Tỉnh Hà Giang phát huy hiệu quả vai trò công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới
TCCS - Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 5-9-2016, của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII, về “Đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới”, tỉnh Hà Giang đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đổi mới, linh hoạt cách tuyên truyền để bảo đảm và nâng cao chất lượng thông tin cơ sở, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Đáp ứng nhu cầu của người dân
Thông tin cơ sở là bộ phận quan trọng trong công tác tuyên truyền của Đảng và Nhà nước. Ngoài nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị, thông tin cơ sở còn là phương tiện chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn, lãnh đạo cơ quan, đơn vị cơ sở, cung cấp thông tin, kiến thức tới người dân. Thực tế cho thấy, thông tin cơ sở đã phát huy được hiệu quả cao trong tuyên truyền các sự kiện chính trị quan trọng của Trung ương, của tỉnh, nhất là công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, góp phần tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, tạo niềm tin, sự ủng hộ của cán bộ và nhân dân.
Đánh giá đúng tầm quan trọng của thông tin cơ sở trong tình hình mới, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể trong tỉnh Hà Giang đã bám sát nội dung Chỉ thị số 07-CT/TW và các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và tình hình thực tế. Công tác thông tin cơ sở, bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin, kiến thức cần thiết trên các lĩnh vực đời sống, xã hội, chú trọng thông tin đến vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Đồng chí Trần Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Giang cho biết, cùng với việc duy trì và phát huy hiệu quả truyền thông theo cách thức truyền thống, các cấp ủy, chính quyền cũng đã quan tâm đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất, thiết chế thông tin, đầu tư các phương tiện truyền thông hiện đại, giúp người dân được thụ hưởng thành quả công nghệ. Thông tin về cơ sở được đưa bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, có sự kết hợp các phương tiện truyền thông mới trên nền tảng công nghệ thông tin, giúp thông tin kịp thời và đạt hiệu quả. Hà Giang là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai thiết lập đài truyền thanh cơ sở, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông, internet. Tỉnh đã xây dựng hệ thống cổng truyền thanh cơ sở theo mô hình chuẩn, có sự thống nhất để có thể quản lý theo từng cấp. Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh phối hợp với Đài Truyền hình tỉnh, hằng ngày phát nội dung dung tuyên truyền bằng tiếng các dân tộc Mông, Dao, Nùng và tiếng phổ thông, thông qua Trung tâm Phát thanh - Truyền hình tiếng dân tộc; nhờ đó đồng bào dễ dàng tiếp cận thông tin bằng ngôn ngữ thường ngày, hiệu quả truyền thông được nâng lên rõ nét.
Thời điểm bùng phát đại dịch COVID-19, trước diễn biến phức tạp, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức về phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe tại một số huyện đã có những cách làm mới, đạt hiệu quả cao khi sử dụng loa di động gắn với phương tiện xe máy đến tận nương tuyên truyền cho người dân về phòng, chống dịch bệnh bệnh COVID-19. Cách làm sáng tạo, linh hoạt này mang lại những hiệu quả đáng khích lệ, phù hợp với đối tượng và thời điểm do Hà Giang là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt, dân cư phân bố rải rác.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Để Chỉ thị số 07-CT/TW đi vào thực tiễn, tỉnh Hà Giang ban hành nhiều chương trình, nghị quyết, đề án quan trọng về hoạt động của các phương tiện truyền thông, như Đề án Đổi mới công tác truyền thông tỉnh Hà Giang giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 99/KH-UBND về nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hà Giang; Quy chế hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống truyền thanh cơ sở. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ký kết với các sở, ngành, đơn vị phối hợp xây dựng trên 400 vấn đề chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn tuyên truyền tại cơ sở, thành lập nhóm Zalo “Tuyên giáo Hà Giang” kết nối với các bí thư cấp ủy xã, phường, thị trấn, cán bộ tuyên - vận, trưởng ban tuyên giáo các huyện, thành phố để kịp thời cung cấp các thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, một số thông tin chính thống về chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh. Đặc biệt, để tuyên truyền sâu, rộng về nghị quyết của Đảng, công tác xây dựng Đảng, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển, đảo...; 100% ban tuyên giáo cấp huyện triển khai các chương trình tuyên truyền với các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Các cấp, ngành, địa phương duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của cổng thông tin điện tử, xây dựng video clip, phóng sự ngắn bằng tiếng dân tộc, lập trang thông tin điện tử địa phương, trang mạng xã hội như Youtube, Zalo, Facebook,... để tuyên truyền tới từng nhóm đối tượng cụ thể ở cơ sở, phù hợp với điều kiện và trình độ, nhận thức của từng nhóm đối tượng; quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị truyền thông, củng cố các thiết chế văn hóa - thông tin, ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác thông tin cơ sở.
Theo đồng chí Vũ Mạnh Hà, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Giang: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và định hướng chuyển đổi số của Chính phủ, của tỉnh Hà Giang đặt ra yêu cầu mới, công tác thông tin tuyên truyền của Đảng bộ tỉnh Hà Giang luôn phải linh hoạt, đổi mới nội dung, phương thức thực hiện, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền nói chung và công tác tuyên truyền miệng của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên nói riêng.
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Giang đã triển khai xây dựng tài khoản Zalo OA Sở Thông tin và Truyền thông; xây dựng và phát triển Fanpage Thông tin Hà Giang thành kênh thông tin tổng hợp uy tín trên mạng xã hội, với nguồn thông tin từ các kênh truyền thông chính thức như Báo Hà Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Giang...; Thường xuyên tổ chức, thực hiện phát trực tiếp (livestream) các chương trình, sự kiện lớn của tỉnh trên Fanpage; xây dựng kênh Youtube Thông tin Hà Giang; thiết lập mạng lưới truyền thông trên mạng xã hội qua nhóm Zalo, như các nhóm Zalo kết nối với các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh, nhóm kết nối với phòng văn hóa và thông tin, trung tâm văn hóa thông tin và du lịch các huyện, thành phố để trực tiếp trao đổi, nắm thông tin, tại cơ sở; nhanh chóng, kịp thời gửi các nội dung tuyên truyền, nội dung thông tin. Qua đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong việc khai thác phục vụ công tác tuyên truyền.
Tỉnh Hà Giang xây dựng và hoàn thiện phần mềm quản trị thông tin cơ sở để quản lý, vận hành toàn bộ hệ thống đài truyền thanh cơ sở, ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông, internet và lắp đặt hệ thống biển thông tin điện tử (màn hình LED) cỡ lớn phục vụ thông tin, tuyên truyền chính trị tại các khu trung tâm, khu du lịch, cửa khẩu quốc tế... trên toàn tỉnh; triển khai dự án thiết lập, nâng cấp đài truyền thanh tại các xã; xây dựng 1.187 đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Đến nay, các xã, phường, thị trấn đã có cáp quang, mạng internet băng rộng đạt 98%; số trạm thu phát sóng (BTS) đạt 2.432 trạm; tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động đạt 98,6%, khu vực trung tâm, tập trung đông dân cư đạt 100%; chủ động phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam xây dựng trạm phát sóng FM tại đỉnh Chiêu Lầu Thi, mở rộng diện phủ sóng, nâng chất lượng phát sóng đến đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng
Các cơ quan báo chí nâng cao chất lượng tuyên truyền với nhiều chuyên trang, chuyên mục, loại hình đa dạng, hấp dẫn; trong đó Báo Hà Giang xuất bản ấn phẩm Hà Giang cực Bắc phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số; Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Giang sản xuất chương trình phát thanh - truyền hình tiếng dân tộc (Mông, Tày, Dao). Đối với những thôn, bản vùng sâu, vùng xa, biên giới, các địa phương tuyên truyền lưu động bảo đảm thông tin đến với người dân. Ngoài ra, việc đưa thông tin về cơ sở được thực hiện thông qua hoạt động của điểm bưu điện văn hóa xã, trung tâm học tập cộng đồng, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, cổ động trực quan bằng pa-nô, áp-phích, băng rôn, tuyên truyền lưu động tại phiên chợ, sân khấu hóa các cuộc thi, hội nghị báo cáo viên hằng tháng, đăng tải, chia sẻ trên nhóm Zalo, hệ thống quản lý văn bản điều hành VNPT-iOffice, mạng nội bộ, cổng thông tin điện tử.
Đặc biệt, để nâng cao chất lượng thông tin cơ sở, các cấp ủy chú trọng kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở bảo đảm về tiêu chuẩn, số lượng và chất lượng. Hiện, toàn tỉnh có gần 5.000 báo cáo viên, tuyên truyền viên; trong đó 5 đồng chí là báo cáo viên trung ương, 36 đồng chí báo cáo viên cấp tỉnh, 364 đồng chí báo cáo viên cấp huyện và tương đương, trên 4.200 tuyên truyền viên cơ sở. Hầu hết đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có khả năng nghiên cứu, phân tích lý luận, nắm bắt thực tiễn. Ban tuyên giáo các cấp tổ chức trên 140 lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ công tác tuyên truyền miệng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; tổ chức hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi, giúp đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp khai thác, tổng hợp thông tin, diễn đạt, trình bày vấn đề, từ đó nâng cao chất lượng tuyên truyền, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp cận, phản biện, cung cấp thông tin chính thống kịp thời, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong học tập, công tác, lao động sản xuất, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Có thể khẳng định, trong những năm qua công tác thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã phát huy được vai trò, chức năng quan trọng, là cầu nối cung cấp, truyền tải và phản hồi thông tin giữa người dân với các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, qua đó tạo sự thống nhất về tư tưởng, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống./.
Tỉnh Hà Giang: Chương trình xã hội hóa xây nhà ở người có công, cựu chiến binh, hộ nghèo vượt xa mong đợi  (21/12/2022)
Có một Hà Giang khác lạ  (03/12/2022)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp