Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại địa phương, phục vụ phát triển và hội nhập
Gắn kết hoạt động đối ngoại của các địa phương với hoạt động đối ngoại chung của cả nước
Được tổ chức 2 năm một lần, Hội nghị lần này có sự tham gia của 200 đại biểu là đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, cơ quan Trung ương, các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cùng đông đảo cán bộ làm công tác ngoại vụ toàn quốc và các đơn vị chức năng của Bộ Ngoại giao.
Diễn ra ngay trước Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29, Hội nghị Ngoại vụ nhằm tạo diễn đàn để các địa phương cùng các bộ, ngành Trung ương và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trao đổi, đánh giá toàn diện tình hình, kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra từ Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 17. Đồng thời, các đại biểu cũng thảo luận các giải pháp nhằm giải quyết vướng mắc, tồn tại và đề ra những phương hướng trọng tâm cho giai đoạn tới.
Trả lời phỏng vấn báo chí trước thềm Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh Hội nghị được tổ chức ngay trước thềm Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 với mục tiêu gắn kết hoạt động đối ngoại của các tỉnh, thành với hoạt động đối ngoại chung của cả nước.
Hội nghị diễn ra sau khi Việt Nam tổ chức thành công Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, định ra phương hướng phát triển đất nước trong 5 năm tới, trong đó có đường lối đối ngoại. Năm 2013, Bộ Ngoại giao cũng đã thành lập Cục Ngoại vụ địa phương để hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố tăng cường hội nhập, quan hệ với bên ngoài.
Trên thực tế, Bộ Ngoại giao đã luôn đồng hành, hỗ trợ các tỉnh, thành trong công tác đối ngoại, từ việc giới thiệu mở rộng quan hệ với các nước, các địa phương của các nước đến việc cung cấp thông tin về các đối tác, giới thiệu các nước đến với các địa phương.
Bộ cũng đã tổ chức nhiều hoạt động cụ thể như hội nghị, hội thảo, mời đại đại sứ các nước tại Việt Nam đến tham quan các địa phương, hỗ trợ cho các địa phương gặp gỡ, kết nối với các địa chỉ cụ thể, cần thiết.
Vai trò kiến tạo của Bộ Ngoại giao
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị các đại biểu thảo luận về vai trò “kiến tạo” của Bộ Ngoại giao để Bộ đồng hành, kết nối, hỗ trợ hiệu quả hơn nữa trong việc triển khai công tác đối ngoại của địa phương.
Các địa phương cần triển khai mạnh định hướng chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, coi đây là nhiệm vụ chung của tất cả các sở, ban, ngành; gắn hội nhập quốc tế với chiến lược phát triển, quy hoạch tổng thể của địa phương mình.
Cần tận dụng tối đa lợi ích của hội nhập quốc tế, đặc biệt là hội nhập kinh tế quốc tế, để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của địa phương, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu, đa dạng hóa thị trường, đối tác, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, xuất khẩu lao động, du lịch.
Cụ thể, lãnh đạo tỉnh, các sở, ban ngành, các doanh nghiệp và người dân cần nắm rõ các cam kết, thỏa thuận kinh tế mà nước ta tham gia ký kết để “đón đầu”, chuẩn bị tốt nhất cho việc thực hiện các cam kết này, tận dụng tối đa các cơ hội mà các thoả thuận đó đem lại.
Phó Thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành phố quan tâm, cùng phối hợp với Trung ương tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại lớn được tổ chức tại địa phương, trong đó có các hội nghị APEC vào năm 2017, coi đây là cơ hội để quảng bá về địa phương, thúc đẩy thương mại, đầu tư và du lịch.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam theo dõi sát các thị trường nước ngoài, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp lựa chọn đối tác đầu tư, cảnh báo sớm cho các địa phương về khả năng xảy ra tranh chấp thương mại, cảnh báo về những nhà đầu tư không có năng lực, công nghệ lạc hậu, không bảo đảm tiêu chí môi trường.
Các địa phương cùng phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động đối ngoại thường xuyên, trong đó có việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA, FDI, tăng cường công tác quản lý biên giới lãnh thổ (đối với các địa phương có biên giới trên bộ, biển, đảo), thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, công tác ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại và công tác phi chính phủ nước ngoài.
Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác đối ngoại địa phương, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngoại vụ cả về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ biên-phiên dịch để đáp ứng yêu cầu tình hình mới, tiếp tục nâng cao vai trò, vị trí của cơ quan ngoại vụ địa phương.
Đối với các tỉnh chưa thành lập Sở Ngoại vụ, căn cứ vào nhu cầu và tình hình thực tế, địa phương chủ động thúc đẩy việc thành lập để có bộ máy chuyên trách, tham mưu giúp việc hiệu quả cho lãnh đạo tỉnh trong công tác đối ngoại.
Đề cập đến kết quả công tác đối ngoại địa phương trong thời gian qua, Phó Thủ tướng cho rằng công tác này đã phát triển toàn diện cả về bề rộng và chiều sâu, mở rộng quan hệ với các đối tác nước ngoài, thúc đẩy thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư, đóng góp thiết thực vào thực hiện các mục tiêu chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương và cả nước.
Công tác đối ngoại của địa phương đã thực sự trở thành một bộ phận không thể tách rời của công tác đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước. Công tác đối ngoại của địa phương đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo địa phương, nhận được sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bộ, ngành Trung ương, trong đó có vai trò nòng cốt của Bộ Ngoại giao.
Các cơ quan ngoại vụ địa phương đã tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành lực lượng nòng cốt tham mưu cho tỉnh ủy, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động đối ngoại.
Còn độ trễ khá lớn từ chính sách đến hành động
Phó Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận tiến trình hội nhập quốc tế ở cả cấp Trung ương và địa phương còn nhiều hạn chế. Tư duy hội nhập quốc tế vẫn chuyển biến chậm. Nhiều tỉnh, thành chưa gắn hội nhập với quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội của địa phương, chưa xây dựng chương trình hành động của triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai Nghị quyết này (mới có 41/63 tỉnh, thành có chương trình hành động). Điều này cho thấy độ trễ khá lớn từ chính sách đến hành động.
Chúng ta chưa tranh thủ được cơ hội của hội nhập để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế, chưa tranh thủ được lợi ích mở rộng thị trường từ hội nhập quốc tế sâu rộng. Năng suất, trình độ công nghệ và quản trị còn thấp, chưa tham gia nhiều vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế đang tạo nhiều sức ép lên các vấn đề văn hóa, xã hội và môi trường.
Ngay sau phiên khai mạc, các đại biểu đã nghe các tham luận về hoạt động đối ngoại của Ban Đối ngoại Trung ương về triển khai công tác đối ngoại Đảng tại các địa phương; tham luận của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam về phát huy công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới và các tham luận về công tác đối ngoại đóng góp vào phát triển tại địa phương của các thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; Lâm Đồng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Quảng Trị và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka (Nhật Bản)./.
"Cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí một cách minh bạch"  (21/08/2016)
Bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học đợt bổ sung  (21/08/2016)
Vinamilk kỷ niệm 40 năm ra đời, nhận huân chương Độc lập  (21/08/2016)
Tiếp tục khắc phục hậu quả do mưa lũ sau cơn bão số 3  (21/08/2016)
Thái Lan có thể sẽ tạm ngừng hoạt động bán gạo dự trữ  (21/08/2016)
Kinh tế Anh không bị tác động nhiều sau quyết định rời khỏi EU  (21/08/2016)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển