Ngày 16-8, tại Hà Nội, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức tọa đàm về tình hình Biển Đông và phán quyết của Tòa trọng tài.


Buổi tọa đàm nhằm trao đổi về tình hình thực địa trên Biển Đông và các nội dung phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) - được thành lập theo Phụ lục VII Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 để nâng cao nhận thức, cung cấp thêm thông tin và trao đổi, thảo luận, qua đó các nhà sử học có nghiên cứu, đề xuất để đóng góp, tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong công tác tuyên truyền, giáo dục cũng như công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo và an ninh trên Biển Đông.

Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý đã trình bày khái niệm pháp lý về tranh chấp và các loại tranh chấp trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế. Đồng thời, cung cấp tình hình thực địa trên Biển Đông cũng như các nội dung phán quyết của Tòa trọng tài để các nhà sử học vận dụng vào Việt Nam cùng với các quan niệm và góc nhìn khác nhau, thấy Việt Nam có những lợi thế và thách thức, những thuận lợi cũng như những khó khăn trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: Trên phương diện pháp lý, vụ kiện làm sáng tỏ những vấn đề Trung Quốc làm trên thực địa trong 3 năm qua, làm thay đổi nguyên trạng Biển Đông trên thực địa. Vụ kiện này còn là nền tảng quan trọng và lâu dài để các bên tiến hành phân lý quyền hoặc tìm giải pháp cuối cùng để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.

Vụ kiện cũng cho thấy bản chất vấn đề Biển Đông không chỉ thuần túy là vấn đề tranh chấp lãnh thổ hay an ninh khu vực mà là vấn đề quản trị toàn cầu liên quan đến các nước lớn cũng như các vấn đề liên quan đến trật tự và luật pháp quốc tế.

Đặc biệt, phán quyết của Tòa trọng tài góp phần quan trọng cung cấp cho các nước vừa và nhỏ như Việt Nam những lập luận sắc bén bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông trong bối cảnh mới.

Cũng theo ông Trần Việt Thái, vấn đề Biển Đông hiện mới chỉ là giai đoạn quản lý xung đột và xây dựng lòng tin chứ chưa đi đến giai đoạn phân định quyền và cũng chưa đi đến giai đoạn tìm kiếm giải pháp cuối cùng cho vấn đề Biển Đông một cách tổng thể. Do vậy, phán quyết của Tòa trọng tài có thể có lợi về trung và dài hạn để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông./.