Thực hiện tốt lời dạy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quyết tâm xây dựng tỉnh Quảng Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh

TS. CAO VĂN ĐỊNH
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình
13:32, ngày 21-08-2021

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một vị tướng huyền thoại, nhà quân sự, chiến lược thiên tài, nhà lãnh đạo mẫu mực về đạo đức cách mạng, đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của ông (25-8-1911 - 25-8-2021) là dịp để cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước tưởng nhớ và tri ân những công lao, đóng góp to lớn của ông đối với Đảng và dân tộc; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình ghi nhớ và thực hiện tốt lời dạy của Đại tướng, quyết tâm xây dựng tỉnh Quảng Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh.

1- Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo, giàu lòng yêu nước ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Từ nhỏ, ông đã tiếp thu truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, quê hương, đất nước. Trong quá trình hoạt động cách mạng, Võ Nguyên Giáp được sống, công tác gần gũi với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người đến việc việc hình thành, phát triển nhân cách, đạo đức cách mạng của mình.

Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu kế hoạch tác chiến và mở Chiến dịch Điện Biên Phủ_Ảnh: TTXVN

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một chiến sĩ cách mạng kiên trung, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam đã có công lớn xây dựng một đội quân hùng mạnh, góp phần quyết định cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhắc đến ông là nhớ đến một thiên tài quân sự, người có công lao to lớn góp phần vào việc hình thành và phát triển học thuyết quân sự - đường lối chiến tranh nhân dân độc đáo của Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Không chỉ là một thiên tài quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là nhà lãnh đạo mẫu mực về đạo đức cách mạng, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước, nhân dân, quân đội và bạn bè quốc tế. Ở ông luôn sáng ngời phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng tiên phong, với ý chí, bản lĩnh kiên cường, không chịu khuất phục trước khó khăn, thử thách. Với phương châm “dĩ công vi thượng”; “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, quán triệt và thực hiện đầy đủ, trọn vẹn 6 đức tính cần phải có của một người làm tướng là “Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành một tấm gương mẫu mực về tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân theo lời dạy của Bác Hồ.

Với quê hương Quảng Bình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người con chí hiếu, chí tình. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, ông luôn dành cho Quảng Bình những tình cảm sâu nặng. Với tinh thần trách nhiệm cao cả, mỗi lần về thăm quê, ông luôn có những ý kiến quý báu cho nhân dân và Đảng bộ tỉnh nhà trong chiến đấu, sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Quảng Bình ngày càng giàu đẹp. Bước chân của ông đến đâu cũng để lại trong lòng nhân dân, cán bộ, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các anh hùng, chiến sĩ nhiều tình cảm sâu nặng. Trong tim ông luôn mong muốn quê hương Quảng Bình một thời nổi danh “hai giỏi” sẽ vươn lên giàu đẹp, văn minh.

Ghi nhớ và thực hiện lời căn dặn của ông, từ những năm tháng chiến tranh trường kỳ gian khổ cho đến ngày hòa bình lập lại và tiến hành công cuộc đổi mới, nhân dân, Đảng bộ, chính quyền và lực lượng vũ trang Quảng Bình luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng, đổi mới, sáng tạo, tự lực, tự cường đưa sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà ngày một đi lên. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cao trào “Quảng Bình quật khởi” đã trở thành niềm tự hào, nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, cổ vũ quân và dân Quảng Bình đoàn kết, chiến đấu kiên cường phá tan thế kìm kẹp của kẻ thù, mở rộng vùng giải phóng, cùng cả nước đưa sự nghiệp kháng chiến “toàn dân, toàn diện” đi đến thắng lợi, góp phần cùng cả nước đánh bại thực dân Pháp xâm lược, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân Quảng Bình bắt tay vào khôi phục, phát triển kinh tế. Đây là giai đoạn cả nước biết đến Quảng Bình, nơi đã làm nên “Gió Đại Phong”, ngọn cờ đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa trong sản xuất nông nghiệp. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, vượt lên mưa bom, bão đạn của quân thù, quân và dân Quảng Bình đã gan vàng, dạ sắt, quyết tâm “Nhà tan, cửa nát cũng ừ/Đánh thắng giặc Mỹ cực chừ, sướng sau”; “Xe chưa qua, nhà không tiếc/Đường chưa thông không tiếc máu xương” vì mục tiêu cao cả của thời đại “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thân mật nói chuyện với Anh hùng ngành giao thông vận tải Nguyễn Thị Suốt (quê xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước, tại Hà Nội, ngày 28-12-1966_Ảnh: TTXVN

Vượt lên mọi gian khổ, hy sinh và cả sự ác liệt, tàn khốc của chiến tranh, Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình đã kế thừa tinh thần quật khởi để làm nên phong trào thi đua “Hai giỏi” (chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi) - một biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, mãi mãi đi vào lịch sử chiến tranh cách mạng của dân tộc; hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ thiêng liêng đối với cả nước, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Sau ngày tái lập tỉnh (năm 1989), Quảng Bình phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, hầu như phải bắt tay xây dựng lại từ đầu. Kinh tế - xã hội trong tình trạng khủng hoảng, kém phát triển, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, xuất phát điểm thấp, đời sống, việc làm của nhân dân rất khó khăn. Đến nay, qua 32 năm tái lập tỉnh, hòa mình vào sự nghiệp đổi mới của đất nước, Quảng Bình đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; quốc phòng, an ninh được giữ vững, tăng cường; kinh tế tăng trưởng khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, dịch vụ, thương mại và du lịch. Diện mạo tỉnh nhà từ thành thị đến nông thôn có nhiều đổi mới, diện mạo nhiều vùng quê đã có sự thay đổi rõ rệt.

Đặc biệt, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, nhân dân và Đảng bộ tỉnh Quảng Bình đã nỗ lực phấn đấu, quyết liệt hành động, vượt qua nhiều khó khăn, đạt được những thành tựu rất quan trọng; hoàn thành và hoàn thành vượt mức 18/21 chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Kinh tế ổn định và liên tục tăng trưởng, GRDP bình quân 5 năm tăng 6,13%, thể hiện sự nỗ lực rất lớn trong điều kiện sự cố môi trường biển, thiên tai, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; cơ cấu lại các ngành kinh tế đạt kết quả tích cực; du lịch phát triển nhanh, khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; kết cấu hạ tầng ngày càng đồng bộ; thu ngân sách đạt khá; xây dựng nông thôn mới đạt kết quả quan trọng. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện đáng kể. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường được chú trọng. Lĩnh vực văn hóa, giáo dục và đào tạo, y tế, giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống nhân dân được cải thiện. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được tăng cường; trật tự, an toàn xã hội giữ vững; hoạt động đối ngoại ngày càng có hiệu quả. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được chú trọng; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng cao; giữ vững đoàn kết nội bộ. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị khóa XII, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Quy định số 01-QĐ/TU, ngày 3-3-2016, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, “Về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao” đạt được nhiều kết quả quan trọng. Phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc của cấp ủy các cấp có nhiều đổi mới; có nhiều cách làm hay trong tuyển chọn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Công tác kiểm tra, giám sát, nội chính, dân vận được đẩy mạnh. Hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp ngày càng nâng lên; cải cách hành chính, cải cách tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực. Nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên đổi mới; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường.

Các em học sinh huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình tặng hoa Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần về thăm quê_Nguồn: quangbinh.gov.vn

2- Phát huy truyền thống cách mạng, thực hiện tốt lời dạy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về xây dựng tỉnh Quảng Bình giàu đẹp, văn minh, trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường xuyên quan tâm. Ông nhấn mạnh, phải xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, giữ vững nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, xa rời quần chúng; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực,… Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2005 - 2010, những lời căn dặn của ông cũng là những vấn đề mang tính chiến lược và thiết thực đặt ra cho Đại hội xem xét, quyết định: Tỉnh Quảng Bình đã có truyền thống hết sức vẻ vang, trong kháng chiến đã được Bác Hồ khen: “Quảng Bình chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi”. Phát huy truyền thống đó, ngày nay chúng ta phải quyết tâm chiến đấu thắng bằng được nghèo nàn lạc hậu, vươn lên xây dựng cuộc sống mới ngày càng giàu mạnh, văn minh. Muốn vậy, tôi thấy vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với tỉnh là phải không ngừng tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong nhân dân, trước hết là trong cấp ủy. Phải coi trọng công tác cán bộ, chú trọng bồi dưỡng, đào tạo thế hệ trẻ; sử dụng những cán bộ thực sự có đức, có tài.

Trong giai đoạn hiện nay, để thực hiện tốt lời căn dặn của Đại tướng, các cấp ủy, tổ chức đảng phải phát huy cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu về nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng, tuyên truyền; chú trọng công tác giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới cho cán bộ, đảng viên; đồng thời, phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Ðể thực hiện được khát vọng đó, phải tập trung xây dựng nhân tố con người, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có khát vọng, hoài bão và năng lực nổi trội, luôn tìm tòi đổi mới, sáng tạo, có sản phẩm cụ thể, uy tín cao, thực sự tiên phong, gương mẫu, trung thực. Xây dựng các chương trình thu hút cán bộ giỏi, xuất sắc; hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đổi mới và tạo chuyển biến rõ nét trong công tác cán bộ. Kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Rà soát, đánh giá, bố trí cán bộ đứng đầu cơ quan, ngành, lĩnh vực trọng yếu bảo đảm đúng tầm, đủ sức chỉ đạo, điều hành nhằm tạo bứt phá cho sự phát triển. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những lệch lạc, xử lý nghiêm vi phạm; kiên quyết thay thế cán bộ yếu kém, làm việc cầm chừng, hiệu quả thấp.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng thăm hỏi, động viên công nhân lao động tại Khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình_Ảnh: TTXVN

Hai là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động và phát huy hiệu quả mọi nguồn lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Chăm lo xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội để nâng cao đời sống nhân dân là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng được cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm và đó cũng là vấn đề mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn đau đáu trong lòng để làm sao đưa Quảng Bình đi lên thoát nghèo. Trong lần về thăm quê sau những ngày đầu tái lập tỉnh, nhận thấy tình hình kinh tế - xã hội tỉnh nhà đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức, ông căn dặn: Tỉnh nhà mới lập lại, được Trung ương hết sức giúp đỡ đó là thuận lợi lớn. Muốn ổn định tình hình trước hết phải chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, chăm lo gia đình chính sách, neo đơn; yêu cầu mỗi huyện, mỗi xã phải kiểm tra lại mức sống của mỗi gia đình để có biện pháp giúp đỡ cần thiết. Về kinh tế, muốn đi lên thì phải phát triển kinh tế hàng hóa, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, nếu độc canh, độc nông thì nghèo; nghiên cứu để phát triển kinh tế vùng gò đồi.

Hiện nay, để huy động và phát huy hiệu quả mọi nguồn lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cấp ủy các cấp cần tăng cường chỉ đạo đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội. Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất; đổi mới sáng tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Phát triển mạnh các thành phần kinh tế, loại hình doanh nghiệp, các yếu tố thị trường, các loại thị trường. Cơ cấu ngành công nghiệp dựa vào lợi thế so sánh và tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ. Thí điểm hình thành một số mô hình cụm liên kết trong các ngành công nghiệp ưu tiên. Phát triển sản xuất công nghiệp quy mô lớn tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, ưu tiên những ngành có lợi thế, giá trị gia tăng. Xây dựng, định vị thương hiệu du lịch của tỉnh gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc.

Ba là, chú trọng xây dựng, phát triển con người, văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ.

Tỉnh Quảng Bình là vùng đất giàu tiềm năng và thế mạnh về văn hóa; con người Quảng Bình giàu lòng yêu nước, thông minh, cần cù, chịu khó. Những năm qua, bên cạnh đẩy mạnh phát triển kinh tế, tỉnh Quảng Bình tập trung đầu tư xây dựng, phát triển văn hóa, con người Quảng Bình, đem lại những kết quả tích cực trong xây dựng nền văn hóa mới trên địa bàn; đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng, phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ.

Trong mỗi lần về thăm quê hay gửi thư cho tỉnh nhà, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn nhắc tỉnh cần quan tâm phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, chăm lo nguồn lực để phát triển bền vững. Năm 2002, về thăm quê, đến nói chuyện với thầy và trò Trường Trung học phổ thông chuyên Quảng Bình (nay là Trường Trung học phổ thông chuyên Võ Nguyên Giáp), Đại tướng ân cần dặn dò thầy và trò nhà trường phải nhận thức “tri thức là của cải quý nhất của con người, của dân tộc và của nhân loại” và chúc các cô giáo, thầy giáo ra sức dạy giỏi, các em học sinh học giỏi, trở thành một trường chuyên gương mẫu, đào tạo nhân tài cho tỉnh nhà và cả nước.

Diện mạo thành phố Đồng Hới, tỉnh quảng Bình hôm nay_Ảnh: Nguyễn Chiến

Trong tình hình hiện nay, để xây dựng, phát triển con người, văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng, phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, cần gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Cấp ủy các cấp cần đề cao tính tiên phong, gương mẫu trong văn hóa ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; đồng thời, phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong xây dựng môi trường văn hóa, con người. Nâng cao sức khỏe cho người dân cả về tầm vóc, thể chất, tinh thần, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống. Thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, nhất là trong các ngành, lĩnh vực chủ yếu; chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động. Phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chú trọng phát hiện, phát huy nhân tài; đổi mới chế độ tuyển dụng, trọng dụng nhân tài; phát huy có hiệu quả sự đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia giỏi là người Quảng Bình ở trong nước và nước ngoài. Xây dựng chính sách vượt trội để khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chính của tăng trưởng kinh tế.

Bốn là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thực hiện cải cách tư pháp; tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Năm 1992, trong chuyến về thăm quê sau khi tỉnh Quảng Bình trở về địa giới cũ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có buổi làm việc và dành cho lãnh đạo tỉnh những lời tâm sự chân tình. Ông chỉ rõ: Niềm tin bị xói mòn là điều rất không tốt cho lãnh đạo. Cán bộ phải lấy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà rèn luyện, phấn đấu... Thực hiện lời dạy đó, trong tình hình hiện nay, để củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; kết hợp chặt chẽ cải cách hành chính với ứng dụng công nghệ thông tin, chính quyền điện tử. Tổ chức đối thoại giữa chính quyền với nhà đầu tư, doanh nghiệp theo chuyên đề, có trọng tâm, trọng điểm. Triển khai quyết liệt, có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Xử lý nghiêm, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Năm là, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.

Trong lần về thăm quê năm 1999, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh đến vấn đề đại đoàn kết. Ông nói: Phải xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, không đoàn kết thì không làm gì được. Để thực hiện tốt lời căn dặn đó, cần đề cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị về phát huy dân chủ và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, quyền làm chủ của nhân dân. Mở rộng và nâng cao các hình thức dân chủ trực tiếp. Cụ thể hóa, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Thường xuyên đối thoại trực tiếp với người dân, tiếp thu ý kiến, giải quyết khó khăn, vướng mắc của người dân. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về dân chủ, thực hành dân chủ cho đoàn viên, hội viên và nhân dân để tự giác thực hiện đúng quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo sự đồng thuận xã hội; phát động các phong trào thi đua sâu rộng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đối ngoại, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị./.