Phát triển các chuỗi liên kết, đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
TCCS - Là một trong những địa phương có năng lực sản xuất nông nghiệp lớn của cả nước, Hà Nội xác định phát triển chuỗi liên kết trong cung ứng, sản xuất và tiêu thụ nông sản, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô là giải pháp quan trọng đối với phát triển sản xuất nông nghiệp.
Phát triển các chuỗi liên kết
Xây dựng chuỗi liên kết trong cung ứng và tiêu thụ nông sản chiếm vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển sản xuất nông nghiệp. Xác định đây là “chìa khoá” thúc đẩy phát triển nông nghiệp, năm 2018, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội. Nghị quyết đưa ra nhiều hỗ trợ, ưu đãi nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó chú trọng hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Cụ thể, nghị quyết quy định nội dung và mức hỗ trợ về chi phí tư vấn xây dựng liên kết; hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết; hỗ trợ xây dựng mô hình khuyến nông; hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm 3 vụ hoặc 3 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm thông qua dịch vụ tập trung của hợp tác xã; Ngân sách hỗ trợ 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi. Nghị quyết số 27/NQ-HĐND, ngày 8-12-2021, về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 cũng nhấn mạnh: thực hiện tốt “liên kết 4 nhà” và tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng; hình thành chuỗi liên kết, tiêu thụ trong và ngoài thành phố.
Theo đó, những năm qua, Hà Nội ưu tiên phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản, đặc biệt đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố. Trên địa bàn Hà Nội, nhiều mô hình liên kết chuỗi được xây dựng thành công, phát triển các chuỗi nông sản chủ lực như lúa gạo, rau màu, hoa, bưởi, dược liệu,… hoạt động hiệu quả, tạo được bước chuyển biến tích cực cho nông nghiệp. Có thể kể đến chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm gạo chất lượng cao Khu Cháy của Hợp tác xã sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (huyện Ứng Hòa); Chuỗi rau của Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ), hay một số chuỗi liên kết chăn nuôi hoạt động hiệu quả sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm của Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai), chuỗi tiêu thụ sản phẩm trứng gà, lấy thương hiệu trứng sạch Tiên Viên (huyện Chương Mỹ)…
Theo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội), giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn thành phố xây dựng được 141 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Tính đến hết tháng 12-2021, trên địa bàn Hà Nội có 145 chuỗi đang hoạt động; trong đó có 52 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc từ sản phẩm chăn nuôi, 93 chuỗi có nguồn gốc từ sản phẩm trồng trọt. Hình thức liên kết các chuỗi đa dạng và đều gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hình thức này bảo đảm cho các thành phần kinh tế tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, do đó thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ tham gia liên kết hợp tác xây dựng.
Có thể nói, các chuỗi liên kết mang lại hiệu quả thiết thực cho người sản xuất và người tiêu dùng, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng của ngành nông nghiệp Thủ đô theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững. Điểm nổi bật là nhiều chuỗi liên kết lấy hợp tác xã làm cầu nối để liên kết người dân, doanh nghiệp, bảo đảm ổn định từ đầu vào đến đầu ra. Chính vì vậy, sản phẩm được sản xuất từ các chuỗi được bảo đảm về chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng. Đồng thời, nhờ các chuỗi liên kết, sản phẩm nhanh chóng được đưa ra thị trường, phân phối tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đến tay người tiêu dùng. Cũng nhờ các chuỗi liên kết, sản phẩm dễ gây dựng được thương hiệu, được quảng bá, khẳng định thương hiệu trên thị trường, góp phần đưa Hà Nội trở thành đơn vị dẫn đầu cả nước về số sản phẩm OCOP (Mỗi xã/phường một sản phẩm) và số sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ
Phát triển các chuỗi liên kết trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Hà Nội cũng chú trọng quảng bá sản phẩm nông nghiệp của Thủ đô. Các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm được thành phố quan tâm tổ chức. Thông qua các sự kiện, Hà Nội quảng bá, xúc tiến thương mại, giúp các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP nói riêng, sản phẩm nông nghiệp của Thủ đô nói chung đến người tiêu dùng; đồng thời phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn nông, lâm, thủy sản giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố, khai thác sản phẩm thế mạnh của các địa phương khác. Tính đến nay, Hà Nội đã phối hợp với 43 tỉnh, thành phố phát triển được tổng số 926 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho người dân. Sơn La, Lào Cai, Hòa Bình, Hưng Yên,… là các tỉnh phát triển được nhiều chuỗi đưa về Hà Nội tiêu thụ. Công tác phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành của Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ thực phẩm nông, lâm, thủy sản được thực hiện thường xuyên, góp phần quan trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường và người dân Thủ đô.
Giá trị của các chuỗi liên kết là rõ ràng, song việc phát triển các chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ở Hà Nội vẫn còn một số hạn chế. Một trong những hạn chế đáng chú ý là tính bền vững của các các chuỗi liên kết chưa cao, có thể thấy rõ ở chuỗi liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Thực tế cho thấy, chuỗi liên kết này vẫn lỏng lẻo theo hình thức “thuận mua, vừa bán”, dẫn đến hợp đồng liên kết dễ bị phá vỡ.
Dù còn những vướng mắc, thách thức nhất định, song Hà Nội xác định tiếp tục mở rộng và phát triển các chuỗi liên kết. Để phát huy những kết quả đạt được, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, tồn tại, theo các chuyên gia, Hà Nội cần tập trung vào một số giải pháp sau.
Một là, tăng cường công tác truyền thông quảng bá trên các phương tiện thông tin truyền thông của Trung ương và thành phố về gương điển hình tiên tiến, các mô hình làm tốt để kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất, người tiêu thụ.
Hai là, thành phố tiếp tục có những chính sách ưu đãi sản xuất hàng hóa chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng chuỗi liên kết hiệu quả; hỗ trợ kết cấu hạ tầng, máy móc thiết bị, kho tàng, nhà xưởng chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng phục vụ hệ thống phân phối của các doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu.
Ba là, tổ chức các hội chợ, triển lãm, chương trình xúc tiến đầu tư quảng bá sản phẩm nông nghiệp. Hỗ trợ nông dân, hợp tác xã tham gia các chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm. Tổ chức đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn. Ðẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, chứng nhận chất lượng nông sản.
Bốn là, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý và chính sách hỗ trợ theo hướng rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đề xuất Trung ương và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội sửa đổi, bổ sung những nội dung còn thiếu và những nội dung chưa phù hợp, nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách để thu hút sự tham gia mạnh mẽ hơn của các doanh nghiệp và hợp tác xã vào phát triển liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp./.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền tảng chính quyền điện tử ở thành phố Hà Nội  (28/09/2022)
Sự đồng thuận xã hội - yếu tố góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội  (28/09/2022)
Hà Nội: Phát triển kinh tế làng nghề từ du lịch và sản phẩm OCOP  (27/09/2022)
Phát triển kinh tế - xã hội xứng tầm với vị thế Thủ đô trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19  (27/09/2022)
Ô nhiễm môi trường ở Hà Nội: Thực trạng và giải pháp  (25/09/2022)
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Quản lý văn phòng đại diện của các cơ quan báo chí tại khu vực miền Trung hiện nay
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay