Thủ tướng: Tập trung nhiều hơn nữa cho công tác xây dựng thể chế

BTV (tổng hợp từ TTXVN, chinhphu.vn)
23:17, ngày 03-07-2018

TCCSĐT - Ngay sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các địa phương về tình hình kinh tế-xã hội, trong ngày 03-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng Sáu tập trung vào công tác xây dựng thể thế pháp luật và cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng khác.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã nghe Bộ Tư pháp trình bày báo cáo về tình hình thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ và tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh quý II-2018.

Theo kế hoạch, các bộ phải xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 151 văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh gồm 60 văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và 91 văn bản quy định chi tiết các luật chưa có hiệu lực.

Tính đến ngày 30-6-2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành 93/151 văn bản.

Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, đôn đốc các bộ đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, ban hành văn bản, khắc phục tình trạng xin lùi thời hạn trình và nợ ban hành văn bản.

Các bộ, ngành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong xây dựng pháp luật; đặc biệt, chỉ đạo việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị và dự án, dự thảo văn bản đầy đủ, chính sách rõ ràng, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo đúng quy định của Luật.

Các bộ chủ động soạn thảo để ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành 47 văn bản quy định chi tiết các luật và nội dung được giao quy định chi tiết có hiệu lực trong thời gian tới, nhất là 19 văn bản quy định chi tiết sáu luật có hiệu lực từ ngày 01-7.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng đề cập đến những ý kiến góp ý, đề nghị của các địa phương về thể chế, cơ chế chính sách trong hội nghị kinh tế xã hội sáu tháng vừa qua và đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhanh chóng hoàn thiện tổng hợp các kiến nghị này để trình Thường trực Chính phủ xem xét với tinh thần giải quyết, trả lời sớm cho các địa phương. Đối với những vấn đề cần giao các bộ nghiên cứu trả lời thì hạn định thời gian cụ thể.

Về công tác xây dựng pháp luật, nhất trí với báo cáo của Bộ Tư pháp, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan chức năng phải tập trung hơn nữa cho công tác xây dựng thể chế. Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã xem xét về đề nghị xây dựng Nghị định quy định quản lý cát, sỏi lòng sông.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đây là vấn đề bức xúc. Bên cạnh việc xin chủ trương xây dựng nghị định, Bộ đã tiến hành công tác soạn thảo, lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan theo hướng sau khi Chính phủ thông qua chủ trương thì có thể ban hành trong thời gian sớm nhất, phấn đấu là trong tháng Bảy này.

Về vấn đề này nhận được sự tán thành của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ theo hướng ngăn chặn tình trạng khai thác cát sỏi trái phép, đồng thời quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, cũng cần ứng dụng tiến bộ khoa học, đẩy mạnh việc sử dụng các vật liệu thay thế.

Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết Bộ đã có nghiên cứu đối với lĩnh vực vật liệu thay thế và sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý, giải quyết vấn đề này. Bộ trưởng cho biết hiện đã xuất hiện một số mô hình sản xuất cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên. Bộ cũng đã nghiên cứu việc xử lý cát nhiễm mặn cho nhu cầu xây dựng.

Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã nghe, thảo luận về dự án Luật Kiến trúc; phương án phân bổ sử dụng nguồn kinh phí còn lại và xử lý một số vướng mắc trong việc chuyển nguồn kinh phí thường xuyên của ngân sách Trung ương năm 2017, dự thảo Nghị định quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ đãi ngộ khác đối với người Việt Nam có công tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài.

Đồng ý với Báo cáo tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan chức năng tập trung hơn nữa cho công tác xây dựng pháp luật trên tinh thần bảo đảm chất lượng, tiến độ, yêu cầu. Thủ tướng giao Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ chủ động, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác xây dựng pháp luật.

Dự án Luật Kiến trúc được xây dựng (gồm 5 chương, 34 điều) nhằm tạo công cụ pháp lý thống nhất để điều chỉnh cơ bản quá trình phát triển, các hoạt động kiến trúc, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về kiến trúc và hành nghề kiến trúc. Phát huy vai trò của kiến trúc sư, tổ chức, cá nhân hành nghề kiến trúc và xã hội trong hoạt động kiến trúc.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật (Bộ Xây dựng) tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ để tiếp tục hoàn thiện, trong đó đặc biệt quan tâm vấn đề bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ của Luật trong hệ thống pháp luật nói chung vì đây là luật có liên quan đến nhiều luật hiện hành; làm rõ những nội dung còn có những ý kiến khác nhau về vấn đề định hình kiến trúc quốc gia; chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư; đăng ký hành nghề kiến trúc sư; thiết kế mẫu điển hình nhà công cộng và công trình nhà ở nông thôn; công tác quản lý Nhà nước về kiến trúc… Dự án Luật sau khi được tiếp thu, hoàn thiện, tiếp tục trình Thường trực Chính phủ xem xét, cho ý kiến.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã cho ý kiến chỉ đạo cụ thể đối với: Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ đãi ngộ khác đối với người Việt Nam có công tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài; đề nghị xây dựng Nghị định quy định quản lý cát, sỏi lòng sông; xử lý số lệ phí lãnh sự tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được để lại cho Bộ Ngoại giao còn dư đến ngày 31/12; xử lý đối với số kinh phí Tổng cục Thuế đã tạm ứng để thực hiện chính sách tinh giản biên chế từ năm 2012 trở về trước; phương án phân bổ sử dụng nguồn kinh phí còn lại và xử lý một số vướng mắc trong việc chuyển nguồn kinh phí thường xuyên của ngân sách Trung ương năm 2017.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Quốc phòng tiếp thu ý kiến đóng góp đối với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ đãi ngộ khác đối với người Việt Nam có công tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài; bảo đảm Nghị định được xây dựng theo đúng trình tự, quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm tính kịp thời, đúng đối tượng, không để thất thoát, lãng phí tiền bạc.

Về xử lý số lệ phí lãnh sự tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được để lại cho Bộ Ngoại giao còn dư đến ngày 31-12, Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao trực tiếp chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này, trên tinh thần quản lý, chi tiêu chặt chẽ, không để thất thoát, lãng phí.

Về xử lý đối với số kinh phí Tổng cục Thuế đã tạm ứng để thực hiện chính sách tinh giản biên chế từ năm 2012 trở về trước, Thủ tướng đồng ý để Bộ trưởng Bộ Tài Chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội các nội dung liên quan đến vấn đề này.

Về phương án phân bổ sử dụng nguồn kinh phí còn lại và xử lý một số vướng mắc trong việc chuyển nguồn kinh phí thường xuyên của ngân sách Trung ương năm 2017, Thủ tướng đã chỉ đạo những nội dung cụ thể liên quan đến nguyên tắc, phương án phân bổ; yêu cầu Bộ Tài chính rà soát đối với nguồn ngân sách này để có khoản dự phòng phục vụ cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.