Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật Đất đai
Như vậy, sau Hiến pháp, Luật Đất đai (sửa đổi) - đạo luật được dư luận, cử tri và đồng bào cả nước hết sức quan tâm, đã được các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua.
Sự kiện này cũng đánh một dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng, tiếp thu ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân, nhân sỹ, trí thức và cử tri cả nước đối với Luật Đất đai (sửa đổi), một đạo luật có tầm bao phủ rộng lớn đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trước đó, thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được tổ chức lấy ý kiến nhân dân và đã tiếp nhận gần 7 triệu lượt ý kiến góp ý.
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và đã thống nhất lùi thời điểm thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan có thời gian nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật thật kỹ lưỡng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy định của dự thảo Luật với các quy định về đất đai trong Dự thảo Hiến pháp năm 1992 sửa đổi.
Điều khiển phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ với nhận thức dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là đạo luật quan trọng có tác động lớn đến các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất, tác động đến sự phát triển kinh tế đất nước và ảnh hưởng đến toàn xã hội, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan đã dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu cẩn thận, kỹ lưỡng và thực hiện các bước đi thận trọng.
Chính phủ đã chuẩn bị công phu, thảo luận nhiều lần, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành 5 phiên họp để cho ý kiến, Quốc hội dành 3 kỳ họp để thảo luận, cho ý kiến. Ngoài ra, cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân, các ngành, các cấp, các địa phương và những đối tượng chịu sự tác động của Luật.
Trước khi tiến hành biểu quyết, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có nhiều điểm đổi mới; phù hợp với các quan điểm, định hướng đổi mới chính sách pháp luật về đất đai theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, đã cơ bản giải quyết được các tồn tại, vướng mắc hiện nay, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và tình hình phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế.
Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 có 14 chương, 212 điều.
Trước khi thông qua toàn văn dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua một số nội dung như Điều 26 về những bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất; Điều 126: Đất sử dụng có thời hạn và Điều 166: Quyền chung của người sử dụng đất trong Dự thảo Luật.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua lần này bổ sung một số trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh như xây dựng trụ sở làm việc; trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ, nhà nghỉ dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; làm rõ thẩm quyền cho phép thu hồi đất nêu tại Khoản 1 Điều 62 của dự thảo Luật để tránh tùy tiện trong thu hồi đất.
Luật Đất đai (sửa đổi) cũng quy định giao Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục cưỡng chế để áp dụng thống nhất trong cả nước vì đây là vấn đề phức tạp và có liên quan đến quyền và lợi ích của người dân; quy định cụ thể về việc bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng đất gây ra.
Luật cũng bổ sung quy định về bồi thường đối với đất phi nông nghiệp của cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo trong nhóm các quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Liên quan đến khung giá đất, Luật Đất đai sửa đổi đã bổ sung quy định về sự tham gia của cơ quan tư vấn giá đất trong Hội đồng thẩm định giá đất để đảm bảo sự khách quan tại Khoản 3 Điều 114: "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể. Cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc xác định giá đất cụ thể. Trong quá trình thực hiện, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh được thuê tổ chức có chức năng tư vấn định giá đất để tư vấn xác định giá đất cụ thể".
Đáng chú ý, trong Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua lần này, các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường đã được tăng cường, cụ thể: Đã hạn chế các trường hợp được Nhà nước giao đất, chuyển cơ bản sang áp dụng hình thức thuê đất; thực hiện định giá đất theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước nhằm tiến tới xóa bỏ bao cấp trong quản lý, sử dụng đất đai khắc phục tình trạng "xin-cho" trong sử dụng đất.
Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đã hoàn thiện các quy định nhằm tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình lập, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nhằm công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng đất, góp phần phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và làm giảm các khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai; đồng thời góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai.
Cũng trong buổi làm việc sáng nay, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật phá sản (sửa đổi). Chiều cùng ngày, Quốc hội họp phiên bế mạc, được truyền hình, truyền thanh trực tiếp để đồng bào, cử tri cả nước cùng theo dõi./.
Xây dựng đội ngũ trí thức ở thành phố Hải Dương  (29/11/2013)
Bạc Liêu trên đường giảm nghèo bền vững  (29/11/2013)
Đồng Tháp tổ chức Lễ giỗ lần thứ 84 cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc  (29/11/2013)
Hợp tác Ủy ban Quốc phòng - An ninh và Bộ Quốc phòng  (29/11/2013)
Quốc hội thông qua Nghị quyết phát hành trái phiếu Chính phủ  (29/11/2013)
Thủ tướng tiếp Đại sứ Cuba Herminio Lopez Diaz  (29/11/2013)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên