Để tỉnh Quảng Ninh thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới
TCCS - Tại tỉnh Quảng Ninh, việc tiếp tục “xanh hóa” các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng; ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số… là chủ trương lớn của địa phương hướng tới phát triển bền vững. Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Phát triển kinh tế tuần hoàn ở tỉnh Quảng Ninh thời gian qua
Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, các sở, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp đã triển khai phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn đối với chất thải từ hoạt động khai thác, sản xuất; tái chế, tái sử dụng trong khu công nghiệp; kiểm soát chặt chẽ nguy cơ ô nhiễm môi trường biển, nhất là trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long…
Ngay sau khi Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 có hiệu lực, tỉnh Quảng Ninh đã thông tin và quán triệt tới các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân về chủ trương chuyển đổi mô hình sản xuất từ “nâu” sang “xanh”, mô hình kinh tế tuần hoàn, được nhiều doanh nghiệp hưởng ứng và chủ động tham gia. Tỉnh xác định rõ những lợi ích rất lớn của kinh tế tuần hoàn, chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương tích cực vào cuộc, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia mô hình này, qua đó không chỉ góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, mà còn giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Sau một thời gian triển khai, một số mô hình kinh tế tuần hoàn tại tỉnh Quảng Ninh đã phát triển, ghi nhận những cách làm mới, sáng tạo và hiệu quả. Một số doanh nghiệp nhanh chóng nhận ra và nắm bắt cơ hội từ mô hình kinh tế này, áp dụng xử lý rác thải, sử dụng đất, đá thải mỏ, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và gia tăng lợi ích cho chính doanh nghiệp.
Từ năm 2020, tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam lên phương án sử dụng đất, đá thải mỏ làm vật liệu san lấp. Chủ trương này của tỉnh không những giải được bài toán khan hiếm vật liệu san lấp cho các công trình, mà còn tiết kiệm được tài nguyên, thu hẹp diện tích các bãi thải mỏ, đồng thời tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn. Ngày 24-11-2021, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam chính thức khởi động dự án khai thác, thu hồi đất, đá thải mỏ phục vụ san lấp các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Công ty Chế biến than Quảng Ninh là đơn vị được Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam giao quản lý và khai thác đất, đá thải mỏ.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Ninh đã sáng tạo trong cách triển khai để phát huy hơn nữa hiệu quả của kinh tế tuần hoàn. Chẳng hạn, tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước có mô hình ngân hàng “gửi rác - rút tiền” tại Công ty Cổ phần Xây dựng và Xi-măng Quảng Ninh. Đây là mô hình thu gom rác thải vô cơ có thể đốt cháy để thay thế một phần nguyên liệu sử dụng trong lò nung clinker. Ở nhiệt độ lên đến 1.400oC, tất cả các loại rác thải này bị tiêu hủy hoàn toàn, không phát sinh các loại khí thải độc hại, mùi hôi khét... như khi xử lý đốt ở môi trường thông thường, phù hợp với chủ trương của Bộ Xây dựng yêu cầu thay thế nguyên liệu đầu vào là than vốn đắt đỏ và ngày càng khan hiếm.
Theo đồng chí Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và Xi-măng Quảng Ninh, để xử lý được các loại rác thải vô cơ này, từ năm 2020 đến nay, doanh nghiệp đã dành hơn 400 tỷ đồng đầu tư thiết bị, nâng cấp kết cấu hạ tầng và hệ thống giám sát chỉ số phát thải ra môi trường. Sử dụng rác trong quy trình nung clinker, doanh nghiệp đã giảm được 15% lượng than nhiên liệu, làm lợi hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Nguồn thải nếu không sử dụng đưa đi đổ thải và ra môi trường thì rất lãng phí, ảnh hưởng tới môi trường vì mất rất nhiều năm để tiêu hủy. Đồng chí Nguyễn Trường Giang chia sẻ: Trong hoạt động sản xuất xi-măng, doanh nghiệp tận dụng tối đa rác thải để đưa vào quá trình nung clinker, thay thế nhiên liệu đốt, đạt 2 mục tiêu: giảm ảnh hưởng tới môi trường, giảm giá thành xi măng, tăng sức cạnh tranh và góp phần cùng cả nước được mục tiêu hạn chế phát thải ròng.
Ngoài ra, để tạo thói quen phân loại và thu gom rác thải cho người dân, doanh nghiệp thu mua rác vô cơ có thể đốt được với giá cao hơn so với thị trường. Người dân có thể nhận tiền mặt hoặc dùng phiếu tích điểm như một hình thức để dành tiền trong tài khoản tiết kiệm; số điểm tích lũy được tính lãi suất mức 1%/năm, cao gần gấp đôi lãi suất không kỳ hạn của hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay... Và mô hình ngân hàng “gửi rác - rút tiền” này thu hút được sự quan tâm, tham gia của cộng đồng.
Hay trong nửa năm gần đây, hơn 2 triệu phao xốp là rác thải từ nuôi trồng thủy sản của ngư dân trên vịnh Hạ Long, sau khi dỡ bỏ đã được Công ty Cổ phần Xuất, nhập khẩu Cao Thành Vinh thu gom, xử lý. Giám đốc Công ty Bùi Đức Thành chia sẻ: Xử lý phao xốp rất là khó khăn vì phao xốp nhẹ, vận chuyển rất tốn kém. Một xe ô-tô chở được 50 đến 70 khối nhưng về tới nhà máy xử lý cũng chỉ được 500 - 600kg hạt nhựa. Doanh nghiệp đã đầu tư máy móc để xử lý rác thải là phao xốp với quy trình bóc tách chất bẩn, xử lý nhiệt,... để tạo thành hạt nhựa, nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất khác. Thực hiện quy trình này không chỉ bảo vệ môi trường mà còn tận dụng được nguyên liệu từ phế thải thực sự rất hữu ích.
Việc tận dụng các loại rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt và đất, đá thải mỏ để sản xuất vật liệu xây dựng, như xi-măng, gạch, ngói không nung, cát nghiền nhân tạo,... được nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh triển khai. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn, tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín, giảm tác động tiêu cực đến môi trường, gia tăng lợi ích cho các doanh nghiệp. Đơn cử, ngành sản xuất vật liệu xây dựng, đặc biệt là sản xuất xi-măng khá phát triển với 4 nhà máy xi-măng đang hoạt động ở Hạ Long, Cẩm Phả và Uông Bí. Đây đều là những đô thị đông dân cư, với lượng rác thải sinh hoạt, rác thải từ các khu công nghiệp, công nghệ cao thải ra môi trường hằng ngày rất lớn. Do đó, việc nghiên cứu, áp dụng công nghệ sử dụng chất thải làm nhiên liệu thay thế cho nhà máy xi măng cũng là giải pháp hữu ích trong việc giải quyết vấn đề môi trường. Tại Nhà máy Xi-măng Lam Thạch (Công ty Cổ phần Xây dựng và Xi-măng Quảng Ninh) có công suất thiết kế 1.200 tấn clinker/ngày, trong quá trình sản xuất, nhà máy phải sử dụng một lượng lớn nguồn nguyên liệu là than cám trong lò nung. Từ tháng 3-2021, các kỹ sư của nhà máy đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công đề tài “Ứng dụng đồng xử lý chất thải rắn thông thường làm nguyên nhiên liệu thay thế trong lò nung clinker”. Theo đó, chất thải thu được từ phong trào “Biến rác thải thành tiền” và từ các nhà máy, công nghệ cao trên địa bàn được doanh nghiệp thu gom về kho chứa. Tại đây, các loại chất thải sẽ trải qua quy trình khép kín băm nhỏ, sấy khô và theo băng tải rót vào các lò nung linker để làm nguyên liệu đốt thay thế than cám. Theo Phó Giám đốc nhà máy Xi-măng Lam Thạch Trần Hữu Quỳnh, việc đồng xử lý chất thải làm nguyên nhiên liệu thay thế trong lò nung clinker ở nhà máy Xi-măng Lam Thạch đã góp phần tiết giảm chi phí sản xuất; lợi ích kinh tế khi triển khai đã làm lợi cho công ty mỗi năm 13,2 tỷ đồng. Ngoài lợi ích kinh tế, việc tận dụng nguồn năng lượng do đốt chất thải để nung clinker cũng góp phần giảm tiêu hao nguồn nguyên liệu đầu vào của nhà máy là than cám.
Tại Công ty Cổ phần Thanh Tuyền Group, Giám đốc Công ty Vũ Văn Trưởng, cho biết, các sản phẩm gạch, ngói không nung được sản xuất chủ yếu từ nguồn nguyên liệu xỉ thải và tro bay thải ra trong quá trình hoạt động của nhà máy Nhiệt điện Đông Triều. Theo tính toán, với sản lượng khoảng 200 triệu viên gạch, ngói các loại/năm, việc sử dụng vật liệu không nung của Nhà máy đã tiết kiệm trên 500.000m3 đất sét và hàng vạn tấn than phục vụ cho hoạt động sản xuất so với sản xuất gạch ngói nung truyền thống.
Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, việc ngày càng nhiều doanh nghiệp chủ động tham gia phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn ở tỉnh Quảng Ninh, bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực. Dù vậy, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, việc nghiên cứu đẩy mạnh đổi mới công nghệ, chuyển từ thế giới thực sang thế giới số sẽ là cơ hội lớn để thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn, mang lại hiệu quả tăng trưởng cao hơn so với cách thức tăng trưởng trước đây. Đây là động lực và là cơ hội để Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng đẩy nhanh phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, trong thời gian tới, để kinh tế tuần hoàn ở tỉnh Quảng Ninh thực chất hơn, phát huy hiệu quả cao hơn và đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cần có những cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện và cả chế tài xử lý vi phạm mạnh mẽ hơn.
Một số giải pháp
Để tỉnh Quảng Ninh thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, tập trung vào một số giải pháp:
Một là, cần quán triệt, thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tuần hoàn, như: Chương trình quốc gia về sản xuất tiêu dùng bền vững giai đoạn 2025 - 2030; Nghị định về phát triển ngành công nghiệp môi trường…; trong đó, trước mắt cần xây dựng kế hoạch tổng thể về phát triển kinh tế tuần hoàn của tỉnh và ban hành hướng dẫn cụ thể cho các địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học về kinh tế tuần hoàn làm cơ sở đề xuất, xây dựng và hoàn thiện các chính sách kinh tế tuần hoàn, phù hợp với các chương trình, chính sách hiện hành của tỉnh có liên quan.
Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về ý thức bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu, về phát triển kinh tế tuần hoàn; đồng thời, đưa ra chủ trương và định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong tỉnh. Phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn cần bắt đầu từ các lĩnh vực, địa bàn cụ thể thuộc thẩm quyền của tỉnh. Đối với doanh nghiệp hoạt động trong tỉnh, cần khuyến khích doanh nghiệp sản xuất theo hướng sạch và tăng cường tái chế thông qua các chính sách ưu đãi thuế, tín dụng, hỗ trợ tài chính, cũng như tăng cường trách nhiệm đối với doanh nghiệp trong việc xử lý bao bì, sản phẩm thải ra sau khi sử dụng. Cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của người dân trong tỉnh về việc phân loại rác thải tại nguồn, tạo điều kiện cho công tác thu gom, vận chuyển đưa vào tái sử dụng, tái chế được thuận lợi và dễ dàng hơn.
Ba là, tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp về công nghệ nhằm thúc đẩy phát triển, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có các nghiên cứu phát triển về công nghệ, vật liệu, thiết kế sản phẩm. Vì vậy, tỉnh cần có các biện pháp hỗ trợ khuyến khích nghiên cứu, phát triển hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có thể thành lập một số quỹ để khuyến khích nghiên cứu phát triển. Tỉnh Quảng Ninh đã có Quỹ Bảo vệ môi trường và phát triển đất, với nhiều chương trình, dự án được triển khai thực tế và có ý nghĩa thiết thực với cộng đồng. Quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất, nhà phân phối đóng tại địa bàn tỉnh trong việc thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường tương đương với nhóm các nước tiên tiến trong khu vực.
Bốn là, tiếp tục xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu vào, áp dụng khoa học - công nghệ vào các ngành, đặc biệt là xử lý rác thải để tái tạo nguyên liệu mới. Quy định lộ trình thay thế các nhiên liệu, sản phẩm sử dụng nguyên liệu nguy hại, sản phẩm sử dụng một lần bằng các nhiên liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng nhiều lần, kéo dài thời gian sử dụng hữu ích của sản phẩm. Điều chỉnh quy hoạch năng lượng, giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng khác; kiểm soát, thu hút có chọn lọc dự án đầu tư trên cơ sở xem xét các yếu tố về quy mô sản xuất, công nghệ sản xuất, kỹ thuật môi trường và vị trí thực hiện dự án. Xây dựng lộ trình chuyển đổi công nghệ dựa trên các tiêu chí tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, giảm thiểu chất thải. Để mở rộng nền kinh tế tuần hoàn, các doanh nghiệp cần phải xác định rõ đâu là ưu tiên hàng đầu, thay vì sản xuất sản phẩm càng nhanh, càng rẻ càng tốt, thì độ bền của sản phẩm và quy trình sản xuất bền vững mới là yếu tố then chốt. Sản phẩm cần được thiết kế sao cho dễ dàng tái chế nếu muốn chúng không phải kết thúc số phận ở các bãi chôn rác.
Năm là, cần tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của các địa phương trong nước và quốc tế, nhất là những nơi đã và đang thực hiện thành công kinh tế tuần hoàn, từ đó chuyển giao và áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của tỉnh. Các mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với công nghệ cao và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, do vậy cần có cơ chế, chính sách cho phát triển công nghệ sạch, tái sử dụng, tái chế chất thải, chất thải phải trở thành nguồn tài nguyên trong nền kinh tế xét cả khía cạnh sản xuất và tiêu dùng. Thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn cần gắn liền với phát triển công nghệ, kinh tế số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Công nghệ mới sẽ giúp tỉnh Quảng Ninh việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả, giảm thải ô nhiễm, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, tránh khai thác quá mức tài nguyên; đồng thời, tạo được cơ hội việc làm mới,… bảo đảm các mục tiêu của các mô hình này./.
Phát huy các giá trị truyền thống Quảng Ninh, tiếp tục hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2045  (28/12/2023)
Giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội: Nhìn từ quản trị vùng và địa phương  (22/12/2023)
Xây dựng tỉnh Quảng Ninh phát triển bền vững, định hình tương lai đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050  (19/12/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển