Bắc Ninh: Phát huy giá trị văn hóa truyền thống quê hương trong tổ chức và quản lý lễ hội
1. Lễ hội là hoạt động văn hóa chứng tỏ tính cố kết của cộng đồng, là minh chứng sinh động cho nét đẹp văn hóa ngàn đời của ông cha ta. Đặc biệt, các lễ hội thường được diễn ra vào mùa xuân, có thời tiết mát mẻ, người dân không quá bận rộn với công việc đồng áng nên thu hút rất đông đảo nhân dân tham gia.
Bắc Ninh là một vùng đất cổ lâu đời, giàu truyền thống văn hiến và cách mạng với nhiều nét truyền thống văn hóa đặc sắc, là địa phương có nhiều di tích lịch sử văn hóa và lễ hội truyền thống tiêu biểu. Nói đến Bắc Ninh người ta nhớ ngay tới quan họ, làn điệu dân ca đã đi sâu trong tâm thức bao nhiêu người con đất Việt. Nhưng mảnh đất Bắc Ninh còn nhiều cảnh đẹp và điểm du lịch hấp dẫn khác, trong đó có thể kể đến thắng cảnh Đền Đô (nơi thờ các vị vua Lý), chùa Dâu, chùa Bút Tháp, các làng nghề truyền thống như: Gốm Phù Lãng, làng tranh Đông Hồ, làng nghề Đúc Đồng Đại Bái. Theo thống kê, trên địa bàn toàn tỉnh có 1.558 di tích, trong đó có 556 di tích đã được xếp hạng (có 04 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 193 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 359 di tích cấp tỉnh). Toàn tỉnh có 547 lễ hội lớn nhỏ, diễn ra vào tất cả các mùa trong năm, đặc biệt tập trung vào mùa xuân. Nhìn chung, các lễ hội ở Bắc Ninh về cơ bản được tổ chức trong không gian của các di tích lịch sử văn hóa cùng với việc trình diễn dân ca quan họ, ca trù, trống quân, rối nước cũng như tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống nên rất hấp dẫn người dân cũng như du khách tham gia.
Hội Lim là lễ hội truyền thống đặc sắc của Bắc Ninh, diễn ra ở đồi Lim (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) từ ngày 14 đến 16 tháng giêng âm lịch, để tưởng nhớ hai vị sư tổ của làn dân ca quan họ là Vua Bà và ông Hiếu Trung Hầu. Hai vị sư tổ đã để lại di sản cho con cháu với hơn 200 làn điệu dân ca đặc sắc, lời ca trữ tình, nồng nàn tình yêu đôi lứa. Đến với hội Lim, khách du xuân được xem và nghe hát trên đồi, hát sau chùa, hát trên thuyền và hát trong các tư gia (hát trong nhà); có thể nghe hát đối từng cặp (đôi nam - nữ), hoặc "bọn" nam - nữ. Khách hành hương, trẩy hội Lim còn được thưởng thức nhiều hoạt động văn hoá truyền thống khác của địa phương hay tham gia các trò chơi đu bay, chọi gà, chọi chim, tổ tôm điếm, đấu vật... vốn là những trò chơi cổ truyền của hội làng mà hội Lim vẫn giữ lại như một di sản.
Lễ hội Đồng Kỵ (thuộc xã Đồng Quang, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh được) tổ chức vào ngày mồng bốn tháng một âm lịch hàng năm, tuy chỉ với quy mô nhỏ nhưng luôn được người dân và du khách biết đến và đánh giá rất cao giá trị truyền thống của lễ hội. Hội rước pháo Đồng Kỵ là nghi thức truyền thống được nhiều người dân mong đợi nhất trong suốt 3 ngày hội. Vốn là một hội thi làm pháo, đốt pháo từ thời xưa để tưởng nhớ, tái hiện lại ngày Thánh Thiên Cương - vị tướng sau này được dân tôn thờ làm thành hoàng làng ra lệnh xuất quân đánh giặc. Du khách đến tham dự lễ hội có thể xem những tiết mục hát quan họ trên thuyền, diễn tuồng,... đều do dân làng dàn dựng, biểu diễn.
Là một ngôi đền cổ lâu đời, được xây dựng từ thời Lý Công Uẩn, đến nay đa số các hạng mục công trình đã được khôi phục và xây mới lại, Đền Đô là nơi thờ tám vị vua nhà Lý. Đền tọa lạc tại làng Đình Bảng, Tiên Sơn, Bắc Ninh, đây cũng là làng có làng nghề làm bánh Phu Thê truyền thống. Lễ hội Đền Đô được tổ chức vào ngày 15 tháng 3 âm lịch hàng năm, đúng ngày Lý Công Uẩn đăng quang (15- 3 năm Canh Tuất, 1010). Lễ hội Đền Đô là một lễ hội truyền thống có từ lâu đời, là nơi để những người con Đất Việt hướng về cội nguồn dân tộc, tưởng nhớ những vị vua Lý anh minh, đã có công xây dựng đất nước Việt.
Ngoài ra, nói đến Bắc Ninh còn phải nói đến những lễ hội nổi tiếng khác như lễ hội Đền Bà Chúa Kho, Lễ hội chùa Bút Tháp, Lễ hội đền và lăng Kinh Dương Vương, Lễ hội chùa Dâu, Lễ hội Ném Thượng, Lễ hội Viêm Xá,…
2. Để các hoạt động lễ hội đi vào nề nếp, ngành văn hóa, thể thao và du lịch Bắc Ninh đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường quản lý tổ chức lễ hội trên địa bàn, bảo đảm các lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, vừa đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của nhân dân, vừa là hình thức thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với tỉnh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh tích cực tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như của tỉnh, trong đó, đặc biệt là Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05-02-2015 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Sở đã ban hành Hướng dẫn số 1150/SVHTTDL-NSVHGĐ ngày 16-11-2015 về việc chỉ đạo, quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh.
Nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh tập trung nhiều nỗ lực cho công tác tuyên truyền. Sở đã chủ động tổ chức gặp mặt báo chí trung ương và địa phương nhằm tuyên truyền, giới thiệu về giá trị văn hóa của các lễ hội trên quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc, thông tin với các cơ quan truyền thông về công tác chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn tổ chức lễ hội của địa phương. Sở cũng phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trung ương và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về một số lễ hội và di tích có giá trị tiêu biểu, các nội dung về thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng đời sống văn hóa tại cộng đồng dân cư. Báo Bắc Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh cũng mở các chuyên mục chuyên đề, tăng dung lượng, thời lượng phát sóng về tình hình thực hiện nếp sống văn minh, quản lý, bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa, các phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ngành văn hóa, thể thao và du lịch Bắc Ninh cũng tăng cường công tác vận động, thuyết phục, nhất là với các phong tục đã không còn phù hợp. Ví dụ như tục “chém lợn” tại Lễ hội Ném Thượng, Sở đã phối hợp với UBND thành phố Bắc Ninh nhiều lần làm việc, tập trung chỉ đạo, tuyên truyền vận động nhân dân không tổ chức “chém lợn” giữa sân đình. Kết quả, năm 2016, Lễ hội Ném Thượng được tổ chức theo nghi thức rước lợn, sau khi rước quanh làng, “ông lợn” được đưa về khu vực riêng để mổ thịt và làm cỗ ngọc tế Thánh.
Công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên. Thanh tra ngành văn hóa, thể thao và du lịch phối hợp với các cấp chính quyền địa phương thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định tổ chức hoạt động lễ hội về thời gian, địa điểm, chương trình, nội dung, kịch bản, thành phần ban tổ chức; kiểm tra cam kết thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội và hoạt động tại các di tích, chấn chỉnh những vi phạm. Tình trạng băng đĩa không tem nhãn, tài liệu, sách, văn hóa phẩm ngoài luồng, tuyên truyền mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình lưu động như xóc đĩa, ba cây, ăn xin, trộm cắp đã giảm cơ bản và khi phát hiện đều được xử lý kịp thời, nghiêm minh.
Việc phân luồng giao thông được quan tâm và thực hiện tốt, đảm bảo giao thông thông suốt, đặc biệt, tại các lễ hội lớn, có đông người tham gia như hội Lim, lễ hội Viêm Xá, đến Bà Chúa Kho, lăng và đền thờ Kinh Dương Vương. Hiện tượng giao thông bị ách tắc như những năm trước không còn xảy ra.
Nhờ những biện pháp chủ động, tích cực, sát sao trong tổ chức và quản lý nên nhìn chung, việc tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh năm 2016 đã tuân thủ nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Các địa phương đã thành lập Ban Tổ chức lễ hội với sự tham gia của đại diện các ban, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội để trực tiếp tổ chức và quản lý các hoạt động lễ hội; chủ động xây dựng kế hoạch và chương trình lễ hội để phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên. Công tác quản lý nhà nước về lễ hội được quan tâm. Thông qua tổ chức lễ hội, hệ thống di tích được bảo vệ và phát huy giá trị.
Các địa phương gắn việc tổ chức lễ hội năm 2016 với việc đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như Hội pháo Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn; Kéo co thôn Hữu Chấp, xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh; Hát trống quân thôn Bùi Xá, xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành. Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí như hát dân ca quan họ Bắc Ninh, Múa rối nước, tổ tôm điếm, đu tiên, vật, cờ người có nội dung lành mạnh, được chú trọng phát huy trong các lễ hội.
Các huyện, thị xã, thành phố đều chú trọng thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội, tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo văn hóa truyền thống. Các phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn về người và tài sản, bảo đảm vệ sinh môi trường được triển khai thực hiện tốt. Quy hoạch không gian lễ hội được quan tâm, bảo đảm hợp lý. Các khu dịch vụ ăn uống, cửa hàng văn hóa phẩm, hoạt động giải trí được bố trí ngoài các khu di tích. Công tác vệ sinh môi trường nhìn chung được bảo đảm, địa điểm trông giữ xe và phương tiện của khách được bố trí ở nhiều nơi, thuận tiện, an toàn cho du khách.
Bên cạnh những kết quả đạt được rất cơ bản, việc tổ chức lễ hội trên địa bàn Bắc Ninh năm qua cũng còn những hạn chế cần tiếp tục khắc phục như việc đốt vàng mã, tuy đã giảm nhiều những vẫn còn một số khách dùng quá nhiều đồ mã, hàng mã trong các nghi thức tâm linh. Công tác bảo đảm vệ sinh môi trường ở một số lễ hội chưa tốt, chưa thu gom rác thải kịp thời. Một số quầy bán hàng, điểm trông giữ xe ở các lễ hội, khu di tích chưa niêm yết công khai giá cả. Hiện tượng khấn thuê, chèo kéo, tranh giành khách vẫn còn xảy ra.
3. Năm 2017 là năm kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Bắc Ninh (01-01-1997 – 01-01-2017). Đây là dịp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Bắc Ninh ôn lại truyền thống văn hiến và cách mạng của quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc; khẳng định những thành tựu nổi bật của tỉnh sau 20 năm tái lập; quảng bá tiềm năng kinh tế, văn hóa, con người, xúc tiến phát triển, giao lưu kinh tế, văn hóa của Bắc Ninh với các địa phương khác của cả nước và bạn bè quốc tế.
Chương trình kỷ niệm gồm nhiều hoạt động diễn ra dịp trước và sau Tết âm lịch Đinh Dậu 2017, trong đó có nhiều hoạt động lễ hội với mục tiêu quảng bá và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc, khơi dậy niềm tự hào, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân Bắc Ninh cùng đóng góp vào công cuộc đổi mới, xây dựng tỉnh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào những năm hai mươi của thế kỷ XXI.
Để góp phần xứng đáng vào các hoạt động kỷ niệm chung của tỉnh, ngành văn hóa, thể thao và du lịch Bắc Ninh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của địa phương về thực hiện quản lý và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa, quy định về quản lý di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn; hướng dẫn về việc chỉ đạo, quản lý và tổ chức lễ hội. Thường xuyên giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh và trung ương về giá trị lịch sử, văn hóa của các di tích, di sản, góp phần giới thiệu với khách xa gần về mục đích, ý nghĩa của các lễ hội cũng như các phong tục, tập quán của địa phương.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước, bảo đảm để các lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, phát huy được giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và người phụ trách trong việc chỉ đạo, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, nhất là trong tổ chức lễ hội. Xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Bên cạnh nỗ lực của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, để các lễ hội thực sự là ngày hội của nhân dân, có sức lôi cuốn du khách thập phương đến với Bắc Ninh, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó, mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi tổ chức đoàn thể theo chức trách nhiệm vụ của mình thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, để du khách đến với Bắc ninh cảm nhận rõ một phong cách dịch vụ chuyên nghiệp nhưng tràn đầy tình cảm, văn hóa của vùng quê văn hiến./.
Cảnh báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nguy cơ của đảng cầm quyền  (03/02/2017)
Cảnh báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nguy cơ của đảng cầm quyền  (03/02/2017)
Đã có lời giải cho bài toán nông nghiệp Việt Nam  (02/02/2017)
Điểm danh những thách thức lớn mà EU đang phải đối mặt  (02/02/2017)
Phân công chuẩn bị phiên họp thứ 7 Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (02/02/2017)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên