Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 25-02 đến ngày 03-03-2013)
TCCSĐT - Ngày 27-02-2013, nhằm tăng cường sự hợp tác, đoàn đại biểu Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC), do Tổng Thư ký tổ chức này, A-mét Xa-lem (Ahmed Saleem) dẫn đầu đã thăm và làm việc với Ban Thư ký Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) tại In-đô-nê-xi-a.
1. Khóa họp thứ 22 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc
Từ ngày 25-02 đến ngày 22-03-2013, tại trụ sở của Liên hợp quốc ở Giơ-ne-vơ, Thụy Sỹ đã diễn ra khóa họp thường niên lần thứ 22 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Ngay trong ngày đầu tiên, các đại biểu đã dành nhiều thời gian để thảo luận về Tuyên bố Viên và Chương trình Hành động (VDPA) nhân kỷ niệm 20 năm (1993 - 2013) ngày ra đời VDPA. Cao ủy về nhân quyền của Liên hợp quốc, bà Na-vi Pin-lây (Navi Pillay) cho biết VDPA là một tuyên ngôn về nhân quyền dựa trên sự đồng thuận tại Hội nghị Thế giới về Nhân quyền ngày 25-6-1993 tại Viên, Áo. Phiên họp cấp cao trong khóa họp lần thứ 22 này tập trung đặc biệt đến việc thực thi những kết quả đạt được của VDPA, những hành động cũng như thách thức trong lĩnh vực nhân quyền. Theo bà N. Pin-lây, năm 2013 sẽ diễn ra nhiều sự kiện, đặc biệt là hoạt động kỷ niệm 20 năm thông qua VDPA với mục tiêu tối đa hóa nhận thức cũng như những thành tựu của VDPA. Trong các phiên họp tiếp theo, Hội đồng Nhân quyền tiến hành thảo luận về tình hình nhân quyền, xem xét báo cáo kết quả của nhóm làm việc theo Cơ chế Kiểm điểm định kỳ (UPR) của các nước như Cộng hòa Séc, Ác-hen-ti-na, Ga-bông, Gha-na, U-crai-na, Goa-tê-ma-la, Bê-nanh, Hàn Quốc, Thụy Sỹ, Nhật Bản, Pa-ki-xtan, Zam-bi-a, Pê-ru, Xri Lan-ca.
2. Hội nghị đối thoại châu Á về buôn bán vũ khí
Trong hai ngày 26 và 27-02-2013 tại Thủ đô Cua-la Lăm-pơ, Ma-lai-xi-a đã diễn ra Hội nghị đối thoại về Hiệp ước buôn bán vũ khí khu vực châu Á (ATT) nhằm đối thoại giữa quan chức cấp cao của các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chia sẻ quan điểm trước thềm hội nghị cuối cùng của Liên hợp quốc về hiệp ước buôn bán vũ khí (dự kiến khai mạc ngày 18-03 tới). Ngoài ra, Hội nghị cũng thảo luận về một hiệp ước buôn bán vũ khí trong khu vực và đưa ra những đề xuất hỗ trợ cho các quốc gia triển khai hiệp ước này. Chính phủ Ma-lai-xi-a khẳng định luôn chủ động trong tiến trình xây dựng ATT và việc tổ chức Hội nghị khu vực này cũng là phép thử niềm tin của cộng đồng quốc tế đối với Ma-lai-xi-a, khẳng định Ma-lai-xi-a có thể kết nối những điểm khác biệt cũng như đóng vai trò quan trọng trong tiến trình xây dựng ATT. Hội nghị được tổ chức dưới sự chứng kiến của Ủy ban Liên hợp quốc về hòa bình và giải trừ quân bị ở châu Á - Thái Bình Dương (UNRCPD).
3. Tăng cường hợp tác hai Ban Thư ký ASEAN - SAARC
Ngày 27-02-2013, nhằm tăng cường sự hợp tác, đoàn đại biểu Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC), do Tổng Thư ký tổ chức này, A-mét Xa-lem (Ahmed Saleem) dẫn đầu đã thăm và làm việc với Ban Thư ký Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) tại In-đô-nê-xi-a. Trong chuyến thăm này, các nhà lãnh đạo Ban Thư ký hai bên đã thảo luận những vấn đề song phương và khu vực cùng quan tâm, xem xét lại Kế hoạch hoạt động quan hệ đối tác của hai Ban Thư ký ASEAN và SAARC và các hoạt động hợp tác thiết thực trong tương lai, tập trung vào các lĩnh vực thương mại, đầu tư, năng lượng, y tế, nông nghiệp, du lịch, quản lý thiên tai, kiểm soát ma túy, kiểm soát buôn bán người và xóa đói giảm nghèo. Trong buổi tiếp đoàn đại biểu SAARC, Phó Tổng Thư ký phụ trách Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC), A-li-xa Đê-la Ri-xa Ba-la (Alisa dela Risa Bala) cho biết ASEAN đang tập trung thực hiện chiến lược dài hạn đầy tham vọng nhằm cải thiện kết nối vật chất, thể chế, con người trong ASEAN và hội nhập ASEAN với thế giới, trong đó có kết nối kết cấu hạ tầng bao gồm đường bộ, đường sắt, đường không, đường biển, công nghệ thông tin liên lạc cũng như các mối liên kết ngành nghề, thương mại và du lịch. Về phần mình, Tổng Thư ký A. Xa-lem bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa giữa hai Ban Thư ký cũng như giữa các nước thành viên hai tổ chức khu vực ASEAN và SAARC trên tinh thần hợp tác Nam - Nam.
4. Các nước cam kết tăng cường đối thoại về văn hóa
Sau các cuộc thảo luận trong hai ngày 27 và 28-2-2013 tại thủ đô Viên, Áo Diễn đàn Liên minh các nền văn minh (UNAOC) thuộc Liên hợp quốc đã ra Tuyên bố Viên, trong đó công nhận tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên, thúc đẩy thái độ tôn trọng giữa các nền văn minh, văn hóa và tôn giáo; thiết lập các mạng lưới cộng tác giữa chính phủ, khu vực tư nhân, xã hội dân sự và phương tiện thông tin đại chúng. Trong thời gian diễn ra Diễn đàn, lãnh đạo, bộ trưởng ngoại giao các nước cũng đã có các cuộc thảo luận riêng về những vấn đề toàn cầu cấp bách hiện nay như vấn đề Xy-ri, Ma-li, tiến trình hòa bình Trung Đông và tương lai của việc phát triển bền vững. Được khởi xướng từ năm 2005 theo sáng kiến của Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ, dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, UNAOC đã theo đuổi mục tiêu thúc đẩy việc chia sẻ văn hóa toàn cầu. Diễn đàn toàn cầu năm nay quy tụ các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia trong lĩnh vực đối thoại liên tôn giáo và liên văn hóa từ khắp nơi trên thế giới với chủ đề “Lãnh đạo có trách nhiệm trong đa dạng và đối thoại”.
5. Con người lần đầu tiên chứng kiến sự hình thành một hành tinh
Ngày 01-03-2013, các nhà khoa học thuộc Cơ quan nghiên cứu vũ trụ châu Âu tại Nam bán cầu (ESO) cho biết, họ đang quan sát sự hình thành của một hành tinh trong thiên hà khá gần với Trái đất. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học trên thế giới được chứng kiến sự hình thành của một hành tinh trong vũ trụ. Hình ảnh thu được từ tổ hợp Kính thiên văn đặc biệt (VLT) của Cơ quan nghiên cứu vũ trụ châu Âu tại Nam bán cầu, đặt tại miền Bắc Chi-lê cho thấy đã xuất hiện một đám mây bụi và khí khổng lồ hình đĩa bao quanh một ngôi sao trẻ cách Trái đất khoảng 335 năm ánh sáng. Qua nghiên cứu ban đầu, các nhà khoa học quốc tế đã bất ngờ nhận thấy, đám mây bụi và khí khổng lồ hình đĩa này đang tạo thành một hành tinh. Cũng theo các nhà khoa học, sau khi hình thành, hành tinh này sẽ có quầng khí bao quanh như sao Mộc trong Hệ Mặt trời. Các nhà khoa học đang tiếp tục quan sát và thu thập hình ảnh, chứng cứ để khẳng định chắn chắn giả thiết rằng, lần này họ thực sự được chứng kiến sự hình thành của một hành tinh.
6. Hội nghị Chính hiệp năm 2013 tại Trung Quốc
Từ ngày 03 đến ngày 12-03-2013, Kỳ họp lần thứ nhất, khóa XII Hội nghị Chính trị Hiệp thương nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp) đã diễn ra tại Đại lễ đường nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh. Phát biểu tại Lễ khai mạc, Chủ tịch Chính hiệp Giả Khánh Lâm khẳng định công tác chính hiệp của nước này trong 5 năm qua đã đạt được nhiều thành tích nổi bật như củng cố cơ sở chính trị tư tưởng, kiên định đi theo con đường xã hội chủ nghĩa; làm tốt công tác tham mưu chính sách cho Đảng và Nhà nước, thúc đẩy kinh tế phát triển tương đối nhanh và ổn định; tích cực tham gia xây dựng và quản lý xã hội. Ông Giả Khánh Lâm nhấn mạnh, công tác chính hiệp trong thời gian tới cần tiếp tục giương cao ngọn cờ vĩ đại xã hội chủ nghĩa, lấy lý luận Đặng Tiểu Bình, và quan điểm phát triển khoa học là kim chỉ nam cho hành động; trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể như đi sâu học tập và quán triệt tinh thần Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc, tích cực tham mưu xây dựng xã hội hài hòa, thúc đẩy kiện toàn và hoàn thiện cơ chế hiệp thương dân chủ xã hội chủ nghĩa, sâu sắc hóa hoạt động giao lưu đối ngoại và không ngừng đổi mới công tác chính hiệp. Hội nghị Chính hiệp và Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc năm 2013 của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh rất đặc thù, khi nước này năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 với mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng toàn diện xã hội khá giả, đưa thu nhập bình quân đầu người tăng lên gấp đôi (so với năm 2010) vào năm 2020./.
Góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (04/03/2013)
Hai tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp khởi sắc (04/03/2013)
Trung Quốc chuẩn bị tiến hành bầu lãnh đạo cấp cao (04/03/2013)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay