Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới

Nguyễn Đình Vượng
Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
13:59, ngày 10-12-2024

TCCS - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao vai trò của nhân dân trong công cuộc bảo vệ, phát triển đất nước và tính quyết định của công tác dân vận đối với việc củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện tốt chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác dân vận, thời gian qua, công tác dân vận đã phát huy tinh thần dân chủ, thu hút trí tuệ, cống hiến của nhân dân vào sự nghiệp xây dựng, quản lý đất nước, là yếu tố bảo đảm sự vững chắc của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tổng Bí thư Tô Lâm với nhân dân phường Lê Lợi, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên_Ảnh: TTXVN

1- Vận động quần chúng nhân dân thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là yếu tố quyết định chất lượng của mọi mục tiêu cách mạng, bởi “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”(1); đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần gương mẫu, tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, tập hợp quần chúng. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta xác định công tác dân vận có vị trí then chốt đối với toàn bộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để thực hiện tốt công tác dân vận, đội ngũ cán bộ cần xây dựng được phương pháp khoa học, khéo léo, coi nhân dân là cội nguồn sức mạnh, “chìa khóa” đưa đến mọi thắng lợi vẻ vang, rằng “Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ”(2); mặt khác, dân vận “không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ. Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”(3). Cùng với đó, với từng công việc cụ thể, Người yêu cầu xây dựng kế hoạch hợp lý, tránh tâm lý, thói quen tổ chức thực hiện hành động tùy tiện, làm lấy lệ, không đến nơi, đến chốn, “xét kỹ hoàn cảnh mà sắp đặt công việc cho đúng. Việc chính, việc gấp thì làm trước. Không nên luộm thuộm, không có kế hoạch, gặp việc nào, làm việc ấy”(4).

Thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục quan tâm, ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận, xác định rõ mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, phương châm, phương pháp tiến hành công tác dân vận trong tình hình mới; chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng trong hệ thống chính trị quán triệt, triển khai thực hiện nhằm tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động về công tác dân vận; phát huy vai trò của nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, góp phần thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ(5). Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Đảng và Nhà nước ban hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân. Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(6).

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác dân vận góp phần tích cực thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh; tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vai trò của nhân dân trong tham gia, quyết định chính sách liên quan đến cuộc sống, vấn đề lớn, hệ trọng của đất nước được phát huy; quyền con người, quyền công dân cũng được đề cao. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền chú trọng tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, giải quyết kiến nghị, bức xúc của nhân dân, do đó quyền làm chủ của nhân dân được coi trọng, ngày càng đi vào thực chất thông qua các hình thức, như dân chủ trực tiếp, dân chủ ở cơ sở, tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình,... Đặc biệt, quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở được đẩy mạnh, đưa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” vào cuộc sống dựa trên chủ trương, đường lối của Đảng(7).

Trong đó, ban dân vận các địa phương, đơn vị đã kịp thời tham mưu cho cấp ủy quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, quyết định, kết luận của Trung ương mới ban hành về công tác dân vận; tổ chức sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận và xây dựng đề án về công tác dân vận theo hướng dẫn của Ban Dân vận Trung ương và theo yêu cầu, nhiệm vụ; tham mưu cấp ủy ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác dân vận gắn với tình hình thực tiễn địa phương. Với phương châm bám sát cơ sở, đi vào thực tiễn, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận các cấp có nhiều cách làm hay, thiết thực, góp phần động viên, thu hút mọi tầng lớp nhân dân, nhất là lực lượng nhân sĩ, trí thức, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo,... cùng nêu cao tinh thần yêu nước, ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ví dụ: Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được quán triệt, triển khai gắn với các phong trào thi đua yêu nước, ban dân vận nhiều tỉnh ủy, thành ủy đã có trang thông tin điện tử, ứng dụng công nghệ số, phối hợp tốt với các cơ quan báo, đài tại địa phương thực hiện việc phát hiện, giới thiệu tập thể, cá nhân, mô hình, điển hình “Dân vận khéo” để biểu dương, nhân rộng, lan tỏa việc làm mới, cách làm hay(8),... qua đó huy động nguồn lực trong xã hội, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở; chăm lo đời sống của nhân dân ở địa phương, nhất là xã, phường trong thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến chung vui ngày hội đại đoàn kết cùng đồng bào các dân tộc xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, tháng 11-2022 _Nguồn: daidoanket.vn

Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường tuyên truyền, vận động, tập hợp, tạo sự đồng thuận, khơi dậy tinh thần yêu nước, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân; phát huy tích cực vai trò đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân; tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực; nhiều kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc được các cấp ủy, chính quyền tiếp thu, quan tâm chỉ đạo giải quyết. Đặc biệt, Ban Dân vận Trung ương phối hợp chặt chẽ với Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội có đảng đoàn để tổ chức thực hiện việc làm thiết thực, hiệu quả công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài; chú trọng thực hiện tốt việc hỗ trợ, bảo hộ công dân đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ổn định, hội nhập vào xã hội sở tại và đối tượng kiều bào về nước sinh sống, làm việc; công tác thông tin tuyên truyền, vận động đồng bào ở nước ngoài trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, hướng về Tổ quốc, đóng góp nguồn lực tri thức, kinh tế để phát triển đất nước cũng tiếp tục được quan tâm. 

Một số khó khăn, hạn chế

Bên cạnh thành tựu đạt được, thời gian qua, công tác dân vận còn một số hạn chế. Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24-11-2023, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc” chỉ rõ: Nhiệm vụ cụ thể hóa và tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở một số lĩnh vực, địa bàn hiệu quả chưa cao, chưa khơi dậy, phát huy được tiềm năng to lớn trong nhân dân. Mặt khác, một số chính sách chưa sát với thực tiễn, còn nhiều rào cản, vướng mắc trong thực hiện; đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn khó khăn; sự chênh lệch về mức sống giữa các tầng lớp nhân dân và các vùng, miền vẫn còn hiện hữu. Việc bảo đảm cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”(9) có mặt còn hạn chế; công tác nắm bắt dư luận trước sự kiện, tình huống bất ngờ còn chưa kịp thời(10).

Thêm vào đó, nhiệm vụ đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội nhằm phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của các hội quần chúng, nhất là ở cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; thu nhập của một số cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động còn thấp. Tình hình an ninh chính trị tại các địa bàn trọng điểm vẫn tiềm ẩn yếu tố phức tạp, nguy cơ mất ổn định; tội phạm, tệ nạn xã hội, di cư tự do, vượt biên, truyền đạo trái pháp luật,... vẫn diễn ra và có xu hướng gia tăng. Trong khi đó, các thế lực thù địch tăng cường chống phá cách mạng nước ta hết sức quyết liệt, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo cũng như khó khăn trong đời sống kinh tế của nhân dân và bất cập trong xã hội chưa được giải quyết kịp thời... hòng phá hoại lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc...

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đắc Xú hướng dẫn cách cạo mủ cao su cho đồng bào thôn Kei Joi, xã Đắc Xú, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum_Ảnh: TTXVN

2- Trong bối cảnh mới, để tăng cường công tác dân vận, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng vững mạnh, cần tập trung thực hiện các giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, nghiêm túc triển khai, thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong phát huy tinh thần dân chủ(11); thật sự tin tưởng, tôn trọng nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đặc biệt, tiếp tục tham mưu triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận mới của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến công tác dân vận và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24-11-2023, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”; Quyết định số 23-QĐ/TW, ngày 30-7-2021, của Bộ Chính trị, “Về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”,... Như vậy, công tác dân vận phải được cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đoàn thể và cả hệ thống chính trị cùng tham gia thực hiện, coi đó là trách nhiệm chính trị của mỗi tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức.

Thứ hai, từ Trung ương đến mỗi chi bộ, từ lãnh đạo cao cấp, người đứng đầu cấp ủy đến đảng viên đều phải làm tốt công tác vận động quần chúng theo chức trách, nhiệm vụ; nỗ lực tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác dân vận cho các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân; nắm vững phương châm, phương pháp dân vận của Đảng, phải kiên trì, mềm dẻo, linh hoạt và sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tình hình, từng đối tượng, điều kiện và hoàn cảnh, tránh chủ quan, nóng vội, duy ý chí. Thêm vào đó, phải xem “nêu gương” là một trong những nguyên tắc hàng đầu, có mức độ hữu hiệu và thiết thực trong tập hợp, thuyết phục, tạo niềm tin đối với quần chúng, nêu cao tinh thần sẵn sàng tham gia và hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, bởi “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(12). Thường xuyên đổi mới phương thức công tác dân vận; quan tâm củng cố mối quan hệ mật thiết, gắn bó máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Thứ ba, tiếp tục củng cố, xây dựng khối liên minh công - nông và đội ngũ trí thức gắn với quá trình xây dựng, phát triển của mỗi giai cấp, tầng lớp dưới sự lãnh đạo của Đảng, kiến tạo nhân tố bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đối với giai cấp công nhân, công tác dân vận phải góp phần xây dựng, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; chú trọng động viên, nêu cao tinh thần tích cực học tập, rèn luyện, sự giác ngộ và bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, nghề nghiệp,... để xứng đáng là giai cấp lãnh đạo, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đối với giai cấp nông dân, các cấp, các ngành cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình kinh tế - xã hội, tập trung thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ngành, nghề, quan tâm giải quyết việc làm, gia tăng nguồn thu nhập. Đối với đội ngũ trí thức, công tác dân vận phải góp phần tích cực tạo điều kiện, tiền đề bảo đảm đội ngũ trí thức cống hiến nhiều nhất cho Tổ quốc trên mọi phương diện; chú trọng mở rộng thông tin, phát huy dân chủ, trọng dụng nhân tài, khuyến khích nghiên cứu khoa học, phát minh, sáng chế phục vụ đất nước. Đối với doanh nhân, thế hệ trẻ, phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi, các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài,... công tác dân vận cần hết sức linh hoạt, đa dạng, có các hình thức phù hợp với từng hoàn cảnh, đối tượng và điều kiện cụ thể nhằm đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với quần chúng, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong nhận thức lẫn hành động để xây dựng phong trào cách mạng sâu rộng, bền vững.

Thứ tư, cấp ủy cần quan tâm xây dựng, kiện toàn, nâng cao năng lực công tác của Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân các cấp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; chú trọng và làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác vận động quần chúng có đủ phẩm chất, năng lực, bản lĩnh, uy tín và tâm huyết, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dân vận gắn bó chặt chẽ với quần chúng, “vừa hồng, vừa chuyên”; đặc biệt, phải quan tâm hơn nữa đối với lực lượng cán bộ ở cơ sở, ở nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.      

Thứ năm, nâng cao hiệu quả công tác nắm bắt, đánh giá, dự báo tình hình tư tưởng, đời sống trong các tầng lớp nhân dân để chủ động, kịp thời tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy về chủ trương, giải pháp liên quan đến công tác dân vận đáp ứng yêu cầu mới. Chủ động nắm chắc vấn đề dân tộc, tôn giáo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng trọng điểm về quốc phòng - an ninh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách an sinh, hỗ trợ cho đồng bào; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao đời sống cho đồng bào. Chú trọng công tác vận động, phát huy vai trò của chức sắc, chức việc tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch, âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.

------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 6, tr. 234
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 286
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 232 – 233
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 332
(5), (6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 173
(7) Như: Nghị định số 29/1998/NĐ-CP, ngày 11-5-1998, của Chính phủ, “Về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã”; Nghị định số 71/1998/NĐ-CP, ngày 8-9-1998, của Chính phủ, về Ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan”; Nghị định số 59/2023/NĐ-CP, ngày 14-8-2023, của Chính phủ, về “Quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở”,...
(8) Năm 2023, cả nước có 183.676 mô hình “dân vận khéo” được đăng ký, trong đó các cấp có thẩm quyền đã công nhận 120.622 mô hình; có 281 cuộc thi, hội thi về công tác dân vận, dân vận khéo. Theo đó, các cấp, các ngành đã kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể và cá nhân có thành tích trong công tác dân vận
(9), (10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 173, 91
(11) Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12-3-2003, của Ban Chấp hành Trung ương, về Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3-6-2013, của Ban Chấp hành Trung ương, về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Kết luận số 120-KL/TW, ngày 7-1-2016, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (năm 2022); Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18-2-2019, của Bộ Chính trị, “Về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”,...
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 284