Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ
Tiếp tục chuyến thăm cấp nhà nước Cộng hòa Ấn Độ, sáng 22-11, tại thành phố Mumbai, thủ phủ bang Maharashtra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ. Tạp chí Cộng sản điện tử xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
"Thưa quý bà, quý ông,
Thưa các vị đại biểu, các doanh nhân Ấn Độ thân mến,
Trước hết, tôi xin gửi lời chào và lời chúc sức khỏe tới quý vị đại biểu, các vị khách quý đại diện cho các cơ quan và các doanh nghiệp của Ấn Độ tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ ngày hôm nay.
Tôi rất vui mừng lần đầu tiên đến thăm thành phố Mumbai - trung tâm kinh tế lớn của Ấn Độ, một thời nổi tiếng về hàng tơ lụa, và nay đã trở thành trung tâm kinh tế tài chính phát triển của Ấn Độ, là trụ sở của nhiều định chế tài chính quan trọng và nhiều tập đoàn, công ty hàng đầu của Ấn Độ.
Thưa quý vị,
Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ hữu nghị gắn bó từ lâu đời, khởi nguồn từ những nét tương đồng về văn hóa, tín ngưỡng và tinh thần quật cường, bền bỉ trong công cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do của mỗi nước. Mối quan hệ đó đã được lãnh tụ vĩ đại của hai dân tộc, là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, ngày càng phát triển và đơm hoa kết trái; quan hệ hợp tác hai nước đang phát triển ngày càng sâu rộng, trong đó hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là một trọng tâm, một lĩnh vực hợp tác rất nhiều tiềm năng.
Hợp tác thương mại, đầu tư Việt - Ấn đang trên đà phát triển. Hiện nay, Ấn Độ đã trở thành một trong số mười đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai nước những năm qua tăng trưởng bình quân trên 12%, và đạt mức 3,94 tỷ USD năm 2012. Với đà phát triển như hiện nay, có khả năng hai nước sẽ đạt mục tiêu kim ngạch thương mại 7 tỷ USD vào năm 2015. Hai bên cũng đã nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch hai nước lên mức 15 tỷ USD vào năm 2020. Về đầu tư, tính tới tháng 6-2013, Ấn Độ đã có 74 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 252,2 triệu USD. Nhân đây, tôi rất vui mừng thông báo các quý vị: Trong chuyến thăm này, tôi và ngài Thủ tướng Manmohan Singh đã chứng kiến lễ ký kết một loạt các văn bản quan trọng giữa hai nước, trong đó có Bản ghi nhớ giữa Tập đoàn TATA và Bộ Công Thương Việt Nam về dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Long Phú II trị giá 1,8 tỷ USD tại tỉnh Sóc Trăng của Việt Nam. Đây là dự án đầu tư lớn nhất của Ấn Độ tại Việt Nam, mang tính biểu tượng cho sự phát triển hợp tác kinh tế và đầu tư giữa hai nước. Tôi tin rằng, đây là tín hiệu về mối quan tâm ngày càng tăng của các doanh nghiệp Ấn Độ đến thị trường Việt Nam.
Tuy vậy, chắc quý vị ngồi đây cũng đồng ý với tôi rằng, quy mô của quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại hiện nay giữa hai nước vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp, với tiềm năng to lớn và mong muốn của hai bên. Vì vậy, chúng tôi mong muốn rằng hai bên, trong đó có doanh nghiệp của hai nước, cần nỗ lực thúc đẩy hợp tác một cách thực chất, hiệu quả để sự hợp tác về kinh tế giữa hai nước có bước phát triển mới, thật rõ nét. Nhân dịp này, tôi muốn chia sẻ với quý vị một số điểm để chúng ta cùng trao đổi, đưa ra các ý tưởng, giải pháp thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác đầu tư và thương mại giữa hai nước:
Thứ nhất, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã có lịch sử hàng nghìn năm, ngày nay lại càng trở nên gắn bó hơn bao giờ hết, đặc biệt kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2007; quan hệ đó đã được mở rộng trên tất cả các lĩnh vực chính trị - ngoại giao; kinh tế - thương mại; quốc phòng - an ninh; khoa học - công nghệ; văn hóa - giáo dục. Ấn Độ coi Việt Nam là trụ cột trong chính sách hướng Đông của mình và Việt Nam luôn khẳng định chính sách nhất quán coi trọng việc phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược với Ấn Độ. Đây chính là nền tảng và điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các cơ hội và tiềm năng hợp tác trên tất cả các lĩnh vực nói chung, và hợp tác kinh tế nói riêng.
Thứ hai, Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới và đang phát triển nhanh. Ngày nay, trên một số lĩnh vực, Ấn Độ đã vươn lên ngang hàng với các nước tiên tiến trên thế giới, như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, dược phẩm, vũ trụ, cơ khí chế tạo… Trình độ và kinh nghiệm của Ấn Độ, của các doanh nghiệp Ấn Độ có sức hấp dẫn và là tiềm năng hợp tác của Việt Nam.
Trải qua hơn 27 năm Đổi mới, Việt Nam chúng tôi cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và quan trọng. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong nhiều năm, Việt Nam đã ra khỏi tình trạng nước kém phát triển và trở thành nước có thu nhập trung bình. Cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hiệu quả sản xuất nông nghiệp ngày càng cao và cùng các bạn trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Hiện nay, chúng tôi đang đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, nhằm phát triển bền vững, tập trung vào ba khâu đột phá là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong các giai đoạn sau. Việt Nam và Ấn Độ là hai nền kinh tế năng động và đang vươn lên mạnh mẽ ở châu Á. Nền kinh tế hai nước có nhiều nét tương đồng, đồng thời có những thế mạnh riêng, có thể hỗ trợ và bổ sung lẫn nhau cùng phát triển. Để mở đường và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, Chính phủ hai nước đã ký nhiều hiệp định hợp tác, như hiệp định về thương mại, tránh đánh thuế hai lần; khuyến khích và bảo hộ đầu tư, lãnh sự, du lịch, hàng hải thương mại, dịch vụ hàng không… Việt Nam là thị trường với 90 triệu dân, nằm ở vị trí trung tâm Đông Nam Á, kết nối giữa Đông Bắc Á và Đông Nam Á về địa lý, và kết nối thị trường qua các khu vực và Hiệp định thương mại tự do với các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ… Như vậy, tiềm năng và cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước là rất lớn; cánh cửa đang rộng mở chờ các bạn cùng khai phá, hợp tác cùng có lợi.
Thứ ba, hai nước đều nằm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương - khu vực năng động và đang là trung tâm của nhiều cơ chế hợp tác đa phương quan trọng. Hai nước chúng ta luôn phối hợp, ủng hộ lẫn nhau rất hiệu quả trên các diễn đàn khu vực và quốc tế. Việt Nam và Ấn Độ cùng là thành viên của nhiều tổ chức hợp tác khu vực và quốc tế như: WTO, NAM, EAS. Ấn Độ và ASEAN đang tiến tới thiết lập Khu vực Mậu dịch tự do toàn diện, đồng thời đang đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối để các doanh nghiệp Ấn Độ thâm nhập thị trường ASEAN.
Trên những cơ sở nêu trên, với tiềm năng to lớn của mỗi nước và quyết tâm cao của lãnh đạo và nhân dân hai nước, chúng ta có thể tin tưởng vào triển vọng, tương lai tươi sáng của mối quan hệ giữa hai nước chúng ta, trong đó hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư là một trọng tâm.
Thưa quý vị,
Diễn đàn doanh nghiệp hôm nay là cơ hội để các doanh nghiệp Ấn Độ tìm hiểu, trao đổi định hướng và các biện pháp đẩy mạnh hợp tác về thương mại, đầu tư vào Việt Nam. Nhân dịp này, tôi trân trọng đề nghị và khuyến khích các bạn đang hiện diện tại đây, cùng các đồng nghiệp của mình, hãy đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội và đầu tư. Tôi xin khẳng định rằng, các bạn sẽ luôn được chào đón nhiệt thành và tìm thấy cơ hội và các dự án đầu tư lâu dài, hiệu quả ở Việt Nam. Ngài Phó Thủ tướng Chính phủ và các bộ trưởng của Việt Nam trong đoàn có mặt hôm nay sẽ sẵn sàng trao đổi các vấn đề với các bạn.
Chúc quý vị sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Chúc Diễn đàn thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn!
Hoạt động của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Ấn Độ  (22/11/2013)
Việt Nam giữ vị trí tiên phong về cải tổ Liên hợp quốc  (22/11/2013)
Thông cáo chung quan hệ hai nước Việt Nam - Mông Cổ  (22/11/2013)
Đoàn đại biểu cấp cao thành phố Hà Nội thăm Nga  (22/11/2013)
Tăng cường mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam - Mông Cổ  (22/11/2013)
Phải làm tốt khâu điều tra và truy tố để tránh án oan sai  (22/11/2013)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay