Thành phố Hà Nội kiên trì, quyết liệt và nhất quán thực hiện “mục tiêu kép”
TCCS - Nhận thức sâu sắc vị thế là Thủ đô, trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hà Nội đã và đang kiên trì, quyết liệt và nhất quán thực hiện “mục tiêu kép”.
Đợt dịch COVID-19 lần thứ tư có tính chất phức tạp nhất từ trước đến nay, nhưng với ý thức gương mẫu, đi đầu trong phòng, chống dịch bệnh, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ các biện pháp, lấy hiệu quả phòng, chống dịch bệnh COVID-19 làm cơ sở, tiền đề để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh, quốc phòng, bảo đảm an sinh xã hội.
Kiên quyết, kiên trì cao độ trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19
Trong ba làn sóng dịch bệnh trước đây, thành phố Hà Nội đều ghi nhận các ca dương tính và đã chỉ đạo khoanh vùng, dập dịch hiệu quả nhờ sự sát sao của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ, đồng lòng của nhân dân. Thành phố Hà Nội đã thể hiện vai trò gương mẫu, đi đầu trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Từ cuối tháng 4-2021 đến nay, làn sóng dịch COVID-19 đã bùng phát trở lại, đánh dấu đợt thứ tư. Ở phía Bắc, dịch tấn công vào các tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh và nhiều tỉnh, thành phố khác, trong đó có Hà Nội. Ở phía Nam, dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh xung quanh. Các ổ dịch không chỉ ở các bệnh viện mà còn xuất hiện tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư, các trung tâm động lực kinh tế quốc gia. Với sự nguy hiểm của chủng mới Delta, đợt bùng phát dịch lần thứ tư vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của nhân dân. Tính từ ngày 29-4-2021 đến sáng ngày 15-8-2021, riêng thành phố Hà Nội đã có 813 trường hợp mắc SARS-CoV-2, trong đó có 1.202 ca tại cộng đồng.
Mặc dù vậy, đến thời điểm này Hà Nội vẫn đang kiểm soát tốt tình hình và tin tưởng vào khả năng đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian tới, nhất là dựa trên kết quả phòng, chống dịch bệnh từ đầu đợt thứ tư đến nay.
Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố đã thường xuyên chỉ đạo sát sao triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời để phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh. Tư tưởng nhất quán, xuyên suốt “chống dịch như chống giặc”, bình tĩnh, sáng suốt, không lơ là, chủ quan nhưng cũng không lo lắng thái quá; kiên định thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, chăm lo đời sống, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Thành phố đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia nhiệm vụ này. Do đó, Hà Nội vẫn kiểm soát được dịch bệnh COVID-19; kinh tế - xã hội tiếp tục đạt kết quả tích cực; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 thành phố Hà Nội, kỳ thi tuyển sinh lớp 10, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 được Trung ương đánh giá cao, dư luận nhân dân đồng tình, tin tưởng, qua đó góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống dịch bệnh của cả nước.
Xuyên suốt từ đầu đợt bùng phát dịch thứ tư đến nay, thành phố Hà Nội tiếp tục nỗ lực gương mẫu, đi đầu trong phòng, chống dịch bệnh; tùy cơ ứng biến để bảo đảm an toàn cho người dân, không để đứt gãy sản xuất, kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”. Sau khi phát hiện những ca mắc mới tại huyện Đông Anh, tiếp đến là các ổ dịch tại 2 bệnh viện lớn thuộc quản lý của Bộ Y tế là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (huyện Đông Anh) và Bệnh viện K - cơ sở Tân Triều (huyện Thanh Trì), thành phố đã áp dụng mô hình cách ly “3 lớp” (sáng kiến của huyện Đông Anh được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 7 tập thể, cá nhân). Cụ thể, lớp lõi có dịch giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (cách ly tuyệt đối); lớp tiếp theo thực hiện theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (chốt kiểm soát mềm ở các ngõ phục vụ sinh hoạt, tiếp ứng nhu yếu phẩm đến từng nhà), lớp ngoài cùng theo Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (chốt kiểm soát y tế, mọi người ra vào phải thực hiện đo thân nhiệt, ghi chép đầy đủ thông tin, ai không phận sự miễn vào, ai không thật sự cần thiết thì không nên ra ngoài, nhất định không cho người đi, đến ở vùng dịch ra vào). Với mô hình này, bên ngoài đóng nhưng bên trong vẫn lao động, sản xuất bình thường, bảo đảm hiệu quả thực hiện “mục tiêu kép”.
Quán triệt tinh thần lãnh đạo luôn phải chủ động, linh hoạt, thành phố đã cho dừng hoạt động một số dịch vụ không thiết yếu từ ngày 25-5-2021 khi nguy cơ lây lan dịch bệnh tăng cao. Ngay khi kiểm soát được tình hình, dịch giảm bớt nguy cơ, thành phố đưa các dịch vụ hoạt động trở lại. Đến giữa tháng 7-2021, khi dịch bệnh bùng phát mạnh ở Thành phố Hồ Chí Minh, hàng nghìn người dân trở về từ vùng có dịch, nguy cơ lây nhiễm ngày càng cao, thành phố Hà Nội đã áp dụng các biện pháp mạnh tiệm cận với Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Từ 6h ngày 24-7-2021 đã áp dụng toàn diện Chỉ thị số 16/CT-TTg trong vòng 15 ngày. Nhờ đó, tốc độ lây lan dịch bệnh đã được kiểm soát.
Bài học kinh nghiệm quý giá mà thành phố rút ra là phải luôn nắm thế chủ động trong phòng, chống dịch bệnh, bình tĩnh dự báo chính xác tình hình để có giải pháp tương xứng. Khi đã thống nhất giải pháp, phải thực hiện kiên quyết, kiên trì và rất linh hoạt; tuyệt đối không được lơ là, mất cảnh giác vì chỉ chủ quan, thiếu trách nhiệm một chút là cái giá phải trả sẽ rất đắt.
Đến nay, bên cạnh thực hiện chiến lược “5K + vắc xin”, thành phố kiên trì phương châm truy vết thần tốc, khoanh vùng xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch nhỏ lẻ, không để bùng phát thành ổ dịch lớn. Tiếp tục tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc tại những cơ sở, khu vực có nguy cơ; xét nghiệm sàng lọc đối với những người về từ các địa phương có dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, thành phố đã chỉ đạo siết chặt công tác phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh, đặc biệt là tại các bệnh viện đang được phân công điều trị F0, các khu cách ly tập trung nhằm hạn chế mức thấp nhất lây nhiễm chéo.
Luôn kiên định với “mục tiêu kép”, Thường trực Thành ủy Hà Nội giao nhiệm vụ cho các cơ quan chính quyền chỉ đạo triển khai quyết liệt biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất; gắn trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp trong việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh; thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc thực hiện của các doanh nghiệp, kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động nếu để xảy ra ca F0 và không bảo đảm an toàn. Bên cạnh đó, phân công Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố và các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát, có phương án nâng cao công suất, năng lực các khu vực cách ly tập trung, dự phòng khoảng 40.000 chỗ để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.
Ngay trong lúc phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, thành phố Hà Nội vẫn luôn quan tâm, tạo điều kiện để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngành Công Thương chủ động chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu của người dân, bảo đảm cung cấp đủ ít nhất trong vòng 3 tháng và dài hơi hơn với giá cả ổn định. Hệ thống chợ, siêu thị vẫn hoạt động. Các địa phương áp dụng phương thức phát phiếu đi chợ, siêu thị cho hộ gia đình để vừa bảo đảm giãn cách, vừa duy trì hệ thống thương mại. Các doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất làng nghề vẫn được phép hoạt động nếu có kế hoạch sản xuất an toàn và ký cam kết bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cho người lao động. Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố tích cực tháo gỡ khó khăn để bảo đảm lưu thông hàng hóa trong mùa dịch, vừa thực hiện tốt các chính sách chung về an sinh xã hội, vừa triển khai chính sách riêng hỗ trợ thêm cho hộ nghèo... Trong bối cảnh dịch bệnh, thành phố vẫn tạo ra hàng nghìn việc làm mới cho người lao động.
Vai trò, trách nhiệm cá nhân của các đồng chí bí thư, chủ tịch cấp cơ sở là rất quan trọng, mang ý nghĩa quyết định trong việc chỉ đạo, thực hiện tốt các mục tiêu chống dịch. Vì thế, Hà Nội phân cấp, phân quyền, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho các cấp ủy và chính quyền địa phương trong phòng, chống dịch; lấy hiệu quả phòng, chống dịch bệnh làm “thước đo” năng lực, uy tín, trách nhiệm cán bộ. Nơi nào chủ quan, lơ là để xảy ra lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng, cấp ủy cấp trên vào cuộc kiểm tra, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan. Phát hiện cán bộ có hành vi chủ quan, bao che, dung túng cho những vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh sẽ kỷ luật thật nặng để làm gương.
Vì sức khỏe nhân dân và môi trường làm việc an toàn của doanh nghiệp, Thành ủy kêu gọi người dân tiếp tục tin tưởng, ủng hộ và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; các tiểu thương, doanh nghiệp chia sẻ với thành phố về những biện pháp siết chặt một số dịch vụ hiện tại và có thể phải tăng cường mạnh hơn trong thời gian tới tùy thuộc vào diễn biến dịch trên địa bàn thành phố và cả nước. Bởi những giải pháp phòng, chống dịch bệnh chỉ thực sự hiệu quả khi có sự đồng tình, ủng hộ và chấp hành nghiêm của mỗi người dân, mỗi hộ tiểu thương, mỗi doanh nghiệp.
Mặt trận kinh tế mang tính quyết định, sống còn
Hai đợt dịch bệnh COVID-19 từ đầu năm 2021 đến nay đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đà phục hồi tăng trưởng của thành phố. Trước tình hình đó, bên cạnh những giải pháp phòng, chống dịch bệnh, các ngành, các cấp, địa phương, đơn vị quyết tâm phục hồi phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2021.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 ước tính tăng 5,91%, cao hơn mức tăng 2,92% của cùng kỳ năm 2020, nhưng thấp hơn mức tăng 7,12% trong 6 tháng đầu năm 2019, khi chưa có dịch bệnh COVID-19. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm 2021 ước thực hiện 124,8 nghìn tỷ đồng, đạt 53% dự toán Trung ương giao, đạt 49,7% dự toán thành phố giao và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu tính cả 11,4 nghìn tỷ đồng số thu được gia hạn trong 6 tháng đầu năm 2021 theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP, ngày 19-4-2021, của Chính phủ thì tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố ước thực hiện 136,2 nghìn tỷ đồng, đạt 57,8% dự toán Trung ương giao và đạt 54,2% dự toán thành phố giao, tăng 6,4% so với cùng kỳ. Những con số này thể hiện nỗ lực lớn của ngành thuế của Hà Nội cũng như đóng góp thiết thực của người dân và doanh nghiệp Thủ đô trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Thành quả đó dựa trên nền tảng hoạt động sản xuất công nghiệp và các hoạt động kinh tế khác có xu hướng phục hồi tích cực trong 6 tháng đầu năm 2021. Trong nửa đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2020 tăng 3,5%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 7%... Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ sự phục hồi mạnh của hoạt động bán lẻ hàng hóa. Trên địa bàn thành phố có 13.125 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 165.730 tỷ đồng. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 5.687 doanh nghiệp, tăng 74% so với cùng kỳ, đưa tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đạt 315.248. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 694 triệu USD; thu hút đầu tư trong nước ngoài ngân sách đạt 7.105 tỷ đồng. Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước tính đạt 164,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án và tháo gỡ khó khăn, đồng thời rà soát các dự án sử dụng đất chậm triển khai, tạo môi trường đầu tư lành mạnh và bình đẳng trong tiếp cận đất đai. Chỉ số PCI năm 2020 tiếp tục giữ vững vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành phố. Trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh, gỡ bỏ rào cản với mục tiêu thăng hạng trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Trong bối cảnh dịch bệnh, vẫn còn nhiều người lao động và nhiều lĩnh vực gặp khó khăn, đặc biệt là khu vực dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng, văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí...
Công tác giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân được Thành ủy chỉ đạo sát sao. Toàn thành phố giải quyết việc làm cho trên 96,7 nghìn lao động, đạt 60,5% kế hoạch giao trong năm, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2020. Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách xã hội vay với tổng số tiền 1,3 nghìn tỷ đồng, giúp tạo việc làm cho 28,5 nghìn lao động. Đến nay, thành phố đã thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp 6 tháng đầu năm cho trên 88 nghìn người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng với số tiền 950 tỷ đồng và thực hiện hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 33,4 nghìn người với số tiền 830 tỷ đồng...
Có thể thấy, trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh COVID-19, thành phố Hà Nội luôn chủ động các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với dịch bệnh. Trên mặt trận kinh tế, thành phố nhất quán tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách để hỗ trợ, duy trì, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội không để gián đoạn sản xuất, triệt để tiết kiệm chi ngân sách, nhất là chi thường xuyên để bảo đảm đầy đủ nguồn lực cho phòng, chống dịch bệnh. Tất cả những nỗ lực và giải pháp trên nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì môi trường lao động, sản xuất an toàn cho doanh nghiệp trong bối cảnh tác động của đại dịch chưa biết khi nào mới chấm dứt.
Nhất quán, quyết liệt và kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”
Năm 2021, thành phố Hà Nội đề ra 23 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tăng trưởng GPDP từ 7,5% trở lên. Chỉ tiêu cao trong khi tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp là bài toán khó đặt ra cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng thành phố. Trong thời gian từ nay đến hết năm, các cấp chính quyền của Hà Nội cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, tháo gỡ mọi rào cản kinh doanh để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất... Để hoàn thành mục tiêu năm 2021 đòi hỏi sự chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành, sự chung tay, chung sức của doanh nghiệp và người dân.
Quán triệt thực hiện Kết luận số 07-KL/TW, ngày 11-6-2021, của Bộ Chính trị, “Về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội” và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19; để đạt hiệu quả cao hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch bệnh, thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, chăm lo đời sống nhân dân, Ban Thường vụ Thành ủy đã yêu cầu Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố, Đảng đoàn Hội đồng nhân dân thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, ban, ngành các cấp từ thành phố đến cơ sở thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, toàn hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Chủ động rà soát, cập nhật các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thỏa mãn với những kết quả bước đầu đạt được. Tiếp tục chỉ đạo sát sao, chặt chẽ và triển khai các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả, nhất là tại các địa phương có mật độ dân số cao, có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu chung cư, nhà trọ, ký túc xá, khu nhà ở công nhân, nơi đang xuất hiện ổ dịch, nơi có nguy cơ lây nhiễm cao,... để sớm ngăn chặn, đẩy lùi, không để dịch bệnh lan rộng, bùng phát trở lại trong cộng đồng.
Hai là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm triệt để tiết kiệm chi ngân sách, nhất là chi thường xuyên để bảo đảm đầy đủ nguồn lực cho phòng, chống dịch bệnh.
Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố phối hợp chặt chẽ với Đảng đoàn Hội đồng nhân dân thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để hỗ trợ, duy trì, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, không để gián đoạn hoạt động sản xuất. Đẩy mạnh các giải pháp tiêu thụ nông sản đang vào mùa thu hoạch tại các địa phương, nhất là các địa phương có dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Chỉ đạo kiểm soát tốt dịch bệnh trong chăn nuôi, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hiện tượng đầu cơ, tăng giá bất thường. Khẩn trương có kế hoạch dạy, học và thi phù hợp; tiếp tục phát huy các cơ chế, chính sách, các giải pháp, việc làm tình nghĩa để hỗ trợ có hiệu quả, thiết thực đối với công nhân, người lao động, người dân, những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, doanh nghiệp,... bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố khẩn trương hoàn thiện, trình Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, ban hành nghị quyết quy định một số cơ chế chi đặc thù trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố theo kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy tại Thông báo số 356-TB/TU, ngày 17-6-2021.
Các cấp, các ngành từ thành phố xuống cơ sở tiếp tục tăng cường công tác chuẩn bị phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, trọng tâm là chuẩn bị cơ sở cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến, tăng cường năng lực thu dung điều trị bệnh nhân nặng; bảo đảm cả thành phố và từng cơ quan, đơn vị, địa phương duy trì hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trong kịch bản xấu hơn và dịch kéo dài hơn; bảo đảm các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, trang thiết bị và lực lượng tham gia; không để bị động, bất ngờ, mất kiểm soát trong mọi tình huống. Đây là điều kiện tiên quyết để tiếp tục thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”.
Ba là, tập trung chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa Quỹ Vắc-xin phòng, chống COVID-19, đẩy nhanh việc mua và tổ chức tốt việc tiêm vắc-xin cho người dân, trong đó, tập trung cho các đối tượng ở tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh, vùng có nguy cơ cao, người lao động trực tiếp sản xuất ở các khu công nghiệp...; nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng việc tiêm vắc-xin cho trẻ em. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch bệnh.
Bốn là, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh, có giải pháp đồng bộ, hữu hiệu về kiểm soát, ngăn chặn để xử lý nghiêm tình trạng nhập cảnh trái phép; phối hợp, quản lý, giám sát chặt công nhân, lao động, người đi từ vùng dịch về. Rà soát, hoàn thiện các quy định, quy trình hướng dẫn để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả phòng, chống dịch bệnh.
Năm là, lấy hiệu quả phòng, chống dịch bệnh là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua, làm “thước đo” năng lực, uy tín, trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Tiếp tục động viên, biểu dương, khen thưởng kịp thời các cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt, những cá nhân tiêu biểu trong phòng, chống dịch bệnh. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định, chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh; những hành vi vi phạm pháp luật, như lừa đảo, trục lợi trong phòng, chống dịch bệnh...
Tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới, nhất là lợi ích của việc tiêm vắc-xin, tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị thành phố trong công tác phòng, chống dịch bệnh, thúc đẩy phát triển kinh tế, chăm lo đời sống và bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
Sáu là, Đảng đoàn Hội đồng nhân dân thành phố, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố, các quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố và lãnh đạo các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị, bí thư cấp ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã phải gương mẫu đi đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại địa phương, cơ quan, đơn vị, lĩnh vực mình phụ trách./.
Chung tay chia sẻ khó khăn với người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội  (01/09/2021)
Hà Nội quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19  (01/09/2021)
Tỉnh Thái Bình thu nội địa 8 tháng năm 2021 tăng 51,6% so với cùng kỳ  (01/09/2021)
Petrovietnam: Gần nửa thế kỷ đi từ “không đến có”  (01/09/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển