Cấp ủy doanh nghiệp nhà nước và những quyết nghị xoay chuyển tình thế - Bài 4: Tỉnh táo trước mối nguy làm suy yếu tổ chức đảng
TCCS - Đoàn kết thống nhất là nguồn gốc của sức mạnh, then chốt của thành công. Vấn đề ở chỗ phải đoàn kết thực chất, phát huy dân chủ thực chất chứ không phải đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức - mối nguy làm suy yếu tổ chức đảng. Nhận diện rõ sự nguy hại này, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương có nhiều biện pháp trong phòng, chống đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức.
Đoàn kết xuôi chiều nguy hại như mất đoàn kết
Trong hơn nửa nhiệm kỳ qua, vấn đề nổi cộm nhất tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hoạt động sản xuất kinh doanh đặc biệt khó khăn, việc làm, đời sống của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nếu không xử lý tốt công tác tư tưởng có thể xuất hiện tư tưởng hoang mang, lo lắng, thậm chí có thể có tình trạng chảy máu chất xám với lao động chất lượng cao, lao động đặc thù. Trước khó khăn chưa từng có tiền lệ này, cấp ủy các cấp trong toàn Đảng bộ Tổng công ty xác định, hơn bao giờ hết, cần phải nêu cao tinh thần đoàn kết nội bộ, lãnh đạo đơn vị vượt qua khó khăn thử thách.
Trước hết, Đảng ủy, Ban Giám đốc cùng cấp ủy các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã chủ động tiến hành nhiều giải pháp để ổn định tư tưởng cho cán bộ, đảng viên yên tâm công tác. Theo đó, lãnh đạo Tổng công ty cùng các cấp ủy, Ban Chấp hành các đoàn thể thường xuyên sâu sát, quản lý, nắm chắc tình hình tư tưởng, chủ động công bố tình hình thực tế, những khó khăn nghiêm trọng và hậu quả, ảnh hưởng của nó tới người lao động cùng các giải pháp khắc phục của Tổng công ty, kêu gọi sự chia sẻ, đóng góp của cán bộ, đảng viên và người lao động; thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe và giải đáp các ý kiến của người lao động; chủ động áp dụng các giải pháp hữu hiệu để phòng chống, dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho người lao động, đồng thời động viên mọi nguồn lực để chăm lo đời sống cho người lao động, duy trì các chế độ cơ bản cho người lao động như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn và đặc biệt là chế độ bảo hiểm sức khỏe ưu việt... Do đó về cơ bản trong giai đoạn khó khăn nhất, song Tổng công ty vẫn bảo đảm được sự đồng thuận cao, cán bộ, đảng viên người lao động thấu hiểu và tin tưởng vào lãnh đạo, cùng đoàn kết, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, đóng góp tích cực để Tổng công ty vượt qua giai đoạn khó khăn, từng bước phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh và tiếp tục phát triển.
Trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, các đồng chí Phó Bí thư đảng ủy Tổng công ty VNA đã trực tiếp triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng qua 4 đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng quán triệt tới 5.000 lượt cán bộ, đảng viên; đồng thời hàng năm đều tổ chức đối thoại với người lao động tại các đơn vị đặc thù như đoàn bay, đoàn tiếp viên… Bên cạnh đó, ban hành chính sách khuyến khích đặc biệt, khen thưởng, vinh danh đối với người lao động có thành tích đặc biệt xuất sắc, thực hiện công việc năng suất chất lượng cao.
Bao năm qua, cán bộ, công nhân viên ngành Điện vẫn đinh ninh lời căn dặn đó của Bác khi đến thăm Nhà máy Điện Yên Phụ và Nhà máy Đèn Bờ Hồ, ngày 21-12-1954. Nhờ có tầm nhìn chiến lược và chỉ đạo của Đảng và Bác Hồ, cùng sự đấu tranh quyết liệt của các tổ chức đoàn thể cách mạng, đặc biệt của công nhân điện Hà Nội, điều kỳ diệu đã xảy ra ngay sau khi tiếp quản Thủ đô - điện ở Hà Nội vẫn sáng. Điều đó đã làm những kẻ xâm lược bất ngờ bởi trước đó chúng từng tuyên bố, Pháp rút đi, chỉ một tuần Hà Nội sẽ chìm trong bóng tối. Và ngày 21-12 hằng năm đã trở thành ngày truyền thống của ngành Điện Việt Nam.
Đoàn kết đã trở thành nét đẹp văn hóa của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động ngành Điện đều thấm nhuần tư tưởng, nhận thức về tinh thần đoàn kết nội bộ giúp đỡ, tương trợ nhau trong công việc và cuộc sống để tạo động lực cho sự phát triển của đơn vị nói riêng, của ngành Điện nói chung. Tinh thần đó đã được chuyển hóa thành hành động cụ thể, thiết thực. Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ, lời dạy của Bác năm nào không chỉ khắc ghi trong ký ức những người thợ điện năm xưa, mà còn là bài học sâu sắc đến tận hôm nay.
Trước nhiều nguy cơ suy thoái mà Đảng ta đã cảnh báo, có vấn đề về biểu hiện mất đoàn kết. Nơi này, nơi khác vẫn còn tình trạng mượn cớ phát huy dân chủ, núp bóng phê bình để hạ thấp uy tín, bôi nhọ lẫn nhau thì lời căn dặn của Bác “phải đoàn kết chặt chẽ thi đua làm cho Nhà máy phát triển” lại càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Và việc học Bác, thực hiện lời dạy của Bác về tinh thần đoàn kết được Đảng uỷ Tập đoàn EVN và các đảng uỷ trực thuộc cụ thể hóa bằng các chỉ thị, nghị quyết, các chương trình hành động và việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Cụ thể, Đảng ủy Tập đoàn đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chuyên đề năm 2023 với chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” trong toàn Đảng bộ nhằm tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW, Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị, Chuyên đề toàn khóa và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Đảng ủy Khối, tạo sự thống nhất trong tổ chức, học tập, tuyên truyền Chuyên đề toàn khóa, chuyên đề năm 2023 của Đảng ủy Tập đoàn. Các phong trào thi đua lao động sáng tạo, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh; việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thông qua phong trào đền ơn đáp nghĩa, các hoạt động vì cuộc sống cộng đồng. Nhiều đề tài sáng kiến kinh nghiệm được áp dụng trong và ngoài EVN góp phần đáng kể vào việc tăng năng suất lao động, sắp xếp lao động hợp lý.
Theo đồng chí Đặng Hoàng An - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVN đã và đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất, với những thử thách khốc liệt, xếp chồng, chưa có tiền lệ. Nhưng với sự đoàn kết, đồng lòng, Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo Tập đoàn, các tổ chức chính trị - xã hội cùng vượt qua khó khăn, bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các ban, bộ, ngành để triển khai thực hiện các mặt hoạt động, các nhiệm vụ, giải pháp, thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh - đầu tư xây dựng, nỗ lực đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đến nay, EVN đã cơ bản bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, với nhiều mặt tích cực như: các nhà máy điện than đã đủ than để vận hành và dự trữ tồn kho; nhiên liệu dầu tại các nhà máy điện đều đáp ứng để huy động; thực hiện quyết liệt các chiến lược khai thác linh hoạt các hồ thủy điện miền Bắc với mục tiêu tích nước lên mực nước cao nhất vào cuối năm, để bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2024. Điện sản xuất EVN và mua tháng 8-2023 ước đạt 24,76 tỷ kWh, tăng 4,9% so cùng kỳ. Lũy kế 08 tháng ước đạt 179,98 tỷ kWh, tăng 1,9% so cùng kỳ. Điện thương phẩm tháng 08/2023 ước đạt 23,467 tỷ kWh, tăng 6,96% so cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng ước đạt 164,78 tỷ kWh, tăng 2,61% so cùng kỳ.
Thực tiễn chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua nhiều cam go, thử thách hơn nửa nhiệm kỳ qua của Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương đã minh chứng cho câu nói của Bác: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Đoàn kết ở đây không phải là kiểu “đóng kín cửa bảo nhau, giữ cái vỏ thống nhất bề ngoài mà bên trong thì lục đục”; không phải kiểu đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, mà là sự đoàn kết thực chất trên tinh thần phát huy dân chủ thực chất và bảo đảm nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Từ Đảng ủy Khối cho đến cấp ủy các cấp đều thấu triệt quan điểm "đoàn kết xuôi chiều nguy hại như mất đoàn kết". Bởi vậy, trong suốt quá trình lãnh đạo, cấp ủy các cấp trong toàn Đảng bộ Khối luôn phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình, đoàn kết trong đảng, đoàn kết giữa cấp trên với cấp dưới, giữa cán bộ với đảng viên và người lao động...
Thực tế trong những năm qua, cơ cấu lại doanh nghiệp mới triển khai một chiều là giảm vốn, thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước mà chưa quan tâm đến bổ sung vốn cho những doanh nghiệp có lĩnh vực kinh doanh then chốt, thiết yếu, các doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh hiệu quả, giải quyết nhiều việc làm cho xã hội. Chủ trương giao doanh nghiệp Nhà nước tự chủ, tự chịu trách nhiệm và cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác chưa được thể chế hóa trong thực tế. Tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn của nhiều doanh nghiệp thực hiện chậm so với kế hoạch đề ra. Người đứng đầu, tập thể cấp ủy của một số doanh nghiệp còn lúng túng, thiếu quyết tâm, thiếu sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát mục tiêu, lộ trình đề án tái cơ cấu; chưa kịp thời đề xuất các kiến nghị hoặc nội dung đề xuất thiếu khả thi trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc nên thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp chậm so với đề án được phê duyệt. Tỷ lệ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp sau cổ phần hóa hầu hết còn cao hơn mục tiêu đề án đề ra; vì vậy quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa chưa có thay đổi thực chất, chưa đáp ứng theo các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; tính công khai, minh bạch còn hạn chế. Năng lực cạnh tranh chưa cao, chưa xây dựng được nhiều thương hiệu mạnh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế…
Do đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp, ngân hàng, đơn vị tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đại hội Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025 quyết nghị thực hiện hiệu quả. Thực tiễn thực hiện nhiệm vụ này đòi hỏi tinh thần đoàn kết, thống nhất rất cao trong tập thể Đảng ủy Khối. Theo đó, các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đề án, phương án cơ cấu lại doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chủ động báo cáo, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn vướng mắc về cơ chế tại Nghị định 32/2018/NĐ-CP và Nghị định 126/2017/NĐ-CP để đẩy nhanh triển khai thoái vốn và cổ phần hóa. Rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng các doanh nghiệp trực thuộc, các dự án, công trình đầu tư và vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp để có giải pháp cơ cấu lại, xử lý phù hợp. Kiên quyết xử lý dứt điểm các doanh nghiệp, các dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả. Triển khai đồng bộ các giải pháp để lành mạnh hóa tình hình tài chính, xử lý dứt điểm tồn đọng tài chính, nợ không có khả năng thanh toán và các tài sản không sinh lời của doanh nghiệp nhà nước. Tăng cường quản lý, xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính và đầu tư của doanh nghiệp. Đẩy mạnh thoái vốn đầu tư ngoài ngành, tập trung phát triển lĩnh vực kinh doanh chính, kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải. Cơ cấu lại doanh nghiệp trên cơ sở nhiệm vụ được giao, ngành, nghề kinh doanh chính, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh; triệt để tiết kiệm chi phí; nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, uy tín và thương hiệu trên thị trường…
Với sự đoàn kết thống nhất cao trong cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, nỗ lực đồng bộ thực hiện nghiêm túc cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, thu gọn số lượng, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt; từng bước củng cố và phát triển hệ thống quản trị tiên tiến, đáp ứng các yêu cầu theo thông lệ quốc tế, minh bạch trong hoạt động; coi trọng chất lượng lao động, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên môn sâu, kỹ năng giỏi, ý thức chấp hành pháp luật tốt, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và các cấp ủy trực thuộc thống nhất quyết tâm xây dựng và phát triển bền vững các doanh nghiệp Nhà nước ngày càng đáp ứng yêu cầu hội nhập, tham gia chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.
Dân chủ thực chất - biến khó khăn thành cơ hội
Xác định rõ phát huy dân chủ là một trong những giải pháp quan trọng để phát huy trí tuệ tập thể, Đảng ủy Tổng công ty MobiFone đã lãnh đạo, chỉ đạo Tổng giám đốc Tổng công ty phối hợp với Ban Chấp hành Công đoàn Tổng công ty nghiêm túc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Từ đó, các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong toàn Tổng công ty được bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật và quy định tại Quy chế dân chủ ở cơ sở tại Tổng công ty Viễn thông MobiFone.
Để phát huy dân chủ, cấp ủy các cấp trong Tổng công ty đã lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức Hội nghị người lao động tại các cấp cơ sở trực thuộc Tổng công ty và tại cấp Tổng công ty một cách nghiêm túc, bảo đảm đúng quy trình, nội dung theo quy định. Hội nghị tập trung phát huy dân chủ, đóng góp ý kiến của người lao động vào biện pháp thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, cam kết thực hiện tốt chính sách với người lao động, cải thiện quan hệ lao động, giải quyết kịp thời những phát sinh trong quan hệ lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong Tổng công ty, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, duy trì việc làm, thu nhập của người lao động.
Hội nghị Người lao động cấp Tổng công ty đã tổng hợp, giải đáp đầy đủ các kiến nghị, đề xuất của người lao động tại Hội nghị Người lao động cấp đơn vị trực thuộc về các nội dung: Nội quy lao động, Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ chính sách xã hội; Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ phúc lợi tập trung; Quy chế lương; Bảo hiểm xã hội và các Nội dung khác. Nghị quyết Hội nghị đại biểu Người lao động cấp Tổng công ty đã biểu quyết nhất trí đối với các nội dung: bổ sung nội dung hằng năm mua bảo hiểm sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên Tổng công ty vào Thỏa ước lao động tập thể và sửa đổi nội dung về trợ cấp cho cán bộ, công nhân viên ốm đau, nằm viện theo hướng có lợi hơn cho người lao động.
Tìm hiểu tại các đơn vị trong toàn Khối, chúng tôi nhận thấy, trong những năm qua, Đảng ủy Khối và các đảng ủy trực thuộc đã nghiêm túc, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và của người lao động tham gia xây dựng Đảng, xây dựng doanh nghiệp. Đảng ủy Khối đã tiến hành rà soát, bổ sung, sửa đổi Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng ủy Khối và của cấp ủy các cấp. Tiếp tục thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện đề án tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; tổ chức hội nghị người lao động, hội nghị đối thoại theo quy định; giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cán bộ, công nhân viên, người lao...
Để thực hiện Quy chủ dân chủ ở cơ sở trong toàn Đảng bộ Khối tiếp tục được thống nhất về nội dung và cách thức triển khai, Ban Chấp hành Đảng bộ Khối ban hành Nghị quyết công tác năm, trong đó có nội dung lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Thực hiện nghiêm Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị quy định trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả tiếp công dân (người lao động), giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo đồng chí Hồ Xuân Trường, Phó Bí thư Đảng uỷ Khối, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương cho biết: Đảng ủy Khối đã ban hành Kết luận số 119-KL/ĐUK, ngày 2-6-2022, về “Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”, Quy định số 06-QĐ/ĐUK, ngày 13-10-2022, về giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và người lao động đối với doanh nghiệp về việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên trong doanh nghiệp, đơn vị thuộc Khối Doanh nghiệp Trung ương. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch công tác, kế hoạch kiểm tra, giám sát thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở hằng năm; lãnh đạo Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở Đảng ủy Khối cụ thể hóa tiêu chí chấm điểm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương để làm cơ sở đánh giá, xếp loại hằng năm đối với ban chỉ đạo các đảng ủy trực thuộc.
Các đảng ủy trực thuộc bám sát chỉ đạo của Trung ương, Đảng ủy Khối: Kết luận số 120-KL/TW, ngày 7-1-2016, của Bộ Chính trị, "Về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở" gắn với Kết luận số 119-KL/ĐUK, ngày 2-6-2022, về “Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở” và một số các văn của Đảng ủy Khối để cụ thể hóa triển khai việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Trong năm 2022, các cấp ủy, tổ chức đảng đã ban hành 3.118 văn bản có liên quan đến việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, trong đó có 518 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị tiếp tục xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; chủ động đề xuất kiện toàn Ban Chỉ đạo khi có thay đổi về nhân sự; ban hành chương trình công tác, quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ cho các thành viên ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Tiếp tục lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội (công đoàn, đoàn thanh niên) thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo Điều lệ của từng tổ chức; phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Lãnh đạo, chỉ đạo chuyên môn phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội rà soát quy chế, quy định, tổ chức hội nghị người lao động, hội nghị đối thoại; quyền làm chủ của người lao động được phát huy thông qua các nội dung người lao động được tham gia ý kiến, người lao động được quyết định và người lao động được kiểm tra, giám sát.
Công tác tuyên truyền, quán triệt việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được các cấp ủy, tổ chức đảng, doanh nghiệp triển khai linh hoạt, phù hợp với đặc thù của từng đơn vị, việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ được gắn với triển khai các nghị quyết của Trung ương, của Đảng ủy Khối hoặc được tổ chức lồng ghép vào các buổi họp sơ kết, tổng kết, triển khai nhiệm vụ chuyên môn. Các doanh nghiệp, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền, quán triệt được 1.111 buổi cho hơn 85.000 lượt công nhân, viên chức, người lao động tham gia dưới nhiều hình thức khác nhau, như thông qua hội nghị trực tuyến, lồng ghép trong hội nghị giao ban cơ quan, sinh hoạt công đoàn, đoàn thanh niên, trang thông tin nội bộ, các ứng dụng công nghệ thông tin.
Kế hoạch, chương trình công tác hằng tháng, hằng quý, hằng năm và được niêm yết công khai hoặc thông tin đến người lao động, như hợp đồng lao động, tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng; các chế độ chính sách (lương, thi đua khen thưởng); về tinh giản biên chế... đều được công khai. Vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị luôn được phát huy, các nội dung, công việc liên quan được bàn bạc, thảo luận công khai, dân chủ, chế độ, chính sách của công chức, viên chức, người lao động được đảm bảo. Chỉ đạo doanh nghiệp, đơn vị thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện đề án tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; tổ chức hội nghị người lao động, hội nghị đối thoại theo quy định; giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cán bộ, công nhân viên chức, người lao động .
Trong năm 2022, toàn Khối đã thành lập được 154 đoàn kiểm tra, 95 đoàn giám sát ở các đảng bộ trực thuộc. Ban Chỉ đạo các đảng ủy trực thuộc đã thành lập 61 đoàn kiểm tra đối với 78 đơn vị và 199 đoàn giám sát đối với 202 đơn vị; 309 ban chỉ đạo của các tổ chức đảng trực thuộc các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối đã thành lập 170 đoàn kiểm tra tại 170 đơn vị và 152 đoàn giám sát tại 152 đơn vị. Một số đơn vị thực hiện lồng ghép kiểm tra Quy chế dân chủ trong kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra hoặc kiểm tra, giám sát của chuyên môn, của tổ chức công đoàn. Nội dung kiểm tra tập trung việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; việc thực hiện các nội dung công khai, việc rà soát; sửa đổi bổ sung các quy chế, quy định; việc phát huy quyền làm chủ của người lao động; thực hiện kiểm tra tài chính, các nội dung chuyên đề; việc phối hợp thực hiện Quy chế dân chủ của tổ chức công đoàn; việc phát huy vai trò giám sát thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của Ban thanh tra nhân dân.
Tổ chức Công đoàn đã giám sát 5 nội dung, phản biện 180 văn bản; giám sát gần 500 cán bộ chủ chốt, người đứng đầu và 150 cán bộ, đảng viên về thực hiện tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống. Đoàn thanh niên giám sát 3 nội dung, phản biện 26 văn bản; giám sát gần 200 cán bộ chủ chốt, người đứng đầu và 80 cán bộ, đảng viên về thực hiện tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống. Một số tổ chức công đoàn đã phát huy tốt vai trò trong giám sát, phản biện xã hội, nhất là giám sát cán bộ chủ chốt, người đứng đầu, cán bộ đảng viên trong tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống.
Đồng thời, để phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được tham gia ý kiến, được quyết định, được kiểm tra, giám sát các nội dung theo quy định tại đơn vị. Các hội nghị người lao động, hội nghị đối thoại tại nơi làm việc được các doanh nghiệp quan tâm thực hiện ngay trong quý I-2022, mặc dù tình hình sau dịch bệnh COVID-19 vẫn ảnh hưởng nhưng các đơn vị đã khắc phục khó khăn, tổ chức hội nghị người lao động, hội nghị đối thoại tại nơi làm việc thông qua các hình thức: hội nghị trực tiếp hoặc hội nghị trực tuyến.
Việc đối thoại tại nơi làm việc được cấp ủy, lãnh đạo doanh nghiệp, chủ tịch công đoàn các cấp tiếp tục quan tâm thực hiện, tính đến thời điểm báo cáo, trong Khối có 1.209/1.392 (87%) doanh nghiệp tổ chức đối thoại theo quy định; có 862/1.392 bí thư cấp ủy tổ chức đối thoại với đại diện người lao động hoặc trực tiếp người lao động; có 328/1.392 tổng giám đốc, giám đốc đối thoại với người lao động; có 19/1.392 chủ tịch công đoàn tổ chức đối thoại với đoàn viên, hội viên và cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động; có 62/1.392 doanh nghiệp đối thoại khi một bên yêu cầu.
Việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể được lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm, nội dung của thỏa ước được trao đổi, thảo luận và ký kết tại hội nghị người lao động. Nhiều đơn vị thành viên của Đảng ủy Tổng công ty Xi măng Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất có Thỏa ước lao động tập thể, với những nội dung có lợi hơn cho người lao động.
Việc thực hiện tiếp dân (người lao động), giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đã được cấp ủy, lãnh đạo doanh nghiệp các cấp thực hiện. Hầu hết các doanh nghiệp đều bố trí phòng tiếp dân và lịch tiếp dân ít nhất 1 lần/tháng. Việc giải quyết, đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị đã được các cấp ủy, lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm chỉ đạo. Năm 2022, các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối đã tiếp nhận 244 đơn (gồm có đơn tố cáo, đơn khiếu nại, đơn kiến nghị phản ánh và đơn đề nghị), đã giải quyết 204 đơn, chuyển các cấp có thẩm quyền giải quyết 40 đơn.
Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc đã được các cấp ủy, tổ chức đảng, doanh nghiệp, đơn vị thực hiện nghiêm túc; thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung các nội quy, quy chế, quy định cho phù hợp với thực tế để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động. Thực hiện có nề nếp về các nội dung công khai, phát huy quyền làm chủ của công nhân, viên chức, người lao động đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động trong doanh nghiệp; góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa giữa doanh nghiệp và người lao động trong quá trình sản xuất, kinh doanh, xây dựng doanh nghiệp phát triển, đồng thời là cơ sở quan trọng giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tiếp tục được chỉ đạo nền nếp, phù hợp với điều kiện của đơn vị, phát huy quyền làm chủ của người lao động, góp phần quan trọng thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ chính trị, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Qua kiểm tra, nhận thấy các cấp ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; lãnh đạo chuyên môn phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội rà soát quy chế, quy định, tổ chức hội nghị người lao động, hội nghị đối thoại; quyền làm chủ của người lao động được phát huy thông qua các nội dung người lao động được tham gia ý kiến, được quyết định. Các cấp ủy đảng theo dõi, động viên, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, bảo đảm việc làm và thu nhập, tạo tâm lý ổn định cho cán bộ, đảng viên và người lao động yên tâm công tác...
Từ việc phát huy dân chủ thực chất, các cấp ủy đảng nắm bắt, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, tạo niềm tin và phát huy được vai trò của đảng viên, quần chúng cùng đoàn kết vượt khó.
Trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Long Hải, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đề nghị Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của Đảng ủy Khối cần tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, để triển khai thật tốt Luật dân chủ ở cơ sở. Sau khi có Nghị định hướng dẫn của Chính phủ, nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, vận dụng phù hợp với điều kiện thực tế tại các đảng ủy trực thuộc trong Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương. Chú trọng hơn nữa việc quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về dân chủ xã hội chủ nghĩa và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chủ trương, chính sách phát triển doanh nghiệp.
Tiếp tục đổi mới hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở ở các cấp, sáng tạo trong triển khai các chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm của Ban chỉ đạo. Thực hiện dân chủ và tuân thủ pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và đối tác khách hàng. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát; sơ kết, tổng kết; nhân rộng các điển hình, mô hình thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Chú ý những lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc với người lao động và nhân dân, lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực; theo dõi, giám sát việc giải quyết các kiến nghị sau giám sát.
Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương cũng yêu cầu, tiếp tục nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp, nhất là tổ chức Công đoàn tham gia thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Thực hiện chức năng giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và người lao động đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên trong doanh nghiệp, đơn vị thuộc Khối Doanh nghiệp Trung ương hiệu quả hơn; chú trọng công khai, minh bạch các nội dung người sử dụng lao động phải công khai; nội dung người lao động được tham gia ý kiến; nội dung người lao động được quyết định; nội dung người lao động được kiểm tra, giám sát. Kết quả thực hiện hội nghị người lao động; tổ chức đối thoại tại nơi làm việc; việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng các quy định, quy chế nội bộ…/.
(còn nữa)
Cấp ủy doanh nghiệp nhà nước và những quyết nghị xoay chuyển tình thế - Bài 3: Mạnh tay thanh lọc đội ngũ, chỉnh đốn tổ chức  (31/10/2023)
Cấp ủy doanh nghiệp nhà nước và những quyết nghị xoay chuyển tình thế - Bài 2: "Chìa khóa" đột phá là đổi mới phương thức lãnh đạo  (31/10/2023)
Cấp ủy doanh nghiệp nhà nước và những quyết nghị xoay chuyển tình thế - Bài 1: Lãnh đạo "biến nguy thành cơ"  (31/10/2023)
- Quảng Ngãi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên