TCCSĐT - Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã tiếp nhận chuyển giao các kỹ thuật mới tiên tiến liên quan kỹ thuật thay khớp nhân tạo của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay, khoa đã phẫu thuật thay khớp gần 1.100 ca, điều trị nội soi một số bệnh lý về khớp cho hơn 320 ca, góp phần nâng cao chất lượng điều trị xương khớp tại bệnh viện, giảm tải cho các tuyến trên.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa_Ảnh: Ngọc Diệp

Trong những tháng đầu năm 2019, Bệnh viện đã phẫu thuật được 174 ca thay khớp háng, 6 ca thay khớp gối. Từ đầu tháng 7, đã có 4 ca phẫu thuật thay khớp háng thành công. Trong đó, đáng chú ý, trường hợp giải phẫu ông T’ro Đảm, 61 tuổi, người dân tộc Raglai, ở xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn, bị bỏng nửa người mức độ 5 do tai nạn sinh hoạt. Ê-kíp bác sĩ và điều dưỡng của khoa đã tiến hành phẫu thuật 4 lần, đồng thời thực hiện nhiều thủ thuật cắt, ghép da và cắt bỏ cánh tay trái của bệnh nhân do bị nhiễm trùng nặng. Sau thời gian điều trị tích cực, các vị trí được ghép da ổn định, sức khỏe của bệnh nhân hồi phục, được chuyển về Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn để tiếp tục chăm sóc.

Bốn năm trở lại đây, Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình - Bỏng của bệnh viện đã mổ thay khớp háng thành công cho hàng chục trường hợp bệnh nhân trên 90 tuổi, điển hình là cụ Võ Đồng Lân trú tại xã Vĩnh Lương (thành phố Nha Trang), 104 tuổi - bệnh nhân cao tuổi nhất tại bệnh viện.

Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Minh Hoan, Trưởng khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa chia sẻ: “Phẫu thuật thay khớp nhân tạo là đại phẫu. Do đó, trong quá trình phẫu thuật cần kết hợp với nhiều khoa, phòng chức năng khác nhau. Khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức đã được trang bị nhiều thiết bị mới và triển khai nhiều kỹ thuật vô cảm trong mổ, phối hợp giảm đau sau mổ cho bệnh nhân, nhờ đó, có thể tránh được nhiều biến chứng nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân”.

Đối với những bệnh nhân lớn tuổi khi làm phẫu thuật, khó khăn lớn nhất là tỷ lệ thất bại khá cao. Bởi, người già thường đi kèm theo nhiều bệnh lý huyết áp, tim mạch, nhất là bệnh loãng xương, các thao tác trong quá trình mổ phải hết sức nhẹ nhàng, nhanh chóng để không ảnh hưởng đến các phần xương khác. Điều này đòi hỏi phẫu thuật viên phải có tay nghề cao và nhiều kinh nghiệm.

Thay khớp nhân tạo là một trong những bước tiến mới của nền y học thế giới, không những đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân và người nhà mà còn là niềm hy vọng cuối cùng giúp họ có thể vận động và đi lại bình thường. Tùy vào tình trạng sức khỏe thực thể của từng bệnh nhân mà bác sĩ có chỉ định phương pháp điều trị cụ thể cho việc thay khớp nhân tạo.

Ông Phan Hữu Chính, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết, 10 năm về trước, trung bình mỗi năm, Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình - Bỏng thực hiện khoảng vài chục ca thay khớp gối, khớp háng. Hiện tại, con số đã tăng gấp 12 lần. Những trường hợp thay khớp háng, khớp gối khó hoặc người bệnh lớn tuổi, trước kia phải chuyển lên tuyến trên, nay tại bệnh viện đã phẫu thuật thành công. Việc triển khai thành công kỹ thuật này không chỉ giúp giảm tải cho tuyến trên, quan trọng hơn giúp bệnh nhân lớn tuổi ở địa phương giảm chi phí chuyển tuyến, duy trì tốt sức khỏe trong quá trình điều trị.

Hiện nay, kỹ thuật thay khớp nhân tạo chỉ được triển khai ở một số bệnh viện chuyên ngành tuyến Trung ương, rất ít bệnh viện tuyến tỉnh có khả năng thực hiện. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa có thể thực hiện được là nhờ có các chương trình chuyển giao từ các bệnh viện lớn, cộng với việc chú trọng đầu tư nhiều trang thiết bị cho điều trị chuyên sâu về chấn thương chỉnh hình, để nâng cao chất lượng điều trị.

Trong thời gian tới, Bệnh viện sẽ tiếp tục nhận chuyển giao và thực hiện một số kỹ thuật khó trong điều trị nhi, vi phẫu, chấn thương trong thể dục thể thao...; phát triển Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình - Bỏng theo hướng sẽ trở thành nơi điều trị về chấn thương chỉnh hình của cả khu vực Nam Trung Bộ./.