TCCSĐT - Đồng Tháp triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 trong điều kiện thời tiết không được thuận lợi, song ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 6,02%; trong đó, khu vực nông nghiệp tăng 3,2%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 5,6%, khu vực thương mại - dịch vụ tăng 9,44%. Để tiếp tục phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra, tỉnh sẽ triển khai nhiều giải pháp sát hợp hơn trong thực tiễn.

Kết quả đạt được

Về kinh tế, nổi bật nhất trong 6 tháng vừa qua của Đồng Tháp phải kể đến tỉnh đã tiếp tục triển khai sâu rộng, có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp trong điều kiện kém thuận lợi do hạn hán kéo dài. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất được củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, từ đó đảm đương được vai trò đầu mối dẫn dắt nông dân liên kết sản xuất theo tín hiệu thị trường và liên kết với các doanh nghiệp để khép kín từ cung ứng vật tư đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật canh tác đến tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu…; tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp trang bị dụng cụ, thiết bị thử nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản, hợp tác phát triển sản xuất một số nông sản sạch, giúp nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản, bảo đảm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang một số thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Niu Di-lân… Nhờ vậy, đã giúp nông dân giảm giá thành sản xuất 10-20%, tăng thêm lợi nhuận từ 3 đến 4 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất lúa gạo truyền thống. Xoài (trái) được tiêu thụ ở các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Niu Di-lân, Nga… với giá ổn định trung bình trong năm khoảng từ 20.000-25.000 đồng/kg, đã khắc phục được tình trạng rớt giá do thu hoạch tập trung một thời điểm. Các sản phẩm trái cây khác như nhãn đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ; chanh xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc; ớt trái xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Thái Lan, Cam-pu-chia, Ma-lai-xi-a, Hàn Quốc… giá bán cũng tăng thêm từ 10-15% so với trước đây.

Thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng cá tra, các doanh nghiệp chế biến đã tái cơ cấu lại trong nội bộ ngành. Đồng thời, triển khai xây dựng vùng nuôi nguyên liệu nhằm thực hiện khép kín cung ứng vật tư đầu vào - chế biến - tiêu thụ. Người nuôi được cung cấp thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật nuôi, không phải vay nợ ngân hàng, không lo đầu ra tiêu thụ, có lợi nhuận ổn định, góp phần đưa sản lượng thủy sản đạt 207.791 tấn, đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tăng 1,32% so với cùng kỳ năm 2015. Ngoài ra, tỉnh đã hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ mới, tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng như chế biến dầu ăn Ranee từ mỡ cá, chế biến colagen, gelatin từ da cá tra, chế biến bột cá làm thức ăn chăn nuôi từ phụ phẩm cá tra, góp phần tăng thêm giá trị ngành hàng cá tra.

Chú trọng phát triển hợp tác xã, phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, hoàn thành việc xây dựng hạ tầng các cụm, tuyến dân cư giai đoạn 2 là những nhiệm vụ trọng tâm được triển khai nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, diện mạo nông thôn dần được thay đổi. Đến nay, toàn tỉnh có 27/119 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, 89 xã đạt từ 10-18 tiêu chí, 3 xã đạt 9 tiêu chí. Tỉnh đã hoàn chỉnh hồ sơ trình Trung ương xét công nhận thành phố Sa Đéc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh đã tạo lập nhiều kênh thông tin kết nối với doanh nghiệp, chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện mô hình liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu để bảo đảm sản xuất ổn định, giải quyết kịp thời các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhân dân phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp tăng 5,3%.

Cùng với các hoạt động trên, tỉnh còn tập trung sửa đổi rút ngắn quy trình cấp giấy chứng nhận đầu tư, giao Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh làm đầu mối thực hiện các thủ tục cho nhà đầu tư, thường xuyên kết nối cung cấp thông tin mời gọi đầu tư với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Nhờ vậy, 6 tháng đầu năm đã thu hút được 35 nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 9 dự án mới. Qua đẩy mạnh chương trình khởi nghiệp đã có 187 doanh nghiệp thành lập mới. Ngoài ra, còn có các nhà đầu tư như: Công ty tài chính Dialog Nga, Đoàn doanh nghiệp tỉnh Samara - Nga, Tập đoàn Đất Xanh, Tập đoàn Hoàn Mỹ… đã đến tìm hiểu đầu tư tại tỉnh, mở ra nhiều triển vọng phát triển trong thời gian tới.

Trong lĩnh vực dịch vụ, tỉnh tập trung chỉ đạo xây dựng nhãn hiệu hiệu hàng hóa, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng và kinh doanh chợ, liên kết tiêu thụ hàng hóa với các hệ thống phân phối lớn như Co.op Mart, Big C, Satra, Maximart, Hapro... đã góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 10,59% so với cùng kỳ. Nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá, hợp tác phát triển du lịch được thực hiện gắn với các lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao; liên kết xây dựng các tour du lịch với các công ty lữ hành, phát triển thêm một số sản phẩm du lịch mới... mới 6 tháng đã thu hút được 1,35 triệu lượt khách đến tham quan du lịch tại tỉnh, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 160 tỷ đồng.

Hoạt động tín dụng tiếp tục phát triển, thực hiện đúng các quy định về huy động, cho vay và lãi suất, bảo đảm cung cấp đủ vốn cho phát triển kinh tế và thực hiện các mục tiêu xã hội.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có sự chuyển biến tốt. Công tác xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục được quan tâm thực hiện, đến nay đã có 5 dự án đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và 3 dự án đầu tư vào lĩnh vực y tế, với tổng vốn đầu tư 819 tỷ đồng, giúp tăng thêm quy mô và chất lượng giáo dục, đào tạo, dạy nghề, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Đã hoàn thành chương trình giảng dạy và kết thúc năm học 2015-2016 các cấp học đúng theo kế hoạch; tỷ lệ học sinh giỏi trung học phổ thông cấp quốc gia tăng hơn năm trước, đứng thứ 2 khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Công tác hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp được tập trung thực hiện. Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học và đại học năm 2016 được chuẩn bị chu đáo, bảo đảm đúng theo quy định.

Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân có nhiều tiến bộ, nguồn nhân lực y tế được cải thiện, chất lượng khám chữa bệnh ngày một nâng cao, nhiều kỹ thuật mới được triển khai thực hiện. Các cơ sở y tế tư nhân phát triển rộng khắp, công tác điều trị bệnh bằng y học cổ truyền phát huy hiệu quả rất tốt, đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 68%. Thực hiện có hiệu quả việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm kiểm soát tốt dịch bệnh nên không có dịch bệnh lớn xảy ra.

Trong đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động đạt kết quả thiết thực. Chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài có bước tiến quan trọng, đến nay đã đưa 390 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tăng 88 lao động so với cùng kỳ và phấn đấu đến cuối năm đưa trên 1.000 lao động đi làm việc ở các thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Đức… Một tin vui mới, tỉnh vừa ký kết cung cấp 500 lao động cho Tập đoàn điện tử HTC Đài Loan.

Chương trình cải cách hành chính được kiên trì thực hiện, nhiều mô hình, việc làm thiết thực như mô hình "Nụ cười công sở", "3 trong 1", "Ngày thứ sáu nghe dân nói", "Đánh giá trực tuyến sự hài lòng của người dân đối với công chức"… được nhân rộng. Công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi trong các cơ quan hành chính, nhiều phần mềm được xây dựng, ứng dụng vào công tác quản lý, mang lại hiệu quả cao. Nhiều cơ quan, đơn vị được sắp xếp tinh gọn, giảm đầu mối; cụ thể đã sắp xếp, kiện toàn bộ máy và tổ chức Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp và Trung tâm Tin học và Đã sáp nhập, giải thể 87 Ban chỉ đạo, Hội đồng, tổ chức phối hợp liên ngành. Khẩu hiệu “Đồng hành cùng doanh nghiệp” được cụ thể hoá bằng những việc thường xuyên đi thăm doanh nghiệp, cử cán bộ đầu mối tại Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp, tổ chức điểm hẹn doanh nhân và cà phê doanh nghiệp, thành lập Ban Xúc tiến thủ tục đầu tư, giúp các nhà đầu tư tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, góp phần xây dựng được mối quan hệ thân thiện giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp. Từ đó, đã giúp giữ vững chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh nhiều năm liền đứng trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu và hai năm liên tục (2014-2015) đứng hàng thứ 2 cả nước, đem lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp, góp phần tích cực trong công tác kêu gọi đầu tư.

Bên cạnh đó, tỉnh còn thực hiện nhiều hoạt động thông tin truyền thông: tổ chức họp giao ban báo chí hằng tháng, hằng quý, mở chuyên mục Báo chí với Đồng Tháp, phản hồi thông tin báo chí, thông tin bạn đọc, mạng xã hội (Facebook)… Qua đó đã cung cấp, chia sẻ trên 100 lượt thông tin đến các cơ quan báo chí và người dân, giúp đưa những cơ chế, chính sách, những thông tin chỉ đạo, điều hành của tỉnh sớm được phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Và, cũng tiếp nhận được gần 100 lượt ý kiến phản ánh từ các cơ quan báo chí và người dân về những mặt còn hạn chế, để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục, từng bước xây dựng “Chính quyền thân thiện, phục vụ nhân dân, điều hành năng động, quản lý hiệu quả”.

Nhiệm vụ quốc phòng - an ninh được giữ vững. Hợp tác hữu nghị giữa tỉnh Đồng Tháp với các tỉnh Vương quốc Cam-pu-chia được duy trì.

Một số nhiệm vụ, giải pháp những tháng còn lại

Tiếp tục phấn đấu đến cuối năm đạt mức tăng trưởng như kế hoạch đề ra, kinh tế (GRDP giá 2010) tăng 8,5%; trong đó khu vực nông nghiệp tăng 6,2%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 13%, khu vực thương mại - dịch vụ tăng 8% so với năm 2015; GRDP/người đạt 35,6 triệu đồng; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 15.160 tỷ đồng, chiếm 25,2% so với GRDP. Để thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu trên, Tỉnh sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

(1) Triển khai kịp thời và có hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ ban hành trong năm 2016. Rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, qua đó bổ sung giải pháp tổ chức thực hiện với quyết tâm cao, góp phần hoàn thành kế hoạch chung của tỉnh.

(2) Tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn nữa Đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Trong đó, tập trung nhân rộng các mô hình liên kết, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất an toàn thực phẩm, nhằm giảm chi phí, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

(3) Nhanh chóng triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu công nghiệp, thương mại. Hỗ trợ nâng cao chất lượng kinh tế hợp tác, trọng tâm là các hợp tác xã tham gia chuỗi ngành hàng. Hỗ trợ, khuyến khích phong trào khởi nghiệp, sáng tạo. Tiếp tục hoàn chỉnh danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, để chủ động giới thiệu với các nhà đầu tư.

(4) Thực hiện đa dạng hóa sản phẩm du lịch, kêu gọi đầu tư hạ tầng kết nối các khu, điểm du lịch, dịch vụ hậu cần phục vụ du khách, tạo thêm nhiều ấn tượng tốt để thu hút khách đến tham quan nhiều hơn và lưu lại lâu hơn.

(5) Tập trung đào tạo nghề, giải quyết việc làm; phổ biến, nhân rộng các mô hình, phương cách làm ăn hiệu quả, giảm chi phí sản xuất, để người dân học tập làm theo. Tổ chức đào tạo, cung ứng kịp thời lượng lao động đi làm việc tại nước ngoài theo đúng kế hoạch đã ký với đối tác.

(6) Tiếp tục tập trung cải cách hành chính, xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ; chính quyền kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp.

(7) Thường xuyên đấu tranh trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội, kiềm chế, đẩy lùi tai nạn giao thông, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội./.