TCCS - Đội ngũ cán bộ, đảng viên hội tụ cả năng lực và phẩm chất là nền tảng quan trọng tiên quyết để xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Để tiến hành hiệu quả nội dung quan trọng này, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương đã quyết liệt trong việc thanh lọc đội ngũ, chỉnh đốn tổ chức; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát để ngăn ngừa và xử lý nghiêm sai phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham dự cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương về lãnh đạo, chỉ đạo công tác cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước _ Ảnh: VGP

Không để thiếu sót, khuyết điểm trở thành vi phạm

Từ ngày 12 đến ngày 15-6-2023, Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ họp thứ 29. Căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đồng chí Bùi Hồng Minh, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xi măng Việt Nam. Trước đó, tại kỳ họp thứ 26 vào cuối tháng 2-2023, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét kết quả giải quyết tố cáo đồng chí Bùi Hồng Minh. Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy đồng chí Bùi Hồng Minh trên các cương vị công tác của mình đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh và công tác cán bộ; có nguy cơ mất vốn đầu tư.

Triển khai thông báo Kỳ họp thứ 26 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã có các kế hoạch, quyết định, văn bản chỉ đạo Đảng ủy Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, tập thể, cá nhân có liên quan tiến hành việc xem xét, kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến các nội dung được chỉ ra trong kết luận tại Kỳ họp thứ 26. Thực hiện kế hoạch của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Đảng ủy Tổng Công ty Xi măng Việt Nam xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm điểm với tập thể Ban thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty nhiệm kỳ 2015 - 2020, cùng các cá nhân thuộc quản lý của Đảng ủy Tổng Công ty.

Các tập thể, cá nhân thuộc quản lý của Đảng ủy Tổng Công ty Xi măng Việt Nam tiến hành kiểm điểm, xem xét trách nhiệm. Đảng ủy Tổng Công ty Xi măng Việt Nam đã có văn bản báo cáo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương về việc thực hiện kế hoạch, các quyết định chỉ đạo của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương về việc tiến hành xem xét, kiểm điểm trách nhiệm tập thể cá nhân liên quan được chỉ ra trong kết luận kỳ hợp thứ 26 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Việc kiểm điểm xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan được Đảng ủy Tổng Công ty Xi măng Việt Nam tiến hành nghiêm túc, cầu thị đối chiếu đúng với Điều lệ Đảng, Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 6-7-2022, của Bộ Chính trị, “Về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm và các quy định có liên quan để đưa ra các hình thức kỷ luật thể hiện tính nghiêm minh của Đảng”.

Thực tiễn vụ việc nêu trên cũng như kết quả xây dựng, chỉnh đốn Đảng hơn nửa nhiệm kỳ qua của Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương cho thấy tinh thần quyết liệt, nghiêm túc, thẳng thắn nhìn nhận khuyết điểm để khắc phục, sửa chữa. Các cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã tăng cường kiểm tra, giám sát, góp phần phát hiện và phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm từ khi còn mới manh nha, không để thiếu sót, khuyết điểm trở thành vi phạm, vi phạm ít nghiêm trọng trở thành vi phạm nghiêm trọng, vi phạm của cá nhân trở thành vi phạm của tổ chức.

Căn cứ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Hướng dẫn số 21-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương và các văn bản quy định khác của Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên và tình hình của Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã cụ thể hóa 27 biểu hiện về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn  biến”, “tự chuyển hóa” thành 90 biểu hiện cụ thể để cán bộ, đảng viên đối chiếu, tự xem xét bản thân có vi phạm biểu hiện nào, trên cơ sở đó xây dựng báo cáo kiểm điểm của cá nhân, kiểm điểm trước chi bộ và trước các tập thể lãnh đạo quản lý hằng năm.

Cấp ủy, lãnh đạo các doanh nghiệp chủ động lựa chọn những vấn đề bức xúc, nổi cộm để giải quyết dứt điểm, đặc biệt là các tồn tại, yếu kém trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư. Nhiều dự án của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam có chuyển biến tích cực (các dự án nhiên liệu sinh học Dung Quất, Bình Phước tiếp tục được tái khởi động; dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 từng bước được hoàn thiện, Nhà máy Xơ xợi Đình Vũ đã bảo toàn được vốn, người lao động có công ăn việc làm, khẳng định được chất lượng sản phẩm và dần lấy lại niềm tin của khách hàng, đối tác trong và ngoài nước). Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo tập trung xử lý các tồn tại trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tiến độ đầu tư các dự án nguồn và lưới điện, đưa vào vận hành nhiều dự án quan trọng. Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam quyết liệt thực hiện các biện pháp khắc phục sai phạm, khuyết điểm ngay sau khi có Thông báo số 448 của Ủy ban kiểm tra Trung ương; tiến hành kỷ luật nghiêm minh về Đảng và chuyên môn tập thể, cá nhân sai phạm; đến nay cơ bản khắc phục xong các sai phạm, khuyết điểm. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tập trung chỉ đạo khắc phục các dự án thua lỗ theo Đề án 1468, Công ty CP DAP-Vinachem đã có lãi 3 năm (2017 - 2019) và hoàn thành công tác quyết toán, đang được xem xét đưa ra khỏi danh sách các đơn vị theo Đề án 1468. Ngân hàng Phát triển Việt Nam lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác đôn đốc thu hồi nợ, xử lý tài sản bảo đảm; rà soát, đánh giá cụ thể từng dự án vay vốn để xác định nợ xấu, triển khai giải pháp xử lý nợ xấu. Tổng công ty Truyền thông Đa phương tiện (VTC) tập trung chỉ đạo dứt điểm việc hoàn thành bàn giao tài sản, tài chính của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC về Đài Tiếng nói Việt Nam. Tổng công ty Xi măng Việt Nam tập trung giải quyết dứt điểm những khó khăn, bức xúc trong quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp... Việc kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, yếu kém đã góp phần ổn định sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Để kịp thời phát hiện những thiếu sót, khuyết điểm, định kỳ, cấp ủy các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị tổ chức tiếp xúc, đối thoại với cán bộ, công nhân viên chức và người lao động để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc; định hướng, tuyên truyền, vận động cán bộ, công nhân viên chức và người lao động tham gia đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong cán bộ, đảng viên; tăng cường đăng tải những thông tin chính thống, nêu gương người tốt, việc tốt, lấy cái “đẹp” dẹp cái “xấu”; đồng thời, phản biện lại những thông tin sai trái, phiến diện của các thế lực thù địch trên không gian mạng, góp phần khắc phục việc nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nói không đi đôi với làm; nói nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác ngoài hội nghị.

Đảng bộ Khối và các tổ chức đảng trực thuộc cũng tăng cường và nâng cao hiệu quả xây dựng Đảng về đạo đức. Nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, thực hiện thường xuyên, sâu rộng, có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện đồng bộ với các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của Trung ương và Đảng ủy Khối. Cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp gương mẫu thực hiện các quy định của Đảng về chuẩn mực đạo đức, lối sống; về những điều đảng viên không được làm; về văn hóa công sở, văn hóa ứng xử... Các cấp ủy, chi bộ chú trọng giám sát đạo đức, lối sống đảng viên trong sinh hoạt cấp ủy, chi bộ, giữ mối liên hệ với cấp ủy nơi cư trú, quan hệ đồng chí, đồng nghiệp, quan hệ cộng đồng, gia đình, xã hội; thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật; có giải pháp khắc phục đối với tổ chức đảng, đảng viên yếu kém. Bản lĩnh chính trị của các cấp ủy và cán bộ, đảng viên trong lãnh đạo giải quyết những vấn đề khó khăn, phức tạp của cơ quan, đơn vị, trong tự phê bình và phê bình; đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch... được nâng lên.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương về lãnh đạo, chỉ đạo công tác cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước _ Ảnh: VGP

Việc kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, yếu kém đã góp phần ổn định sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động trong toàn Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương. Cùng với đó, Đảng ủy Khối lãnh đạo, chỉ đạo các đảng ủy trực thuộc thực hiện tốt công tác chính trị, tư tưởng, công tác tuyên truyền, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, Kết luận 21-KL/TW, các quy định về nêu gương gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Chỉ đạo thực hiện nghiêm việc đăng ký và thực hiện bản cam kết rèn luyện, tu dưỡng hằng năm của cán bộ, đảng viên cụ thể, thực tế, phù hợp với vai trò, vị trí công tác của từng doanh nghiệp, đơn vị và cá nhân. Kết quả thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, Kết luận 21, các quy định về nêu gương gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị được xác định là một trong những tiêu chuẩn quan trọng đánh giá, phân loại tổ chức đảng và chất lượng đảng viên cuối năm.

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 03-KH/TW, ngày 25-7-2016, của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã ban hành 13 kế hoạch, 7 hướng dẫn, 1 quy chế và nhiều văn bản khác để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc trong toàn Đảng bộ.  Đảng ủy Khối phân công 1 đồng chí Thường trực trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo; giao Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối là Cơ quan thường trực tham mưu việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW trong Đảng bộ Khối.

Việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW trong toàn Đảng bộ Khối có ý nghĩa rất quan trọng, đã khơi dậy niềm tin và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ xây dựng đảng và nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ Khối; xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế làm việc, các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tự phê bình và phê bình, trách nhiệm người đứng đầu, chế độ nêu gương…; duy trì nền nếp sinh hoạt cấp ủy, chi bộ, xây dựng chi, đảng bộ trong sạch, vững mạnh; nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; nghiêm túc thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương, của Chính phủ, các bộ, ngành về sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, thực hiện Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

Thông qua xây dựng và thực hiện các chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương đã kịp thời chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động, tạo những chuyển biến rõ nét về kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện các nhiệm vụ; bước đầu có những thay đổi tích cực chống bệnh “thành tích”, bệnh “hình thức”; có nhiều kết quả cụ thể trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực,…

Thông qua xây dựng và thực hiện các chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã kịp thời chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động, tạo những chuyển biến rõ nét về kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện các nhiệm vụ; đổi mới phong cách làm việc gần dân, sát dân, lắng nghe, đối thoại trực tiếp với người lao động; bước đầu có những thay đổi tích cực chống bệnh “thành tích”, bệnh “hình thức”; có nhiều kết quả cụ thể trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực; nâng cao ý thức gương mẫu và tinh thần trách nhiệm, “nói đi đôi với làm” của cán bộ, đảng viên nhất là cấp ủy, cán bộ chủ chốt các cấp, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của doanh nghiệp, đơn vị, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, người lao động trong Khối với Đảng, Nhà nước. Từ đó, nhiều cán bộ, đảng viên đã từng bước khắc phục những khuyết điểm, yếu kém, nỗ lực vươn lên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống và xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, cán bộ, đảng viên tận tụy với công việc, gắn bó với cơ quan, doanh nghiệp.

Việc làm theo Bác tại các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh được cụ thể hóa gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo; phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị. Qua phong trào thi đua của các đơn vị đã xuất hiện nhiều tấm gương lao động giỏi, lao động sáng tạo, đức tính hy sinh, gương mẫu, trung thực, có sức lan tỏa lớn, góp phần định hướng hành vi đối với cán bộ, đảng viên, người lao động trong toàn Khối như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dạy: Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền.

Phát biểu tại cuộc làm việc với Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương ngày 12-7-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, khu vực doanh nghiệp nhà nước là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, thực hiện các nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao, thể hiện vai trò nòng cốt trong một số ngành, lĩnh vực và tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước, góp phần dẫn dắt, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế ngoài nhà nước phát triển. Trong giai đoạn nước ta chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 vừa qua, vai trò của khu vực doanh nghiệp nhà nước đã được phát huy và thể hiện rất rõ nét, tích cực triển khai và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và tham gia phòng, chống dịch.

“Những kết quả chung của cả nước đạt được thời gian qua có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp nhà nước và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương… Khẳng định doanh nghiệp nhà nước là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng,  an ninh,  an sinh xã hội, thực hiện các nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao, thể hiện vai trò nòng cốt trong một số ngành, lĩnh vực và tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước, góp phần dẫn dắt, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế ngoài nhà nước phát triển.”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng ủy Khối có vai trò rất quan trọng trong công tác cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, nhất là trong việc phát huy tối đa các nguồn lực mà khối doanh nghiệp Nhà nước đang nắm giữ. Thời gian qua, Đảng ủy Khối đạt được những kết quả rất đáng trân trọng trong công tác xây dựng Đảng, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, sản xuất kinh doanh, quản lý đội ngũ cán bộ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên trong Khối doanh nghiệp nhà nước.

Những kết quả chung của cả nước đạt được thời gian qua có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp nhà nước và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương. Thủ tướng đánh cao sự chủ động, trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ của Đảng ủy Khối với các cơ quan của Chính phủ, nổi bật là trong xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, từng bước nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ, ý chí phấn đấu của tổ chức đảng, cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt. Cùng với đó, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả để doanh nghiệp nhà nước giữ vững vai trò nòng cốt và dẫn dắt trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bám sát thực tiễn để tham mưu, đề xuất Chính phủ giải quyết các khó khăn, ách tắc, góp phần xử lý các khó khăn, ách tắc của cả nền kinh tế. 

Bịt kín “khoảng trống”, “kẽ hở” để không thể tham nhũng, tiêu cực

Nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng ủy Khối và các cấp ủy trực thuộc ban hành Nghị quyết công tác năm, Nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng; xây dựng, sửa đổi, bổ sung điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp; quy chế làm việc của cấp ủy phù hợp với quy định mới của Đảng, Nhà nước và thực tiễn của doanh nghiệp. Trong ảnh: Tỉnh ủy Lào Cai chuyển giao tổ chức đảng, đảng viên về trực thuộc Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương _ Ảnh: doanhnghieptrunguong.vn

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Nội chính Trung ương và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đánh giá cao kết quả công tác phối hợp, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao của hai cơ quan. Đồng chí nhấn mạnh, hai cơ quan cần nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về kinh tế - xã hội nói chung và trong hoạt động doanh nghiệp nói riêng. Nhất là phối hợp trong phát hiện, kiến nghị khắc phục những sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, hoạt động đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước..., góp phần bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để không thể tham nhũng, tiêu cực; rà soát, phân tích, đánh giá các hành vi vi phạm pháp luật qua xử lý các vụ án, vụ việc vừa qua liên quan doanh nghiệp nhà nước để rút ra bài học kinh nghiệm nhằm tăng cường các biện pháp ngăn chặn từ sớm, từ xa, phòng ngừa sai phạm, đồng thời kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý an toàn, vững chắc cho hoạt động của các doanh nghiệp, không để xảy tra các vụ án, vụ việc tương tự trong thời gian tới. 

Bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để không thể tham nhũng, tiêu cực cũng là một trong những nội dung được các cấp ủy trong toàn Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương quan tâm lãnh đạo, triển khai nhiều giải pháp tích cực.

Các cấp ủy trong Đảng bộ Khối đã tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát. Đã xây dựng, ban hành 1 nghị quyết chuyên đề, 1 chỉ thị, 5 quyết định về quy trình, quy định công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra để thực hiện thống nhất trong Đảng bộ Khối. Lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp rà soát, bổ sung, sửa đổi, ban hành trên 1.243 văn bản, quy chế, quy định, quy trình về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát; ban hành quy chế làm việc của cấp ủy, ủy ban kiểm tra đảng ủy, phân công nhiệm vụ cho cấp ủy viên, ủy viên ủy ban kiểm tra; phân công đồng chí bí thư trực tiếp phụ trách công tác kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng; quan tâm củng cố, kiện toàn ủy ban kiểm tra các cấp; chỉ đạo hợp nhất cơ quan ủy ban kiểm tra với cơ quan chuyên môn có chức năng, nhiệm vụ tương đồng của doanh nghiệp. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện nghiêm túc việc báo cáo kết quả công tác kiểm tra, giám sát với cấp trên theo quy định, chủ động triển khai thực hiện quy chế phối hợp đã ký giữa Đảng ủy Khối với một số Ban xây dựng Đảng Trung ương, Ban cán sự đảng một số bộ, ngành để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát.

Đảng ủy Khối lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đổi mới việc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát theo đúng quy định của Đảng, trong đó có nội dung kiểm tra, giám sát về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Từ năm 2007 đến tháng 10-2021, các cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ Khối đã thành lập 50.953 đoàn kiểm tra, giám sát định kỳ, 1.146 đoàn kiểm tra, giám sát đột xuất. Cấp uỷ, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra, giám sát đối với 53.346 lượt tổ chức đảng, 179.474 lượt đảng viên, qua kiểm tra đã xem xét, thi hành kỷ luật đối với 46 tổ chức đảng và 2.542 đảng viên. Việc thi hành kỷ luật trong Đảng các cấp ủy lãnh đạo thực hiện nghiêm minh, khách quan, đúng quy định.

Ðại hội XIII của Ðảng khẳng định, kinh tế nhà nước là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước giữ ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường. Là một thành phần trong đó, doanh nghiệp nhà nước có nhiệm vụ quan trọng là tập trung vào lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng, quốc phòng, an ninh; hoạt động theo cơ chế thị trường, quản trị hiện đại theo chuẩn mực quốc tế; lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Ðây là những "địa bàn" rất dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy, việc phòng, chống đấu tranh tham nhũng, tiêu cực trong khu vực doanh nghiệp nhà nước càng phải kiên quyết, kiên trì.

Ðảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã ban hành các chỉ thị, kết luận về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Ðảng bộ Khối; Quy định về biện pháp ngăn chặn và xử lý cán bộ, đảng viên trong Ðảng bộ Khối có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao; Quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Ðảng ủy Khối quản lý...

Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở do đồng chí Nguyễn Lam, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương _ Ảnh: doanhnghieptrunguong.vn

Các cấp ủy trong Ðảng bộ Khối đã lãnh đạo xây dựng, ban hành đầy đủ, đồng bộ các quy chế, quy định nội bộ về quản lý tài chính, định mức chi tiêu, mua sắm, xây dựng cơ bản, công tác cán bộ, chuyển đổi vị trí công tác, minh bạch quy trình, thủ tục giải quyết nghiệp vụ; ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong năm 2022, Ðảng ủy Khối và các đảng ủy trực thuộc đã tiến hành kiểm tra, giám sát chuyên đề đối với 6.928 tổ chức đảng, 10.757 đảng viên; đã thi hành kỷ luật 274 tổ chức đảng và 219 đảng viên vi phạm.

Cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra đảng ủy các cấp trong Ðảng bộ Khối tập trung kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy viên các cấp, cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt diện cấp ủy quản lý về trách nhiệm nêu gương trong thực hiện các quy định của Ðảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thanh tra, kiểm tra, giám sát những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính chất khép kín, bí mật dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: công tác cán bộ, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, mua bán, chuyển nhượng tài sản, các dự án đầu tư lớn, mua sắm lớn, cổ phần hóa, thoái vốn trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, hoạt động huy động vốn, phát hành trái phiếu.

Các đảng ủy tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng lãnh đạo, chỉ đạo hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, ban điều hành triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện nghiêm quy định về kiểm tra, kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập, nhất là đối với người có chức vụ, quyền hạn, về công khai, minh bạch trong hoạt động của các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị; đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý và định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ theo quy định để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

“Cần nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về kinh tế - xã hội nói chung và trong hoạt động doanh nghiệp nói riêng. Nhất là phối hợp trong phát hiện, kiến nghị khắc phục những sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, hoạt động đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước..., góp phần bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để không thể tham nhũng, tiêu cực,…”, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lưu ý.

Việc lãnh đạo và tổ chức thực hiện các nội dung về công tác kiểm tra, giám sát theo đúng quy định của Điều lệ Đảng được Đảng ủy Khối tăng cường. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng ủy Khối đã tích cực quán triệt và tổ chức thực hiện đầy đủ và nghị quyết, quyết định, quy định, hướng dẫn của Trung ương; ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa để lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đảng thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Đảng ủy Khối đã ban hành Chương trình kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ 2020 - 2025 và hằng năm, ban hành Quy chế làm việc của Uỷ ban Kiểm tra Đảng uỷ Khối nhiệm kỳ 2020 - 2025, ban hành 1 nghị quyết chuyên đề về công tác kiểm tra, giám sát, 1 quy định, 2 kế hoạch, 2 quy trình, quy định; đồng thời chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối rà soát, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản theo quy định, hướng dẫn mới của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát để thực hiện thống nhất trong Đảng bộ Khối.

Cấp ủy, ủy ban kiểm tra đảng ủy trực thuộc đã ban hành và thực hiện quy chế, quy định về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng. Đảng ủy Khối đã tổ chức sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về chuyên đề có nội dung liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Uỷ ban kiểm tra các cấp tích cực, thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ cấp uỷ giao và tham mưu giúp cấp uỷ cùng cấp về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. Thực hiện quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy theo đề án nhân sự uỷ ban kiểm tra và theo Quy định số 87-QĐ/TW, ngày 28-10-2022 của Ban Bí thư. 

Cấp ủy viên các cấp tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giám sát thường xuyên đối với tổ chức đảng được phân công phụ trách, theo dõi. Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã phân công đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối phụ trách công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo thường xuyên đối với các hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối. Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối ban hành Quy chế, phân công nhiệm vụ thành viên Ủy ban Kiểm tra, phân công cán bộ theo dõi địa bàn; ban hành mẫu báo cáo kết quả giám sát thường xuyên để hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo các đảng ủy, ủy ban kiểm tra đảng ủy trực thuộc thực hiện nghiêm túc quy định, hướng dẫn và phối hợp thực hiện nhiệm vụ giám sát thường xuyên đối với tổ chức đảng, đảng viên theo quy định. Thông qua giám sát thường xuyên, kịp thời phát hiện, ngăn chặn tổ chức đảng, cán bộ đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.

Tại cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Thủ tướng nhấn mạnh, trong bất cứ hoàn cảnh nào, các doanh nghiệp Nhà nước cũng phải góp phần quan trọng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, an toàn, thận trọng, chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, bảo đảm hiệu quả, quản lý chặt chẽ giá cả, thị trường; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Thủ tướng yêu cầu, cần thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, tăng cường kiểm tra giám sát; thực hiện nghiêm các nguyên tắc lãnh đạo của Đảng để thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao; đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, góp phần giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong Đảng.

Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Đảng ủy Khối đã lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đảng có liên quan chấp hành nghiêm túc các kế hoạch kiểm tra của Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương; chủ động xây dựng, tập trung triển khai hoàn thành Kế hoạch khắc phục những hạn chế, khuyết điểm theo các thông báo của Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Thường xuyên rà soát, đôn đốc các đảng ủy trực thuộc nghiêm túc chấn chỉnh khắc phục các khuyết điểm, hạn chế đã được Trung ương, Đảng ủy Khối chỉ ra tại thông báo kết luận kiểm tra, giám sát.

Cấp ủy các cấp đã xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ, hằng năm và tiến hành kiểm tra đối với 2.623 tổ chức đảng và 18.412 đảng viên; kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 23 đảng viên; giám sát đối với 2.284 tổ chức đảng và 14.197 đảng viên; thi hành kỷ luật đối với 17 tổ chức đảng và 633 đảng viên; giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đối với 2 trường hợp. Ủy ban kiểm tra các cấp tham mưu cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát và chủ động xây dựng chương trình nhiệm kỳ, hằng năm và đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 17 tổ chức đảng và 102 đảng viên; kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng đối với 2.191 tổ chức đảng; kiểm tra tài chính đảng, quản lý việc thu, nộp, sử dụng đảng phí đối với 1.893 tổ chức đảng và 5.287 đảng viên; giám sát đối với 1.929 tổ chức đảng và 4.332 đảng viên; thi hành kỷ luật đối với 1 tổ chức đảng và 59 đảng viên; giải quyết tố cáo đối với 3 tổ chức đảng và 36 đảng viên; giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đối với 3 đảng viên. Nội dung kiểm tra, giám sát tập trung vào việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương; việc chấp hành quy chế làm việc; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và sinh hoạt đảng; công tác tổ chức, cán bộ; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, XIII; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; việc lãnh đạo chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và công tác đầu tư; kết quả thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp...

Việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được quán triệt, triển khai, tổ chức nghiêm túc theo Nghị quyết Trung ương 4 khoá XIII gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị và các quy định về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Năm 2021, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối gợi ý kiểm điểm đối với 3 tập thể. Năm 2022, Ban Thường vụ Đảng uỷ Khối đã quyết định gợi ý kiểm điểm đối với 7 tập thể, trong đó, chỉ đạo xác định rõ hơn vai trò của cấp ủy, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ nhằm giải quyết kịp thời những vấn đề tồn tại, hạn chế kéo dài. Chủ động phát hiện, nhận diện, đấu tranh, xử lý, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trực tiếp gây trở ngại, khó khăn đến quá trình thực hiện nhiệm vụ tại doanh nghiệp, đơn vị.

Bằng những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, nhất là kịp thời phát hiện, ngăn ngừa sai phạm trong toàn Đảng bộ đã làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thúc đẩy sự tự giác, thống nhất trong hành động của cán bộ, đảng viên và phát huy tinh thần gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, doanh nghiệp, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực./.

(còn nữa)