Văn hóa với sự phát triển bền vững của đất nước
TCCS - Từ những năm cuối của thế kỷ XX, thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là cuộc khủng hoảng tài chính có quy mô lớn trên bình diện toàn cầu đã đặt ra yêu cầu phát triển bền vững. Một loạt vấn đề được đưa ra là quan hệ giữa tăng trưởng và phát triển, những thành tố bảo đảm cho sự phát triển bền vững và quan hệ biện chứng của các thành tố đó; vai trò của văn hóa, cách thức chỉ đạo và tổ chức thực tiễn để bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Đó là các vấn đề cần được giải quyết của mỗi quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
1- Đối với một quốc gia, để đạt được mục tiêu phát triển, đáp ứng các nhu cầu vật chất của xã hội nhất thiết phải có sự tăng trưởng về kinh tế, về cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ, xây dựng tiềm lực và sức mạnh cho quốc gia. Đó là một đòi hỏi đồng thời là một quy luật khách quan. Đánh giá cao tầm quan trọng của tăng trưởng kinh tế là cần thiết và đúng đắn, song điều đáng quan tâm là thời gian qua vẫn tồn tại quan niệm chỉ tập trung tăng trưởng kinh tế đơn thuần, không giải quyết đúng mối quan hệ giữa tăng trưởng và phát triển, coi kinh tế là nhân tố quyết định toàn bộ sự phát triển, còn các yếu tố khác không đóng góp trực tiếp cho sự phát triển. Sai lầm trong quan niệm trên là ở chỗ chỉ chú trọng vào tăng trưởng kinh tế và coi tăng trưởng kinh tế tự nó sẽ tạo tiềm lực, sức mạnh quốc gia và sẽ giải quyết những vấn đề khác, như xã hội, văn hóa...
Ở đây cần làm rõ mối quan hệ giữa tăng trưởng và phát triển. Phát triển là khái niệm rộng hơn, sâu hơn, toàn diện hơn khái niệm tăng trưởng. Nội hàm của phát triển bao hàm và chỉ rõ sự tiến triển, tiến bộ về mặt chất lượng của xã hội trên tất cả các bình diện, lĩnh vực của nó, của sự hài hòa giữa mức sống và chất lượng sống, của phẩm chất, giá trị con người, trong đó bao gồm cả việc tăng trưởng kinh tế và cả yêu cầu nâng cao mức sống của toàn dân, gắn với trình độ phát triển hài hòa, toàn diện của con người, phát triển văn hóa. Điều đó có nghĩa là, nhìn từ yêu cầu phát triển, có thể xảy ra hiện tượng có sự tăng trưởng nhưng không có sự phát triển vì chất lượng xã hội nói chung và chất lượng sống của con người nói riêng không được bảo đảm, chính trị có thể không ổn định, văn hóa, đạo đức, lối sống có những biểu hiện suy đồi... Như vậy, dù đời sống vật chất có được tăng lên do sự tăng trưởng kinh tế đem lại thì cũng chưa phải là đã đạt được mục tiêu cao nhất của phát triển, đó là nâng cao chất lượng cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần. Nếu chỉ do tăng trưởng kinh tế đơn thuần, tăng trưởng với bất kỳ giá nào, thậm chí phải hy sinh các mặt khác, như văn hóa, xã hội, xây dựng con người thì sẽ dẫn tới nguy cơ trực tiếp là phá vỡ sự phát triển bền vững, tạo ra rối loạn xã hội. Trong trường hợp đó, có tăng trưởng nhưng không có phát triển, đó là phản phát triển. Có nhà khoa học khi nghiên cứu thực trạng tăng trưởng trên ở một số quốc gia đã gọi đó là sự tăng trưởng “thô bạo”, tăng trưởng “mất gốc” hay tăng trưởng “không có lương tâm” và “bất chấp tương lai”. Hậu quả là ở những quốc gia đó có thể có nguy cơ xảy ra xung đột xã hội, sự giảm sút nghiêm trọng về lối sống, nhân cách, tình người, đạo đức, tạo ra “những người nghèo không gốc rễ và những người giàu không lý tưởng”, từ đó có thể gây bất ổn về chính trị, văn hóa... Nhận định trên không còn là vấn đề lý luận mà đã trở thành bài học cay đắng, “nhỡn tiền” đối với một số nhà nước hiện nay.
2- Phát triển không chấp nhận sự tăng trưởng bằng mọi giá. Phát triển bền vững không kìm hãm tốc độ, gia tốc của sự vận động theo chiều hướng tích cực, nhưng phải đạt được trong thực tiễn yêu cầu “phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững”, trong đó “phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt”, “là cơ sở để phát triển nhanh” và “phát triển nhanh và bền vững phải luôn luôn gắn chặt với nhau trong quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển kinh tế - xã hội”. Đó là tư duy khoa học có tầm lý luận sâu sắc, biện chứng được đúc kết và đặc biệt nhấn mạnh trong văn kiện Đại hội XI của Đảng.
Song, để thực hiện được yêu cầu phát triển bền vững đòi hỏi trước hết và quan trọng nhất là phát triển đồng bộ tất cả các thành tố quan trọng của sự phát triển, các lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội và biết xử lý biện chứng quan hệ giữa các thành tố, các lĩnh vực đó. Những năm gần đây, người ta bàn nhiều về các trụ cột của sự phát triển bền vững trong xã hội hiện đại, có nghĩa là, phải bảo đảm cho được sự phát triển hài hòa, coi trọng ngang nhau và làm cho các trụ cột đó thấm vào nhau để bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Gần đây, giới nghiên cứu thông qua thảo luận ở Liên hợp quốc, từ thực tiễn kinh tế - xã hội của các quốc gia, đã chỉ ra 4 trụ cột của sự phát triển bền vững, đó là chính trị, kinh tế, văn hóa và môi trường (trước đây, nhiều người nói tới thành tố xã hội, song gần đây, vấn đề môi trường nổi lên với nhiều thách thức nên đã nhấn mạnh trụ cột này với nội hàm rộng hơn xã hội, xã hội được xem là một bộ phận quan trọng trong môi trường nói chung). Cách đây hơn 70 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau là chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội” (Báo Cứu quốc số ra ngày 8-10-1945).
Tư tưởng về 4 trụ cột của sự phát triển bền vững, trong đó có văn hóa là một bước tiến về mặt tư duy lý luận. Thực hiện được sự phát triển đồng bộ, hài hòa, xuyên thấm vào nhau của 4 trụ cột đó sẽ tạo được sự phát triển bền vững và ngược lại nếu coi nhẹ, dù ở mức độ nào, một trong 4 trụ cột đó thì sẽ làm rạn nứt và dẫn tới phá vỡ sự phát triển bền vững.
Yêu cầu bảo đảm sự phát triển bền vững còn gắn với việc biết kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với phát triển chiều sâu, trong đó chú trọng phát triển chiều sâu. Các nhân tố trực tiếp tạo nên sự phát triển chiều sâu chính là nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới và sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... Các nhân tố trên đều thuộc về văn hóa, do văn hóa xây đắp nên.
Tăng trưởng và phát triển vì cuộc sống hiện tại song không thể có cái nhìn hạn hẹp trước mắt để tạo nên sự tăng trưởng mà bất chấp tương lai, khai thác cạn kiệt các tài nguyên, tiêu thụ, phát thải quá sức chịu tải của môi trường. Phát triển bền vững yêu cầu phải giải quyết hài hòa giữa mục tiêu trước mắt và lâu dài, vì cuộc sống của con người hiện tại và vì chính các thế hệ mai sau.
3- Văn hóa là một trong 4 trụ cột của sự phát triển bền vững. Vậy cơ sở lý luận nào để đi tới luận điểm này?
Có lẽ, cho đến nay, có người (hay không ít người) cho rằng, văn hóa là lĩnh vực phi sản xuất, “ăn theo” lĩnh vực kinh tế, sản xuất vật chất. Nhận thức đó đã “đóng băng” trong tư duy và cả trong chỉ đạo, tổ chức thực tiễn của một bộ phận cán bộ, lãnh đạo trên các lĩnh vực. Xin được đính chính ngay tư duy nhầm lẫn đó bằng việc trình bày lại ngắn gọn một tư tưởng rất căn bản của C. Mác, rằng lịch sử loài người có hai lĩnh vực sản xuất là sản xuất vật chất và sản xuất tinh thần và cả hai đều tuân theo quy luật chung của sản xuất. Sản xuất vật chất để tạo ra của cải vật chất cho con người, còn sản xuất tinh thần bao gồm văn học, nghệ thuật, nhà nước, đạo đức, khoa học, “sự sản xuất những tư tưởng, biểu tượng và ý thức” và “như vẫn thấy thể hiện trong ngôn ngữ của chính trị, luật pháp, tôn giáo, siêu hình học” chỉ là “những hình thức đặc thù của sản xuất và phục tùng quy luật chung của sản xuất”(1). Kết quả của sản xuất tinh thần là các sản phẩm tinh thần làm giàu đẹp, phong phú cho đời sống tinh thần của con người, có nghĩa là, loài người chỉ có thể đạt tới sự phát triển về chất lượng khi đồng thời phát triển cả hai hình thái của sản xuất: vật chất và tinh thần. Nếu sản xuất vật chất là nền tảng vật chất của xã hội thì tất nhiên sản xuất tinh thần là nền tảng tinh thần của xã hội đó. Như vậy, muốn đạt tới sự phát triển bền vững phải tạo cho được sự phát triển đồng bộ, hài hòa của hai lĩnh vực trên, xây dựng đồng thời nền tảng vật chất và nền tảng tinh thần cho xã hội. Cần coi đây là luận điểm lý luận gốc để lý giải văn hóa là một trụ cột của sự phát triển bền vững.
Mục tiêu của sản xuất vật chất là tạo ra ngày càng nhiều của cải vật chất bảo đảm cho nhu cầu phát triển thể chất, đời sống vật chất của con người. Song phát triển kinh tế không có mục đích tự thân, mà cái đích cần đạt tới là vì sự phát triển hạnh phúc, tự do, toàn diện của con người. Và đó chính là văn hóa.
Mục tiêu cuối cùng, cao nhất của sản xuất tinh thần không phải chỉ là các sản phẩm tinh thần mà qua đó cần đạt tới cái đích nuôi dưỡng và xây đắp con người, để con người trở thành “Người” nhất như C. Mác khẳng định. Như vậy, cả hai lĩnh vực sản xuất đều gặp nhau ở cái đích cuối cùng là vì con người, cho con người với ý nghĩa cao đẹp và nhân đạo nhất của nó. Với ý nghĩa đó, sự phát triển đồng bộ của sản xuất vật chất và sản xuất tinh thần là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển bền vững.
Để làm rõ vai trò của văn hóa trong sự phát triển bền vững, cần phân tích đặc trưng cấu trúc của văn hóa. Đó là hai tầng của văn hóa. Tầng một là các sản phẩm cụ thể của văn hóa. Các sản phẩm này cực kỳ đa dạng, phong phú, không ngừng thay đổi và phát triển để đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người và đó chính là đời sống văn hóa cụ thể của xã hội, của mỗi con người và của từng cộng đồng người nhất định. Ta gọi đó là yếu tố động của văn hóa và đó là cấu trúc bề mặt của văn hóa. Tầng hai của văn hóa là bộ phận chìm khó nhìn thấy được sản sinh ra từ tầng một nhưng nằm trong sự nhận thức, tiếp nhận của con người. Đó chính là hệ giá trị do các sản phẩm văn hóa tạo ra và được con người tiếp nhận. Đó là yếu tố tĩnh của văn hóa, là cấu trúc chiều sâu của văn hóa. Cấu trúc chiều sâu (hệ giá trị) là cái kết tinh, lắng đọng nằm ẩn giấu dưới cơ tầng thứ nhất của văn hóa, đóng vai trò định hướng, điều chỉnh mọi sự biến đổi trên cấu trúc bề mặt, định hình nền văn hóa của mỗi dân tộc trong không gian và thời gian. Nhận diện cấu trúc của văn hóa với hai tầng bề mặt và chiều sâu và quan hệ biện chứng giữa hai tầng đó chính là cơ sở khoa học khách quan để chúng ta xác định vai trò của văn hóa vừa là các sản phẩm vô cùng phong phú, đa dạng, muôn vẻ của nó phục vụ nhu cầu tinh thần của con người, vừa phải là những giá trị, hệ giá trị được khẳng định và lưu truyền, góp phần tạo nên sự phát triển bền vững của mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia.
Một đặc trưng nổi bật của văn hóa là luôn thẩm thấu vào các lĩnh vực khác của xã hội, góp phần trực tiếp tạo nên trình độ phát triển từ kinh tế, chính trị đến pháp luật, đạo đức...
Vì thế, nếu thêm từ văn hóa vào trước các lĩnh vực trên, người ta nhận ngay ra yêu cầu về chất lượng và trình độ phát triển của các lĩnh vực đó. Từ đó, mới xuất hiện các cụm từ văn hóa chính trị, văn hóa trong Đảng, văn hóa giao thông, văn hóa ứng xử, văn hóa gia đình, văn hóa đọc, văn hóa công sở, văn hóa học đường, văn hóa ẩm thực... Sự thấm sâu này có được do cấu trúc chiều sâu của văn hóa, tức là sự thấm sâu các giá trị văn hóa trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chính từ đặc trưng này mà vai trò của văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển và đó là cơ sở khoa học để chúng ta lý giải các quan hệ đặc thù của văn hóa với các lĩnh vực cơ bản của sự phát triển.
4- Xử lý đúng quan hệ giữa văn hóa với kinh tế, kinh tế với văn hóa sẽ là một động lực cực kỳ quan trọng cho sự phát triển bền vững.
Văn hóa thuộc kiến trúc thượng tầng, gắn bó hữu cơ với cơ sở hạ tầng, vì thế, từ trong bản chất và tuân thủ quy luật chung, văn hóa ở trong kinh tế, chịu sự tác động của kinh tế. Kinh tế phát triển là cơ sở quan trọng tạo điều kiện cho sự phát triển của văn hóa, dù sự phát triển của một số lĩnh vực văn hóa có tính đặc thù như văn học, nghệ thuật. Nguyên lý phổ quát này hoàn toàn không phải là sự áp đặt đối với văn hóa mà chính là bản chất xã hội của văn hóa, là một quy luật khách quan của mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và văn hóa. Điều đáng tiếc là từ nguyên lý đó, nhiều năm qua, đã xuất hiện quan niệm giáo điều, máy móc cho rằng, văn hóa phụ thuộc vào kinh tế, chỉ là thành tố không sinh lợi, “ăn theo”. Những năm gần đây, thực tiễn đã bác bỏ quan điểm sai lầm đó và đi tới những nhận thức mới khi thừa nhận vai trò của văn hóa trong phát triển, tìm mọi phương thức có thể có cho sự phù hợp giữa sản xuất và sáng tạo, để kinh tế phải “bắt rễ” trong văn hóa. Không phấn đấu vì tăng trưởng kinh tế một cách đơn thuần, mù quáng, tuyệt đối không hy sinh văn hóa để đổi lấy tăng trưởng kinh tế.
Trong lời tuyên bố mở đầu cho “Thập niên văn hóa vì phát triển”, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã khẳng định mạnh mẽ một quan niệm mới, sâu sắc, có giá trị phổ quát toàn cầu trong thời đại hiện nay là kinh nghiệm của hai thập niên vừa qua cho thấy rằng, trong mọi xã hội ngày nay, bất luận ở trình độ kinh tế hoặc xu hướng chính trị và kinh tế nào, văn hóa và phát triển là hai mặt gắn liền với nhau; nước nào tự đặt cho mình mục tiêu phát triển kinh tế tách rời môi trường văn hóa thì nhất định sẽ xảy ra mất cân đối nghiêm trọng, cả kinh tế, văn hóa và tiềm năng sáng tạo của nước ấy sẽ bị suy yếu... Phát triển cần thừa nhận văn hóa giữ vị trí trung tâm và vai trò điều tiết xã hội.
Từ luận điểm sâu sắc, đầy sức thuyết phục trên, chúng ta có thể khẳng định rằng, chủ nghĩa thực dụng kinh tế đang có chiều hướng phát triển là nguy cơ thực sự dẫn đến sự phát triển không bền vững, sự sa sút, xuống cấp trên các lĩnh vực tinh thần, đạo đức, sáng tạo văn hóa... Cũng từ luận điểm trên, hệ quả tất yếu rút ra là văn hóa không chỉ là kết quả của sự phát triển mà chính là nền tảng của sự phát triển bền vững, hay nói một cách khác, kinh tế không tự mình phát triển nếu thiếu nền tảng và động lực văn hóa. Trong thời đại này, trong các sản phẩm kinh tế, tỷ trọng chất xám ngày càng lớn, giữ vị trí bao trùm đối với chất lượng của sản phẩm. Điều đó có nghĩa là tỷ trọng các yếu tố văn hóa ngày càng giữ vai trò quyết định. Trước những nhu cầu ngày càng cao, đa dạng và mang tính cá thể của người tiêu dùng, đối với nhiều sản phẩm kinh tế, dịch vụ, có thể nói, nếu thiếu bản sắc văn hóa trong các sản phẩm đó thì khả năng cạnh tranh của nó sẽ suy giảm rõ rệt. Vì thế, ngày nay, các lực lượng sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, như điện ảnh, hội họa, mỹ thuật công nghiệp, kiến trúc, thời trang, nghệ thuật dân gian, lễ hội... đang tham gia ngày càng trực tiếp và sâu vào quá trình kinh tế, kết quả kinh tế, làm đậm sâu nhân tố và giá trị văn hóa trong các sản phẩm đó. Đến nay, ở nhiều nước, gắn văn hóa với kinh tế, kinh tế trong văn hóa và văn hóa trong kinh tế trở thành chiến lược của sự phát triển bền vững.
Những năm gần đây, người ta nói nhiều đến công nghiệp văn hóa như là dạng thức mới của một ngành kinh tế, hay nói cách khác, đó là kết quả của quá trình gắn kết văn hóa trong kinh tế, kinh tế trong văn hóa. Công nghiệp điện ảnh, công nghiệp nghe nhìn, công nghiệp xuất bản, công nghiệp vui chơi, giải trí... đang phát triển thành những ngành kinh tế đặc thù, gắn chặt văn hóa với kinh tế, không chỉ tạo ra các sản phẩm văn hóa hiện đại mà còn tạo ra giá trị kinh tế lớn. Rõ ràng là xu hướng sản xuất, tiêu dùng văn hóa theo phương thức sản xuất công nghiệp là một xu hướng khách quan của xã hội đương đại và đó chính là đặc điểm mới của quá trình thâm nhập lẫn nhau của kinh tế và văn hóa trong thời kỳ hiện đại.
Khi nêu luận điểm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, một số người thường hiểu và chỉ cho đó là một phương châm thuộc lĩnh vực kinh tế, nhưng thực ra sự kết hợp hai yếu tố “thị trường” và “định hướng xã hội chủ nghĩa” đã nói lên một ý nghĩa văn hóa bao trùm: chỉ có thể thực hiện được phương châm ấy một khi giá trị văn hóa chi phối toàn bộ nền kinh tế thị trường của chúng ta. Nói cách khác, ở đây yếu tố kinh tế và yếu tố văn hóa quyện chặt nhau để bảo đảm cho xã hội phát triển trong tính lành mạnh, bền vững của nó. Vì vậy, luôn tồn tại mâu thuẫn giữa quy luật thị trường và quy luật văn hóa. Ngày nay, dù trong những điều kiện mới và đã có sự điều chỉnh lớn, kinh tế thị trường vẫn không thể vượt thoát khỏi các hạn chế của nó. Nhận thức rõ hai mặt tích cực, phù hợp với quy luật phát triển và tiêu cực, những hạn chế của kinh tế thị trường, chúng ta đã kiên trì khẳng định “định hướng xã hội chủ nghĩa” vì đó chính là con đường vượt qua những mặt trái của kinh tế thị trường và nỗ lực tạo nên giá trị nhân văn của nền kinh tế. Văn hóa giữ vai trò định hướng giá trị cho hoạt động của kinh tế thị trường có nghĩa là định hướng xã hội chủ nghĩa phải nằm trong chính nội hàm, sự vận hành và sức tác động của kinh tế thị trường, chứ không phải là hai nhân tố đứng cạnh nhau hay ngoài nhau. Điều đó cần được khẳng định một cách rõ ràng và khoa học trong chiến lược phát triển bền vững của nước ta.
5- Xử lý đúng mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, xây dựng giá trị văn hóa chính trị.
Trước hết, văn hóa chính trị là một giá trị văn hóa đặc thù, là một nhân tố hợp thành hệ giá trị văn hóa chung và trở thành một thành tố quan trọng trong đời sống văn hóa của xã hội, của quốc gia. Là một giá trị văn hóa, khi nói đến văn hóa chính trị là muốn nhấn mạnh đến tính đúng đắn, hợp quy luật, hợp lòng dân, tính chân chính của các quan điểm chính trị và điều đó thể hiện trước tiên ở tầm tư tưởng, tầm trí tuệ của tổ chức và con người chính trị trên cơ sở hiểu biết quy luật vận động của lịch sử, các quan hệ chính trị cũng như các thiết chế chính trị nhằm định hướng và quản lý sự phát triển xã hội một cách có hiệu quả. Là một yêu cầu cao của hoạt động chính trị, văn hóa chính trị thể hiện rõ trong thể chế, tổ chức và thiết chế chính trị.
Mặt khác, nói đến văn hóa chính trị không thể không nói đến chủ thể - con người chính trị, hoạt động chính trị. Chủ thể ấy có nhân cách, phẩm chất đạo đức, lối sống cao đẹp hay tầm thường, vì mọi người hay chỉ mang tính duy lợi, ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân. Những tham vọng quyền lực, địa vị, tiền tài sẽ tác động tới hoạt động chính trị theo các chiều hướng khác nhau. Văn hóa chính trị còn thể hiện ở năng lực và nghệ thuật tổ chức, giáo dục, thuyết phục quần chúng tham gia tự nguyện các hoạt động theo đường lối, quan điểm, chính sách chính trị đúng đắn. Từ nhận thức trên, có thể khẳng định rằng, một nền chính trị đúng đắn, chân chính phải là một nền chính trị rất văn hóa. Vì vậy, nếu chính trị là sự đối lập với nhân dân, chính trị cường quyền, mưu cầu lợi ích cho những thế lực cầm quyền thì đó là chính trị phản văn hóa. Với ý nghĩa đó, văn hóa là nhân tố tạo nên sức mạnh, sức thuyết phục của chính trị và chính trị chân chính bao giờ cũng lấy các giá trị văn hóa là hạt nhân, là nền tảng của mình. Trong khi đó, chính trị và các hoạt động chính trị luôn đóng vai trò có ý nghĩa quyết định đối với một chế độ, một nhà nước. Điều đó có nghĩa là, một chế độ, một thể chế phát triển vững mạnh bao giờ cũng cần sự thống nhất giữa chính trị và văn hóa. Để bảo đảm sự thống nhất đó, cần phải quan tâm đến việc xây dựng hệ thống giá trị chính trị. Hệ thống giá trị đó phải là sự gặp gỡ giữa Đảng và dân, trong đó Đảng phải lắng nghe, chắt lọc những khát vọng, nguyện vọng chính đáng và hợp pháp của quần chúng để đúc kết thành các giá trị chính trị của Đảng, đồng thời làm cho các giá trị đó thành niềm tin chính trị của quảng đại quần chúng.
Nòng cốt của văn hóa chính trị là văn hóa lãnh đạo và quản lý. Văn hóa lãnh đạo, quản lý được hiểu như là tổng thể các giá trị được hình thành từ tư tưởng, chuẩn mực, nguyên tắc, phương thức tạo nên vị thế, năng lực, uy tín của chủ thể lãnh đạo, quản lý trong mối quan hệ hài hòa với khách thể vì một sự nghiệp chung, một mục tiêu chung. Với ý nghĩa đó, văn hóa lãnh đạo, quản lý giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong chính trị và hoạt động chính trị của đảng cầm quyền. Gần đây, người ta quan tâm đến việc xây dựng văn hóa cầm quyền chính vì đó là nhân tố quyết định đối với một nhà nước, một thể chế chính trị. Sự phát triển bền vững của nó phụ thuộc vào bản lĩnh, năng lực, trình độ, tính đúng đắn, tính trong sạch của văn hóa chính trị nói chung, văn hóa cầm quyền nói riêng.
Như vậy, xây dựng và phát triển kinh tế, chính trị, xã hội phải nhằm mục tiêu cao nhất là văn hóa, hướng đến các giá trị văn hóa, như dân chủ, tự do, công bằng, văn minh, con người được hạnh phúc và phát triển toàn diện. Chính vì vậy, văn hóa luôn đóng vai trò quan trọng, cả trước mắt và lâu dài vì sự phát triển bền vững của đất nước./.
------------------
(1) C. Mác và Ph. Ăng-ghen, V.I. Lê-nin: Về văn học và nghệ thuật, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1977, tr. 43, 392
Agribank đồng hành cùng tân sinh viên 2019  (23/08/2019)
Tham vấn về đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số  (23/08/2019)
Phát động Cuộc thi trắc nghiệm “Tìm hiểu 90 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam” trên Hệ thống thông tin điện tử tuyên giáo VCNET  (23/08/2019)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay