TCCSĐT - Theo chương trình, ngày 19-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về một số vấn đề.

* Sáng 19-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo tổng hợp của Chính phủ, báo cáo của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn.

Các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến kết kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khoá XIV yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020; tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các lĩnh vực công thương, tài nguyên và môi trường, giáo dục và đào tạo, nội vụ, nông nghiệp và phát triển nông thôn, văn hóa, thể thao và du lịch, y tế, kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng, thông tin và truyền thông.

Ngoài ra, Quốc hội giao Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo việc nâng cao chất lượng kiểm tra, xử lý tội phạm để hạn chế mức thấp nhất việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, nhất là đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng.

Chuyển biến rõ rệt trong việc thực hiện các nội dung giám sát, chất vấn

Theo báo cáo của Chính phủ, xác định những nhiệm vụ đã cam kết tại các phiên chất vấn qua các kỳ họp có ảnh hưởng lớn trong chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra.

Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ với kế hoạch rõ ràng, phân công cụ thể, thống nhất hành động, sâu sát thực tiễn, giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm và vấn đề phát sinh theo thẩm quyền, đề cao vai trò của Bộ trưởng, thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công, tạo sự thống nhất, minh bạch trong thực hiện nhiệm vụ.

Cũng theo báo cáo, bên cạnh những kết quả đạt được, còn những hạn chế, tồn tại mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thẳng thắn nhìn nhận để có giải pháp kịp thời khắc phục. Chất lượng xây dựng thể chế còn một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu; việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh còn chậm; công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan chưa hiệu quả; công tác quản lý, điều hành một số ngành, lĩnh vực còn bất cập nhưng chậm được khắc phục.

Những tồn tại, hạn chế một phần do nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, thiếu quyết liệt trong triển khai nhiệm vụ, kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, chưa làm hết trách nhiệm, tổ chức bộ máy một số cơ quan chưa thực sự tinh gọn, thể chế về công tác cán bộ còn bất cập nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, chính quyền địa phương một số nơi chưa sâu sát thực tiễn, chưa chủ động theo dõi, nắm tình hình, còn bị động, bất ngờ trong xử lý tình huống phát sinh, công tác thông tin tuyên truyền định hướng dư luận xã hội còn hạn chế.

Chủ nhiệm, Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết thêm, tất cả trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, ý kiến cử tri của Chính phủ, các bộ được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Đồng thời, Văn phòng Chính phủ, các bộ phối hợp với Quốc hội thường xuyên rà soát những nội dung Quốc hội yêu cầu, ý kiến chất vấn của cử tri, doanh nghiệp.

Tại phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đánh giá, thời gian qua, tất cả các thành viên Chính phủ, từ Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng đã quan tâm thực hiện các nội dung của Nghị quyết, giám sát của Quốc hội rất sát sao, đáp ứng được mong muốn của người dân về một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động.

Đáng chú ý, công tác rà soát việc thực hiện các lời hứa của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội đã khắc phục được nhiều vấn đề cử tri nêu lên rất nhiều trước đây, nhất là về vấn đề hậu giám sát.

“Trước đây việc xem xét, rà soát kết quả thực hiện các nội dung giám sát còn chưa bài bản. Nhưng thời gian qua, vấn đề này đã chuyển biến rõ rệt, nhất là về mặt trách nhiệm trả lời, giải quyết các chất vấn của các bộ trưởng. Đến nay, gần 100% câu hỏi của cử tri được tổng hợp trước và sau kỳ họp thứ 5 đã được các bộ trưởng trả lời” - Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội cho biết.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đánh giá, những nội dung các Nghị quyết của Quốc hội, những phản ánh của cử tri, chất vấn của các đại biểu Quốc hội đều được Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm thực hiện, tỷ lệ giải quyết đạt nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, ông Phan Thanh Bình nhấn mạnh, vấn đề đại biểu mong muốn là “nhìn thấy quyết sách, đường đi của Chính phủ, các bộ, ngành về những hành động trọng tâm để thực hiện các nghị quyết”.

“Mỗi nghị quyết này liên quan đến một mảng về phát triển kinh tế - xã hội, nên vấn đề đặt ra là Chính phủ triển khai như thế nào? Vì trong điều kiện hiện nay thách thức rất lớn, do đó các Nghị quyết không đợi chúng ta đầy đủ hết các điều kiện thực hiện, không chờ bộ máy của chúng ta hoàn chỉnh và không đợi chúng ta có những yếu tố thuận lợi để triển khai nghị quyết” - ông Phan Thanh Bình nói.

Cải cách thủ tục hành chính để tạo dư địa cho tăng trưởng

Theo báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về thực hiện Nghị quyết số 43/2017/QH14 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020, việc phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương đã hợp lý hơn. Công tác thanh, kiểm tra, xử lý phòng chống ngộ độc thực phẩm được triển khai quyết liệt, đồng bộ. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được đổi mới. Việc kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc đã giảm.

Tuy nhiên, việc kiểm soát thực phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc còn hạn chế; tình hình buôn lậu thực phẩm qua biên giới diễn biến phức tạp. Tình trạng làm giả giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực thực phẩm vẫn diễn ra. Tử vong do ngộ độc rượu và độc tố tự nhiên chiếm tỷ lệ cao.

Việc thực hiện Nghị quyết số 56/2017/QH14 về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, theo báo cáo thẩm tra, về cơ bản, nhiều nội dung về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả đã được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Tuy nhiên, việc tinh giản biên chế mới chỉ tập trung về số lượng mà chưa chú trọng tới chất lượng và vị trí việc làm.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Chủ nhiệm, Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, vấn đề cải cách hành chính được Chính phủ thực hiện với tinh thần quyết liệt để tạo dư địa cho tăng trưởng. Trong số 5.623 điều kiện kinh doanh, đến nay đã cắt giảm 968 điều kiện, tinh thần sẽ cắt giảm thêm 2.826 điều kiện nữa. Tức là 3.794/5.623 điều kiện kinh doanh sẽ được cắt giảm. Một số bộ, ngành đã tiên phong trong cải cách, tiến hành cắt giảm sớm các điều kiện. Nghị quyết 01/NQ-CP 2018 của Chính phủ cũng yêu cầu trong năm 2018 cắt giảm được 50% thủ tục hành chính và những thủ tục liên quan, định hướng tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội cũng đánh giá việc thực hiện các chuyên đề và chất vấn đối với lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Trong đó, nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết đã được Tòa án nhân dân tối cao rất chú trọng. Tranh tụng tại phiên tòa ngày càng được chú trọng hơn; Thực hiện nghiêm nguyên tắc độc lập trong xét xử, kiên quyết trả hồ sơ khi phát hiện thiếu chứng cứ hoặc có sai sót về tố tụng. Đối với các vụ án hình sự, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội.

Các vụ án lớn, đặc biệt là các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được khẩn trương đưa ra xét xử; các biện pháp để tăng cường thu hồi tài sản do phạm tội đã được chú trọng áp dụng. Đối với các vụ, việc dân sự, tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành công đạt cao; số vụ việc dân sự được Tòa án nhân dân các cấp giải quyết tăng; tỷ lệ các bản án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm. Hầu hết các vụ án hành chính bảo đảm thời hạn luật định, việc tổ chức đối thoại được chú trọng.

Tuy nhiên, việc giao, gửi các văn bản tố tụng của một số Tòa án Nhân dân chưa bảo đảm thời gian luật định. Công tác giải quyết, xét xử vụ án hành chính tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ bản án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan mặc dù giảm nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tích cực triển khai nhiều biện pháp để thực hiện các yêu cầu tại Nghị quyết của Quốc hội như tăng cường công tố trong điều tra, gắn công tố với điều tra; tăng cường hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra hoạt động nghiệp vụ; xây dựng, hoàn thiện Quy chế nghiệp vụ, Quy chế phối hợp giữa các đơn vị trong nội bộ ngành và giữa các cơ quan tư pháp. Chất lượng hoạt động điều tra, kiểm sát hoạt động điều tra và truy tố tiếp tục được tăng cường, số lượng, chất lượng các bản yêu cầu điều tra được nâng lên. Các trường hợp đình chỉ do bị can không phạm tội giảm.

Tuy nhiên, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự của ngành Kiểm sát nhân dân còn một số hạn chế. Số vụ án phải trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung còn cao.

** Chiều 19-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch. Vấn đề còn gây nhiều ý kiến băn khoăn trong phiên thảo luận là sự tồn tại của quy hoạch xây dựng tỉnh.

Gộp quy hoạch tỉnh và quy hoạch xây dựng tỉnh có thể dẫn đến nhiều hệ lụy

Theo Tờ trình của Chính phủ, để bảo đảm đồng bộ thống nhất với quy định của Luật Quy hoạch, sửa đổi Luật Xây dựng theo hướng xác định rõ các loại quy hoạch xây dựng. Quy hoạch xây dựng bao gồm quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch xây dựng tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện; phân cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng tỉnh cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh phê duyệt sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng. Nội dung quy hoạch xây dựng tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện do Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm thống nhất, tránh trùng lắp với nội dung quy hoạch tỉnh trong Luật Quy hoạch.

Ủy ban Kinh tế nhìn nhận, dự thảo Luật trình lần này đã được chỉnh lý theo hướng vẫn giữ quy hoạch xây dựng tỉnh như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 nhưng giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung đồ án quy hoạch xây dựng tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện và quy hoạch xây dựng vùng huyện để cụ thể hóa nội dung quy hoạch tỉnh. Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch này sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng. Nội dung này có hai loại ý kiến: Ý kiến thứ nhất thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và dự thảo Luật về quy hoạch xây dựng bao gồm quy hoạch xây dựng tỉnh.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, cần bãi bỏ quy hoạch xây dựng tỉnh và phương án chỉnh lý lần này vẫn không thuyết phục bởi trên cùng một phạm vi lãnh thổ cấp tỉnh, việc tồn tại hai loại quy hoạch là quy hoạch tỉnh và quy hoạch xây dựng tỉnh (quy hoạch cùng cấp) với nội dung, phạm vi và mức độ chi tiết giống nhau là không hợp lý. Các tỉnh sẽ phải đồng thời lập hai loại quy hoạch trên gây lãng phí thời gian và kinh phí cho xã hội, tạo thêm thủ tục chồng chéo, gây khó khăn, phức tạp trong quá trình xây dựng, triển khai và thực hiện.

Thường trực Ủy ban Kinh tế nghiêng về loại ý kiến thứ hai với quan điểm giữ quy hoạch xây dựng tỉnh là không hợp lý, không bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống quy hoạch, không đáp ứng yêu cầu thu gọn hệ thống quy hoạch, tránh chồng chéo, trùng lặp đã được đặt ra khi ban hành Luật Quy hoạch.

Góp ý vào nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc băn khoăn rằng nếu gộp hai quy hoạch này thành 1, chỉ sửa một tí là phải sửa tất cả quy hoạch, rất lãng phí, vì phải thay đổi đồ án quy hoạch. Mà mỗi lần thay đổi đồ án quy hoạch là phải trình Hội đồng Nhân dân, trưng cầu ý dân, phức tạp. Theo ông, hiện có tình trạng quy hoạch rất đẹp, nhưng giữa nhiệm kỳ đã thay đổi, khóa trước vừa quy hoạch, khóa sau đã thay, thiếu bền vững, do đó cần có “chốt” an toàn để hạn chế việc sửa đổi. Bộ Xây dựng phải thẩm tra để bảo đảm tính tương đối bất biến.

Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng quy hoạch xây dựng tỉnh là cụ thể hóa từ quy hoạch tỉnh, mang tính chi tiết hơn, bao hàm tất cả các quy hoạch xây dựng đô thị nông thôn, các quy hoạch chuyên ngành như giao thông, tài nguyên môi trường, đất đai… Gộp 2 quy hoạch tỉnh và quy hoạch xây dựng tỉnh thành 1, sẽ khó trong quá trình triển khai thực hiện, khó cho cả người quy hoạch và người thực hiện quy hoạch”.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng, “2 chập 1 cho bớt quy hoạch đi có thể tiền bạc đỡ tốn kém, kinh tế hơn, nhưng hệ lụy sau này còn tốn hơn nhiều, làm một cái phá vỡ tất cả, động chạm tất cả các việc khác”. Ông đề nghị giữ như phương án 1 Chính phủ trình sẽ khả thi hơn cả về trước mắt và sau này.

Không thể có hai quy hoạch “ngang vai”

Thống nhất với phương án có quy hoạch tỉnh và quy hoạch xây dựng tỉnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, quy hoạch tỉnh mang tính tổng thể của địa phương, còn quy hoạch xây dựng mang tính chuyên ngành. Cho rằng Luật này có tính chuyên ngành sâu, khó phân tích nếu không am hiểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, do còn có ý kiến khác nhau, sẽ trình cả hai phương án để Quốc hội thảo luận.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật Quy hoạch ngay từ ban đầu đã rất phức tạp vì thay đổi quan điểm, tư duy và cách tiếp cận, liên quan đến nhiều bộ luật, chức năng, nhiệm vụ của các cấp, các ngành.

Trong quá trình làm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy, những gì liên quan đến quy hoạch mà phù hợp với Luật Quy hoạch ở các luật chuyên ngành khác, hơn ai hết, các bộ, ngành phải rà soát chứ Bộ Kế hoạch và Đầu tư không nắm sâu về các luật hay chuyên ngành khác được. Đúng ra, khi sửa các luật này, các bộ, ngành phải đứng ra chủ trì soạn thảo, nhưng để đảm bảo thống nhất, đảm bảo tiến độ có hiệu lực từ ngày 01-01-2019 cho phù hợp với Luật Quy hoạch, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ thực chất là đang đi tổng hợp, làm giúp chức năng của các Bộ”- Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ.

Trước những ý kiến khác nhau về sự tồn tại của quy hoạch xây dựng tỉnh, ông cho biết, làm việc cụ thể với Bộ Xây dựng cho thấy, quy hoạch tỉnh có phạm vi và mức độ rất chung, còn quy hoạch xây dựng tỉnh lại rất chi tiết. Nếu chỉ dừng lại ở quy hoạch chung mà không có quy hoạch chi tiết và cụ thể hóa sẽ không làm được chức năng quản lý Nhà nước về xây dựng, không có công cụ gì để quản lý.

“Vì thế, phải để quy hoạch này tồn tại song song nhưng khác nhau ở cấp độ, một quy hoạch chung, một quy hoạch chi tiết. Bản thân quy hoạch xây dựng tỉnh không phải quy hoạch mới phát sinh mà đang ổn định, tồn tại bao nhiêu năm nay nên giờ ta kế thừa, làm sao cho phù hợp với các luật liên quan”, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh đây là một Luật khó khi diện sửa đổi rất rộng với 37 luật, lại triển khai trong một thời gian ngắn để đảm bảo từ ngày 01-01-2019 có thể triển khai Luật Quy hoạch một cách toàn diện và đầy đủ. Vì thế sẽ có vấn đề khác nhau. Dù có khó khăn đến đâu, chúng ta vẫn phải bảo đảm chất lượng.

Vì vậy, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát tất cả các điều khoản để tránh xung đột pháp lý với hệ thống pháp luật, mà trước hết là Luật Quy hoạch; đồng thời phải rà soát thêm để không bỏ lọt các Luật khác liên quan đến quy hoạch mà không sửa. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, bên cạnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh vẫn có các quy hoạch mang tính chuyên ngành để cụ thể hóa. Không được quy định cùng một cấp độ mà có 2 quy hoạch “ngang vai”. Vì thế, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh nếu có cũng chỉ là quy hoạch cấp kỹ thuật chuyên ngành để phục vụ quy hoạch tỉnh chứ không thể “ngang vai” với quy hoạch tỉnh./.