TCCSĐT - Nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh (09-7-1968-09-7-2018), sáng 09-7, tại Nghệ An, Bộ Quốc phòng tổ chức hội thảo “Chiến thắng Đường 9-Khe Sanh: Tầm vóc và bài học lịch sử.” Còn tối 08-7, Lễ kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hóa được tổ chức trọng thể tại Nhà văn hóa Truyền thống dân tộc Vân Kiều, Pa Cô huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Chiến thắng Đường 9-Khe Sanh - Tầm vóc và bài học lịch sử

Hội thảo “Chiến thắng Đường 9-Khe Sanh: Tầm vóc và bài học lịch sử.” do Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì.

 
 Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, phát biểu tại Hội thảo.


Phát biểu khai mạc, Thượng tướng Lê Chiêm nhấn mạnh, trên cơ sở của quá trình nghiên cứu trước đây, hội thảo lần này nhằm tiếp tục khẳng định tầm vóc, ý nghĩa to lớn, nguyên nhân thắng lợi, những bài học kinh nghiệm của chiến thắng Đường 9-Khe Sanh Xuân Hè 1968, đồng thời làm sáng tỏ hơn một số vấn đề cơ bản như sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sự chủ động, sáng tạo của các cơ quan trong chỉ đạo, điều hành chiến dịch; tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, mưu trí của các lực lượng tham gia chiến dịch; âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt, bản chất hiếu chiến, ngoan cố của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn trong việc thiết lập phòng tuyến Đường 9-Khe Sanh để ngăn chặn nguồn chi viện chiến lược từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam qua tuyến vận tải Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh.

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam khẳng định, chiến thắng Đường 9-Khe Sanh là biểu tượng sáng ngời của ý chí kiên cường, tinh thần quật khởi, quyết tâm chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Với chiến dịch Đường 9-Khe Sanh, lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân, dân ta mở chiến dịch tiến công hiệp đồng quân binh chủng, đột phá trực tiếp vào tuyến phòng ngự mạnh của quân Mỹ, đánh bại các sư đoàn thủy quân lục chiến, kỵ binh không vận của quân đội viễn chinh Mỹ, buộc chúng phải tháo chạy khỏi Khe Sanh.

Các đại biểu dự Hội thảo đã tập trung phân tích tình hình, bối cảnh trong nước và quốc tế khi diễn ra chiến dịch, quá trình chuẩn bị, đảm bảo tác chiến hiệp đồng quân binh chủng của các lực lượng, sự chi viện của hậu phương miền Bắc, đóng góp của quân, dân trên địa bàn chiến dịch; nét đặc sắc của nghệ thuật tổ chức, điều hành chiến dịch, ảnh hưởng của chiến thắng Đường 9-Khe Sanh 1968 đến thế và lực của ta trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, qua đó tiếp tục nghiên cứu, bổ sung thêm những kinh nghiệm có giá trị lý luận và thực tiễn từ thành công của chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh.

Nhận định chiến thắng Đường 9-Khe Sanh là kết quả hợp thành của nhiều nhân tố cơ bản, trong đó nghệ thuật chỉ đạo, điều hành chiến tranh độc lập, sáng tạo của Đảng giữ vai trò quyết định, theo thiếu tướng, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Bạo, Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, thắng lợi của chiến dịch đã thể hiện quyết định chiến lược, táo bạo, chính xác; lựa chọn đúng khu vực tác chiến và quá trình thực hiện đòn nghi binh xuất sắc của quân ta.

Quá trình diễn ra chiến dịch Đường 9-Khe Sanh có sự đóng góp to lớn của quân và dân Quân khu 4, với tinh thần đánh địch ở mọi nơi, mọi lúc, phát động phong trào toàn dân đánh giặc, tạo thành thế trận chiến tranh nhân dân với tất cả các lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ…

Thiếu tướng Trần Võ Dũng, Chính ủy Quân khu 4 khẳng định, những bài học kinh nghiệm quý báu về phát huy nhân tố chính trị - tinh thần trong chiến dịch là cơ sở quan trọng để xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu 4 vững mạnh về chính trị, tư tưởng trong giai đoạn hiện nay.

80 tham luận gửi tới hội thảo đã thể hiện rõ sự kết thừa kết quả nghiên cứu về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 nói chung, chiến dịch Đường 9-Khe Sanh nói riêng, đồng thời đi sâu luận giải những vấn đề về nguyên nhân thắng lợi, diễn biến, ý nghĩa to lớn của chiến dịch.

Thiếu tướng, tiến sỹ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cho rằng, với độ lùi 50 năm, sự kiện chiến thắng Đường 9-Khe Sanh đã được nhận thức đầy đủ, toàn diện, sâu sắc hơn, đặc biệt về tầm vóc, bài học lịch sử để làm cơ sở vận dụng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trước tình hình mới.

Lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Khe Sanh

Tối 08-7, Lễ kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hóa được tổ chức trọng thể tại Nhà văn hóa Truyền thống dân tộc Vân Kiều, Pa Cô huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị nhấn mạnh: Bước vào thời kỳ mới, huyện Hướng Hóa cần tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý. Huyện thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế gắn với văn hoá - xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường; đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm; đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị… phấn đấu xây dựng Khu thương mại đặc biệt Lao Bảo trở thành đô thị loại IV trước năm 2020 và sớm đưa Hướng Hóa trở thành huyện miền núi kiểu mẫu...

Tại lễ kỷ niệm, Bí thư Huyện ủy Hướng Hóa Hồ Thị Lệ Hà, cho biết: Qua 50 năm, vượt lên từ những đau thương, mất mát do hậu quả của chiến tranh, Hướng Hóa đang đổi thay từng ngày. Nền kinh tế của huyện phát triển ổn định và bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp với tiềm năng lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Kết cấu hạ tầng được tăng cường đầu tư có hiệu quả. Các chương trình mục tiêu quốc gia, văn hoá - xã hội đều có những chuyển biến tích cực. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nhất là các xã vùng sâu, vùng xa không ngừng được cải thiện. Cảnh quan, bộ mặt nông thôn, đô thị của huyện ngày càng khởi sắc.

Bên cạnh đó, tại Hướng Hóa, công tác quốc phòng - an ninh được tăng cường củng cố và ổn định. Hoạt động đối ngoại ngày một được chú trọng; trong đó hoạt động kết nghĩa giữa Hướng Hóa với một số huyện biên giới nước bạn Lào ngày càng gắn bó và phát triển, góp phần giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Công tác xây dựng Đảng tại địa phương luôn được quan tâm, hệ thống chính trị được củng cố vững chắc. Khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường, tạo sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội, cùng nỗ lực phấn đấu vì sự phát triển của quê hương…

Chương trình nghệ thuật mang tên “Âm vang Khe Sanh” được tổ chức tại buổi lễ, với 2 phần. “Khe Sanh- Bản hùng ca bất tử” và “Khe Sanh-Âm vang ngày mới”. Chương trình gồm các tiết mục văn nghệ, phim tài liệu tái hiện lại một thời kỳ lịch sử hào hùng của quân và dân ta trong những năm tháng kháng chiến. Qua đó thể hiện quá trình phát triển, hội nhập đi lên, đổi thay của Khe Sanh- Hướng Hóa ngày hôm nay…

Lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Khe Sanh giải phóng huyện Hướng Hóa được tổ chức nhằm tôn vinh những chiến công hào hùng của quân và dân ta; đồng thời, tưởng nhớ, tri ân sâu sắc những Anh hùng Liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Qua đó, giáo dục tình yêu quê hương đất nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau…/.