Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

BTV/chinhphu.vn
21:03, ngày 21-03-2018

TCCSĐT - Chính phủ vừa quy định nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP.

Theo Nghị định trên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ từ nhà nước như: hỗ trợ thông tin, tư vấn, phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Cụ thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn phí truy cập thông tin quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên Cổng thông tin quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý và trang thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Để giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển nguồn nhân lực, ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 50% tổng chi phí của một khóa đào tạo về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Học viên của doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ được miễn học phí tham gia khóa đào tạo.

Hộ kinh doanh đăng ký chuyển đổi thành doanh nghiệp được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao đơn vị đầu mối tư vấn, hướng dẫn miễn phí.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh đáp ứng điều kiện về hồ sơ quy định được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp lần đầu tại cơ quan đăng ký kinh doanh; miễn phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp lần đầu tại Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh được miễn phí thẩm định, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện; được miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo như: hỗ trợ tư vấn về sở hữu trí tuệ; khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới; hỗ trợ về ứng dụng, chuyển giao công nghệ; đào tạo, thông tin, xúc tiến thương mại, thương mại hóa; hỗ trợ sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung...

Tăng cường kiểm tra phong trào thi đua tại các địa phương

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát và tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát thực hiện các phong trào thi đua tại các địa phương để kịp thời nắm bắt, đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn, bất cập.

Trong những năm qua, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đồng lòng chung sức với Chính phủ để thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ được giao, động viên nhân dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua do Đảng, Nhà nước, Mặt trận phát động. Việc lồng ghép, gắn kết các nội dung hoạt động của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nói riêng và các phong trào thi đua nói chung ở cơ sở với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ: Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành; phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng;...

Tuy nhiên, thực tế triển khai phong trào và cuộc vận động còn bộc lộ những hạn chế nhất định: Tiêu chí và quy trình bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa còn rườm rà, nặng về giao chỉ tiêu hành chính; kết quả công nhận gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị chưa phản ánh thực chất đời sống văn hóa; có sự chồng chéo về nội dung hoạt động, trùng lặp danh hiệu thi đua phát động thực hiện trên cùng một đối tượng, một địa bàn, gây khó khăn trong việc tổ chức triển khai ở các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở.

Để đổi mới việc thực hiện các phong trào thi đua ở cơ sở, bảo đảm việc lồng ghép nội dung, đánh giá, bình xét và khen thưởng các danh hiệu văn hóa ở xã, phường, thị trấn, khu dân cư theo hướng thiết thực, hiệu quả, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong thời gian tới chủ trì, phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”, với các tiêu chí, tiêu chuẩn bình xét dễ nhớ, dễ thực hiện.

Thực hiện việc rà soát các phong trào, cuộc vận động có nội dung hoạt động có liên quan đến xây dựng đời sống văn hóa (làm rõ đặc thù của từng phong trào, cuộc vận động) để làm cơ sở định hướng hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong giai đoạn tới; tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát thực hiện Phong trào tại các địa phương để kịp thời nắm bắt, đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn, bất cập.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công Thương và cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng tiêu chí đô thị văn minh để thống nhất hướng dẫn thực hiện trong cả nước.

Bộ Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi Luật thi đua, khen thưởng cho phù hợp với nội dung tiêu chí mới về xét tặng các danh hiệu thi đua về văn hóa, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục động viên các tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các phong trào thi đua yêu nước; hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc các cấp chủ trì, phối hợp với chính quyền cùng cấp đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đổi mới việc xét tặng các danh hiệu văn hóa bảo đảm chất lượng, thiết thực.

Tạo chuyển biến rõ nét, thực chất thực hiện chương trình về phát triển bền vững

Năm 2018 phải tạo được chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện Kế hoạch quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan được giao chủ trì các nhiệm vụ phát triển bền vững cần tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện Kế hoạch quốc gia đã được ban hành.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thông báo nêu rõ, trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong đó có việc ban hành và tổ chức thực hiện các Nghị quyết số 19 trong 4 năm gần đây với cách thức đánh giá, lượng hóa các chỉ tiêu theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam tiếp tục có chuyển biến tích cực, cải thiện rõ nét về điểm số và tăng nhiều bậc trên bảng xếp hạng toàn cầu. Trong thành quả chung này, có sự đóng góp tích cực của Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, các chuyển biến về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh còn chưa đồng bộ, một số chỉ số vẫn còn ở mức thấp, việc quan tâm và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh chưa đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương.

Trong năm 2018, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết số 19 của Chính phủ đã ban hành, trong đó khắc phục tình trạng không đồng đều trong tổ chức thực hiện giữa các bộ, ngành, địa phương và ngay trong từng cơ quan, đơn vị; nâng cao chất lượng phối hợp, lồng ghép đồng bộ hơn việc thực hiện Nghị quyết với các chương trình liên quan như cải cách điều kiện kinh doanh, đơn giản thủ tục hành chính, xây dựng chính phủ điện tử; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và công khai kết quả thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương; phấn đấu cải thiện toàn diện các chỉ số, mức chỉ số trung bình tối thiểu đạt 80, không để chỉ số nào sau mức 100.

Phó Thủ tướng đề nghị các Thành viên Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh có ý kiến sửa trực tiếp vào dự thảo Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP và khẩn trương gửi lại Văn phòng Chính phủ. Giao Văn phòng Chính phủ cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp ý kiến của Hội đồng, hoàn chỉnh Dự thảo Nghị quyết trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Phát triển bền vững là một trong những cam kết quốc tế quan trọng của Việt Nam. Năm 2018 phải tạo được chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện Kế hoạch quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, cơ quan được giao chủ trì các nhiệm vụ phát triển bền vững cần tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện Kế hoạch quốc gia đã được ban hành.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao tập trung chuẩn bị kỹ lưỡng Báo cáo quốc gia về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững để trình bày tại Diễn đàn chính trị cấp cao về phát triển bền vững (HLPF) của Liên hợp quốc; trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 01-5-2018.

Phó Thủ tướng đồng ý việc tổ chức một Hội nghị (hoặc Diễn đàn, Hội thảo) thường niên với nội dung bao quát cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững và có sự kết hợp với Diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững (do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam tổ chức thường niên). Giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam sớm đề xuất phương án cụ thể.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững, có thể đưa ra thảo luận tại Hội nghị phát triển bền vững nêu trên.

Phó Thủ tướng cũng giao Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị báo cáo về vấn đề năng suất, trình Chính phủ xem xét; giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến của các Bộ, cơ quan liên quan, hoàn chỉnh Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về kiện toàn Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.

Ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng tại các thành phố lớn

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc triển khai các giải pháp phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại các thành phố trực thuộc Trung ương.

Cụ thể, Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban nhân dân các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của địa phương nghiên cứu Luật quy hoạch năm 2017 để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao tại các văn bản số 148/TTg-KTN ngày 27-01-2014; số 5197/VPCP-CN ngày 22-5-2017 về việc thực hiện các giải pháp phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại các thành phố lớn.

Đồng thời ưu tiên phát triển các loại hình vận tải hành khách công cộng (xe bus, xe du lịch, taxi) trong tổ chức giao thông đô thị, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng từng bước giảm tiện giao thông cá nhân.

Tổ chức kết nối hợp lý các ga đường sắt đô thị với các tuyến xe bus; nghiên cứu phương án sử dụng xe điện để kết nối các khu dân cư dọc tuyến đường sắt đô thị và xe bus nhanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia giao thông sử dụng hai loại phương tiện nêu trên.

Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ hành khách của đội ngũ lái xe và nhân viên phục vụ trên xe bus; tập trung cải thiện hệ thống hạ tầng trung chuyển, đón trả khách, áp dụng hệ thống vé thông minh, tiện lợi cho người sử dụng; nâng cao chất lượng phương tiện, chú trọng phát triển xe bus sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường./.