Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 16 đến ngày 22-4-2018

Hồng Ngọc tổng hợp
14:30, ngày 23-04-2018
TCCSĐT - Tại Dự thảo Nghị định, quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Nội vụ đề xuất tổ chức các sở, ngành được sắp xếp, hoàn thiện theo hướng tinh gọn, theo đó, sẽ giảm từ 46 đến 88 sở trên cả nước. Dự thảo của Bộ Nội vụ được dư luận đặc biệt chú ý, tham gia ý kiến ủng hộ cũng như phản biện trong tuần qua.

Tinh gọn tổ chức các sở, ngành, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh

Bộ Nội vụ cho biết, tại dự thảo Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ đề xuất tổ chức các sở được sắp xếp, hoàn thiện theo hướng tinh gọn như sau:

Đối với 17 sở đang tổ chức thống nhất trong cả nước hiện nay (theo quy định tại Nghị định 24/2014/NĐ-CP) được chia thành 3 nhóm như sau: Nhóm 1, các sở được tổ chức thống nhất trên phạm vi cả nước, nhằm bảo đảm giữ ổn định và phát huy hiệu quả của mô hình tổ chức sở quản lý đa ngành, đa lĩnh vực hoặc sở tham mưu quản lý chuyên ngành chuyên sâu có tính ổn định cao, gồm 4 sở: Tư pháp; Tài nguyên và Môi trường; Lao động - Thương binh và Xã hội; Y tế.

Nhóm 2, các sở được quy định theo hướng giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định giữ ổn định hoặc hợp nhất, gồm 10 sở: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Giao thông vận tải; Xây dựng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương; Giáo dục và Đào tạo; Khoa học và Công nghệ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch (hoặc Văn hóa, Thể thao); Thông tin và Truyền thông.

Nhóm 3, các sở giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định giữ ổn định hoặc thực hiện thí điểm hợp nhất theo Nghị quyết 18-NQ/TW và Nghị quyết 56/2017/QH14 gồm: Sở Nội vụ (thí điểm hợp nhất với Ban Tổ chức); Thanh tra tỉnh (thí điểm hợp nhất với Ủy ban Kiểm tra); Văn phòng UBND cấp tỉnh (thí điểm hợp nhất với Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh).

Đối với 4 sở đặc thù, chuyên ngành, không được tổ chức thống nhất giữa các địa phương gồm: Sở Quy hoạch - Kiến trúc thuộc UBND thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và 3 sở do Chính phủ quy định tiêu chí thành lập (Ban Dân tộc, Sở Ngoại vụ, Sở Du lịch) giao UBND cấp tỉnh trình Hội động nhân dân cùng cấp quyết định giữ ổn định hoặc sáp nhập; thành lập hoặc không thành lập (kể cả khi đáp ứng đủ các tiêu chí thành lập).

Sáp nhập để quản lý hiệu quả hơn

Phân tích cơ sở của việc sáp nhập các sở, ngành, Bộ Nội vụ cho biết: Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính chức năng, nhiệm vụ có mối quan hệ liên thông với nhau. Việc hợp nhất 2 sở này sẽ tạo điều kiện cho việc tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước trong lĩnh vực kế hoạch, đầu tư, tài chính, ngân sách và một số lĩnh vực liên quan được hiệu quả hơn, bảo đảm việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế, xã hội của địa phương được gắn với khả năng cân đối nguồn lực về tài chính, ngân sách, hạn chế tối đa sự giao thoa về nhiệm vụ giữa 2 sở này vốn kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ Chính phủ. Trường hợp hợp nhất các sở này sẽ có tên gọi là Sở Tài chính - Kế hoạch.

Về hợp nhất Sở Giao thông vận tải với Sở Xây dựng, theo Bộ Nội vụ, việc hình thành và phát triển các không gian đô thị hiện đại không thể tách rời giữa quy hoạch xây dựng đô thị với quy hoạch hạ tầng giao thông, nhất là khi Chính phủ đang chỉ đạo đẩy mạnh việc triển khai các dự án theo các hình thức đầu tư công – tư (BOT, BT, PPP…) luôn đòi hỏi có sự gắn kết giữa quy hoạch phát triển giao thông với đô thị. Vì vậy, việc hình thành một cơ quan quản lý thống nhất hai lĩnh vực này sẽ bảo đảm nâng cao tính hiệu quả, khắc phục những bất cập chồng chéo, thiếu đồng bộ trong quản lý hạ tầng đô thị. Trường hợp hợp nhất các sở này thì có tên gọi mới là Sở Giao thông vận tải - Xây dựng.

Đối với phương án hợp nhất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Sở Công Thương, Bộ Nội vụ cho rằng, tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quá trình đô thị hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng về công nghiệp và dịch vụ thì yêu cầu quản lý nhà nước về nông nghiệp và phát triển nông thôn so với các ngành, lĩnh vực khác là không lớn nên không cần thiết thành lập 1 sở chuyên trách tham mưu về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trong trường hợp hợp nhất các sở này có tên gọi là Sở Công nghiệp, Nông nghiệp và Thương mại…

Giảm từ 46 - 88 sở trên cả nước

Bộ Nội vụ đề xuất 2 phương án về khung số lượng các sở, như sau:

Phương án 1: Bộ Nội vụ đề xuất tổng số lượng sở sau khi thực hiện việc hợp nhất (thí điểm hợp nhất), sáp nhập, thành lập hoặc không thành lập đảm bảo không vượt quá số lượng sở hiện có và khung số lượng sở của từng địa phương theo phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh. Cụ thể, đảm bảo không quá 20 sở đối với thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; không quá 19 sở đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I; không quá 18 sở đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh loại II; không quá 17 sở đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh loại III. Theo phương án này thì sẽ giảm tối thiểu 46 sở trên cả nước.

Phương án 2: Bộ đề xuất khung các sở với mức độ tinh gọn cao hơn phương án 1. Cụ thể: Không quá 20 sở đối với thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; không quá 18 sở đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I; không quá 17 sở đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh loại II và loại III. Theo phương án này, sẽ giảm tối thiểu 88 sở trên cả nước.

Bộ Nội vụ cho biết, thực hiện theo 2 phương án trên sẽ bảo đảm được sự thống nhất về tên gọi và phân công chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực của các sở và trao quyền chủ động cho địa phương trong việc quyết định cơ cấu tổ chức của các sở, đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức các sở tinh gọn hơn, hạn chế sự cào bằng về số lượng tổ chức các sở giữa các đơn vị hành chính cấp tỉnh. Tuy nhiên, cần sửa đổi thẩm quyền của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực trong việc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của sở theo quy định tại Khoản 6 Điều 13 Nghị định 123/2016/NĐ-CP.

Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng đề xuất phương án 3, quy định tổng số lượng sở sau khi thực hiện việc hợp nhất (thí điểm hợp nhất), sáp nhập, thành lập hoặc không thành lập bảo đảm không vượt quá số lượng sở hiện tại có tại thời điểm tổ chức thực hiện Nghị định. Thực hiện phương án này sẽ bảo đảm được sự thống nhất về tên gọi, phân công chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực của các sở và trao quyền chủ động cho địa phương trong việc quyết định cơ cấu tổ chức của các sở như phương án 1, 2. Hạn chế của phương án này là địa phương không chủ động và thực hiện quyết liệt thì sẽ không tinh giảm được đầu mối tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và cũng cần sửa đổi thẩm quyển của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực trong việc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của sở theo quy định tại Khoản 6 Điều 13 Nghị định 123/2016/NĐ-CP như đối với phương án 1 và 2.

Trong các phương án nêu trên, Bộ Nội vụ đề xuất lựa chọn phương án 1 nhằm bảo đảm thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy có lộ trình, tránh xáo trộn lớn.

Về sử dụng công chức, viên chức, hợp đồng lao động

Sáng 20-4, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với đại diện một số bộ, ngành về công tác quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng lao động trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ.

Tại buổi làm việc, đại diện các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Nội vụ… đã nêu những khó khăn, bất cập trong thực hiện tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối, đặc biệt đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Các đại biểu cho rằng, về cơ chế, cần xem xét, nhận diện lại tổ chức đơn vị sự nghiệp; rà soát hệ thống tổ chức và giao quyền tự chủ đồng bộ. Đồng thời, các đại biểu kiến nghị cần phân ra hai loại: Hợp đồng trong quỹ lương (vẫn được hưởng ngân sách nhà nước và ký hợp đồng) và hợp đồng ngoài quỹ lương (hợp đồng trả lương thông qua nguồn thu từ đề tài, dự án) nhằm hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước.

Nêu ý kiến tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng chỉ rõ thực trạng hiện nay đang có tình trạng “hợp đồng chờ tuyển”. Theo quy định của Luật Viên chức, các đơn vị chưa tự chủ không có lao động hợp đồng, còn đơn vị tự chủ có lao động hợp đồng. Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho rằng cần điều chỉnh Luật Viên chức cho phù hợp, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch trong tuyển dụng.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các bộ khẩn trương xây dựng và có lộ trình thực hiện công tác quản lý, sử dụng công chức, viên chức, hợp đồng lao động theo đúng tinh thần các Nghị quyết của Đảng, quán triệt các địa phương thực hiện nghiêm túc các chỉ thị; trên cơ sở đó báo cáo với Chính phủ những vấn đề cần lưu ý. Trong đó, về giáo dục sắp xếp lại tự chủ khối đại học theo lộ trình từ nay đến năm 2021. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Đối với giáo dục phổ thông, đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, cần biên chế đủ giáo viên để đảm bảo quyền học cho trẻ em. Về y tế, cần quan tâm hơn đến y tế dự phòng, y tế tuyến dưới, đảm bảo biên chế cán bộ, y bác sĩ khối điều trị để thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân.

Đổi mới, sắp xếp tinh gọn lại bộ máy Hội Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Ngày 21-4, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trần Thị Hương cho biết: Đảng đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đến 100% cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Trung ương Hội; chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết trong toàn hệ thống Hội.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trần Thị Hương khẳng định, bám sát chỉ đạo của cấp ủy địa phương, các cấp Hội cơ bản đã triển khai theo tiến độ dự kiến, hoàn thiện Đề án vị trí việc làm trình cấp ủy phê duyệt. Cơ quan chuyên trách Trung ương Hội đã tiến hành rà soát chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng và các ban để tránh chồng chéo, trùng lặp, đảm bảo một việc chỉ do một đơn vị đảm nhiệm và chịu trách nhiệm chính, một đơn vị đảm nhiệm nhiều việc; đặt mục tiêu hoàn thành việc xây dựng Đề án tổ chức bộ máy cơ quan Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong tháng 6-2018. Thực hiện Nghị quyết, Trung ương Hội không thành lập thêm đầu mối, giảm ít nhất 1 đầu mối ban/đơn vị; giải thể tất cả các phòng và tương đương trong ban (trừ Văn phòng); giảm tối đa số lượng phòng và tương đương trong các đơn vị sự nghiệp; sắp xếp lại toàn bộ các đầu mối trực thuộc Thường trực Đoàn Chủ tịch.

Để triển khai Nghị quyết có hiệu quả, bà Trần Thị Hương cho biết, trước hết, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ làm tốt công tác tư tưởng trong các cấp Hội để thông suốt, thống nhất về mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết và những nội dung căn bản của Nghị quyết, từ đó đoàn kết, quyết tâm hành động. Để làm tốt công tác tư tưởng, cũng cần quan tâm thực hiện chính sách cán bộ nói chung và chính sách đối với cán bộ nữ nói riêng trong quá trình sắp xếp bộ máy.

Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, đứng đầu tổ chức Hội các cấp tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu trong tổ chức thực hiện Nghị quyết, bởi đổi mới tổ chức, sắp xếp bộ máy trong hệ thống chính trị là việc liên quan đến quyền lợi của mỗi người trong tổ chức.

Cũng theo bà Trần Thị Hương, cán bộ Hội các cấp cần được nâng cao năng lực để có thể thích ứng sau khi đã sắp xếp ổn định bộ máy; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thường xuyên đánh giá trong suốt quá trình thực hiện Nghị quyết, từ đó phát hiện những điểm còn bất cập, kiến nghị để điều chỉnh, bảo đảm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống.

Long An: Nỗ lực cải thiện Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

Long An phấn đấu cải thiện, nâng cao điểm số Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) trong năm 2018 và những năm tiếp theo, đảm bảo điểm số các chỉ số thành phần năm sau cao hơn năm trước và bền vững.

Chỉ số PAPI năm 2017 của tỉnh Long An đạt được 38,30/60 điểm, đứng vị trí thứ 11 so với cả nước, tăng 11 bậc so với năm 2016 và được vào nhóm thứ 2 đạt điểm trung bình cao. Trong đó, 5/6 chỉ số thành phần được đánh giá tăng điểm so với năm 2016. Cụ thể chỉ số công khai, minh bạch và chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công được xếp vào nhóm 1, là nhóm có điểm cao nhất cả nước. Chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở, thủ tục hành chính công, cung ứng dịch vụ công được xếp trong nhóm 2, là nhóm có điểm trung bình cao. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh Long An, chỉ số PAPI hàng năm tăng, giảm không ổn định chưa thể hiện được tính bền vững trong từng chỉ số nội dung thành phần; có chỉ số tăng điểm nhưng vẫn nằm trong nhóm trung bình thấp của cả nước.

Ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An đề nghị các sở, ngành, đoàn thể và các địa phương nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, cải thiện vị trí của tỉnh Long An trên bảng xếp hạng chỉ số PAPI năm 2018 và những năm tiếp theo. Trên cơ sở công bố kết quả Chỉ số PAPI hàng năm, tỉnh cần đánh giá cụ thể các nội dung chỉ số, phân tích nguyên nhân các chỉ số giảm điểm, các chỉ số đạt điểm chưa cao để phối hợp các cơ quan, đơn vị theo chức năng quản lý chuyên ngành xác định nguyên nhân, trách nhiệm và xây dựng kế hoạch, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nâng cao chỉ số PAPI trong những năm tiếp theo. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, công khai, minh bạch nội dung khảo sát chỉ số PAPI đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người dân để người dân tham gia khảo sát trả lời nội dung bảng hỏi phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh...

Các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cần rà soát những tồn tại, hạn chế qua kết quả công bố Chỉ số PAPI thuộc chức năng, nhiệm vụ và công tác quản lý của ngành để có kế hoạch khắc phục cụ thể, nâng cao trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở đối với người dân, gắn với tăng cường kiểm tra, hướng dẫn để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tại các địa phương./.