TCCS - Chiều ngày 11-2-2025, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Dự hội nghị có: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các địa phương, cơ quan nghiên cứu, tổ chức khoa học, trường đại học và doanh nghiệp.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị_Ảnh: TTXVN

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành, cả nước đã tổ chức triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22-12-2024, về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Chính phủ đã ban hành nghị quyết về chương trình, hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, góp phần đạt tăng trưởng 8% trong năm 2025, tạo đà, tạo thế, tạo lực, tạo khí thế để cả nước đạt mức tăng trưởng 2 con số thời gian tới. Với quan điểm phân công “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm”, chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và 140 nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đại biểu thảo luận đánh giá đúng tình hình; nhận diện rõ những khó khăn, thách thức, thời cơ, thuận lợi để phát huy hết khả năng, biến thời cơ thành nguồn lực, đồng thời khắc phục những hạn chế, thách thức cho đất nước phát triển. Đặc biệt, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp đột phá về thể chế, huy động nguồn lực, hạ tầng, nguồn nhân lực cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu một số khó khăn, hạn chế, thách thức. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao. Trong đó, có đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án đã được phê duyệt, như chuyển đổi số quốc gia, phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, phục vụ phát triển công nghệ cao. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; có chính sách về tài chính ưu đãi vượt trội, thủ tục hành chính thông thoáng thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực. Cùng với đó, có cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, cơ chế quản lý tài chính thông thoáng trong việc thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ; cơ chế thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trực thuộc đơn vị sự nghiệp công lập đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đồng thời, phát triển hạ tầng số vượt trội để thu hút đầu tư về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đẩy mạnh hợp tác, thu hút các doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới vào đầu tư, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu đề ra. Đặc biệt, là cần có quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo...

Đại diện các tập đoàn công nghệ như: Google, Ndivia, Samsung... đánh giá cao tầm nhìn chiến lược và quyết tâm chính trị, cũng như môi trường phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao của Việt Nam. Đồng thời, cam kết tham gia, hợp tác tích cực, chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác Việt Nam trong triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao. Trong đó, tham gia phát triển dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo; cung cấp các khóa học, chương trình đào tạo, cấp tài liệu, chương trình học miễn phí cho học sinh, sinh viên Việt Nam...

Các doanh nghiệp nước ngoài đề xuất Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, có chính sách ưu đãi khuyến khích thu hút đầu tư trong ngành công nghệ cao. Cùng với đó có chính sách ưu đãi về thuế thu nhập, về nhà ở cho các chuyên gia, nhà khoa học người nước ngoài khi tham gia dự án công nghệ cao tại Việt Nam.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn, ghi nhận, đánh giá cao ý kiến tâm huyết của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp. Đồng thời, yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông phối hợp tổng hợp, đồng thời đề xuất nội dung trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, là ưu tiên hàng đầu; phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể trong quá trình này. Vì phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực góp phần tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nhanh, bền vững; góp phần nâng cao năng suất lao động toàn xã hội, năng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập của nền kinh tế quốc gia trong bối cảnh hiện nay. Hoạt động phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam thời gian qua đạt được nhiều thành tựu quan trọng, cùng với đổi mới tư duy phát triển kinh tế, trong đó có kinh tế nông nghiệp, thực hiện 3 đột phá chiến lược, hội nhập kinh tế sâu rộng, hiệu quả... Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển và mong muốn hưởng thụ của người dân thì phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số chưa được cao.

Toàn cảnh hội nghị_Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý, các bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong toàn xã hội để vấn đề này ngấm sâu vào tư tưởng, lời nói, hành động của từng cấp, từng ngành, từng người dân Việt Nam. Đồng thời, tổ chức ngay việc rà soát lại ở tất cả các cấp, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp về những nút thắt, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách liên quan phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp tục hoàn thiện, bổ sung, sửa đổi, hoàn thành trong quý I, II-2025.

Các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải đẩy mạnh phát triển bao trùm, toàn diện các hạ tầng gồm: hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, thể thao, năng lượng, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí... Đổi mới và đa dạng hóa đào tạo từ cấp phổ thông, đại học, trên đại học, đào tạo chuyên gia, chuyên môn kỹ thuật, nâng cao kiến thức, bổ sung kiến thức, đào tạo trong nước, ngoài nước; có cơ chế cho đào tạo, thu hút nhân tài cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của Việt Nam. Đồng thời, tổ chức quản trị theo hướng thông minh, tối ưu hóa quản lý, xóa bỏ cơ chế xin - cho, thủ tục rườm rà; tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường giám sát, kiểm tra, thực hiện hậu kiểm; song song với sự phát triển phải đảm bảo môi trường, an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn các tập đoàn công nghệ nước ngoài đã đầu tư và tham gia các quá trình phát triển, bảo đảm an sinh xã hội tại Việt Nam. Đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của Việt Nam đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế, thúc đẩy chuyển giao công nghệ; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam trên toàn cầu để thu hút chất xám toàn thế giới trên mọi lĩnh vực phục vụ phát triển.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý các bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, nhà khoa học phải hợp tác chặt chẽ với nhau, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Nhưng phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết và trên nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh, hợp tác hiệu quả, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, “coi trọng thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán”, “phân công rõ người, rõ việc, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm”, “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện có hiệu quả cụ thể”./. 

Hà Phương (tổng hợp)