Chủ tịch Quốc hội tới Giang Tô, bắt đầu thăm chính thức Trung Quốc
TCSCĐT - Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc, chiều 8-7, tại thành phố Nam Kinh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Giang Tô Lâu Cần Kiệm và tiếp các doanh nghiệp Trung Quốc.
* Trưa 8-7 (theo giờ địa phương), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã tới sân bay Lộc Khẩu, thành phố Nam Kinh thuộc tỉnh Giang Tô, bắt đầu thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 8 đến 12-7 theo lời mời của Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Chủ tịch Nhân đại - Chủ tịch Quốc hội) Lật Chiến Thư.
Đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn tại sân bay Lộc Khẩu có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng xã hội Nhân đại Trung Quốc Giang Tiểu Quyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Nhân đại tỉnh Giang Tô Ngụy Quốc Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Ngoại sự Nhân đại tỉnh Giang Tô Ty Cẩm Tuyền.
Về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Thượng Hải Ninh Thành Công, một số cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, đại diện cộng đồng người Việt Nam tại tỉnh Giang Tô...
Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam kể từ sau Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời cũng là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân trên cương vị Chủ tịch Quốc hội. Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì giao lưu cấp cao giữa hai Đảng, hai Nhà nước, góp phần củng cố và tăng cường tin cậy chính trị, phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.
Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tập trung trao đổi các biện pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Thỏa thuận hợp tác đã ký năm 2015 giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại Trung Quốc; tăng cường trao đổi đoàn cấp lãnh đạo Quốc hội, đoàn cấp ủy ban, cơ quan chuyên môn, nhóm nghị sĩ hữu nghị của Quốc hội hai nước; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng pháp luật; phối hợp trong công tác giám sát các thỏa thuận hợp tác đã ký giữa hai nước. Hai bên cũng sẽ trao đổi ý kiến về những vấn đề quốc tế cùng quan tâm cũng như phối hợp tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực và quốc tế...
** Chiều cùng ngày, tại thành phố Nam Kinh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Giang Tô Lâu Cần Kiệm.
Bí thư Tỉnh ủy Giang Tô bày tỏ vui mừng chào đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tới thăm tỉnh Giang Tô; đồng thời chia sẻ tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Giang Tô.
Với dân số khoảng 80 triệu người, hiện quy mô kinh tế tỉnh Giang Tô đứng thứ hai Trung Quốc, tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng 6,7%. Giang Tô có khu công nghiệp thành lập sớm nhất tại Trung Quốc. Giang Tô có bề dày lịch sử; du lịch văn hóa của tỉnh hiện phát triển mạnh. Trong lĩnh vực thương mại, tỉnh duy trì quan hệ chặt chẽ với Việt Nam và nhiều doanh nghiệp ở tỉnh hiện đầu tư tại Việt Nam. Cùng với đó, giao lưu nhân dân hai bên diễn ra sôi nổi, số du học sinh Việt Nam tại Giang Tô hiện có gần 600 người…
Giang Tô còn có truyền thống hiếu học, được mệnh danh là “học phủ” của Trung Quốc, có hệ thống giáo dục phát triển vượt bậc với gần 100 cơ sở đào tạo đại học (nhiều hơn Bắc Kinh, Thượng Hải). Trình độ phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ được đánh giá là địa phương đi đầu của Trung Quốc.
Bí thư Tỉnh ủy Giang Tô cho biết, tỉnh có tuyến đường sắt kết nối hải cảng phía tây của Trung Quốc. Giang Tô cũng đang thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, có ngành chế tạo rất phát triển, có thể tự sáng tạo, sản xuất, có một số ưu thế về mặt kỹ thuật…
Từ đó, Giang Tô mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong phát triển kinh tế, phát triển khu công nghiệp, giao lưu nhân dân, văn hóa và du lịch.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao sự đón tiếp trọng thị, chu đáo của Bí thư Tỉnh ủy Giang Tô Lâu Cần Kiệm và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Giang Tô; đồng thời cho biết đây là lần đầu tiên tới thành phố Nam Kinh, thủ phủ của tỉnh Giang Tô tươi đẹp và giàu truyền thống văn hóa.
Chúc mừng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Giang Tô, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam lần này theo lời mời của Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Chủ tịch Quốc hội) Lật Chiến Thư trên cơ sở thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội hai nước, nhằm triển khai những thỏa thuận cấp cao của hai nước.
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng việc gìn giữ, kế thừa và phát huy tình đoàn kết hữu nghị truyền thống Việt - Trung do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng nhiều thế hệ lãnh đạo tiền bối hai nước dày công vun đắp, là tài sản chung quý báu của hai Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng trước kết quả hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và tỉnh Giang Tô, bởi trong hơn 100 tỷ USD kim ngạch thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc thì Giang Tô đóng góp trên 15 tỷ USD.
Chủ tịch Quốc hội cho biết Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương với nhiều quốc gia trên thế giới, gần đây nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA)… Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam hiện nay và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại ASEAN.
Trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, Trung Quốc là đối tác quan trọng hàng đầu với quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, kinh tế, khoa học - công nghệ, giao lưu nhân dân… Điểm lại kết quả hợp tác về giáo dục, du lịch giữa hai bên, nổi bật là việc phối hợp giữa các hãng hàng không Việt Nam và Trung Quốc khai thác đường bay từ Nam Kinh, Thường Châu đến Nha Trang, Đà Nẵng…, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là những kết quả đáng ghi nhận về quan hệ hợp tác giữa tỉnh Giang Tô và Việt Nam.
Nhấn mạnh đến lĩnh vực giao lưu nhân dân, hợp tác giữa các địa phương hai nước, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các địa phương Trung Quốc, trong đó có tỉnh Giang Tô tiếp tục triển khai tốt những kết quả đạt được trong các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước, qua đó góp phần củng cố truyền thống đoàn kết hữu nghị, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung.
*** Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp Chủ tịch Tập đoàn Sunwah, Jonathan Choi; Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thiên Doanh tại Việt Nam Tào Đức Tiêu; nhà sáng lập Tập đoàn Thái Bình Dương Nghiêm Giới Hòa.
Tại các cuộc tiếp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Việt Nam coi trọng chính sách đối ngoại với Trung Quốc; đồng thời nhấn mạnh, quan hệ ngoại giao, chính trị tốt sẽ mở đường cho hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư phát triển.
Những năm qua, quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc đã tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Hiện nay, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước lên tới hơn 100 tỷ USD. Trung Quốc đang là đối tác thương mại, du lịch lớn nhất của Việt Nam, còn Việt Nam cũng duy trì vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam theo lời mời của Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Lật Chiến Thư nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, trong đó có lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Ghi nhận kết quả hoạt động của các tập đoàn, doanh nghiệp tại Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao việc bên cạnh các hoạt động đầu tư, kinh doanh, các tập đoàn, doanh nghiệp đã chú trọng tham gia hoạt động văn hóa, giáo dục...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, với dân số gần 100 triệu dân, Việt Nam rất quan tâm tới vấn đề phát triển xanh, phát triển bền vững, tăng trưởng đi đôi với bảo vệ môi trường; đồng thời chia sẻ trong những năm qua, Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, thu hút đầu tư nước ngoài đạt nhiều kết quả tốt. Đây cũng là điều kiện để Việt Nam duy trì được sự ổn định và phát triển bền vững. Trên tinh thần đó, Việt Nam luôn hoan nghênh và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đến hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam./.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Quân chính toàn quân và tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Philippines  (09/07/2019)
Đoàn kết làm nên sức mạnh của Đảng  (08/07/2019)
Người tổ trưởng dám nghĩ, dám làm trên đỉnh núi Ngọc Linh  (08/07/2019)
Đồng vốn nhân văn nơi miền cát trắng  (08/07/2019)
Tránh “bẫy tự do báo chí” trong thời kỳ hội nhập quốc tế  (08/07/2019)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Thủ tướng Armenia  (07/07/2019)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên