Đẩy mạnh thực hiện công tác bảo vệ môi trường biển góp phần thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển tại quân khu 7
TCCS - Biển là không gian sinh tồn, tiềm năng cho phát triển kinh tế đất nước. Song, trước vấn nạn môi trường biển như hiện nay, công tác bảo vệ đang trở nên cấp thiết, đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, nhiều lực lượng tham gia để khắc phục. Lực lượng vũ trang Quân khu 7 đã và đang tích cực cùng toàn quân và cả nước thực hiện bảo vệ môi trường biển, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đề ra.
Bảo vệ môi trường biển là việc làm quan trọng, thường xuyên của lực lượng vũ trang Quân khu
Việt Nam là một quốc gia ven biển với bờ biển dài hơn 3.260km, có trên 1 triệu ki-lô-mét vuông biển với khoảng 4.000 đảo lớn, nhỏ và nhiều tài nguyên, khoáng sản, hải sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Đây là nền tảng vững chắc và là nguồn lực quan trọng để đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển. Địa bàn Quân khu 7 rộng, với diện tích 45.630km2, gồm nhiều vùng miền: miền Đông Nam Bộ có Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh (Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương); vùng Tây Nguyên có tỉnh Lâm Đồng; ven biển cực Nam Trung Bộ có tỉnh Bình Thuận; miền Tây Nam Bộ có tỉnh Long An. Trong đó, có 2 tỉnh và 1 thành phố có biển là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và Thành phố Hồ Chí Minh, với bờ biển dài trên 322km. Đặc biệt, có hai huyện đảo: huyện đảo Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với 16 đảo, diện tích trên 187km2; huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) với 5 đảo, diện tích trên 18km2. Các tỉnh, thành phố có biển trên địa bàn Quân khu là những địa phương có kinh tế biển phát triển mạnh, đồng thời có nhiều mục tiêu trọng điểm và công trình quốc phòng, an ninh quan trọng.
Triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9-2-2007, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” vào thực tiễn, với quan điểm chỉ đạo về định hướng chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 là phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh. Mục tiêu cụ thể là xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53% - 55% tổng GDP của cả nước. Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân khu đã xác định tầm quan trọng của biển, công tác bảo vệ môi trường đối với cuộc sống con người nên thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, nhất là những đơn vị đóng quân trên địa bàn có biển, các đơn vị được Quân khu giao quản lý, khai thác tài nguyên biển, thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường biển; tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm các quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản chỉ đạo của Bộ Quốc phòng về công tác bảo vệ môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức phòng, chống thiên tai, song thần, bảo vệ môi trường biển cho cán bộ, chiến sĩ; tham gia tích cực, có hiệu quả các hoạt động “Tháng hành động vì môi trường”, “Ngày môi trường thế giới 5-6”, “Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam”, “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn”, “Hội thi tìm hiểu về môi trường”,…. Nhiều địa phương ven biển, lực lượng vũ trang Quân khu đã trở thành lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền và bảo vệ môi trường biển.
Tuy nhiên, môi trường biển nước ta nói chung, trên địa bàn Quân khu 7 nói riêng đang phải đối mặt với những thách thức lớn do tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên và môi trường biển thiếu bền vững, làm suy giảm các nguồn lợi hải sản, các hệ sinh thái biển. Ô nhiễm môi trường biển, trong đó ô nhiễm môi trường vùng biển ven bờ ngày càng nghiêm trọng. Nước biển tại một số khu vực có biểu hiện bị axit hóa, bị ô nhiễm bởi chất hữu cơ, kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật… Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng chủ yếu là do cấp ủy, chỉ huy một số đơn vị chưa thực sự quan tâm, chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường biển; công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường biển chưa thường xuyên và đồng bộ; công tác phối hợp với chính quyền địa phương trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường biển ở các đơn vị đóng quân trên địa bàn có biển chưa thực sự chủ động; một số đơn vị chưa quan tâm và đầu tư đúng mức để thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường biển; việc tổ chức nghiên cứu, phối hợp tổ chức nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện các đề tài, nhiệm vụ bảo vệ môi trường, bảo vệ môi trường biển còn ít.
Tiếp tục bảo vệ môi trường biển góp phần thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển
Quán triệt Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, “Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu tổng quát: Đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Đồng thời, nhanh chóng khắc phục những hạn chế trước đây, trong thời gian tới, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, trong đó các đơn vị có biển, đơn vị được giao quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên biển trên địa bàn Quân khu cần tổ chức thực hiện tốt các giải pháp sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ huy trong công tác bảo vệ môi trường biển - được xem là giải pháp tiên quyết. Cấp ủy, chỉ huy các cấp, trước hết là cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị hoạt động trên biển, ven biển cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ huy. Trong đó, tập trung kiện toàn hệ thống tổ chức, đổi mới phương thức lãnh đạo; nâng cao trình độ, năng lực quán triệt, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cùng với các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên về bảo vệ môi trường, bảo vệ môi trường biển; xác định nhất quán bảo vệ môi trường, bảo vệ môi trường biển là nhiệm vụ chính trị, gắn liền với ý thức và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng vũ trang Quân khu.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ huy trong công tác bảo vệ môi trường biển được cụ thể hóa bằng nghị quyết lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, kế hoạch hoạt động của người chỉ huy và chương trình hành động của các tổ chức quần chúng. Hoạt động bảo vệ môi trường biển phải có lãnh đạo, có chỉ huy và tổ chức thực hiện quyết liệt theo phương châm: “Nơi nào có đơn vị lực lượng vũ trang Quân khu đứng chân nơi đó có môi trường biển sạch, đẹp, doanh trại sáng - xanh - sạch - đẹp”. Lực lượng vũ trang Quân khu phải thực sự gương mẫu, đi đầu trong bảo vệ môi trường biển và đấu tranh chống biểu hiện tiêu cực làm ô nhiễm môi trường biển.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân về công tác bảo vệ môi trường biển. Qua đó, làm cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nhận thức sâu sắc những ảnh hưởng tiêu cực của ô nhiễm, suy thoái môi trường biển đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hoạt động kinh tế, quốc phòng của Quân khu để nâng cao tinh thần trách nhiệm, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường biển.
Nội dung tuyên truyền, cổ động cần tập trung vào: Luật Đa dạng sinh học năm 2008, Luật Biển Việt Nam năm 2012, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Thủy sản năm 2017… cùng với các chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, như Nghị quyết số 24/NQ-TW, ngày 3-6-2013, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, Công văn số 2887/QĐ-BQP, ngày 28-7-2014, của Bộ Quốc phòng, phê duyệt “Chiến lược Bảo vệ môi trường của Bộ Quốc phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, Chỉ thị số 37/CT-BQP, ngày 13-3-2015, của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, “Về triển khai thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trong quân đội”, Thông tư số 133/2015/TT-BQP ngày 27-11-2015, của Bộ Quốc phòng, ban hành Điều lệ công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của Quân đội nhân dân Việt Nam… Coi trọng tuyên truyền các quy định của Đảng và Nhà nước về khai thác, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy, hải sản,… Tập trung tuyên truyền sâu rộng hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường biển đối với hệ sinh thái, đời sống con người và sự phát triển của đất nước. Đặc biệt, phải làm chuyển biến mạnh mẽ cả nhận thức và hành vi của người dân, không xả rác và xả trực tiếp các chất thải sinh hoạt ra biển.
Đồng thời, cần thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền thực tế, phù hợp với từng đối tượng, gắn với các nhiệm vụ để tuyên truyền ngắn gọn, chính xác, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ hành động; kết hợp chặt chẽ tuyên truyền thường xuyên với tổ chức các chiến dịch tuyên truyền mang tính thời sự để kịp thời định hướng nhận thức, tư tưởng theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy có hiệu quả các hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng in-tơ-nét, phát hành tài liệu, tờ rơi, băng rôn, phim ảnh, hội thảo, tọa đàm, thi tìm hiểu, sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể; mở rộng tuyên truyền bảo vệ môi trường biển qua hoạt động nghệ thuật, sân khấu hóa…
Ba là, chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đóng quân làm tốt công tác bảo vệ môi trường biển. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương nhằm huy động mọi nguồn lực và phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội tham gia vào công tác bảo vệ môi trường biển.
Các cơ quan, đơn vị, trong đó các đơn vị đóng quân trên địa bàn có biển cần chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương trong xây dựng kế hoạch, chuẩn bị tốt lực lượng về con người và trang thiết bị để tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ môi trường biển; tham gia xử lý, ứng cứu các sự cố môi trường có thể xảy ra. Trong kế hoạch phải các định rõ vai trò cơ quan chủ trì, cơ quan, đơn vị phối hợp; phối hợp với cơ quan quản lý môi trường của địa phương tổ chức thanh, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các đơn vị quân đội trên địa bàn; phối hợp khắc phục, giải quyết kịp thời các khiếu nại của nhân dân về các vụ ô nhiễm do các đơn vị quân đội gây ra, đặc biệt là phải khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, dựa dẫm, ỷ lại trong bảo vệ môi trường biển.
Bốn là, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ vào công tác bảo vệ môi trường biển phù hợp với đặc thù và điều kiện thực tiễn của từng đơn vị. Việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, trong đó ưu tiên thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào các hoạt động bảo vệ môi trường sẽ giúp công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ môi trường biển của Quân khu đạt hiệu quả cao. Do đó, các đơn vị cần tăng cường nghiên cứu, tổ chức và phối hợp tổ chức thực hiện các đề tài, nhiệm vụ khoa học - công nghệ về bảo vệ môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đề xuất các biện pháp xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại trong hoạt động quân sự; khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường biển và điều kiện sống; hạn chế tác động do ô nhiễm môi trường biển và các yếu tố bất lợi của môi trường biển do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sức khỏe bộ đội, vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật và các công trình (nhà xưởng, kho tàng chứa vật tư…) của các đơn vị; sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; bảo đảm chất lượng và trữ lượng nguồn nước cho bộ đội.
Năm là, kết hợp chặt chẽ giữa công tác bảo vệ môi trường biển với các hoạt động đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Công tác bảo vệ môi trường biển, trong đó công tác tuyên truyền, giáo dục bảo vệ môi trường biển cần phải gắn kết chặt chẽ với công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại nhân dân, hoạt động ngoại giao đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc để vừa tạo sức mạnh tổng hợp trong tuyên truyền bảo vệ môi trường biển, vừa tạo sức mạnh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của địa phương đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại tuyên truyền về biển, đảo. Thông qua các diễn đàn, hội thảo, hội nghị, giao lưu, hợp tác, đối ngoại quốc phòng, đối ngoại nhân dân cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho bạn về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, những quy định của luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam về bảo vệ môi trường biển, từ đó tạo dư luận quốc tế thuận lợi, ủng hộ Việt Nam trong bảo vệ môi trường biển và bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo, quyền lợi quốc gia trên biển; mặt khác, kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị nhằm chống phá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ môi trường biển cũng như trong giải quyết những bất đồng trên Biển Đông và các đối sách của ta trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển. Đây là giải pháp thiết thực, cấp thiết hiện nay, bao gồm: Quản lý chặt chẽ việc tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư; thực hiện đầy đủ và bảo đảm chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường các dự án, đặc biệt là các dự án phát thải ra sông, biển. Qua đó, từng bước nâng cao hiệu quả, phát huy hiệu lực của đánh giá tác động môi trường trong việc phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu đến môi trường biển. Đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực môi trường, kịp thời chấn chỉnh việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quốc phòng, đưa hoạt động bảo vệ môi trường đi vào nền nếp./.
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên