Tổng quan về môi trường sống ở khu vực

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất đặc trưng bởi dấu ấn của một hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Đây là vùng đồng bằng châu thổ do sông Mê Kông tạo nên với độ cao trung bình so với mực nước biển là 3m - 5m, độ dốc trung bình 1cm/km. ĐBSCL là một trong những đồng bằng châu thổ rộng lớn và phì nhiêu của Đông - Nam Á và thế giới, đồng thời cũng là vùng trái cây nhiệt đới, vùng sản xuất lương thực lớn nhất cả nước.

Nằm trong khu vực sông nước điển hình, với bờ biển trải dài trên 763km, ĐBSCL không chỉ là nơi tập trung các hệ sinh thái rừng tràm, hệ sinh thái nông nghiệp phát triển đa dạng, đặc biệt là hệ sinh thái rừng ngập mặn lớn nhất nước, khu vực này còn là tâm điểm cho sự giao lưu, gặp gỡ của các tuyến giao thông đường biển quốc tế: tới Đông - Nam Á, phương Tây, giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Chính những yếu tố thuận lợi về điều kiện tự nhiên và môi trường sống như thế đã tạo cho con người những lợi thế trong việc dựa vào tự nhiên để phát triển các ngành nông nghiệp, công nghiệp, sản xuất, dịch vụ... phát triển kinh tế để cải thiện đời sống và làm giàu. Cũng chính do sống trong khu vực được thiên nhiên ưu đãi cho nên đã hình thành ở con người nơi đây tập quán sinh hoạt dựa vào tự nhiên, tận dụng tự nhiên, thậm chí “ỷ lại” vào thiên nhiên “rừng vàng biển bạc” vô tận... mà không có thói quen bảo vệ môi trường thiên nhiên, về lâu dài đã gây nên những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Thực trạng ô nhiễm môi trường - vấn đề đáng báo động

ĐBSCL là một khu vực đa dạng sinh học với hệ động - thực vật trên rừng dưới biển phong phú, đây đồng thời lại là nơi có tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực đồng thời cũng là những mặt trái của nó, đó là vấn đề ô nhiễm môi trường.

Trước tiên phải kể đến quá trình đô thị hóa nhanh chóng trong đời sống xã hội. Song hành với phát triển kinh tế đạt được trong quá trình đô thị hóa, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng trở nên trầm trọng. Theo ước tính, mỗi năm khu vực này thải ra môi trường hơn 100 triệu mét khối nước thải và hơn 600.000 tấn chất thải rắn chưa qua xử lý.

Cùng với quá trình đô thị hóa là sự xuất hiện ngày càng nhiều các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất. Với hơn 70 khu công nghiệp tập trung và trên 80.000 cơ sở công nghiệp - tiểu, thủ công nghiệp hoạt động xen kẽ trong các khu dân cư, ĐBSCL hiện đang phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề về chất thải, nước thải, khí thải, khói bụi, tiếng ồn... không qua xử lý thải trực tiếp ra ao hồ và môi trường không khí, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người.

Truyền thống canh tác nông nghiệp trồng lúa nước của cư dân trong vùng cũng gây ra những vấn đề lớn về môi sinh bởi việc lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ... những chất hóa học có tác động đến môi trường sinh sống. Chỉ tính lượng phân bón trong hai vụ lúa đông - xuân và hè - thu từ năm 1995 đến nay, theo tính toán, mỗi năm ruộng đồng vùng ĐBSCL tiếp nhận từ 1,3 triệu đến 1,7 triệu tấn phân hóa học, còn thực tế nông dân đã bón quá nhiều so với mức khuyến cáo kỹ thuật, vừa lãng phí vừa ảnh hưởng xấu đến môi trường.(1)

Từ khi chuyển hướng trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản, diện tích đất nông nghiệp bị chuyển sang ngành này cũng tăng đáng kể: năm 2000 là 445.300 ha, đến năm 2006 đã là 699.200 ha, với tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng 1.171.001 tấn, chiếm trên 70% sản lượng nuôi trồng và trên 60% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước(2). Bên cạnh những lợi ích kinh tế đạt được là sự hủy hoại môi trường nước trầm trọng, bởi trong quá trình chuyển dịch từ canh tác lúa nước nông nghiệp sang nuôi tôm nước mặn đã làm thay đổi nguồn nước, khiến nước mặn xâm nhập vào vùng nước ngọt, gây nên áp lực đối với hệ canh tác nước ngọt truyền thống ở đây và tình trạng mất cân bằng sinh thái. Không chỉ thế, hằng năm, các ngành nuôi trồng thủy sản còn thải khoảng gần 500 triệu m3 bùn thải và chất thải không được xử lý trực tiếp vào sông rạch, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nước.

Thói quen đổ chất thải sinh hoạt (từ người, gia súc, gia cầm) vào nguồn nước cũng đã góp phần vào việc hủy hoại môi trường. Theo tính toán, nguồn nước của cư dân ở ĐBSCL có độ nhiễm vi sinh cao, với nồng độ Coliform trung bình khoảng 300.000 con - 1.500.000 con/ml (3).

Những nguyên nhân khác từ ô nhiễm phèn nặng, từ nguồn nước do các đợt lũ lụt, nạn cháy rừng, phá rừng, săn bắt động thực vật trái phép cũng đã gây nên những ảnh hưởng trầm trọng đối với môi trường sinh thái. Theo thống kê, tổng số chất thải rắn hằng năm của khu vực khoảng 3,7 triệu tấn, với 90% số đó chưa được thu gom và xử lý mà trực tiếp đổ xuống sông, rạch. Theo đánh giá của Cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nguồn nước sông, rạch ở ĐBSCL đang bị ô nhiễm nặng, hàm lượng vi khuẩn E.coli cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ 2 đến 5 lần, hàm lượng nhu cầu oxy sinh học, hóa học (BOD và COD) vượt mức cho phép từ 1 đến 3 lần(4).

Ô nhiễm môi trường sống và thái độ của con người

Bên cạnh những lý do khách quan do thiên tai lũ lụt, mưa bão hay do nguồn nước tự nhiên bị nhiễm phèn mặn... nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự ô nhiễm môi trường trầm trọng trong giai đoạn hiện nay ở các tỉnh ĐBSCL chủ yếu là do chính ý thức của con người.

ĐBSCL từ thuở xa xưa vốn được thiên nhiên ưu đãi, sản vật dồi dào, tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, nguồn lợi từ thủy hải sản là rất lớn... Và cũng từ lâu con người ở đây đã hình thành tập quán sống dựa vào môi trường, và hầu như không quan tâm đến việc bảo vệ, tái tạo môi trường.

Trong các gia đình, chất thải, rác thải hầu hết được tuồn ra sông, không hề qua bất cứ hình thức xử lý nào. Thậm chí xả rác bừa bãi đã trở thành thói quen, cho nên có rất nhiều trường hợp khi một số người có ý thức cương quyết không xả rác nơi công cộng thì lại bị cho là lập dị, kỳ quặc.

Thời đại mới kêu gọi con người phải có trách nhiệm với môi trường sống. Có thể nói, trách nhiệm đối với môi trường chính là nền tảng đạo đức của mỗi con người, hướng con người đến việc quan tâm giữ gìn môi trường sống không chỉ cho chính mình mà còn cho cả các thế hệ mai sau. Tuy nhiên, bên cạnh những con người tích cực vận động, thực hiện nếp sống văn minh, gìn giữ bảo vệ môi trường thì vẫn còn đó những cá nhân, các tổ chức vì lợi ích kinh tế, làm giàu cho chính bản thân mình mà sẵn sàng hủy hoại môi trường - nguồn sống của tất cả mọi người. Điển hình là những kẻ phá rừng, bất cẩn gây cháy rừng, săn bắt động thực vật trái phép... làm mất cân bằng sinh thái. Rồi các khu công nghiệp được xây dựng ngày càng nhiều nhưng không có hệ thống xử lý chất thải hoàn chỉnh, liên tục thải rác, nước thải công nghiệp độc hại... hủy hoại môi trường đồng thời cũng ngày ngày tiêu diệt nguồn sống của con người.

Kiến nghị những giải pháp

Ô nhiễm môi trường có nguyên nhân chủ yếu hàng đầu là do con người gây ra, cho nên giải pháp cũng phải bắt đầu từ con người. Đây không chỉ là vấn đề của riêng bất cứ một cá nhân nào mà là của cả toàn nhân loại, vì vậy tất cả mọi người đều phải cùng nhau thực hiện, không chỉ vì chính bản thân chúng ta mà còn vì thế hệ mai sau.

Trong thời gian trước mắt cần tiếp tục công tác giáo dục, tuyên truyền, tổ chức nhiều hơn nữa những chiến dịch vì môi trường xanh - sạch - đẹp, giữ gìn bầu khí quyển, chống lại những hành vi hủy hoại môi trường. Không chỉ nói suông mà phải có biện pháp thưởng - phạt cụ thể. Khen thưởng đối với người thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường sống và xử phạt nghiêm khắc đối với các cá nhân và đơn vị vi phạm.

Không chỉ tuyên truyền, vận động mà trong tương lai nên lập hẳn một ngành học về đạo đức học môi trường nhằm giáo dục ý thức giữ gìn môi sinh của con người. Ngành học về đạo đức môi trường thực ra đã có trên thế giới, nhưng ở nước ta đó vẫn còn là một điều lạ lẫm. Thiết nghĩ đây là một chuyên ngành quan trọng để góp phần nâng cao ý thức con người một cách bài bản, có khoa học và chuyên sâu. Điều này cho thấy trách nhiệm đối với môi trường thực sự là một vấn đề đạo đức quan trọng, bởi phá hoại môi trường là chúng ta đã thực hiện hành vi phá hoại - bóc lột nguồn sống của các thế hệ tương lai.

Về phía các khu công nghiệp, khu chế xuất trong quá trình đô thị hóa, trách nhiệm trước hết thuộc về các nhà quản lý. Phát triển sản xuất, làm giàu chính đáng phải đi đôi với ý thức đạo đức về việc giữ gìn môi trường sinh thái không chỉ cho những người xung quanh mà còn cho cả bản thân mình.

Ở góc độ quản lý, vai trò của Nhà nước và các bộ, ngành có liên quan cũng là một nhân tố không thể thiếu thông qua các dự án quy hoạch phát triển đô thị, các khu, cụm dân cư gắn liền với việc cung cấp nước sạch và giữ gìn vệ sinh môi trường. Nhà nước phải giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư, các quá trình kiểm tra những ảnh hưởng tác động với môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường, đào tạo đội ngũ chuyên gia với năng lực chuyên môn cao, kịp thời phát hiện và ứng cứu các sự cố về môi trường.

ĐBSCL là một khu vực tập trung các hệ sinh thái phong phú đa dạng. Bà mẹ thiên nhiên hào phóng đã chở che, nuôi dưỡng biết bao thế hệ con người từ trước đến nay. Vì thế, tự bản thân mỗi con người - chủ thể của tự nhiên đồng thời cũng phụ thuộc vào tự nhiên phải ý thức được trách nhiệm của mình, không chỉ “nhận” mà còn phải biết “cho”. Bảo vệ môi trường tự nhiên không phải là vấn đề một sớm một chiều mà là vấn đề lâu dài. Và việc thực hiện không phải chỉ do một số cá nhân mà là của toàn xã hội, để giữ gìn nguồn sống cho chính mình và cho cả thế hệ mai sau./.
 

(1) Nguồn:http://www.vfej.vn/newsdetail.aspx?cate1= 34&cate2=144&msgId=8575&pageId

(2) Nguồn: http://www.thiennhien.net/news/139/ARTICLE/5500/2008-05-13.html

(3), (4) Nguồn: http://dbscl.thuyloi.vn/index.asp?menu= detail&id=485