Học cách người dân Nhật Bản bảo vệ môi trường sống
TCCS - Các giải pháp bảo vệ môi trường được thực hiện quyết liệt của người dân Nhật Bản, cũng là kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam và nhiều nước châu Á hiện nay.
Trong thập niên 1960, tốc độ tăng trưởng kinh tế quá nhanh đã làm cho Nhật Bản phải chịu những áp lực lớn từ các vấn đề môi trường, như ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất,… Điều đó buộc các nhà quản lý môi trường phải sớm tìm kiếm các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mà vẫn bảo đảm sự phát triển kinh tế - xã hội và chất lượng cuộc sống của người dân. Nhật Bản đã thực hiện quyết liệt những giải pháp từ các chương trình bảo vệ môi trường khác nhau để có được những thành tựu phát triển bền vững ngày hôm nay.
Xây dựng khung pháp lý và chính sách quản lý chặt chẽ
Tốc độ phát triển quá nhanh của các ngành, nghề sản xuất công nghiệp đã làm gia tăng những gánh nặng đối với môi trường, dẫn đến môi trường sống bị suy giảm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và sự phát triển của Nhật Bản. Tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường không khí và nước ngày càng gia tăng.
Trước thực trạng này, Chính phủ Nhật Bản đã phải tiến hành các giải pháp để cải thiện hệ thống pháp luật và thiết lập cơ quan quản lý nhà nước về môi trường nhằm giải quyết cùng lúc 3 vấn đề: Giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường; giảm được chi phí kiểm soát ô nhiễm và chi phí về sức khỏe của cộng đồng; giảm giá thành sản xuất và giảm chi phí năng lượng. Đây cũng chính là tư duy mới về quản lý sản xuất, nghĩa là không phải chỉ lo xử lý chất thải ở công đoạn cuối của sản phẩm mà phải tính toán ngay từ đầu làm sao để sản xuất hợp lý nhất, phát thải ít nhất.
Chính từ tư duy là kiểm soát, sản xuất hợp lý, phát thải ít nhất ngay từ đầu vào, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành những quy định pháp luật nghiêm ngặt về tiêu chuẩn phát thải chất thải, kiểm soát ô nhiễm nước, không khí và giám sát ô nhiễm chất độc hại. Đặc biệt coi trọng chính sách giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, khuyến khích các doanh nghiệp và các tổ chức nỗ lực ngăn chặn, kiểm soát ô nhiễm môi trường.
Từ năm 1993, hệ thống Luật Môi trường cơ bản đã được ban hành, đưa ra hệ thống kiểm soát ô nhiễm, bao gồm các chính sách và quy định về hệ thống kiểm soát ô nhiễm không khí, hệ thống kiểm soát ô nhiễm nước, các vấn đề ô nhiễm đất, các tiêu chuẩn quốc gia về chất độc hại; hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng môi trường; những biện pháp kiểm tra và kiểm soát nghiêm ngặt môi trường sản xuất công nghiệp; các quy định về trách nhiệm của cơ sở gây ô nhiễm…
Trong hệ thống kiểm soát ô nhiễm, quy định về kiểm soát ô nhiễm không khí (Luật Kiểm soát ô nhiễm không khí) tập trung vào 3 nội dung chính: Tiêu chuẩn chất lượng môi trường không khí; các tiêu chuẩn và quy định phát thải; tổng lượng ô nhiễm ở các thành phố, tiêu chuẩn kiểm soát tổng lượng phát thải, tiêu chuẩn về xây dựng, về đường biên và tiêu chuẩn đối với các nồng độ trong môi trường không khí. Đồng thời, Luật còn đề cập đến những biện pháp ứng phó với các chất ô nhiễm không khí nguy hại, kiểm soát các nguồn lưu động, quy định về các phương tiện vận tải chạy trên đường.
Tiêu chuẩn chất lượng môi trường nước quy định áp dụng đồng bộ cho tất cả mọi nguồn nước công cộng, được chia thành nhiều nhóm tùy theo mục tiêu sử dụng nước ở ao, hồ, sông. Trong đó, ô nhiễm nước có thể được phân thành nhiều loại khác nhau tùy theo ảnh hưởng và cơ chế của ô nhiễm. Nước thải công nghiệp được quy định bởi quy chế kiểm soát nước thải nhằm giảm tải lượng phát thải. Một trong những biện pháp kiểm soát nước thải thông dụng nhất chính là đặt ra quy chế nồng độ phát thải chứa trong nước thải. Các nguồn phát sinh ô nhiễm được phân loại tùy theo việc có xác định được địa điểm phát sinh hay không.
Sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng và các tổ chức xã hội
Bên cạnh một hệ thống chính sách kiểm soát ô nhiễm nghiêm ngặt, Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương, cũng như nhân dân Nhật Bản rất nỗ lực trong việc làm sạch môi trường. Khắp mọi nơi, đâu cũng có các thông điệp về bảo vệ môi trường, tràn ngập trên các dãy phố, trên mọi phương tiện thông tin đại chúng, tác động vào nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân Nhật Bản về tình yêu đối với môi trường và cuộc sống, vì một màu xanh cho thế hệ mai sau.
Trong thời kỳ đầu của tăng trưởng kinh tế tại Nhật Bản, khu vực tư nhân hầu như không tham gia vào các hoạt động quản lý ô nhiễm và phát triển đô thị. Tuy nhiên, sau một loạt các vụ việc liên quan đến pháp lý cùng với các chính sách hỗ trợ tài chính cho các giải pháp môi trường đã nhanh chóng thay đổi thái độ của doanh nghiệp đối với vấn đề ô nhiễm và quản lý đô thị.
Kết quả là, tổng số tiền đầu tư của khu vực tư nhân vào các cơ sở kiểm soát ô nhiễm tăng lên đáng kể. Họ cũng nhận ra rằng quản lý ô nhiễm môi trường là trách nhiệm xã hội và thực hiện có hiệu quả có thể nâng cao kinh doanh của họ. Các doanh nghiệp đã phát triển các công nghệ và bí quyết về chống ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng.
Phổ cập giáo dục về bảo vệ môi trường
Người Nhật khi đi làm việc thường mang theo một ba lô hoặc túi xách bằng giấy, có cả ngăn chứa rác. Họ còn tỉ mẩn phân loại giấy bỏ, chai nhựa, vỏ lon nước ngọt đã bị đập bẹp vào từng thùng rác khác nhau. Sở dĩ như vậy là nhiều người đi làm cũng kiêm luôn nhiệm vụ mang rác của gia đình đến nơi thu gom theo đúng lịch.
Người dân Nhật Bản không có thái độ e ngại khi sử dụng lại đồ cũ, hàng tái chế. Họ còn có những cửa hàng chuyên thu mua đồ dùng có thể tái sử dụng. Sau khi trải qua quá trình tẩy rửa, chỉnh sửa, các vật dụng được phục hồi gần như mới và bày bán cho mọi người có nhu cầu. Vật dụng gia đình dạng này rẻ hơn, hấp dẫn số đông khách hàng. Thậm chí, những khi hàng có ít, người mua nhiều, họ còn phải tổ chức bắt thăm lựa chọn khách may mắn được sở hữu món đồ tái chế.
Vì sao người dân Nhật Bản lại có ý thức bảo vệ môi trường như vậy? Việc làm này có được do ý thức giáo dục từ nhỏ. Từ khi ngồi trên ghế nhà trường, mọi học sinh đều phải tham gia các trò chơi tập thể và chơi thể thao trong phòng tập, nhà thể chất và mọi công việc mà ai cũng cho là việc dĩ nhiên phải làm đó là thu dọn đồ và lau sàn. Các trường học không hề có nhân viên dọn dẹp, mà học sinh Nhật Bản thường tự quét, lau dọn phòng học, cửa kính, cầu thang… khoảng 30 phút mỗi ngày.
Ý thức quyết định hành động, Nhật Bản chọn cách giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho công dân ngay từ bậc học nhỏ tuổi nhất, nên trong từng hành động của người dân Nhật Bản luôn luôn thể hiện được tình yêu trách nhiệm với thiên nhiên và môi trường sống./.
Xây dựng mô hình hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư  (30/07/2020)
Nâng cao ý thức, trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ môi trường  (20/07/2020)
Bảo vệ môi trường: Không sử dụng đồ nhựa dùng một lần  (16/07/2020)
Việt Nam tích cực bảo vệ môi trường biển  (16/07/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay