Hồ Liêu... và một tiềm năng to lớn cho phát triển du lịch.
Hòa Bình có 4 khu bảo tồn thiên nhiên nổi tiếng là Ngọc Sơn - Ngổ Luông; Thượng Tiến; Hang Kia - Pà Cò, và Pu Canh với hệ động, thực vật phong phú là tài nguyên lớn để phát triển du lịch sinh thái. Đặc biệt, Hòa Bình có khu hồ sông Đà là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia (DLQG). Ngoài ra, Mai Châu cũng được xác định quy hoạch điểm du lịch quốc gia. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có 296 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được quản lý bảo vệ, trong đó có hơn 70 hang động chứa đựng những di chỉ khảo cổ của nền Văn hóa Hòa Bình.
Mặc dù hội tụ nhiều điều kiện phát triển kinh tế, song báo cáo với Thủ tướng và Đoàn công tác tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Hòa Bình, lãnh đạo địa phương cho biết, so sánh với cả nước, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2018 (8,36%), Hòa Bình đứng ở vị trí thứ 19; tỷ lệ hộ nghèo còn 14,9% cao thứ 12 cả nước. Tổng khách du lịch đến tỉnh Hòa Bình trong năm 2018 ước đạt 2.550.000 lượt khách (trong đó, khách quốc tế 310.000 lượt; khách nội địa 2.240.000 lượt); thu nhập ước đạt 1.464 tỷ đồng.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 3.400 tỷ đồng, vượt 22% dự toán nhưng tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 12.160 tỷ đồng.
Cùng với đó, diễn biến bất thường của thời tiết đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, đến sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi và đời sống của nhân dân trong tỉnh. Công tác quản lý đất đai còn một số hạn chế, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép còn xảy ra. Chất lượng giáo dục chuyển biến không nhiều và có sự chênh lệch giữa các vùng; đặc biệt để xảy ra vi phạm nghiêm trọng việc thực hiện Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia. Vụ án sự cố y khoa nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình chưa được giải quyết xong.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Trung ương, Chính phủ luôn quan tâm đến sự phát triển cũng như những vấn đề nảy sinh tại Hòa Bình. Thủ tướng đánh giá, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền Hòa Bình đã đạt được những thành tựu phát triển toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội; GDP bình quân đầu người tiệm cận bình quân cả nước; các lĩnh vực văn hóa, xã hội có chuyển biến tích cực; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Thủ tướng nhấn mạnh, với tư cách là địa phương nằm trong Vùng Thủ đô, cách Hà Nội 30km, Hòa Bình có lợi thế đặc biệt “cần tận dụng Thủ đô để phát triển” chứ không nên so sánh với các tỉnh Tây Bắc khác.
Nhận xét về những yếu kém, tồn tại của tỉnh, Thủ tướng chỉ rõ, quy mô sản xuất kinh doanh nội địa còn nhỏ, nội lực các doanh nghiệp trên địa bàn còn nhỏ hoặc siêu nhỏ. Thu hút đầu tư nước ngoài còn ở mức “rất khiêm tốn”, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Đáng chú ý, chỉ số PCI của tỉnh thường xuyên nằm ở nhóm sau các tỉnh, thành phố trong cả nước. Bên cạnh đó, thiên tai bão lũ cũng là vấn đề lớn ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân trên địa bàn. Thủ tục hành chính, công tác thanh, kiểm tra vẫn còn gây phiền hà cho doanh nghiệp.
“Con người, đất đai, núi đồi, sông nước, đặc biệt là văn hóa của đồng bào là thế mạnh” để Hòa Bình phát triển lâu dài”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh và đề nghị tỉnh chú trọng phát triển thành một địa phương du lịch thực sự, khai thác tốt nguồn tài nguyên giàu có này; đồng thời khắc phục tình trạng yếu kém về hạ tầng du lịch như hiện nay.
Đặc biệt tỉnh cần quan tâm phát triển lâm nghiệp gắn với chế biến gỗ xuất khẩu, góp phần vào mục tiêu đưa Việt Nam thành trung tâm sản xuất đồ gỗ của thế giới. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sạch, hữu cơ; phát triển công nghiệp địa phương.
Để đạt được các mục tiêu này, Thủ tướng chỉ đạo Hòa Bình cần chú trọng khâu hoàn thiện quy hoạch tầm cỡ, mang tính bền vững; thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng, chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, mở rộng khả năng tiếp cận thị trường, nhất là các khu vực như: Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Miếu Môn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Tỉnh cũng cần có chương trình phòng, chống thiên tai, đặc biệt là những vùng có nguy cơ cao. Tại buổi làm việc Thủ tướng cũng giao EVN phối hợp với các bộ liên quan nghiên cứu vùng chân đập sông Đà bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nhân dân các vùng lân cận trong điều kiện cực đoan của thời tiết.
Thủ tướng yêu cầu Hòa Bình khắc phục những tồn tại trong quản lý, điều hành, nhất là nâng cao chỉ số cạnh tranh; khắc phục bằng được tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. “Chuẩn bị một tinh thần tiến công trong việc thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Nghị quyết 01 của Chính phủ sắp được ban hành”, Thủ tướng đề nghị.
Về những kiến nghị của địa phương, Thủ tướng chỉ đạo phát huy tinh thần “cái gì phân cấp được cho địa phương thì để địa phương làm”. Thủ tướng đề nghị tỉnh cần chủ động rà soát, bãi bỏ các quy hoạch không còn phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch; triển khai các dự án đầu tư phát triển và sản xuất kinh doanh theo các tiêu chí sẵn có của pháp luật.
** Chiều cùng ngày, tại thành phố Hòa Bình, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Quang trao Quyết định cho 9 nhà đầu tư thực hiện 9 dự án và ký Bản ghi nhớ đầu tư với 15 nhà đầu tư, thực hiện 19 dự án trên địa bàn tỉnh với tổng số vốn đăng ký lên tới 94.000 tỷ đồng, tương đương 8 tỷ USD.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước biểu dương tỉnh Hòa Bình, trong những năm qua, với sự cố gắng của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được kết quả đáng ghi nhận. Tăng trưởng kinh tế ước đạt 8,36%, đứng thứ 2 khu vực Tây Bắc, thứ 4 khu vực Trung du miền núi phía Bắc, thứ 19 của cả nước; các lĩnh vực xã hội được bảo đảm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Hòa Bình là bông hoa đẹp của vùng Thủ đô, nằm ở vị trí cầu nối giữa khu vực Tây Bắc và đồng bằng Bắc Bộ; còn giữ được môi trường tương đối tốt, phong cảnh thiên nhiên hữu tình. Văn hóa đa dạng, phong phú là điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa mà ít địa phương có được. Với trên 65% diện tích tự nhiên là đất lâm nghiệp, hàng năm cung cấp khoảng 400.000 m3 gỗ là điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển các nhà máy chế biến gỗ, góp phần từng bước đưa Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất đồ gỗ và nội thất.
Thủ tướng Chính phủ kỳ vọng Hòa Bình sẽ tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có, từng bước khắc phục những bất cập để phát triển, vươn mình trở thành đầu tàu kinh tế vùng Tây Bắc và hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVI, cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Để đạt được điều đó, Thủ tướng đề nghị tỉnh Hòa Bình nên xác định tầm nhìn lớn, đủ sâu, đủ rộng trong phát triển và tập trung vào bốn mũi nhọn: Phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa; nghỉ dưỡng; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông sản địa phương có lợi thế cạnh tranh để cung cấp cho vùng Thủ đô và xuất khẩu; phát triển công nghiệp tại những khu vực được quy hoạch, trong đó đặc biệt quan tâm tới vấn đề môi trường để không làm ảnh hưởng tới phát triển du lịch; phát triển đô thị sinh thái gắn với cảnh quan thiên nhiên và bản sắc dân tộc.
Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh phải tạo được môi trường sản xuất kinh doanh, đầu tư hết sức thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn các nhà đầu tư, coi thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh, ngược lại thất bại của doanh nghiệp cũng là thất bại của tỉnh. Chính quyền phải đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nghiệp thấy an tâm khi đầu tư tại tỉnh Hòa Bình. Tỉnh khẩn trương lập và phê duyệt quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch năm 2019, phải có bản quy hoạch chất lượng, khoa học để làm cơ sở trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn, bài bản, tránh tình trạng quy hoạch manh mún, chồng chéo, bất hợp lý, phải điều chỉnh khi thực hiện như ở một số địa phương khác. Đảm bảo phát triển kinh tế đi đôi với công bằng xã hội, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm để mọi người dân đều được hưởng thành quả của phát triển, được đón nhận cơ hội và không để ai bị bỏ lại phía sau, nhất là đồng bào vùng cao, người dân tộc thiểu số.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách và một số công trình hạ tầng quan trọng cho tỉnh Hòa Bình nhằm thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình cần rà soát lại những chỉ đạo, công việc có liên quan để cải thiện, phấn đấu, có chính sách phát triển đồng bộ. Cùng với đó là sự đồng hành của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh cho biết: Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc, kinh tế của tỉnh luôn giữ mức tăng trưởng khá, giai đoạn 2011 - 2015 đạt bình quân 8%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Quy mô GRDP năm 2018 đạt khoảng 40.643 tỷ đồng; GRDP bình quân đạt 48,03 triệu đồng/người; thu ngân sách đạt 3.325 tỷ đồng, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Thực hiện quan điểm, chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Hòa Bình đang từng bước xây dựng chính quyền kiến tạo, liêm chính, hành động, lấy doanh nghiệp và nhân dân là đối tượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh và phát triển, bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.800 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 36.000 tỷ đồng; có 546 dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, trong đó có 38 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 702 triệu USD; 508 dự án trong nước, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 66.857 tỷ đồng. Số dự án đã đi vào sản xuất kinh doanh chiếm gần 50%, hàng năm đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 440 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho khoảng 28.100 người, góp phần quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh./.
Tập đoàn Clermont mong muốn có nhiều đóng góp tại Việt Nam  (11/12/2018)
“Điểm tựa của bản làng” - Chương trình tôn vinh người tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số trên toàn quốc lần đầu tiên  (11/12/2018)
Phiên họp thứ 29 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội  (11/12/2018)
Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố chín Luật  (11/12/2018)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên