Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 16 đến ngày 22-4-2018)

Nhân Chính (Tổng hợp từ TTXVN, TCCSĐT, Chinhphu.vn)
00:45, ngày 25-04-2018
TCCSĐT - Phải nghiêm trị hành vi sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng giả; Thủ tướng kết luận điều chỉnh Quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất; Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh: Quản lý cán bộ qua hệ thống để không bị động; Công tác dân vận cần gắn với mọi mặt đời sống; Khởi tố 7 bị can liên quan đến vụ án Phan Văn Anh Vũ; Đoàn kiểm tra Trung ương làm việc với Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Lãnh đạo Chính phủ làm việc với Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; Xây dựng thể chế đột phá cho các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Cần định hướng kiến trúc Việt Nam; Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ; Lễ kỷ niệm Chiến thắng Bạch Đằng: Gợi nhớ trang sử hào hung; Hà Nội khởi công dự án đường trên cao Ngã Tư Sở-cầu Vĩnh Tuy;... là những sự kiện trong nước nổi bật tuần qua.

Hội nghị toàn quốc theo hình thức truyền hình trực tuyến về logistics

Sáng 16-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị về logistics, các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông. Hội nghị được tổ chức theo hình thức truyền hình trực tuyến, với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương trên cả nước và đông đảo các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp sản xuất các ngành hàng, kinh doanh dịch vụ logistics, vận tải, hỗ trợ vận tải.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng cho biết đây là một trong các hội nghị chuyên đề dự kiến được tổ chức trong năm nay để giải quyết một số vấn đề trọng yếu, nhằm vào 4 nội dung lớn là nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và dịch vụ, từ đó, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và đặc biệt, tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn.

Theo Thủ tướng, vấn đề logistics đã được đề cập trong văn kiện Đại hội Đảng và các bộ, ngành đã triển khai. Tuy nhiên, cách tổ chức thực hiện, nhất là các biện pháp tổng hợp để xử lý vấn đề này còn hạn chế. Chi phí logistics ở nước ta còn cao, thậm chí rất cao.

Thủ tướng khẳng định vai trò to lớn của logistics đối với nền kinh tế Việt Nam, là một trong 12 nhóm ngành được cộng đồng ASEAN ưu tiên hỗ trợ phát triển. Đồng thời, đây là một dịch vụ kinh doanh hấp dẫn được nhiều công ty trong và ngoài nước triển khai.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề, phải nhận thức rõ gánh nặng chi phí, nhất là chi phí logistics, đang là một rào cản lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Tại Hội nghị hôm nay, các đại biểu cần quán triệt Kế hoạch hành động này để triển khai, nhất là một số ngành then chốt.

Thủ tướng nêu một số tồn tại, hạn chế cần phải tập trung tháo gỡ. Đó là về thể chế, chính sách; hạ tầng và kết nối hạ tầng của các lĩnh vực giao thông thúc đẩy phát triển logistics; kết nối các loại hình vận tải; phát triển doanh nghiệp và nguồn lực phục vụ logistics.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng cho rằng đây là hội nghị rất thiết thực, giải quyết được nhiều vấn đề, mà như ý kiến của một đại biểu là đã giải quyết tình trạng vô cảm, vô lý, vô trách nhiệm trong việc tháo gỡ vướng mắc thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nhấn mạnh tinh thần tổ chức hội nghị thì phải có sản phẩm, kết quả cụ thể, Thủ tướng cho biết, bên cạnh việc nâng cao nhận thức về vấn đề mới này thì sau hội nghị, Thủ tướng sẽ có Chỉ thị về phát triển logistics.

Mặc dù có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực logistics, nhưng chi phí logistics ở Việt Nam còn quá cao. Phải giảm chi phí logistics xuống hơn nữa, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 60%, cộng cả lưu kho, bốc dỡ là khoảng 91%, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là khâu quan trọng nên chúng ta cần phải có biện pháp mạnh mẽ hơn.

Thủ tướng nêu rõ quan điểm, logistics là ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể của nền kinh tế và phát triển dịch vụ logistics thành một ngành kinh tế đem lại giá trị gia tăng cao; gắn dịch vụ này với phát triển hàng hóa xuất nhập khẩu. Phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh, tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phù hợp.

Phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược, tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng của khu vực. Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics. Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, kiến tạo môi trường thuận lợi cho nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics, một khâu yếu của nền kinh tế Việt Nam.

Phải nghiêm trị hành vi sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng giả

Tại cuộc họp chiều 16-4 với lãnh đạo Bộ Y tế, Công an và các bộ, ngành liên quan, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị lên án mạnh mẽ và yêu cầu xử lý nghiêm hành vi sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng giả.

Liên quan tới sản phẩm “Vinaca ung thư Co3.2” của Công ty TNHH Vinaca được phản ánh làm từ bột tre, Cục trưởng Cục Quản lý Dược Vũ Tuấn Cường cho biết, Bộ Y tế đã vào cuộc và xác định đây là sản phẩm thực phẩm chức năng giả. Tuy nhiên, trên nhãn sản phẩm có ghi hỗ trợ điều trị ung thư gây ảnh hưởng nghiêm trọng và hoang mang cho người dân.

Vị đại diện Cục Quản lý Dược khuyến cáo người dân không sử dụng sản phẩm này và cho biết đã phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý, đồng thời khẳng định đây là cơ sở chưa được cấp phép, sản phẩm cũng chưa được công bố theo quy định, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra, xử lý.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm tới vụ việc này. Quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là tất cả các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, thực phẩm giả liên quan tới sức khỏe con người đều cần phải lên án mạnh mẽ và xử lý nghiêm theo pháp luật.

Trong đó chú trọng đặc biệt tới các sản phẩm liên quan tới việc điều trị, hỗ trợ điều trị các căn bệnh nan y như ung thư. Bởi người bệnh khi mắc những bệnh nan y thì phải được điều trị, hỗ trợ điều trị bằng sản phẩm có chất lượng, nếu không sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và thậm chí là tính mạng. “Bất kỳ vụ việc nào liên quan tới những căn bệnh như ung thư, người dân đều rất bức xúc, do đó các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm xử lý hết sức nghiêm minh”, Phó Thủ tướng nói.

Hoan nghênh lực lượng chức năng của Hải Phòng, Hà Nội và các địa phương đã dày công trinh sát, làm các công tác nghiệp vụ để phát hiện ra vụ việc cũng như sự vào cuộc nhanh, phối hợp chặt chẽ của Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố liên quan, các Sở Y tế, và các đơn vị chức năng của Bộ Y tế xử lý nghiêm minh vụ việc này và các vụ việc tương tự theo đúng quy định của pháp luật.

Khẳng định tội phạm, đặc biệt là tội phạm liên quan tới lĩnh vực dược phẩm, có rất nhiều thủ đoạn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu nếu không sẽ rất khó đấu tranh. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng ghi nhận sự nhanh nhạy của truyền thông, báo chí và mong các cơ quan báo chí tiếp tục phản ánh các vụ việc tương tự, đồng hành tuyên truyền cho người dân ý thức sử dụng thuốc thì cần xem xét rất kỹ và tốt nhất là tham vấn ý kiến chuyên môn.

Thủ tướng kết luận điều chỉnh Quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phương án điều chỉnh Quy hoạch mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý lựa chọn phương án do Công ty Tư vấn ADP-I đề xuất, cụ thể là thực hiện việc điều chỉnh Quy hoạch mở rộng, đầu tư và xây dựng mới một nhà ga hành khách hiện đại, đồng bộ và đạt tiêu chuẩn quốc tế tại khu vực phía Nam để đáp ứng yêu cầu phục vụ đạt 20 triệu hành khách/năm, nâng công suất khai thác của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển bằng đường hàng không, bảo đảm tối thiểu đạt 50 triệu hành khách/năm; đồng thời, chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà ga hàng hóa, sân đỗ tàu bay, khu bảo dưỡng phương tiện, thiết bị và các công trình phục vụ cho hoạt động hàng không tại khu vực phía Bắc Cảng hàng không - Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (nơi có vị trí sân golf hiện tại).

Phương án nêu trên đáp ứng được các yêu cầu về tiến độ đầu tư và xây dựng, giải quyết sự quá tải trong giao thông vận tải hàng không, sử dụng hiệu quả quỹ đất và giảm chi phí đầu tư; bảo đảm an toàn, an ninh theo quy định của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).

Để sớm triển khai phương án điều chỉnh Quy hoạch mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Công ty Tư vấn ADP-I tiếp tục phối hợp với Công ty Tư vấn ADCC hoàn thiện phương án điều chỉnh quy hoạch, bảo đảm hiệu quả cao nhất, đặc biệt là việc sử dụng đất cả về phía Nam và phía Bắc; đồng thời, phối hợp UBND Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, tính toán tổng thể, đề xuất các giải pháp khả thi nhằm giảm ùn tắc giao thông tại khu vực bên ngoài Cảng hàng không - Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, hoàn thiện hồ sơ pháp lý để Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch mở rộng Cảng hàng không quốc tế và các Quy hoạch liên quan tại khu vực Cảng hàng không - Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, các Dự án đầu tư mở rộng… đề xuất phương án và nguồn vốn đầu tư, các cơ chế, chính sách để khởi công dự án trong thời gian sớm nhất; xác định cụ thể lộ trình triển khai chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà ga hàng hóa, sân đỗ tàu bay, khu bảo dưỡng phương tiện, thiết bị và các công trình bảo đảm cho hoạt động hàng không tại khu vực phía Bắc (nơi có vị trí sân golf hiện tại) theo đúng quy định pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng.

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh: Quản lý cán bộ qua hệ thống để không bị động

Phát biểu kết luận Hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa X vào chiều 17-4, đề cập đến vấn đề giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh Đại hội XI của Đảng bộ Thành phố sắp tới sẽ là Đại hội "không có chạy chức".

Liên quan đến công tác quản lý cán bộ, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết Ban Thường vụ Thành ủy đã giao và chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm hoàn chỉnh phần mềm quản lý hồ sơ cán bộ thuộc diện Thành ủy quản lý và triển khai cho các quận, huyện. Dự kiến, đến tháng 6-2018 phần mềm sẽ chạy xong.

"Làm sao có trong tay danh sách bí thư, chủ tịch quận, huyện khóa mới dự kiến là ai? Bí thư, chủ tịch phường là ai? Giám đốc các sở là ai? Mỗi vị trí bao nhiêu người? Nếu cần luân chuyển thì luân chuyển. Tinh thần là quản lý cán bộ qua hệ thống, để không bị động", Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ.

Đối với các vấn đề nổi cộm trên địa bàn thành phố thời gian qua, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết sau vụ cháy chung cư Carina (quận 8), Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố cũng như lãnh đạo các quận huyện, sở ngành đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt.

Bí thư Thành ủy cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác quản lý còn hạn chế. Nhiều chung cư sau kiểm tra vẫn không khắc phục được sai phạm. Thành phố tổ chức xếp hạng an toàn các chung cư, đến hết tháng 6-2018 phải xếp hạng xong, công bố chung cư nào an toàn cho người dân biết. Bí thư Thành ủy cũng đề nghị người dân sống trong các chung cư phải học cách sống an toàn.

Trước những vấn đề liên quan đến đội ngũ giáo viên vừa qua, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu nghiên cứu, tổ chức đợt sinh hoạt về vai trò, vị trí của thầy cô giáo đối với ngành giáo dục thành phố hiện nay.

Công tác dân vận cần gắn với mọi mặt đời sống

Ngày 17-4, tại buổi làm việc của đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương sơ kết Nghị quyết 25-NQ/TW về công tác dân vận với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương ghi nhận và đánh giá cao việc Thành ủy Hà Nội đã triển khai nghị quyết bài bản, nghiêm túc, qua đó góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Báo cáo với đoàn kiểm tra, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn cho biết, ngay sau khi nghị quyết được ban hành, Thành ủy Hà Nội đã khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai việc học tập, quán triệt và xây dựng chương trình hành động. Công tác dân vận được các cấp chính quyền thành phố chú trọng, chăm lo giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, góp phần củng cố mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Với tinh thần “Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”, cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo, giải quyết hiệu quả những vấn đề thiết thực đến đời sống của nhân dân; quan tâm lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp xây dựng của nhân dân; kịp thời điều chỉnh những chủ trương, cách làm không phù hợp; quan tâm thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, người nghèo, người khuyết tật. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ngày càng phát triển cả bề rộng và chiều sâu, góp phần tích cực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Thủ đô.

Kết luận buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đánh giá, Hà Nội đã chuẩn bị báo cáo nghiêm túc, nội dung gắn với Nghị quyết 25 - NQ/TW và yêu cầu của đoàn kiểm tra, đồng thời giải đáp các thắc mắc của đoàn rất cụ thể. Đặc biệt, Hà Nội đã xây dựng được chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 25 - NQ/TW phù hợp với điều kiện thực tiễn, phổ biến nâng cao nhận thức từ cán bộ trong hệ thống chính trị đến người dân.

Công tác dân vận không chỉ chú trọng vào chủ trương, chính sách mà còn quan tâm đến đạo đức, lối sống, văn hoá ví dụ như việc xây dựng nông thôn mới, việc cưới văn minh, việc tang, giải phóng mặt bằng...

Để công tác dân vận đi vào thực tâm, thực chất, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị công tác dân vận ở Hà Nội cần phải được lồng ghép tất cả vào quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị tạo sự đồng bộ trong thực hiện.

Khởi tố 7 bị can liên quan đến vụ án Phan Văn Anh Vũ

Chiều 17-4, Bộ Công an ra thông báo về việc Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố 7 bị can liên quan đến vụ án “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, “Trốn thuế”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” của Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, sinh năm 1975, trú quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng).

Theo thông báo, ngày 17-4-2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra các Quyết định khởi tố bị can và thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phan Hữu Tuấn, sinh năm 1955, trú tại quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, nguyên Phó Tổng cục trưởng Bộ Công an đã nghỉ hưu và bị can Nguyễn Hữu Bách, cán bộ Bộ Công an, sinh năm 1963, trú tại quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, về hành vi “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can và thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Văn Minh, sinh năm 1955, trú tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng (2006 - 2011) về các hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 và “Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai” quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can và áp dụng Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Văn Hữu Chiến, sinh năm 1954, trú tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng (2011 - 2014) về các hành vi: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 và “Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai” quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã ra các Quyết định khởi tố bị can và áp dụng Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với các bị can: Nguyễn Điểu, sinh năm 1958, trú tại quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường thành phố Đà Nẵng; Trần Văn Toán, sinh năm 1957, trú tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường thành phố Đà Nẵng; Lê Cảnh Dương, sinh năm 1975, trú tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, Giám đốc Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư thành phố Đà Nẵng cùng về hành vi “Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai” quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Các quyết định và lệnh trên đã được Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.

Đoàn kiểm tra Trung ương làm việc với Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 18-4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn kiểm tra Trung ương do đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Nội dung buổi làm việc là sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.

Cùng dự có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Mai đánh giá cao những kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 25 của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh. Một trong những kết quả nổi bật là thành phố đã cụ thể hóa Nghị quyết 25 phù hợp với thực tiễn thành phố. Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 25 của lãnh đạo thành phố có bước đi chắc chắn, có trách nhiệm, có đổi mới ở các cấp, sát với mục tiêu, quan điểm Nghị quyết. Trong quá trình đó, thành phố đã có nhiều mô hình hiệu quả được triển khai rộng rãi; thành phố luôn quan tâm đến tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân, chăm lo cho người dân, nhất là người dân yếu thế.

Để nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết số 25, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao nhận thức một cách đồng bộ trong hệ thống chính trị về công tác dân vận, để mỗi cán bộ, đảng viên xem vấn đề của dân cũng là vấn đề của mình, thực hiện tốt việc nêu gương. Cùng với tiếp tục quan tâm nhu cầu chính đáng, cuộc sống người dân một cách thiết thực, bảo đảm công bằng xã hội; tăng cường trao đổi thông tin với người dân, tập trung giải quyết ý kiến, nguyện vọng chính đáng của người dân.

Theo đồng chí Trương Thị Mai, trong tình hình mới, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội sẽ kéo theo những yếu tố phát sinh, vì vậy thành phố cần tiếp tục đổi mới công tác dân vận trong toàn hệ thống chính trị, công tác dân vận phải gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác cán bộ, củng cố lòng tin người dân. Thành phố cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được để tạo được sự hài lòng, đồng thuận, tham gia hưởng ứng tích cực của người dân, từ đó xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Từ kết quả thực tiễn, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn thiện Nhân nhận định, công tác dân vận thành phố thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp không nhỏ vào việc thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội thành phố. Lắng nghe tiếng nói của dân là nội dung thành phố đẩy mạnh thực hiện thông qua nhiều kênh, nhiều ban, ngành các cấp thực hiện. Cùng với đó, sự chuyển biến trong công tác dân vận đã tạo được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận của nhân dân.

Lãnh đạo Chính phủ làm việc với Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao

Chiều 18-4, phát biểu tại buổi làm việc giữa Lãnh đạo Chính phủ với Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao để nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế phối hợp giữa hai cơ quan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành trực thuộc Chính phủ làm hết sức mình để hỗ trợ cho hoạt động của ngành kiểm sát, trên tinh thần kiến tạo, liêm chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Theo báo cáo tại hội nghị, thời gian qua, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật, Chính phủ và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã triển khai thường xuyên, liên tục công tác phối hợp. Điều này được thể hiện cụ thể qua các nội dung công việc như xây dựng thể chế; phối hợp xử lý tố giác, tin báo về tội phạm; giải quyết các vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các việc khác theo quy định của pháp luật.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp, tạo điều kiện để Viện Kiểm sát Nhân dân thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật. Trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan áp dụng các biện pháp phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Văn phòng Chính phủ và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao phối hợp tổ chức các cuộc làm việc thường niên để tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp công tác giữa hai cơ quan.

Thủ tướng đánh giá Chính phủ và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã thực hiện nghiêm túc, toàn diện Nghị quyết Liên tịch về phối hợp công tác giữa hai cơ quan với 10 nhiệm vụ đã đề ra, bảo đảm đúng pháp luật; phối hợp tốt trong đấu tranh phòng chống tội phạm, phòng, ngừa oan sai, công tác thi hành án…

Nhấn mạnh đến chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Thủ tướng cho rằng vai trò của ngành kiểm sát ngày càng quan trọng trong việc thực thi, bảo vệ pháp luật; đóng góp lớn vào thành công trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Về những phương hướng hợp tác của hai cơ quan trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị nâng cao chất lượng công tác lập dự toán phục vụ các mặt hoạt động của ngành kiểm sát, bảo đảm đúng pháp luật, sử dụng có hiệu quả ngân sách của Nhà nước.

Tin tưởng công tác phối hợp giữa hai cơ quan thời gian tới sẽ đạt kết quả tốt, Thủ tướng lưu ý một trong các yêu cầu của cải cách tư pháp đó là không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, hành chính, tạo điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Xây dựng thể chế đột phá cho các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

Sáng 18-4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã chủ trì cuộc họp đánh giá tiến độ xây dựng dự thảo Luật và Đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt dự kiến sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 tới.

Đây là nội dung thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp và người dân với kỳ vọng sẽ tạo ra điểm nhấn cho phát triển kinh tế Việt Nam và là cơ hội tốt để đón nhận làn sóng đầu tư mới.

Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu của các thành viên Ban Chỉ đạo, các địa phương, kết luận buổi làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh đến yêu cầu xây dựng thể chế chính sách pháp luật cho các đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt phải “có sự khác biệt hơn so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước để tạo sức thu hút mạnh mẽ cho đầu tư”.

Thủ tướng nêu rõ yêu cầu xây dựng Luật đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt phải bảo đảm nguyên tắc không trái quy định của Hiến pháp nhưng có tính vượt trội để có thể cạnh tranh, thu hút đầu tư.

Cùng với đó, việc hình thành bộ máy chính quyền tại các đơn vị này phải theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo cân bằng 3 lợi ích giữa Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp.

“Những vấn đề về bộ máy và chính sách phải mang tính cạnh tranh toàn cầu đi liền với đảm bảo quốc phòng, an ninh của quốc gia”, Thủ tướng nói và yêu cầu quá trình xây dựng các dự thảo phải tuân thủ các ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, nhất là dựa vào nội lực, đổi mới phát triển, đồng thời phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Với mục tiêu bảo đảm hoàn thiện dự thảo Luật và các Đề án, văn bản kèm theo trình Quốc vào Kỳ họp thứ 5 tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cơ quan đầu mối của Ban Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các nội dung, phần việc liên quan.

Nhấn mạnh đến bối cảnh cạnh tranh quốc tế diễn biến phức tạp, Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục có những đổi mới mạnh mẽ trong xây dựng thể chế, chính sách phát triển kinh tế xã hội, tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp và người dân.

“Đây không phải là 3 đặc khu của 3 tỉnh mà là làm cho quốc gia, dân tộc,” Thủ tướng nêu rõ và đề nghị quá trình xây dựng các dự thảo Luật, Đề án cần có sự đồng thuận trong nhân dân.

Về các nội dung lớn của dự thảo Luật, Thủ tướng nêu rõ tinh thần không cầu toàn nhưng phải khẳng định quyết tâm cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ với tư duy thống nhất, mạnh dạn xây dựng một thể chế đột phá, tạo động lực phát triển cho 3 đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, lan tỏa đến các vùng kinh tế và cả nước, góp phần phát triển kinh tế đất nước nhanh, bền vững.

Cần định hướng kiến trúc Việt Nam

Ngày 21-4, tại Hà Nội, phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Hội Kiến trúc sư Việt Nam (1948 - 2018), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị giới kiến trúc sư Việt Nam cần tăng cường nghiên cứu, thiết kế, tìm ra những kiến trúc phù hợp cho vùng nông thôn, những kiểu nhà sống chung với lũ… đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương cũng như cả nước. Tham dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và lãnh đạo một số bộ, ngành.

Theo kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, từ 50 kiến trúc sư đầu tiên được đào tạo tại Trường Mỹ thuật Đông Dương, đến nay lực lượng kiến trúc sư cả nước đã lên tới hơn 15.000 người.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các thế hệ hội viên Hội Kiến trúc sư dù trong bất cứ hoàn cảnh nào luôn sáng tạo, cần cù lao động để đóng góp tài năng, trí tuệ cho sự phát triển của đất nước Việt Nam hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa, dân tộc.

Những công trình kiến trúc quan trọng, trọng điểm quốc gia trong những năm qua đều mang dấu ấn bàn tay, khối óc của những nhà kiến trúc sư tài ba. Những công trình, tác phẩm kiến trúc có giá trị này đã tạo dấu ấn, làm giàu thêm cho nền kiến trúc, thể hiện đóng góp quan trọng của giới Kiến trúc sư, của Hội Kiến trúc sư và ngành xây dựng Việt Nam.

Thủ tướng cho rằng, bộ mặt đô thị, nông thôn ngày một khang trang hơn, to đẹp hơn cũng nhờ một phần đóng góp quan trọng của giới kiến trúc sư Việt Nam. Nhiều Kiến trúc sư, đặc biệt là kiến trúc sư trẻ đã có nhiều thành công trong lao động sáng tạo, được tôn vinh trong nước và quốc tế qua các giải thưởng kiến trúc.

Những năm gần đây, Hội Kiến trúc sư, ngôi nhà chung tin cậy của các kiến trúc sư Việt Nam, có nhiều đổi mới trong tổ chức hoạt động, nhất là việc tham gia phản biện những chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật về kiến trúc, quy hoạch và các dự án quy hoạch kiến trúc lớn.

Theo Thủ tướng, Hội Kiến trúc sư và các kiến trúc sư cần chung tay vào cuộc nhiều hơn nữa, cùng với các cơ quan quản lý nhà nước giải quyết các tồn tại, bất cập.

“Chúng ta phải tạo được những công trình kiến trúc để đời, mang tầm thế kỷ, mang lại lợi ích to lớn, lâu dài cho đất nước, cho thế hệ mai sau” Thủ tướng nêu rõ.

Với tinh thần đó, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm để Hội Kiến trúc sư tập trung triển khai thực hiện thời gian tới. Đó là tiếp tục tập hợp, đoàn kết, động viên kiến trúc sư, tổ chức, phối hợp hoạt động giữa các hội viên vì lợi ích chung của Hội.

Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ

Ngày 21-4 (tức ngày 06-3 năm Mậu Tuất) tại Đền thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân trên núi Sim và tại Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ trên núi Vặn thuộc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2018 đã tổ chức thể Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ.

Trong không khí linh thiêng của những ngày giỗ Tổ, các vị lãnh đạo tỉnh Phú Thọ và người dân đã thể hiện lòng thành kính, tri ân của con cháu Lạc Hồng đối với Tổ tiên - những người đã có công sinh thành ra cộng đồng dân tộc Việt, khởi dựng cơ đồ, mở mang bờ cõi.

Trước đó, tại đền thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân đã diễn ra phần tế do Đội tế xã Chu Hóa (thành phố Việt Trì) thực hiện trang nghiêm theo lễ nghi truyền thống, thể hiện lòng thành kính tri ân của con Lạc cháu Hồng đối với Tổ tiên - những người đã có công sinh thành ra cộng đồng dân tộc Việt, khởi dựng cơ đồ, mở mang bờ cõi, đặt nền móng vững chắc cho quốc gia, dân tộc Việt Nam.

Lễ kỷ niệm Chiến thắng Bạch Đằng: Gợi nhớ trang sử hào hùng

Sáng 21-4, tại sân lễ hội đền Trần Hưng Đạo, phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đã trang trọng diễn ra Lễ kỷ niệm 1080 năm (938-1288) và 730 năm (1288-2018) Chiến thắng Bạch Đằng, gắn với Năm Du lịch quốc gia 2018-Hạ Long-Quảng Ninh 2018.

Lễ kỷ niệm diễn ra với quy mô lớn hơn so với những năm trước với 2 phần. Phần lễ gồm lễ tế, lễ rước tượng Trần Hưng Đạo từ đền Trần Hưng Đạo về đình Yên Giang và ngược lại.

Phần hội là chương trình nghệ thuật sử thi với chủ đề “Bạch Đằng Giang - Bản hùng ca của dân tộc," sau đó là giải bơi thuyền chải truyền thống Bạch Đằng năm 2018 tại khu vực bến đò cổ, gợi nhớ lại trang sử hào hùng của cha ông ta trên sông Bạch Đằng.

Tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho biết Khu Di tích lịch sử Bạch Đằng, một trong 5 khu di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, là địa điểm ghi dấu sự kiện quân và dân nhà Trần đã lập nên Chiến thắng Bạch Đằng đánh tan quân Nguyên Mông ngày 09-4 (tức ngày 08-3 âm lịch năm 1288).

Lễ hội là hoạt động chính trị, văn hóa quan trọng, là sự tri ân với những cống hiến, hy sinh cho sự bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước. Đây cũng là hoạt động nhằm ôn lại truyền thống lịch sử, khơi dậy niềm tự hào, tinh thần yêu nước, truyền thống tự hào của dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Hà Nội khởi công dự án đường trên cao Ngã Tư Sở-cầu Vĩnh Tuy

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa chính thức khởi công dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, kết hợp với mở rộng đoạn đường bằng từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng với tổng mức đầu tư gần 9.500 tỷ đồng theo hình thức BT (xây dựng-chuyển giao) vào sáng 22-4.

Theo ông Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, tuyến đường bộ vành đai 2 trên cao được xây mới hoàn toàn gồm 1 cầu chính và 3 cầu dẫn nối từ các điểm đầu là Vĩnh Tuy, Ngã Tư Vọng và Ngã Tư Sở. Tổng chiều dài toàn tuyến là 5,1km, rộng 19m, có 3 vị trí lên xuống có bề rộng cầu là 17m. Tuyến đường được thiết kế hệ thống chiếu sàng, thoát nước, tường chống ồn, hệ thống biển báo và an toàn giao thông.

Phần đường đi bằng Vĩnh Tuy-Chợ Mơ-Ngã Tư Vọng được thực hiện mở rộng với mặt cắt từ 53,5m-63,5m theo chỉ giới đường đỏ đường vành đai 2 với tổng chiều dài 3,1km. Sau khi được mở rộng, đường vành đai 2 có quy mô 8 làn xe (6 làn dành cho xe cơ giới và 2 làn xe dành cho xe thô sơ), có dải phân cách rộng 4m ở giữa và vỉa hè rộng từ 4-6m mỗi bên...

Đường vành đai 2 (trên cao và đi bằng) đi qua 4 quận là Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân và Đống Đa với tổng mức đầu tư gần 9.500 tỷ đồng trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 4.194 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2018-2020.

Giai đoạn 1 từ Ngã Tư Vọng đến Ngã Tư Sở có thể thi công trong vòng 15 tháng với điều kiện giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư được lấy từ ngân sách thành phố. Chi phí chuẩn bị đầu tư và thi công xây dựng dự án do Tập đoàn Vingroup đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng, chuyển giao (BT)./.