TCCSĐT - Ngày 23-01, ông J. Powell đã trở thành vị Chủ tịch tiếp theo của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), kế nhiệm Chủ tịch sắp mãn nhiệm Janet Yellen. Trên cương vị mới, ông J. Powell sẽ trở thành người có tầm ảnh hưởng vô cùng lớn đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới cho dù sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Thách thức đối với tân Chủ tịch Fed

 
 Ông J. Powell, tân Chủ tịch FED. Ảnh: SFGate

Với 85 phiếu thuận và 12 phiếu chống, Thượng viện Mỹ phê chuẩn bổ nhiệm ông J. Powell, vào nhiệm kỳ Chủ tịch Fed kéo dài 4 năm bắt đầu từ đầu tháng 02-2018. Kết quả cuộc bỏ phiếu cho thấy ông J. Powell đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo các nghị sỹ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, theo đó làm dịu bớt những tranh cãi xung quanh chính sách tiền tệ siêu nới lỏng mà Fed đã theo đuổi để khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế trong giai đoan 2007 - 2009.

Theo hãng tin Reuters, việc ông J. Powell trở thành nhà lãnh đạo mới của Fed mở ra khả năng chính sách tiền tệ hiện nay của Mỹ sẽ được duy trì, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới đã có 9 năm tăng trưởng liên tiếp. Giới hoạch định chính sách và thị trường tài chính coi ông J. Powell là một sự lựa chọn an toàn của Tổng thống D. Trump bởi ông được cho là sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ hiện tại của Mỹ. Lựa chọn này của ông D. Trump đánh dấu lần đầu tiên một vị tổng thống không tái bổ nhiệm vị chủ tịch Fed được chính quyền tiền nhiệm chỉ định kể từ thời của cựu Tổng thống Jimmy Carter vào những năm 70 của thế kỷ trước.

Vị trí Chủ tịch FED có 3 nhiệm vụ chính là thiết lập chính sách tiền tệ (vốn ảnh hưởng tới toàn cầu), giám sát khối tài chính, ngân hàng và là bộ mặt đại diện ra công chúng của Fed. Tiếp nhận chiếc ghế này ở thời điểm 1 thập niên sau khi khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra, thách thức dành cho Fed là đem chính sách tiền tệ trở về trạng thái bình thường bằng cách tăng lãi suất (vốn đang ở mức thấp kỷ lục) và cởi bỏ hàng nghìn tỷ USD tài sản mà Fed đã mua vào để vực dậy hệ thống tài chính chao đảo vì khủng hoảng. Nhiệm vụ này đòi hỏi người đứng đầu Fed phải rất khéo léo. Tuyên bố nhậm chức, ông J. Powell cho biết sẽ bảo đảm rằng, Fed sẽ vẫn thận trọng và sẵn sàng để ứng phó với những thay đổi trên thị trường và những nguy cơ đang gia tăng, đồng thời nhấn mạnh sự độc lập của ngân hàng trung ương nước này trong việc hoạch định chính sách tiền tệ.

ASEAN - Ấn Độ: Điểm sáng trong thành công của thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương

 
 Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: TTXVN

Ngày 25-01, Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ Đối tác đối thoại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Ấn Độ diễn ra tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ kết thúc tốt đẹp với việc lãnh đạo các nước ASEAN và Ấn Độ thông qua Tuyên bố Delhi, đề ra tầm nhìn và phương hướng thúc đẩy toàn diện quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ những năm tới.

Với chủ đề “Chia sẻ giá trị, Cùng chung vận mệnh”, lãnh đạo các nước ASEAN và Ấn Độ đã trao đổi sâu rộng về tình hình và triển vọng phát triển của quan hệ hai bên; thống nhất nhiều định hướng, biện pháp thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ. Nhìn lại 25 năm qua, các nhà lãnh đạo vui mừng ghi nhận những tiến triển vượt bậc của mối quan hệ đặc biệt này. Ấn Độ đã vươn lên trở thành một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của ASEAN, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2016 đạt 58,45 tỷ USD. Bên cạnh đó, hai bên đã thiết lập hơn 30 cơ chế đối thoại từ cấp cao, cấp bộ trưởng tới các nhóm chuyên gia, công tác. Quan hệ giao lưu văn hóa, nhân dân phát triển năng động, với nhiều chương trình, hoạt động hợp tác và giao lưu đa dạng, phong phú, lôi cuốn nhiều tầng lớp tham gia như sinh viên, học sinh, phóng viên, nghệ sĩ…, giúp củng cố các mối liên kết văn hóa - văn minh giữa Ấn Độ và khu vực. Hợp tác trên các mặt khoa học - công nghệ, môi trường, cứu trợ thiên tai, kết nối… cũng thu được những kết quả đáng khích lệ.

Kết thúc Hội nghị, lãnh đạo các nước ASEAN và Ấn Độ đã thông qua Tuyên bố Delhi, theo đó nhất trí tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ vì lợi ích chung, trong các lĩnh vực hợp tác để xây dựng một cộng đồng hòa bình, đùm bọc và chia sẻ trong khu vực. Tiếp tục nỗ lực để triển khai đầy đủ, có hiệu quả và kịp thời Kế hoạch Hành động triển khai quan hệ đối tác vì hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng chung (2016 - 2020). Tăng cường hơn nữa cam kết và hợp tác cấp cao trong khuôn khổ hiện có của quan hệ Đối tác Đối thoại ASEAN - Ấn Độ và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt... Tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực và các hoạt động hợp pháp khác trên biển, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và các tiêu chuẩn liên quan và thông lệ được khuyến cáo của ICAO. Theo đó, ủng hộ việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và trông đợi Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) sớm được hoàn tất. Thêm vào đó, ASEAN và Ấn Độ tăng cường phối hợp trong phòng chống các tội phạm xuyên quốc gia khác đồng thời phối hợp chính sách về an ninh mạng.

Ủng hộ việc thực hiện Tuyên bố Langkawi về Phong trào Ôn hòa toàn cầu nhằm thúc đẩy hoà bình, an ninh, tôn trọng pháp quyền, phát triển bền vững và bao trùm, tăng trưởng cân bằng và xã hội.

Bước tiến mới cho Hiệp định CPTPP

 
 Quang cảnh Hội nghị thỏa thuận về CPTPP sửa đổi. Ảnh: hanoimoi.com

Sau một chặng đường khó khăn, 11 nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã nhất trí về thỏa thuận CPTPP sửa đổi. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc đàm phán CPTPP đạt được bước tiến mới đã trở thành tín hiệu lạc quan, mở ra những cơ hội thúc đẩy hợp tác thương mại cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và thế giới nói chung trong năm 2018.

Ngày 23-01, Canada và 10 quốc gia khác gồm Australia, Brunei, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam, đã đạt được nhất trí về nội dung sửa đổi của Hiệp định CPTPP trong cuộc họp kéo dài 2 ngày 22 và 23-01 tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản) giữa trưởng đoàn đàm phán của 11 nước trên. Lễ ký kết CPTPP dự kiến diễn ra vào tháng 3-2018.

Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Canada Francois-Philippe Champagne ra thông báo cho biết, 11 nước đã đạt được nhất trí quan trọng về 3 nội dung sửa đổi trong CPTPP liên quan đến văn hóa, ô tô và đình chỉ một số điều khoản về bảo vệ bản quyền sỡ hữu trí tuệ. Cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản T. Motegi tuyên bố, 11 quốc gia tham gia CPTPP sẽ tổ chức lễ ký kết hiệp định CPTPP tại vòng đàm phán tiếp theo ở Chile vào tháng 3 tới. Bộ trưởng T. Motegi khẳng định, CPTPP sẽ là động lực để vượt qua chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang nổi lên tại một số khu vực trên thế giới. Ngày 24-01, Thủ tướng Australia M. Turnbull cũng đã hoan nghênh việc 11 quốc gia tham gia đàm phán CPTPP làm sống lại thỏa thuận mà ông cho rằng sẽ tạo ra nhiều việc làm mới này. Thủ tướng M. Turnbull nhấn mạnh quan điểm một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do, các thị trường mở, thương mại tự do, thượng tôn pháp luật, việc khuyến khích đầu tư và thương mại trong khu vực rõ ràng là đáp ứng lợi ích quốc gia của Australia cũng như của tất cả các nước trong khu vực.

Với việc nhất trí về thỏa thuận CPTPP sửa đổi và ấn định thời điểm ký vào tháng 3-2018, các thành viên CPTPP đã vượt qua những trở ngại để tạo bước tiến mới cho CPTPP. Một điểm đáng chú ý là tiến trình đàm phán, ký kết CPTPP đang đứng trước “thiên thời, địa lợi” khi vòng tái đàm phán NAFTA lần thứ sáu cũng đang xuất hiện những tín hiệu tích cực. Việc đàm phán tiến triển thuận lợi cũng như việc Tổng thống Mỹ D. Trump có quan điểm bớt cứng rắn đối với các hiệp định thương mại tự do sẽ tạo thêm động lực mới cho việc ký kết và thực hiện CPTPP trong thời gian tới. Thậm chí, không loại trừ khả năng Mỹ có thể cũng sẽ tái tham gia CPTPP.

Chuyến thăm Trung Đông của Phó Tổng thống Mỹ

 
 Phó Tổng thống Mỹ M. Pence. Ảnh: France 24

Từ ngày 20 đến 23-01, Phó Tổng thống Mỹ M. Pence đã thực hiện chuyến công du tới ba nước khu vực Trung Đông - Bắc Phi gồm Ai Cập, Jordan và Israel. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng sau khi Tổng thống Mỹ D. Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và có kế hoạch chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem.

Tại chặng dừng chân đầu tiên ở Ai Cập, Phó Tổng thống M. Pence đã có cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Abdel-Fattah El-Sisi. Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về quan hệ song phương và các vấn đề khu vực, đặc biệt là tình hình của Palestine và quyết định mới đây của Washington về việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Ngoài ra, hai bên cũng đã thảo luận về tầm quan trọng của việc đạt được một giải pháp toàn diện và công bằng đối với vấn đề Palestine, nhấn mạnh việc đạt được hòa bình sẽ giúp các nước trong khu vực có thời gian để phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, ông El-Sisi và ông Pence cũng đã nêu bật rằng việc đạt được hòa bình giữa người Palestine và Israel sẽ giúp loại bỏ được một trong những lý lẽ chính mà các tổ chức khủng bố dùng để biện minh cho những hành động của chúng. Hai nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được những giải pháp chính trị cho các cuộc xung đột khác nhau ở khu vực trong khi duy trì sự đoàn kết, chủ quyền và các cơ quan nhà nước của các quốc gia, nơi mà những cuộc xung đột này đang diễn ra. Tổng thống Ai Cập El-Sisi và Phó Tổng thống M. Pence cũng đã thảo luận về việc củng cố và phát triển các mối quan hệ chiến lược giữa Ai Cập và Mỹ trên tất cả các lĩnh vực.

Trong chuyến thăm Jordan, Phó Tổng thống M. Pence đã có cuộc hội kiến với Quốc vương Jordan Abdullah II. Tại cuộc hội đàm, Phó Tổng thống M. Pence đã bảo vệ quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel của Tổng thống D. Trump. Phó Tổng thống Mỹ nhấn mạnh, Jordan sẽ tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong bất cứ nỗ lực hòa bình tương lai nào, đồng thời ca ngợi sự đóng góp của Jordan trong chiến dịch quân sự do Mỹ dẫn đầu chống lại các nhóm cực đoan khu vực. Về phần mình, Quốc vương Jordan Abdullah II bày tỏ lo ngại về những bất ổn trong khu vực sau quyết định của Mỹ về Jerusalem. Quốc vương Abdullah II cho rằng, Jerusalem rất quan trọng đối với hòa bình trong khu vực. Quốc vương cũng khẳng định, Đông Jerusalem phải là thủ đô của một Nhà nước Palestine tương lai, “đối với chúng tôi, Jerusalem là chìa khóa đối với người Hồi giáo, Kitô giáo, cũng như đối với người Do Thái, là chìa khóa cho hòa bình trong khu vực và là chìa khóa cho phép những người Hồi giáo có thể chống lại chủ nghĩa cực đoan có hiệu quả. Hiện chúng tôi đang đối mặt với nhiều thách thức hơn, đặc biệt là khi sự bất mãn đang gia tăng. Tôi nghĩ rằng, khi ngài Phó Tổng thống Mỹ M. Pence đang ở đây thì việc xây dựng lại niềm tin và lòng tin đối với Mỹ tại Trung Đông sau quyết sách Jerusalem của Tổng thống D. Trump là rất quan trọng”.

Tại Israel, Phó Tổng thống Mỹ Pence đã có cuộc gặp với Thủ tướng Israel B. Netanyahu, Tổng thống R. Rivlin. Phó Tổng thống M. Pence và các nhà lãnh đạo Israel đã trao đổi một số vấn đề song phương và khu vực cùng quan tâm, trong đó có việc di dời Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem trong thời gian tới. Thủ tướng B. Netanyahu đã hoan nghênh quan hệ đồng minh Mỹ - Israel đang ở mức “vững mạnh nhất từ trước tới nay”. Về phần mình, Phó Tổng thống M. Pence cho rằng, việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel sẽ “tạo cơ hội thúc đẩy các cuộc đàm phán thực chất giữa Israel và Palestine”. Ông bày tỏ hy vọng rằng, các bên đang “đứng trước các cơ hội nối lại đàm phán hướng tới đạt được một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột đã kéo dài nhiều thập niên” tại Trung Đông.

Trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Czech vòng hai

 
 Tổng thống Séc M. Zeman. Ảnh: Gettyimages

Trong hai ngày 26 và 27-01, hàng triệu cử tri Cộng hòa Czech đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng hai do không có ứng cử viên nào giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vòng một. Vòng bầu cử này đang bước vào giai đoạn kịch tính cho hai ứng cử viên hàng đầu là đương kim Tổng thống Milos Zeman và Giáo sư Jiri Drahos - cựu Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Czech, khi cơ hội được đánh giá là cân bằng nhau.

Tại cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trên truyền hình tối 23-01 thu hút 2,2 triệu người xem, hai ứng cử viên, đương kim Tổng thống M. Zeman và đối thủ J. Drahos - cựu Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Czech - đã công kích nhau kịch liệt, chủ yếu nhắm vào vấn đề người nhập cư hay sở hữu súng. Về vấn đề người nhập cư, Tổng thống M. Zeman một lần nữa tái khẳng định quan điểm phản đối tiếp nhận người tị nạn với nhiều lý do khác nhau, đồng thời chỉ trích phát ngôn trước đó của ứng cử viên J. Drahos muốn Cộng hòa Czech tiếp nhận một số lượng nhất định người tị nạn. Trong khi đó, ứng cử viên J. Drahos chỉ trích tuyên bố của Tổng thống M. Zeman khi người đứng đầu nhà nước Czech nói rằng ông sẽ không ký đề xuất cơ chế phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn của Liên minh châu Âu (EU). Ông J. Drahos cho rằng việc ký hay không một đề xuất đó không nằm trong thẩm quyền của tổng thống bởi đó không phải là một hiệp ước quốc tế.

Về vấn đề sở hữu súng, ứng cử viên M. Zeman ủng hộ luật hóa và đưa vào hiến pháp quyền sở hữu vũ khí đã được đăng ký của người dân, cho phép Czech né tránh một cách khôn khéo chỉ thị hạn chế sở hữu súng trước đó của EU. Tuy nhiên, ứng cử viên J. Drahos phản đối đề xuất trên và cho rằng không có lý do gì Czech lại có thêm luật về quyền sở hữu súng bởi những quy định sở hữu súng hiện nay là đã đầy đủ.

Trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Czech vòng hai, cơ hội chiến thắng của hai ứng cử viên M. Zeman và J. Drahos được đánh giá là cân bằng. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận do hãng Median tiến hành mới đây cho thấy, trong số các cử tri chắc chắn đi bầu cử trong vòng hai có 34,5% sẽ bỏ phiếu cho đương kim Tổng thống M. Zeman và 11% có khả năng sẽ làm như vậy. Đối thủ của ông, J. Drahos sẽ được 36,5% cử tri ủng hộ và thêm 8,5% có khả năng ủng hộ.

Những người ủng hộ đương kim Tổng thống M. Zeman nói rằng, họ đang ủng hộ một chính khách lớn, đại diện cho tầng lớp văn hóa - xã hội đại chúng, đối trọng của giới tinh hoa. Ông M. Zeman được coi là người bộc trực, thẳng thắn. Điểm yếu của ông là hay có phát biểu gây sốc, thiếu thận trọng và hay thay đổi chính kiến. Trong khi đó ứng cử viên J. Drahos được đánh giá là người điềm tĩnh, một trí thức lớn. Khẩu hiệu tranh cử của ông J. Drahos nêu rõ “Sự đứng đắn, tử tế là sức mạnh”. Nhược điểm của ông mà đối thủ tập trung nhắm tới là “thiếu kinh nghiệm chính trị” và được coi là nhân vật khó có thể thực hiện những ý tưởng mạnh bạo.

Các nhà phân tích cho rằng, vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Czech là sự lựa chọn giữa chính sách “hướng Đông” và “hướng Tây”. Đương kim Tổng thống M. Zeman được coi là người chỉ trích gay gắt EU, nhất là về vấn đề nhập cư, và bày tỏ thái độ xích lại gần Nga và Trung Quốc. Trong khi đó, cựu Chủ tịch Viện Hàn Lâm khoa học Czech J. Drahos được đánh giá là người ủng hộ việc bảo vệ các giá trị dân chủ ở nước này. Ông đã tuyên bố sẽ đưa Czech hội nhập sâu hơn vào EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Việc dự đoán ai trong hai ứng cử viên sẽ chiến thắng là rất khó khăn. Điều này phụ thuộc vào tỷ lệ cử tri đi bầu và cơ cấu những người đi bỏ phiếu ở vòng hai. Số người đang chưa biết lựa chọn ai khá đông và chính họ sẽ quyết định tương lai chính trị của ông M. Zeman và ông J. Drahos./.