Tạp chí Cộng sản 90 năm kiên định và sáng tạo
TCCS - Dòng chữ chạy ngang trên trang bìa chính của Tạp chí Cộng sản: “Cơ quan lý luận chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam” đã khẳng định vị trí, vai trò của Tạp chí. Qua 90 năm với bao biến thiên, nhiều khúc ngoặt lịch sử không thể lường trước của thế giới và đất nước, Tạp chí vẫn đứng vững, phát triển, giữ vững vị trí, vai trò, chức năng đã được xác định ngay từ khi ra đời.
Chú trọng xoay trục xung quanh yêu cầu “lý luận chính trị” của Đảng
Có thể khẳng định, kiên định và sáng tạo, giữ vững truyền thống và nỗ lực đổi mới nhằm đáp ứng yêu cầu của từng chặng đường cách mạng 90 năm qua chính là bài học, là kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc của Tạp chí Cộng sản. Nếu không giải quyết được một cách biện chứng hai yêu cầu trên, Tạp chí không thể đứng vững đến ngày hôm nay. Công lao, sự đóng góp thầm lặng của nhiều thế hệ cán bộ của Tạp chí từ năm 1930 đến nay đã làm nên thành quả thực sự lớn lao.
Tại sao lại cần có tạp chí “lý luận chính trị”, trong khi từ năm 1930 đến nay, nước ta đã có hàng nghìn tờ báo và tạp chí ra đời, phát triển, cũng có những tờ báo, tạp chí đã“đóng cửa”…. Cội nguồn vững chắc nhất cho câu trả lời ấy bắt đầu từ chính cội nguồn tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong bài nói chuyện tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập ngày 6-5-1950, Bác Hồ nói: “Báo chí cũng phải hợp lý hóa. Đừng bày biện ra nhiều thứ. Làm ít nhưng làm cho hẳn hoi. Không hợp lý hóa lại như thế thì rốt cuộc báo viết ra không ai muốn đọc mà tốn kém một trăm thứ. Đoàn thể cứ co cổ lại chịu tiền để mấy chú làm báo ngồi vẽ voi, vẽ ngựa mà không ai đọc”(1). Ngay trong tháng 2-1930, trong “Thư gửi đại diện Đảng Cộng sản Pháp ở Quốc tế Cộng sản”, Bác Hồ đã viết: “Cần giáo dục các đồng chí An Nam chúng tôi, vì trình độ tư tưởng, lý luận và kinh nghiệm chính trị của các đồng chí đó còn rất thấp. Tôi yêu cầu các đồng chí: (a) cho chúng tôi một tủ sách các tác phẩm của Mác và Lê-nin, và các sách khác cần cho việc giáo dục Cộng sản chủ nghĩa; (b) gửi cho chúng tôi báo L'Humanité và tạp chí Inprekorr và cả Điều lệ, Cương lĩnh của Đảng và Đoàn Thanh niên cộng sản”(2). Bác cũng từng thiết tha yêu cầu giáo dục cho đảng viên trình độ tư tưởng, lý luận và kinh nghiệm chính trị và giải đáp: “Lý luận quan trọng đối với Đảng như thế nào? Lê-nin, người thầy vĩ đại của chúng ta đã tóm tắt sự quan trọng của lý luận trong mấy câu như sau: “Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng” và “chỉ có một đảng có lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có thể làm tròn được vai trò chiến sĩ tiền phong”(3). Chính vì vậy, Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 2-1930) đã quyết định xuất bản một tạp chí lý luận chính trị cho toàn Đảng. Ngày 5-8-1930, “Tạp chí Đỏ” - tiền thân của Tạp chí Cộng sản do Bác Hồ sáng lập và làm Chủ nhiệm đã ra mắt số đầu tiên. Tạp chí lý luận của Đảng ra đời, đồng hành với Đảng trong 90 năm xây dựng và phát triển.
Là tạp chí lý luận chính trị của Đảng, Tạp chí Cộng sản dù qua bao lần đổi tên song trong suốt 90 năm qua đã kiên trì đi theo và nỗ lực cao nhất, vượt qua nhiều thách thức gay gắt cả về thực tiễn,đặc biệt là về lý luận để thực hiện tư tưởng cực kỳ hệ trọng của Hồ Chí Minh về giáo dục và nâng cao trình độ, năng lực lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên.
Vậy, nội hàm của “lý luận chính trị” là gì? Qua các chuyên mụccó thể thấy, Tạp chí Cộng sản luôn chú ý bổ sung, thay đổi, điều chỉnh, phát triển và hoàn thiện các chuyên mục của Tạp chí, xây dựng thêm các ấn phẩm. Song, dù có thay đổi, bổ sung, mở rộng ra sao, Tạp chí vẫn chú trọng xoay trục xung quanh yêu cầu lý luận chính trịcủa Đảng. Đó là một thành công, trong khi không ít báo, tạp chí đang phá rào, bỏ qua, thậm chí xa rời tôn chỉ, mục đích đã được xác định của mình.
Nói tới tạp chí lý luận chính trị, người ta dễ cho rằng, Tạp chí chỉ đưa ra những lý thuyết trừu tượng, khô khan, thậm chí đã cũ mèm. Hoàn toàn không phải như vậy. Trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh: “Chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác - Lê-nin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác - Lê-nin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế, chúng ta mới có thể dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta. Như thế là phải học tập lý luận, phải nâng cao trình độ lý luận chung của Đảng, trước hết là của cán bộ cốt cán của Đảng”(4). Các ý trên trong “Diễn văn khai mạc lớp lý luận khóaI trường Nguyễn Ái Quốc” (ngày 7-9-1957) của Bác Hồ quyện chặt vào nhau, song “bóc tách”các nội dung chính, sẽ thấy nhấn mạnh những điểm quan trọng sau:
- Nâng cao lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác - Lê-nin.
- Từ đó, tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta.
- Phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta.
- Hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam.
- Định ra đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng thích hợp với tình hình nước ta.
- Nâng cao trình độ lý luận chung của Đảng, trước hết là cán bộ cốt cán của Đảng.
Đối chiếu với các chuyên mục của Tạp chí, có thể nhận ra các nội dung trong tư tưởng Hồ Chí Minh, những nội dung lý luận cực kỳ quan trọng và phong phú thuộc về nội hàm “lý luận chính trị”. 90 năm qua, Tạp chí đã đi theo hướng đó. Có nghĩa là, như Bác Hồ dặn, dùng lập trường, quan điểm, phương pháp Mác -Lê-nin để giải quyết những vấn đề của cách mạng Việt Nam, để tổng kết thực tiễn chỉ ra quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam nhằm góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội thích hợp với Việt Nam. Đó là nhiệm vụ thật to lớn, khó khăn, đòi hỏi sự sáng tạo không ngừngsuốt 90 năm qua và nhiều năm sắp tới. Nếu nghĩ theo sự chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công việc “lý luận chính trị” của Tạp chí Cộng sản sẽ không bao giờ kết thúc, bởi vì, cách mạng nước ta đang đi trên con đường chưa có tiền lệ - con đường đổi mới sâu sắc, xây dựng chủ nghĩa xã hội theo định hướng “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nỗ lực tìm tòi, đổi mới để hoàn thành tốt trọng trách được giao
Thời gian qua, Tạp chí đã hoàn thành xuất sắc công việc được giao, đồng thời, phía trước còn rất nhiều việc cần làm. Thực tiễn phong phú của thế giới và đất nước sẽ là mảnh đất màu mỡ để tìm kiếm, tổng kết, đúc kết những vấn đề lý luận, đặt ra những vấn đề mới, rất mới cần lý giải.Vì vậy, Tạp chí cần mở rộng hơn nữa việc tổng kết thực tiễn, góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận mới nảy sinh từ thực tiễn. Ở đây cần tránh rơi vào khuôn mẫu đã được định hình hoặc rơi vào tình trạng lý luận theo đuôi minh họa cho những điều đã sẵn có. Giải quyết được vấn đề này sẽ có khả năng mở ra những hướng nghiên cứu lý luận thực sự cấp thiết, trực tiếp cung cấp cơ sở khoa học - thực tiễn phục vụ cho sự lãnh đạo,chỉ đạo của Đảng trước những đòi hỏi mới, thách thức mới.
Tạp chí Cộng sản là cơ quan lý luận chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, vì vậy có chức năng chính là nghiên cứu, truyền bá và hướng dẫn lý luận chính trị, bằng chất lượng, sức thuyết phục của các bài viết; đồng thời phải lắng nghe và đáp ứng nhu cầu của người đọc. Đối với báo chí hiện đại, xử lý biện chứng giữa chức năng định hướng và đáp ứng nhu cầu của người đọc là một đòi hỏi tất yếu, nói cách khác là thực hiện đồng thời chức năng kép của sản phẩm báo chí: Trong thông tin có định hướng, định hướng bằng và thông qua thông tin chân thực, chuẩn xác, chất lượng. Phải chăng, thời gian khá dài trước đây có một nếp quen, một số sản phẩm báo chí chỉ chú trọng định hướng mang tính chủ quan, có phần áp đặt, và ngược lại, lại xuất hiện một số sản phẩm báo chí chỉ chạy theo đáp ứng nhu cầu, kể cả nhu cầu không lành mạnh, tầm thường của một bộ phận công chúng. Trong tình hình đó, với chức năng và kinh nghiệm của mình, Tạp chí Cộng sản đã nỗ lực xử lý tốt nhất đặc điểm mới nói trên đang đặt ra cho báo chí hiện đại. Những cách thể hiện mới trong một số bài đăng trên Tạp chí thể hiện rõ kết quả đó.
Sách và báo có một đặc trưng rất riêng biệt, đó là “vòng đời” của nó. Vòng đời đó đi từ giá trị tiềm ẩn (có thể có hoặc ít, thậm chí không có) trong sách, bài báo trong các con chữ đến giá trị hiện hữu, hiện thực khi sách, báo được bạn đọc tiếp nhận. Có nghĩa là, nếu sách, báo không được người đọc tiếp nhận, cái gọi là giá trị của nó vĩnh viễn là tiềm ẩn. Chỉ khi người đọc tiếp nhận, suy nghĩ, phân tích, cảm thụ, giá trị tiềm ẩn ấy mới hiện hữu trong trí tuệ, tinh thần và tình cảm của người đọc. Vì thế, có người đã nhận xét đại ý rằng, những ý hay trong sách, báo là tiền vốn, những ý hay trong óc là phần lãi sinh ra từ tiền vốn đó. Về mặt lý thuyết, điều trên không mới, song về mặt thực tiễn đặt ra nhiều vấn đề cần suy nghĩ. Làm thế nào để đưa Tạp chí đến với người đọc và làm cách nào để người đọc có được “phần lãi” càng nhiều càng tốt sinh ra từ tiền vốn (giá trị) có trong các ấn phẩm của Tạp chí. Theo đó, Tạp chí cần phải đầu tư nhiều hơn nữa vào tất cả các khâu, từ hệ thống các chuyên mục đến định hướng nội dung bài viết, từ tìmcách mới thể hiện nội dung “lý luận chính trị” đến xây dựng, phát triển đội ngũ cộng tác viên phù hợp, thích ứng với tình hình mới. Đặc biệt cần đổi mới mạnh mẽ khâu bạn đọc và phát hành. Lâu nay, phát hành thường được xem là khâu cuối cùng của hoạt động báo chí. Nếu nghĩ đến vai trò của bạn đọc nằm trong quy luật vòng đời của sách, báo, bản thân khâu phát hành, sau khi hoàn thành như là khâu cuối cùng, nó sẽ trở thành khâu đầu tiên của một quy trình mới sản xuất sách, báo. Phát hành phải tìm được địa chỉ của người đọc, hiểu thấu nhu cầu của họ, từ đó “mách bảo” cho khâu chuẩn bị nội dung những vấn đề lý luận nào đang đặt ra trong thực tiễn, người đọc đang cần giải đáp những vấn đề lý luận gì. Ở phương diện này, phát hành không phải là phân phối mà phải trở thành một khoa học - thực tiễn, góp phần tạo nên sức sống của báo chí.
Những năm qua, Tạp chí Cộng sản đang nỗ lực tìm tòi, đổi mới để hoàn thành ngày càng tốt hơn trọng trách của mình. Trong ý nghĩa ấy,với tư cách là cộng tác viên của Tạp chí, xin đưa ra một vài đề xuất nhỏ trên mong Tạp chí hoàn thành tốt hơn nữa sứ mệnh được giao, mãi mãi xứng đáng là ngọn cờ lý luận chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam./.
-----------------------------------
(1)Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 6, tr.363
(2)Hồ Chí Minh:Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 25
(3)Hồ Chí Minh:Toàn tập, Sđd, t.11, tr. 93
(4)Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr. 92
Phát huy truyền thống vẻ vang, Tạp chí Cộng sản tiếp tục xứng đáng là cơ quan lý luận chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng  (05/08/2020)
Vững một niềm tin  (05/08/2020)
Tạp chí Cộng sản: Vẻ vang truyền thống 90 năm xây dựng và phát triển  (04/08/2020)
Tạp chí Cộng sản: Vẻ vang truyền thống 90 năm xây dựng và phát triển  (04/08/2020)
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
- Kỳ họp thứ 51 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
- Ngày Nhà giáo Việt Nam: Tổng Bí thư Tô Lâm dự gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục
- Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Dân vận Trung ương
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp