Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa quân đội và nhân dân trong tình hình hiện nay
TCCS - Mối quan hệ mật thiết với nhân dân là truyền thống cực kỳ quý báu, là nền tảng, cội nguồn sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn, nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ quân đội phải thường xuyên giữ gìn mối quan hệ quân - dân. Trong tình hình hiện nay, việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa quân đội và nhân dân vào xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam là một yêu cầu, nhiệm vụ rất cần thiết.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa quân đội và nhân dân
Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, có gần 50 bài nói, bài phát biểu, huấn thị hoặc thư căn dặn cán bộ, chiến sĩ quân đội phải đặc biệt quan tâm, coi trọng, chăm lo, giữ gìn và không ngừng tăng cường, phát triển mối quan hệ giữa quân đội và nhân dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây là mối quan hệ đặc biệt quan trọng, là nguồn gốc tạo nên sự trưởng thành, lớn mạnh và chiến thắng của quân đội ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa quân đội và nhân dân được thể hiện trên những nội dung cơ bản sau:
Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Đây là quan điểm chỉ rõ cội nguồn sức mạnh của quân đội ta. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân đội ta là quân đội cách mạng, ra đời, trưởng thành và lớn mạnh đều bắt nguồn từ nhân dân, chiến đấu vì mục tiêu đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Vì vậy, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội cần phải nhận thức sâu sắc rằng, nhân dân là nền tảng, là gốc rễ của quân đội. Trong dịp kỷ niệm 5 năm Ngày truyền thống vẻ vang của quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Quân đội ta là quân đội nhân dân, do dân đẻ ra, vì dân mà chiến đấu”(1). Quân đội muốn vững mạnh thì phải biết dựa vào cái gốc, cái nền tảng ấy. Người từng chỉ rõ: “Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”(2). Người còn căn dặn cán bộ, chiến sĩ quân đội: “Dân như nước, quân như cá. Phải làm cho dân hết sức giúp đỡ mình thì mình mới đánh thắng giặc”(3); “Quân đội sinh trưởng, thắng lợi là nhờ nhân dân ra sức giúp đỡ. Vì thế, bộ đội rất biết ơn và yêu mến nhân dân”(4).
Quân đội ta phải hiếu với dân. Tư tưởng “hiếu với dân” được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc tới trong những lần nói chuyện với bộ đội. Cách đây hơn 70 năm, vào tháng 8-1948, trên lá cờ Người tặng cán bộ, giáo viên, học viên Trường Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1) có thêu 6 chữ vàng “Trung với nước, hiếu với dân”. Người luôn căn dặn: Đã là người cán bộ cách mạng, cán bộ quân đội thì dù ở cương vị nào cũng phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân. “Mình đánh giặc là vì dân. Nhưng mình không phải là “cứu tinh” của dân, mà mình có trách nhiệm phụng sự nhân dân”(5). Hiếu với dân là phải biết hết lòng vì Tổ quốc, vì chế độ xã hội chủ nghĩa, vì Đảng ta và vì dân tộc ta.
Quân đội ta phải biết tôn trọng nhân dân. Tôn trọng nhân dân chính là sự kế thừa tư tưởng trọng dân của ông cha ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển tư tưởng này lên tầm cao mới. Người yêu cầu: “Tất cả các chú, cán bộ cũng như chiến sĩ, đều phải: ... Thương dân, trọng dân và tốt với dân”(6). Theo Người, “trọng dân” phải được thể hiện ở những việc làm cụ thể, thiết thực: “Phải biết trọng nhân dân. Tôn trọng có nhiều cách, không phải ở chỗ chào hỏi kính thưa có lễ phép mà đủ. Không được phung phí nhân lực vật lực của dân. Phải khôn khéo tránh điều gì có hại cho đời sống nhân dân. Biết giúp đỡ nhân dân cũng là biết tôn trọng dân”(7). Như vậy, theo Người, cán bộ, chiến sĩ quân đội có thực sự tôn trọng nhân dân thì nhân dân mới gắn bó chặt chẽ với quân đội và quân đội mới làm tròn được chức năng là đội quân công tác sắc bén của Đảng và Nhà nước, mới thực sự là lực lượng chính trị tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. “Trọng dân” còn có nghĩa là tôn trọng sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tôn trọng, giúp đỡ các cấp ủy và chính quyền địa phương. Tại Hội nghị Cán bộ cao cấp toàn quân ngày 20-3-1958, Người nhấn mạnh: “Phải đoàn kết quân, chính, Đảng. Quân đội phải tôn trọng sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, phải giúp đỡ các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương”(8).
Quân đội ta phải được dân tin, dân phục, dân yêu. Muốn vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân đội phải giúp đỡ nhân dân bất kỳ việc to, việc nhỏ, từ việc giúp nhân dân gặt hái, lấy củi, lấy nước, may vá, vệ sinh đường làng, ngõ xóm đến những công việc lớn hơn như giúp dân tăng gia sản xuất, giúp đồng bào trong phong trào bình dân học vụ, dạy chữ quốc ngữ và những điều vệ sinh thường thức; đồng thời, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Người luôn căn dặn: Bộ đội phải hết lòng giúp dân, tham gia củng cố hậu phương ta ngày càng vững mạnh. Người còn chỉ ra những yêu cầu rất cụ thể cho cán bộ, chiến sĩ quân đội khi tiếp xúc với nhân dân: “3. Không động đến một cái kim, một sợi chỉ của dân. 4. Khi đến đóng, lúc kéo đi, phải giữ gìn nhà, vườn của dân cho sạch sẽ. 5. Nói năng cử động phải giữ lễ phép, phải kính người già, yêu trẻ con. 6. Mua bán phải công bình. 7. Mượn cái gì phải trả tử tế. 8. Hỏng cái gì phải bồi thường”(9). Đặc biệt, trong quan hệ trực tiếp với nhân dân, phải làm thế nào để khi mình chưa đến thì dân mong, khi mình đi nơi khác thì dân luyến tiếc. Cán bộ, chiến sĩ quân đội còn phải chăm lo bảo vệ, gìn giữ an ninh, trật tự cho nhân dân. Người căn dặn: “Toàn quân ta phải ra sức học tập chính trị, quân sự và văn hóa; phải thi đua làm tròn nhiệm vụ bảo vệ biên giới, bảo vệ bờ biển, bảo vệ thành thị, và giữ gìn trật tự an ninh cho nhân dân”(10). Nếu tất cả cán bộ, chiến sĩ quân đội đều quán triệt và làm tốt những điều ấy thì chắc chắn sẽ được dân tin, dân phục, dân yêu.
Nhờ thấm nhuần và quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa quân đội và nhân dân, hơn 70 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội ta luôn chăm lo xây dựng và không ngừng tăng cường mối quan hệ quân - dân, làm cho mối quan hệ gắn bó keo sơn này trở thành một truyền thống tốt đẹp của quân đội ta. Trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc đã có nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ, đơn vị quân đội thực hiện tốt mối quan hệ quân - dân, làm nên hình ảnh cao đẹp của anh “Bộ đội Cụ Hồ” và hình ảnh này luôn in đậm trong nhân dân - “đi dân nhớ, ở dân thương”. Thời bình, truyền thống đó tiếp tục dược các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội phát huy trong bảo vệ, giữ gìn trật tự, an ninh, giữ yên cuộc sống bình yên cho nhân dân; giúp dân xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, gieo “cái chữ”, đưa khoa học, kỹ thuật đến với người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; giúp nhân dân phòng, chống thiên tai, nhất là phòng, chống bão, lụt.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng, củng cố mối quan hệ gắn bó, mật thiết quân - dân trong tình hình hiện nay
Hiện nay, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, những tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường, để quân đội ta hoàn thành tốt chức năng là đội quân công tác và đấu tranh làm thất bại những hoạt động của các thế lực thù địch bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, chiêu thức thâm độc hòng tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, kích động, chia rẽ mối quan hệ đoàn kết, gắn bó mật thiết, gắn bó như “cá với nước” giữa quân và dân, việc quán triệt sâu sắc và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa quân đội và nhân dân vào xây dựng, củng cố, phát triển tình đoàn kết quân - dân càng quan trọng và cấp thiết. Để vận dụng sáng tạo tư tưởng đó của Người, đòi hỏi cần tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó trước hết cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh giáo dục về bản chất, truyền thống vẻ vang của quân đội ta, nhất là bản chất, truyền thống mối quan hệ đoàn kết quân - dân, gắn bó như “cá với nước”.
Trước hết, làm tốt công tác giáo dục, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng ta về mối quan hệ giữa quân đội và nhân dân cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân. Trong đó, tập trung làm sâu sắc hơn những quan điểm và nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa quân đội và nhân dân: quân đội ta là quân đội của nhân dân, là con em, ruột thịt của nhân dân; nhân dân là nền tảng sức mạnh quân đội. Chỉ có trên nền tảng vững chắc là nhân dân, thì quân đội mới hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng, Tổ quốc và nhân dân giao phó. Đồng thời, tăng cường giáo dục, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ những nội dung cơ bản trong đường lối, quan điểm của Đảng về công tác dân vận, công tác dân tộc và công tác tôn giáo trong giai đoạn hiện nay, cũng như những nội dung chủ yếu của Quy chế Dân chủ ở cơ sở, Pháp lệnh Dân chủ ở xã, phường, thị trấn... Trên cơ sở đó, đẩy mạnh giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ về bản chất, truyền thống vẻ vang của quân đội ta, nhất là bản chất, truyền thống mối quan hệ đoàn kết quân - dân. Bồi đắp, xây dựng lòng tự hào, ý thức trách nhiệm cho mọi cán bộ, chiến sĩ trong vun đắp, giữ gìn, phát huy, phát triển mối quan hệ gắn bó giữa quân và dân trong giai đoạn hiện nay.
Hai là, tổ chức thực hiện tốt nội dung công tác dân vận trong tình hình mới.
Trọng tâm của công tác dân vận của quân đội ta hiện nay là: Tham gia xây dựng địa phương vững mạnh về chính trị, phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giữ vững và tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân - dân, phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới, góp phần giáo dục, nâng cao ý thức “vì nhân dân phục vụ” cho cán bộ, chiến sĩ. Theo đó, công tác dân vận của quân đội cần hướng mạnh về cơ sở, quan tâm đến những vấn đề thiết thực trong đời sống nhân dân, nhằm củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, quân đội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa quân đội và nhân dân. Tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo phong trào cách mạng rộng lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các đơn vị trong toàn quân cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đồng bào theo tôn giáo, về mọi mặt của đời sống xã hội trong công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng; về vị trí, vai trò, mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận. Khi tiến hành công tác dân vận, phải thường xuyên đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện; giúp nhân dân thấy rõ quyền lợi, nghĩa vụ công dân và quyền làm chủ trực tiếp theo đúng quy định của pháp luật. Thường xuyên sâu sát cơ sở, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đóng góp, phản ánh của nhân dân...
Ba là, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ dân vận ở cơ sở.
Thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cán bộ dân vận phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”(11), luôn “gần dân, học dân, nghe theo dân”(12) và phương châm “Chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, hiệu quả” trong tiến hành công tác dân vận. Cần phải đổi mới mạnh mẽ về nội dung, hình thức, phương pháp dân vận để bảo đảm mỗi cán bộ, chiến sĩ vừa là một quân nhân, một công dân gương mẫu, vừa là một cán bộ “dân vận khéo” hết lòng vì dân, vì nước. Đặc biệt, coi trọng và tập trung dân vận ở những địa bàn trọng yếu vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, những vùng kinh tế khó khăn. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo những nội dung, biện pháp trong công tác dân vận, phù hợp với đặc điểm tình hình, điều kiện cụ thể của từng vùng, từng địa phương. Tích cực, chủ động tổ chức bồi dưỡng kiến thức, năng lực, kinh nghiệm, phương pháp, tác phong công tác dân vận cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm công tác dân vận. Phát huy vai trò trách nhiệm của đội ngũ chính ủy, chính trị viên, cán bộ chính trị, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ dân vận của đơn vị. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ dân vận là con em đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, địa bàn trọng điểm về quốc phòng - an ninh.
Bốn là, tích cực, chủ động thực hiện chương trình phối hợp hoạt động giữa các đơn vị quân đội với các tổ chức đoàn thể nhân dân, chính quyền địa phương.
Thông qua công tác dân vận, các đơn vị tích cực giúp đỡ chính quyền nhân dân địa phương giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; luôn là lực lượng đi đầu ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất, sát cánh cùng nhân dân trong phòng, chống bão, lũ, thiên tai, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng, phát triển kinh tế, góp phần ổn định đời sống của nhân dân. Các đơn vị quân đội đóng quân làm nhiệm vụ trên các địa bàn phải xây dựng và duy trì thường xuyên chế độ nắm tình hình thực hiện mối quan hệ đoàn kết quân - dân, chủ động phát hiện âm mưu, thủ đoạn chống phá mới của các thế lực thù địch trên địa bàn, có kế hoạch hoạt động phù hợp và xử lý kịp thời những tình huống xảy ra. Thường xuyên thực hiện tự phê bình và lắng nghe ý kiến phê bình của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nhân dân và nhân dân địa phương về thực hiện mối quan hệ đoàn kết giữa đơn vị và nhân dân địa phương; định kỳ thông báo tình hình, rút kinh nghiệm trong công tác phối hợp hoạt động giữa địa phương và đơn vị. Cùng với địa phương tổ chức tốt sơ kết, tổng kết các hoạt động quân đội tham gia xây dựng cơ sở chính trị ở địa phương và địa phương tham gia xây dựng quân đội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân và xây dựng mối quan hệ đoàn kết quân - dân trong thời kỳ mới, góp phần thực hiện có hiệu quả chính sách hậu phương quân đội. Đồng thời, tiếp tục phối hợp thực hiện tốt các cuộc vận động lớn, như “Ngày vì người nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”,...
Lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội ta cho thấy, chỉ có thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ đoàn kết quân - dân thì mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội mới có phương hướng, nội dung, phương pháp công tác dân vận đúng đắn. Đó chính là yêu cầu không thể thiếu trong quá trình xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo đảm cho quân đội thực hiện tốt nhiệm vụ, chức năng đội quân công tác trong tình hình hiện nay, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.
----------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 6, tr. 264
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 502
(3), (4), (5), (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 76, 334, 501
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 458
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 367
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 135
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 324
(11), (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 233 - 234, 370
Những nội dung cốt yếu trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh  (28/10/2019)
Noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh cần thật cụ thể, thực chất và thiết thực  (27/09/2019)
Giá trị văn hóa chính trị qua Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh  (19/09/2019)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên