Hà Nội: Đẩy mạnh hội nhập, tạo sức bật mới cho Thủ đô
TCCS - Hà Nội tự hào là nơi hội tụ và tỏa sáng của vùng đất địa linh nhân kiệt, một “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, là “Thành phố vì hòa bình” và nay Hà Nội là “Thành phố sáng tạo”. Đây chính là nguồn sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tạo sức bật mới cho Thủ đô trong giai đoạn tới.
Hà Nội - Cầu nối hữu nghị quốc tế
Là trung tâm chính trị đầu não, trung tâm ngoại giao lớn của quốc gia, Hà Nội đã được chọn là nơi tổ chức các hội nghị quốc tế, tiếp đón các đoàn ngoại giao trên thế giới đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Cụ thể, Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 9-2018. Đây là một trong những hội nghị quan trọng nhất của WEF trong khu vực, thu hút sự tham dự của lãnh đạo của các nước ASEAN và khu vực cũng như nhiều chuyên gia, học giả, các tổ chức quốc tế và đông đảo lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới. Vì vậy, công tác chuẩn bị nội dung, hậu cần, thông tin tuyên truyền được thành phố Hà Nội chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm bảo đảm tổ chức hội nghị thành công toàn diện. Bên cạnh đó, vào tháng 12-2020, Hà Nội cũng là nơi tổ chức Hội nghị quốc tế G20 và các nước ASEAN về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với sự góp mặt của nhiều lãnh đạo cấp cao trong khu vực. Có thể nói, Hà Nội chính là cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đóng một vai trò quan trọng trong công tác đối ngoại của quốc gia, xứng đáng với danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng năm 1999.
Đáng chú ý, Hà Nội đã chủ động thúc đẩy và đứng ra tổ chức cuộc gặp Thượng định Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai (năm 2019), thể hiện rõ vai trò tích cực trong đóng góp vào hòa bình, ổn định khu vực và thế giới, đồng thời quảng bá thành công với bạn bè quốc tế về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và Hà Nội. Sự kiện này tạo nền tảng cho Thủ đô có sức bật mới, đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Từ đó, nhiều nước đã tiếp cận và mong muốn Việt Nam phát huy vai trò hòa giải một số vấn đề của khu vực, thể hiện sự thành công lớn của Hà Nội trong vai trò cầu nối hữu nghị, thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng với các quốc gia trên thế giới.
Tăng cường hội nhập, tạo sức bật mới cho Thủ đô
Hà Nội tự hào là điểm đến hấp dẫn, an toàn cho các nhà đầu tư quốc tế, được khẳng định qua việc tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”. Hội nghị mang ý nghĩa biểu tượng, lan tỏa mạnh mẽ trong bối cảnh thế giới đang phải đối phó với những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, đồng thời khẳng định năng lực, uy tín của Hà Nội trong các sự kiện lớn. Đây cũng là cơ sở để các nhà đầu tư lựa chọn Thủ đô nhờ môi trường hòa bình và ổn định. Đặc biệt, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2019 tại Hà Nội đạt 8,67 tỷ USD, cao nhất sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập, đồng thời là năm thứ hai liên tiếp Hà Nội dẫn đầu cả nước. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tại Hà Nội đóng góp 12,8% về vốn, 10,4% về thu ngân sách của cả nước(1) và góp phần tích cực chuyển giao công nghệ, tạo việc làm và đào tạo kỹ năng cho người lao động, tham gia vào mạng sản xuất chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, thành phố đã đẩy mạnh hợp tác toàn diện, mở rộng không gian liên kết kinh tế vùng nhằm tạo tiền đề vững chắc cho quan hệ đối ngoại, hội nhập, hợp tác phát triển tiếp tục được mở rộng, bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả, nâng cao vị thế của Thủ đô trong khu vực và thế giới.
Không chỉ vậy, nhờ củng cố quan hệ ngoại giao, tăng cường hội nhập, Hà Nội đã thành công trong việc quảng bá hình ảnh Thủ đô là một điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch nước ngoài qua việc ký kết chương trình hợp tác với kênh truyền hình CNN của Mỹ kể từ năm 2017. Qua kênh thông tin tầm cỡ quốc tế với hàng tỷ người theo dõi, hình ảnh Thủ đô Hà Nội hiện lên trong mắt bạn bè quốc tế bình dị, gần gũi mà mang đậm hơi thở của vùng đất nghìn năm văn hiến. Bên cạnh đó, sau hai thập niên nhận được danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, Hà Nội một lần nữa vinh dự trở thành thành viên chính thức của “Mạng lưới thành phố sáng tạo” của UNESCO vào ngày 30-10-2019. Sự ghi nhận này đã trở thành nguồn sức mạnh to lớn, là cơ hội thuận lợi cho Hà Nội trong việc nâng cao vị thế Thủ đô, quảng bá hình ảnh và hướng tới trở thành thành phố sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, trở thành điểm đến tri thức và sáng tạo trên thế giới.
Mục tiêu hội nhập quốc tế của Hà Nội trong giai đoạn tới
Với những thành tựu đã đạt được trong công tác đối ngoại, Hà Nội tiếp tục chủ động tham gia làm cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam và thế giới nhằm phát huy tối đa vai trò của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế trong những vấn đề quan trọng có tầm chiến lược, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện cụ thể. Bên cạnh đó, tiếp tục thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt và hiệu quả vì lợi ích quốc gia, dân tộc cũng là nhiệm vụ mà Hà Nội cần triển khai trong thời gian tới. Đặc biệt, Hà Nội cần chú trọng gắn kết chặt chẽ quá trình hội nhập quốc tế với việc nâng cao sức mạnh tổng hợp và tận dụng tiềm năng vốn có của thành phố. Hà Nội cũng chú trọng mở rộng quan hệ và đẩy mạnh hợp tác với các lực lượng chính trị, xã hội và nhân dân toàn cầu, phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội của đất nước, xứng đáng với danh hiệu trung tâm chính trị, kinh tế, ngoại giao đầu não của quốc gia.
Ngoài việc tăng cường công tác đối ngoại, thành phố đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập quốc tế trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch, môi trường, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo và các lĩnh vực khác. Trong thời gian qua, Hà Nội đã thu hút nhiều dự án đầu tư FDI từ các tập đoàn và quốc gia lớn trên thế giới, là miền đất lành cho nhiều nhà đầu tư châu Âu, Trung Quốc, các nước ASEAN… cũng như nhiều nhà đầu tư trong nước trong khí thế mới, quyết tâm mới. Điều này góp phần nâng cao môi trường, cơ sở hạ tầng và đời sống dân cư tại thành phố. Vì vậy, mục tiêu của Hà Nội trong giai đoạn tới là sánh ngang với các Thủ đô, thành phố lớn trong khu vực và trên thế giới - một mục tiêu lớn được đặt ra cho cấp ủy chính quyền và nhân dân Thủ đô. Theo đó, Hà Nội cần tận dụng hiệu quả cơ hội từ hội nhập quốc tế sâu rộng để làm sức bật cho Thủ đô, cụ thể là tăng cường thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực kinh tế. Hơn nữa, xây dựng chính sách khuyến khích FDI qua việc cải cách hành chính và đào tạo nhân lực cũng được tích cực triển khai nhằm thu hút đầu tư cho thành phố, đồng thời thành phố cần chuẩn bị nhân lực thông qua tiếp thu kiến thức và kỹ năng, cần tăng cường hợp tác công và tư, kỹ năng có tính phức hợp cao. Với nền tảng này, Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy được thế mạnh và vai trò của mình là cầu nối hữu nghị quốc gia, “Thành phố vì hòa bình” hay “Thành phố sáng tạo”, nâng cao vị thế Thủ đô trong mắt bạn bè quốc tế./.
---------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nxb Thông tấn, Hà Nội, 2020
Đạo đức sinh thái trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế  (16/11/2021)
Hà Nội tăng cường chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong hội nhập quốc tế  (02/11/2021)
Hà Nội xác định hội nhập quốc tế là động lực của sự phát triển bền vững  (23/10/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay