Nguyễn Thị Định: “Nữ tướng thời đại Hồ Chí Minh”

ThS. Lê Văn Phong, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
12:00, ngày 01-11-2013
TCCSĐT - Thời gian không ngừng trôi, lịch sử vẫn tiếp tục trên hành trình dài vô tận, nhưng sự kiện phong trào Đồng khởi ở tỉnh Bến Tre (năm 1960), với dấu ấn sâu đậm của người phụ nữ mang tên Nguyễn Thị Định, không bao giờ phai mờ trong ký ức chúng ta. Bà đã trở thành niềm tự hào của nhân dân Bến Tre nói riêng và cả dân tộc Việt Nam nói chung.

Tại Hội nghị tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Bến Tre, tháng 7-1982, Đại tướng Hoàng Văn Thái khẳng định: “Phong trào Đồng khởi ở Bến Tre đã mở đầu cho cuộc tấn công và nổi dậy lần thứ nhất của cách mạng miền Nam, mở đầu cho cuộc khủng hoảng triền miên của chính quyền Mỹ - Diệm. Rõ ràng phong trào Đồng khởi ở Bến Tre đã đi vào lịch sử như một ngọn cờ đầu, nó đã có một vị trí xứng đáng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam…” (1). Làm nên sự kiện lịch sử vĩ đại ấy, ngoài sự chủ động, sáng tạo của Đảng bộ tỉnh, tinh thần đấu tranh anh dũng, quật cường của nhân dân Bến Tre, còn có sự đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Thị Định trên cương vị Phó Bí thư rồi Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. 

Miền Nam trước Đồng Khởi

Đồng chí Nguyễn Thị Định sinh ngày 15-3-1920 tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Bà là con út trong một gia đình nông dân giàu lòng yêu nước và truyền thống cách mạng. Năm 1936, khi vừa tròn 16 tuổi, bà bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Hai năm sau (năm 1938), bà được đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Đông Dương. 

Sau 3 năm bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà tù Bà Rá, tỉnh Sông Bé (nay thuộc tỉnh Bình Phước), năm 1943, bà được ra tù. Trở về với vết thương tù tội chưa kịp lành, bà đã liên lạc với tổ chức Đảng, tổ chức cách mạng của tỉnh và tham gia cuộc khởi nghĩa giành chính quyền (tháng 8-1945). Thời gian sau đó, mặc dù tuổi đời còn rất trẻ, nhưng với ý chí kiên trung, lòng yêu nước thiết tha, căm thù giặc sâu sắc, lại nhiều tài trí, đồng chí Nguyễn Thị Định đã được Tỉnh ủy Bến Tre chọn làm thuyền trưởng chuyến tàu đầu tiên vượt biển ra miền Bắc báo cáo với Trung ương Đảng và Bác Hồ về tình hình chiến trường Nam Bộ, đồng thời xin vũ khí chi viện để mở đường Hồ Chí Minh trên biển. 

Sau khi thực dân Pháp rút khỏi Việt Nam theo tinh thần Hiệp định Giơ-ne-vơ (ngày 21-7-1954), đế quốc Mỹ nhanh chóng nhảy vào thế chân Pháp, xâm lược miền Nam Việt Nam bằng chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Để hiện thực hóa âm mưu xâm lược, đế quốc Mỹ đã tiến hành nhiều hành động đàn áp dã man đối với đồng bào miền Nam, hòng dìm cuộc đấu tranh của đồng bào nơi đây trong bể máu. Đặc biệt, với việc công bố Luật 10-59, Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm đã đặt cách mạng miền Nam trước những thử thách ngặt nghèo nhất. 

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 có ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng, tạo bước chuyển biến lớn đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân cả nước, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của đồng bào hai miền Nam, Bắc; giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất nước nhà. Cuối năm 1959, Nghị quyết 15 về tới các địa phương miền Nam, thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng ở nông thôn và thành thị.
Trước bối cảnh đó, tháng 01-1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (khóa II) đã họp và nhận định: Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai chẳng những xâm chiếm miền Nam, ngăn cản sự phát triển của xã hội miền Nam, mà còn ráo riết chuẩn bị chiến tranh hòng xâm chiếm cả nước ta, phá hoại toàn bộ sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Vì vậy, Mỹ - Diệm không những là kẻ thù của nhân dân miền Nam đang bị chúng thống trị, mà còn là kẻ thù của cả dân tộc. Hội nghị đã xác định một số nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam ở miền Nam, gồm: 

Một là, giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. 

Hai là, đường lối cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Lấy sức mạnh quần chúng nhân dân, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân. 

Ba là, phương pháp đấu tranh trước mắt là kết hợp sử dụng hình thức đấu tranh hợp pháp, nửa hợp pháp và không hợp pháp, kết hợp chặt chẽ phong trào ở đô thị với phong trào ở nông thôn và vùng căn cứ. 

Hội nghị nhấn mạnh, ở những nơi sử dụng lực lượng vũ trang tự vệ, vũ trang tuyên truyền phải thấu suốt nguyên tắc phục vụ cho đấu tranh chính trị. Hội nghị xác định phải thành lập một mặt trận rộng rãi ở miền Nam, nhằm tập hợp tất cả các lực lượng chống đế quốc, phong kiến (2). 

Tháng 12-1959, Liên Tỉnh ủy miền Trung Nam Bộ họp tại căn cứ Tam Thường (huyện Hồng Ngự, tỉnh Kiến Phong, nay là tỉnh Đồng Tháp). Đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre do đồng chí Nguyễn Thị Định, Phó Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu đã tham dự. Tại Hội nghị, những vấn đề cơ bản của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết Hội nghị Xứ ủy Nam Bộ được thảo luận kỹ lưỡng. Đánh giá khách quan tình hình, Liên Tỉnh ủy quyết định phát động quần chúng nổi dậy phá thế kìm kẹp của địch, giành quyền làm chủ ở nông thôn; đồng thời giao nhiệm vụ cho các tỉnh khẩn trương tổ chức xây dựng lực lượng chính trị và phối hợp với lực lượng vũ trang tuyên truyền, phát động quần chúng nổi dậy ở xã, ấp; đồng thời quyết định lấy ngày 15-01-1960 là ngày hành động thống nhất trên toàn địa bàn. Tuy nhiên, cũng tùy điều kiện từng tỉnh mà định ngày vào đợt phát động quần chúng ở xã, ấp nổi dậy, nhưng phải tiến hành trong tháng 01-1960.

Một nhà quân sự xuất sắc

Sau khi tham dự cuộc họp của Liên Tỉnh ủy miền Trung Nam Bộ, ngày 30-12-1959, đồng chí Nguyễn Thị Định về Mỏ Cày. Để tranh thủ thời gian, tận dụng yếu tố bất ngờ, ngày 01-01-1960, tại ấp Tân Huề, xã Minh Đức (3), đồng chí Nguyễn Thị Định tổ chức cuộc họp quan trọng phổ biến lại tinh thần Nghị quyết 15 của Trung ương và chủ trương của Liên Tỉnh ủy. Sau khi phân tích, đánh giá so sánh tình hình lực lượng giữa ta và địch, bà nhấn mạnh: “Phát động quần chúng trong đó chú trọng vận động gia đình binh sĩ nổi dậy phá hệ thống kìm kẹp ở xã, ấp, trừng trị bọn tay sai chỉ điểm, bọn ác ôn trong bộ máy tề xã, tề ấp, dân vệ, kết hợp với cơ sở trong lòng địch để bức hàng, bức rút, lấy đồn, giải phóng xã, ấp” (4). 

Tiếp đó, ngày 12-01-1960, đồng chí Nguyễn Thị Định đến xã Bình Khánh, huyện Mỏ Cày, gặp đồng chí Nguyễn Tâm Cang - Tỉnh ủy viên phụ trách quân sự, binh vận để truyền đạt tinh thần Nghị quyết 15 của Trung ương và kế hoạch nổi dậy. Cuộc họp giải quyết nhiều vấn đề quan trọng và khẳng định: Nghị quyết 15 của Trung ương đến với Bến Tre như nắng hạn chờ mưa rào. Cuộc họp nhất trí chọn 3 xã Bình Khánh, Phước Hiệp và Định Thủy (5), huyện Mỏ Cày thuộc vùng căn cứ của tỉnh làm điểm.

Theo đúng kế hoạch, ngày 17-01-1960, nhân dân các xã Bình Khánh và Định Thủy lần lượt tiến hành nổi dậy. Tiếp đó, chi bộ xã Phước Hiệp đã huy động lực lượng xung kích cùng quần chúng tiến hành bắt giam và giải tán tề ấp, do thám, chỉ điểm và các tổ chức chính trị phản động. Đến ngày 18-01-1960, xã Phước Hiệp hoàn toàn giải phóng. 

Như vậy, chỉ trong 2 ngày, cuộc nổi dậy ở 3 xã đã giành thắng lợi. Phân tích kỹ lưỡng tình hình, đồng chí Nguyễn Thị Định cùng lãnh đạo Tỉnh ủy chủ trương đẩy mạnh công tác tư tưởng chống chủ quan khinh địch, lơ là mất cảnh giác, đồng thời chỉ đạo chặt chẽ việc chuẩn bị ứng phó với địch phản kích.

Cùng với 3 xã do Tỉnh ủy Bến Tre trực tiếp chỉ đạo, huyện ủy Mỏ Cày đã phát động nhân dân các xã Hương Mỹ, Minh Đức, Tân Trung, Cẩm Sơn, Ngãi Đăng… đồng loạt nổi dậy. Đánh giá về phong trào, đồng chí Lê Duẩn khẳng định: “Cuối năm 1959, tại nhiều nơi ở Nam Bộ, quần chúng đã vùng lên diệt ác, phá kìm, khiến cho bộ máy tề ngụy của hàng trăm thôn, xã phải tan vỡ. Đặc biệt, đêm 17-01-1960, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Bến Tre, nhân dân Mỏ Cày đã nổi dậy đồng khởi đồng loạt, mở đầu cho một cao trào mới. Từ đó, làn sóng Đồng khởi như nước vỡ bờ, lan ra toàn tỉnh Bến Tre và khắp các tỉnh ở Nam Bộ, Tây Nguyên, Trung Trung Bộ…” (6).

Ngày 28-02-1960, Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre họp sơ kết một tháng nổi dậy Đồng khởi để thống nhất quan điểm, nhận thức, yêu cầu, biện pháp trong Đảng bộ, khôi phục vai trò lãnh đạo, ý thức trách nhiệm của tỉnh ủy trước Đảng bộ và nhân dân Bến Tre. Sau hội nghị, dưới sự lãnh đạo của tỉnh ủy, phong trào cách mạng của nhân dân Bến Tre tiếp tục bùng lên mạnh mẽ. Có nhiều xã, ấp vùng duyên hải và ven sông Ba Lai, Cổ Chiên, Băng Cung của 3 huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú đã quét sạch bọn do thám, chỉ điểm ra khỏi vùng. Một số cơ sở cách mạng đã trở lại tuyên truyền vận động nhân dân, kết nối với cán bộ cấp trên để nhận chủ trương hành động. 

Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào, chứng kiến khí thế cách mạng của đồng bào, Ngô Đình Diệm ra lệnh tung lực lượng bảo an tỉnh, quận, lực lượng chủ lực về Bến Tre hòng dập tắt phong trào.

Ngày 25-3-1960, Mỹ - Diệm huy động hàng ngàn quân hỗn hợp, gồm: thủy quân lục chiến, lính dù, biệt kích có máy bay, pháo yểm trợ do Bộ Tổng Tham mưu ngụy trực tiếp chỉ huy, mở chiến dịch “Bình trị Kiến Hòa”, lấy 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh làm điểm, tập trung bao vây triệt hạ. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy và Tỉnh ủy Bến Tre, nhân dân các nơi đã kiên cường đứng dậy chống lại địch, giành nhiều thắng lợi. 

Trung tuần tháng 4-1960, Tỉnh ủy Bến Tre mở Hội nghị tại xã Châu Bình (Giồng Trôm) tổng kết phong trào của Đảng bộ và nhân dân Bến Tre thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương. Hội nghị đánh giá: Thực hiện Nghị quyết của Trung ương trong khi tình hình ở Bến Tre gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ lòng tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, tin và dựa vào dân, Đảng bộ Bến Tre đã vượt mọi khó khăn, khắc phục mọi nhược điểm quyết tâm thi hành cho kỳ được và đúng chủ trương, đường lối của Đảng. Từ tình thế bị động phòng ngự, sau 3 tháng, ta đã chuyển lên phản công, bước đầu giành thế chủ động chiến lược. Đảng bộ từ hoạt động bí mật chuyển sang hoạt động công khai. Toàn tỉnh đã có 21 xã đứng lên diệt ác, phá kìm giành quyền làm chủ và huy động lực lượng liên tục tấn công địch, xây dựng và củng cố phát triển lực lượng về mọi mặt.

Hội nghị bổ sung các đồng chí Huỳnh Thanh Mua, Nguyễn Thị Khao vào Tỉnh ủy. Gần kết thúc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Tâm Cang về Liên Tỉnh ủy nhận nhiệm vụ mới; đồng thời Hội nghị bầu bổ sung các đồng chí: Nguyễn Văn Cứng vào Tỉnh ủy, Võ Văn Phẩm làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, Nguyễn Thị Định làm Bí thư Tỉnh ủy, phụ trách công tác dân vận và phong trào đấu tranh chính trị trực diện. Với sự bổ sung nhân sự kịp thời, ban lãnh đạo Tỉnh ủy Bến Tre nhanh chóng được kiện toàn, giúp nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu rõ rệt. Vai trò của người đứng đầu Tỉnh ủy (7) tiếp tục được phát huy trong cao trào cách mạng sục sôi. 

Ngày 15-7-1960, Thường vụ Liên Tỉnh ủy miền Trung mở hội nghị sơ kết cuộc nổi dậy và tiến công đợt I. Thực hiện chủ trương của Xứ ủy Nam Bộ, hội nghị Liên Tỉnh ủy quyết định các tỉnh trong toàn khu nổi dậy trong vòng 15 ngày, kể từ ngày 23-9 đến ngày 10-10-1960.

Tại Bến Tre, sau thắng lợi của phòng trào Đồng khởi đợt I, phong trào và lực lượng cách mạng phát triển nhanh chóng, lực lượng chính trị được tổ chức chặt chẽ. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy Bến Tre đứng đầu là đồng chí Nguyễn Thị Định đã quyết định phát động đợt Đồng khởi mới theo sự chỉ đạo của Liên Tỉnh ủy, bắt đầu từ ngày 24-9-1960. Theo đó, từ chiều ngày 24-9-1960, Bến Tre bước vào Đồng khởi đợt II. Trong quá trình diễn ra Đồng khởi đợt II, đồng chí Nguyễn Thị Định cùng Ban lãnh đạo Tỉnh ủy luôn theo dõi sát sao, chỉ đạo chặt chẽ phong trào. Cả 3 mặt chính trị, binh vận, vũ trang trong tỉnh đều phát triển mạnh, tạo ra thế và lực mới cho tỉnh. Đặc biệt, phát huy sức mạnh của đấu tranh chính trị, đồng chí Nguyễn Thị Định đã chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh đấu tranh chính trị, mở nhiều đợt tấn công chính trị toàn diện, hiệp đồng thống nhất trên diện rộng toàn tỉnh giành kết quả cao nhất.

Bằng sự lãnh đạo chặt chẽ, hiệu quả của Tỉnh ủy Bến Tre đứng đầu là đồng chí Nguyễn Thị Định, tính đến cuối năm 1960, Bến Tre đã giải phóng được 51/115 xã, 21 xã giải phóng một phần. Nhân dân làm chủ hơn 300 ấp trên tổng số 500 ấp. Hệ thống kìm kẹp của địch ở nông thôn cơ bản bị phá rã; hơn 80.000 mẫu ruộng đã được chia cho nông dân nghèo, giải quyết những quyền lợi dân sinh, dân chủ của nhân dân trong thời điểm lịch sử lúc bấy giờ. 

Tấm gương sáng ngời của người cộng sản

Có thể nói, thắng lợi của phong trào Đồng khởi ở Bến Tre đã tác động mạnh mẽ và sâu sắc đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Góp phần to lớn vào thắng lợi quan trọng đó là đồng chí Nguyễn Thị Định, đại biểu ưu tú cho những phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Thượng tướng Trần Văn Trà lúc bấy giờ nhận định: “Chị Ba Định là người trực tiếp nhận nhiệm vụ của cấp trên, trực tiếp chỉ đạo triển khai tiến hành cuộc Đồng khởi ở Bến Tre. Khi nghiên cứu cụ thể và có hệ thống về cuộc Đồng khởi nổi tiếng này, tôi không khỏi ngạc nhiên về tài tổ chức, huy động lực lượng, về trình độ vạch kế hoạch và triển khai thực hiện, về nghệ thuật lãnh đạo và ứng phó với tình hình…” (8).

Sức mạnh của “Đội quân tóc dài” bắt nguồn từ nhiều nhân tố, trong đó có vai trò to lớn của đồng chí Nguyễn Thị Định. Bà trở thành người lãnh đạo và biểu tượng của “Đội quân tóc dài” trong phong trào Đồng khởi ở Bến Tre.
Trong phong trào Đồng khởi ở Bến Tre, tên tuổi đồng chí Nguyễn Thị Định còn gắn liền với “Đội quân tóc dài” do bà lãnh đạo. Ngay sau cuộc Đồng khởi nổ ra, chính quyền Sài Gòn huy động nhiều lực lượng quân sự càn quét 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp và Bình Khánh thuộc quận Mỏ Cày nhằm đè bẹp phong trào cách mạng quần chúng và tiêu diệt lực lượng vũ trang giải phóng còn đang trong thời kỳ trứng nước. Trước âm mưu đó, Tỉnh ủy Bến Tre chủ trương tập hợp lực lượng, tổ chức một cuộc đấu tranh chính trị gồm toàn chị em phụ nữ kéo lên quận Mỏ Cày với danh nghĩa “tản cư” tránh cuộc hành quân càn quét đang diễn ra. Lực lượng tham gia đấu tranh lên đến hơn 5.000 người. Bà con tràn cả vào “dinh quận trưởng”, “nhà thông tin”, các quảng trường công cộng…, vừa tố cáo tội ác của địch, vừa yêu cầu quận trưởng ra lệnh chạy chữa những người bị thương, cung cấp thuốc men, thực phẩm cho đồng bào và ra lệnh rút quân để bà con có thể trở về yên ổn làm ăn. 

Trước cảnh hàng ngàn người già, phụ nữ, trẻ em nheo nhóc, vật vạ khắp nơi, đồng bào thị trấn vô cùng xúc động. Các chị, em phụ nữ mang cơm, nước, thuốc men, tiền bạc… đến giúp đỡ. Nhiều vị tu hành, nhân sĩ kêu gọi ủng hộ bà con “tản cư”. Thậm chí, giới công chức, binh lính và cảnh sát chính quyền Sài Gòn có người còn công khai biểu lộ thái độ đồng tình với đồng bào. Trước áp lực của quần chúng, quận trưởng Mỏ Cày hứa chuyển ngay yêu sách của đồng bào lên tỉnh trưởng Bến Tre và ra lệnh giúp đỡ đồng bào để xoa dịu dư luận. Đến ngày thứ 12 của cuộc đấu tranh, chính quyền Sài Gòn phải ra lệnh rút quân. Như vậy, trước sức mạnh của những người phụ nữ không một tấc sắt trong tay, cả binh đoàn sừng sỏ của địch phải rút lui, bỏ dở cuộc hành quân. 

Thắng lợi cuộc đấu tranh đầu tiên tại Bến Tre của “Đội quân tóc dài” là minh chứng sinh động về sự sáng tạo của đường lối đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang và binh vận mà về sau đã trở thành phương châm chỉ đạo chiến lược cho phong trào Đồng khởi toàn miền Nam.

Các nhà nghiên cứu lịch sử chiến tranh cho rằng, vùng đất Bến Tre hầu như không có rừng, nhưng qua các chiến dịch càn quét tàn khốc của địch, các cơ sở đảng và lực lượng vũ trang của cách mạng vẫn giữ vững, đó là nhờ bám vào dân và được dân che chở. “Đội quân tóc dài” không chỉ là một trong những lực lượng quần chúng bảo vệ, che chở tốt nhất các cơ sở cách mạng và lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam mà còn được tổ chức trở thành một lực lượng đấu tranh trực diện với quân thù. “Đội quân tóc dài” đã kiên cường và liên tục đấu tranh phá “ấp chiến lược”, chống bình định nông thôn, chống hành quân càn quét, chống phi pháo hủy diệt và dồn dân, bắt lính của chính quyền Sài Gòn. Cùng một lúc, “Đội quân tóc dài” có thể triển khai cả 3 mũi tấn công chính trị, binh vận và vũ trang. Với phương thức tác chiến tài tình, linh hoạt, biến hóa khôn lường, “Đội quân tóc dài” được các nhà bình luận quân sự đánh giá có sức níu cánh máy bay, bịt nòng đại bác, chặn đứng chiến xa và bẻ gãy các cuộc hành quân càn quét của địch. 

Tỏ lòng tôn kính đồng chí Nguyễn Thị Định, nhân dân Hát Môn (Hà Tây cũ) đã rước bát hương của bà về thờ trong khu đền Hai Bà Trưng với niềm tự hào, ngưỡng mộ về một nữ tướng thời đại Hồ Chí Minh. Đặc biệt hơn, ở Cu-ba, có một làng mang tên Nguyễn Thị Định. Tên của bà cũng được nhiều phụ nữ trên thế giới hâm mộ, chọn đặt tên cho con.
Với những đóng góp của đồng chí Nguyễn Thị Định cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi: “Phó Tổng tư lệnh quân giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định, cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho cả miền Nam, cho cả dân tộc ta” (9). Tháng 4-1974, bà được phong hàm Thiếu tướng (10). Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bà được Đảng, Nhà nước và các tổ chức quốc tế trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu Hồ Chí Minh, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Giải thưởng Hòa bình quốc tế Lê-nin, Huân chương Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Thế giới, Huân chương của Nhà nước Lào, Huân chương BLQYQ Giron Far Solidaridal và Mariam Graj als của Nhà nước Cu-ba. Năm 1995, bà được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. 

Dù đồng chí Nguyễn Thị Định đã đi xa (ngày 26-8-1992) nhưng những cống hiến của bà cho sự nghiệp cách mạng của Việt Nam vẫn sẽ còn mãi với non sông, đất nước. Tên tuổi của bà mãi gắn với tên đất, tên đường, tên trường học, có sức lay động, lôi cuốn và thôi thúc lòng người, là nguồn cổ vũ to lớn đối với các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau./. 

--------------------------------------------------

(1) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bến Tre: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bến Tre (1930 - 2000), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 190

(2) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bến Tre: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bến Tre (1930 - 2000): Sđd, tr. 157

(3)Tham dự cuộc họp có các đồng chí: Lê Minh Đào, Nguyễn Văn Song, Trần Văn Giàu, Phạm Văn Huấn và một số đồng chí Huyện ủy Mỏ Cày

(4) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bến Tre: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bến Tre (1930 - 2000),: Sđd, tr. 159

(5) Ba xã Định Thủy, Phước Hiệp và Bình Khánh giáp ranh nhau, giống như hình chữ nhật, chiều ngang khoảng 4km, chiều dài 8km, hướng đông bắc giáp sông Hàm Luông, bao quanh ba mặt là sông Cái Quao và Định Thủy. Tiếp giáp với hai con sông theo chiều dài của 3 xã có tỉnh lộ 30

(6) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bến Tre: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bến Tre (1930 - 2000), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 190

(7) Trong lúc đồng chí Nguyễn Thị Định đang hăng hái thực hiện nhiệm vụ thì con trai bà bị bệnh mất ngày 04-5-1960. Nén lại nỗi đau thương mất mát, đồng chí Nguyễn Thị Định tiếp tục lãnh đạo phong trào “Đồng khởi” Bến Tre thắng lợi

(8) Nữ tướng Nguyễn Thị Định - Người phụ nữ huyền thoại Việt Nam, Báo Ninh Thuận, ngày 16-3-2012

(9) Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại cuộc mít tinh Kỷ niệm lần thứ 20 Ngày thành lập Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam, năm 1965

(10) Giữa năm 1961, đồng chí Nguyễn Thị Định được điều về làm Bộ Tư lệnh miền Nam cho đến cuối năm 1964 với chức danh Bí thư Đảng - Đoàn, Chủ tịch Hội Phụ nữ. Năm 1965, đồng chí được giữ chức Phó Tổng Tư lệnh quân giải phóng miền Nam đến năm 1975