Thành phố Hà Nội thúc đẩy các dự án đầu tư công
TCCS - Với 93,07% đại biểu tán thành, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của Thành phố. 10 dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố được phê duyệt với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 2.123 tỷ đồng.
Giảm hơn 11.300 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư công trung hạn
Thông qua duyệt ngân sách chi cho các dự án công, thành phố Hà Nội đã lên danh sách các dự án đầu tư 2020 gồm: Xây dựng Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận Bắc Từ Liêm; nâng cấp, mở rộng quốc lộ 32 trên địa bàn huyện Ba Vì - giai đoạn 1 (qua thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì); nâng cấp, mở rộng quốc lộ 21B đoạn từ thị trấn Kim Bài tới nút giao ngã tư Vác, huyện Thanh Oai; cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 413 đoạn từ Km0+00 đến Km5+900, thị xã Sơn Tây; cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 414 (đoạn từ ngã ba Vị Thủy đi Xuân Khanh), thị xã Sơn Tây; xây dựng, khớp nối đường giao thông khu chức năng đô thị Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm; giải phóng mặt bằng và xây dựng hàng rào bảo vệ khu đất 3A1, 3A2 các phường Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm để bàn giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; cải tạo, nâng cấp trạm bơm tiêu Đầm Buộm, huyện Chương Mỹ; cải tạo, nâng cấp trạm bơm tiêu Nhân Lý, huyện Chương Mỹ; cải tạo, nâng cấp trạm bơm tưới Đức Môn, huyện Mỹ Đức.
Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư và các đơn vị liên quan rà soát, chuẩn xác quy mô, nội dung đầu tư, lựa chọn phương án, giải pháp kỹ thuật phù hợp, đảm bảo tránh trùng lặp, tiết kiệm, hiệu quả và tổ chức thực hiện; trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Hội đồng nhân dân Thành phố cũng thông qua Nghị quyết cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 cấp thành phố điều chỉnh giảm 11.307 tỷ đồng (so với nguồn vốn được Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua tại Nghị quyết số 08/NQ-HĐND, ngày 4-12-2018).
Trong nghị quyết có nội dung đưa dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo vào danh mục dự án đầu tư từ vốn vay của chính quyền địa phương (sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài).
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, dự án này đang trong quá trình thực hiện các thủ tục để phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến điều chỉnh là 35.679 tỷ đồng, làm tăng mức vốn vay mà Thành phố phải thực hiện vay lại của Chính phủ cũng như tăng phần vốn đối ứng mà ngân sách Thành phố phải bảo đảm.
Trong điều kiện cân đối các nguồn lực của thành phố hiện nay, UBND thành phố cho rằng, việc sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài cho dự án không vượt quá hạn mức vay của thành phố, khả năng cân đối ngân sách thành phố để đáp ứng nhu cầu vốn đối ứng cho dự án phù hợp với dự kiến kế hoạch tài chính trung hạn của thành phố giai đoạn 2021 - 2025.
Chỉ rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp khắc phục “giải ngân chậm”
Nhiều đại biểu Hội đồng nhân dân đề nghị Ủy ban nhân dân báo cáo nguyên nhân vì sao vốn đầu tư xây dựng cơ bản thời gian qua giải ngân chậm, nhiều dự án chậm tiến độ, không sử dụng hiệu quả nguồn lực của Thành phố?
Làm rõ nội dung này, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Nguyễn Doãn Toản cho biết, trong báo cáo đánh giá kinh tế - xã hội, đầu tư công, cập nhật đầu tư công trung hạn trình kỳ họp thứ mười một Hội đồng nhân dân Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố đã báo cáo rõ 4 nhóm nguyên nhân khách quan và 4 nguyên nhân chủ quan dẫn đến tiến độ thực hiện các dự án xây dựng cơ bản chậm, trong đó có vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB); chủ đầu tư thiếu quyết liệt; năng lực một số chủ đầu tư còn hạn chế; sự phối hợp của các sở, ban, ngành, quận, huyện trong quá trình triển khai dự án đôi lúc, có nơi chưa chặt chẽ, dẫn đến tiến độ dự án đầu tư công chậm.
“Đặc biệt, theo quy định của Luật Đầu tư công, có nhiều thủ tục, quy trình phức tạp hơn thời gian trước đây, từ chủ trương đầu tư đến quyết định đầu tư, điều hòa vốn đều phải tuân theo quy trình chặt chẽ hơn nên ảnh hưởng đến tiến độ”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố cho biết thêm.
Để đẩy nhanh tiến độ, thời gian tới, thành phố đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường định kỳ giao ban hằng tháng, hằng quý với các chủ đầu tư, các cơ quan chuyên môn để kịp thời tháo gỡ thủ tục khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án, GPMB, đặc biệt thực hiện giải ngân, thanh quyết toán kịp thời.
Thành phố yêu cầu các chủ đầu tư đề ra tiến độ cụ thể, chi tiết để kiểm đếm theo tiến độ từng dự án.
Ngoài ra, công việc rất quan trọng, quyết định khâu giải ngân vốn đầu tư là GPMB. Thành phố đã có nhiều cải cách hành chính liên quan đến công tác này, đặc biệt tăng cường phân cấp cho chủ tịch ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã để tạo điều kiện thuận lợi hơn trong chỉ đạo điều hành. Trong định giá đất bồi thường, Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về chính sách.
Tiếp tục bổ sung cho các huyện 1.260 tỷ đồng
Thông tin tới các đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố về việc quan tâm hỗ trợ các huyện khó khăn, xa trung tâm (Phú Xuyên, Ba Vì, Mỹ Đức...) để hoàn thành các chỉ tiêu trường chuẩn quốc gia và xóa hộ nghèo vào năm 2020, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố cho biết, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, thành phố đã hỗ trợ các huyện, thị xã tổng số vốn 15.900 tỷ đồng từ nguồn cho các mục tiêu, nguồn xổ số kiến thiết và hỗ trợ theo các buổi làm việc của lãnh đạo thành phố với các quận, huyện.
Tại kỳ họp này, Thành phố tiếp tục trình Hội đồng nhân dân quan tâm bổ sung cho các huyện 1.260 tỷ đồng. Trong tổng số nguồn vốn hỗ trợ nêu trên, huyện Ba Vì được hỗ trợ 1.462 tỷ đồng, huyện Mỹ Đức 861 tỷ đồng và huyện Phú Xuyên 712 tỷ đồng.
Riêng lĩnh vực trường học, trong giai đoạn 2016 - 2020, thành phố hỗ trợ các huyện, thị xã 9.000 tỷ đồng, trong đó huyện Phú Xuyên được hỗ trợ 289 tỷ đồng; huyện Ba Vì 929,3 tỷ đồng và huyện Mỹ Đức 361 tỷ đồng.
Để hoàn thành các chỉ tiêu trường chuẩn, xóa hộ nghèo vào năm 2020, theo nghị quyết đại hội đảng bộ các huyện, ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách thành phố nêu trên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố lưu ý các huyện ưu tiên cân đối nguồn vốn này từ nguồn phân cấp và thu tiền sử dụng đất.
Cũng trong phát biểu của mình, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Nguyễn Doãn Toản đã làm rõ một số nội dung về đánh giá hoạt động kinh tế tập thể, các giải pháp phát triển công nghiệp phụ trợ.
Đặc biệt, làm rõ hơn về vấn đề cổ phần hóa (CPH), thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, đồng chí Nguyễn Doãn Toản nêu một số nguyên nhân chủ quan như tâm lý của doanh nghiệp khi chuyển sang CPH còn e dè vì liên quan đến tài chính, tổ chức cán bộ nên một số nơi chưa quyết liệt; nguyên nhân khách quan là quy định có sự thay đổi nên một số nhiệm vụ, nội dung theo hướng chặt chẽ hơn, quy trình CPH tiến hành nhiều bước hơn... “Thành phố coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt cả nhiệm kỳ. Về những bất cập, vướng mắc, thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành tăng cường phối hợp tháo gỡ”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố khẳng định.
Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị.
Đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá: Qua theo dõi và nghe báo cáo tại kỳ họp, tôi rất vui mừng trước sự phát triển của Thủ đô. Năm 2019, thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên tất cả các mặt, rất đáng khích lệ. Kinh tế Thủ đô tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá, dự kiến tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP ước tăng 7,46%, là năm có mức tăng trưởng cao nhất trong 4 năm gần đây; tổng thu ngân sách của Thành phố tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018...
Qua nghiên cứu báo cáo hoạt động của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội năm 2019 có thể thấy: Mặc dù khối lượng công việc ngày càng nhiều, song Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố và hội đồng nhân dân các cấp thành phố đã không ngừng nỗ lực, phát huy trí tuệ của đại biểu, tổ chức các hoạt động của hội đồng nhân dân theo hướng đổi mới về phương thức, nâng cao về chất lượng, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ theo luật định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặc biệt đánh giá cao các phiên giải trình của Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố tổ chức trong năm 2019 về các nội dung: Quản lý trật tự xây dựng, vấn đề cung cấp nước sạch cho nhân dân hay đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là những vấn đề đang được cử tri và dư luận hết sức quan tâm. Qua hoạt động giải trình đã có tác động tích cực đến công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền, được dư luận, cử tri và nhân dân đồng tình, ghi nhận; vai trò của hội đồng nhân dân ngày càng được khẳng định.
Năm 2020 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; đồng thời, sẽ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tiếp theo. Tôi tán thành với những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu đã nêu trong các báo cáo và đề nghị Thành phố thời gian tới cần tập trung quan tâm thực hiện tốt một số nội dung sau đây:
Một là, năm 2020 là năm diễn ra đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đề nghị Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tập trung chỉ đạo cao nhất cho công tác chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội, trong đó có công tác nhân sự cho hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Hai là, tiếp tục triển khai kịp thời, có hiệu quả các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu kế hoạch về tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố đã nêu trong báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, nhiệm vụ năm 2020.
Ba là, tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp theo đúng tinh thần của Hiến pháp, Nghị quyết Trung ương 6 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đổi mới, sáng tạo và phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại. Đặc biệt quan tâm về tổ chức bộ máy phường, thị trấn, có chế độ chính sách hợp lý với đại biểu hội đồng nhân dân khi thực hiện Đề án thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.
Bốn là, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình giao thông quan trọng, cấp bách, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền; chú trọng bảo tồn, phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Năm là, tiếp tục đổi mới, chủ động, sáng tạo hơn nữa trong hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp để nâng cao chất lượng tổ chức kỳ họp, giám sát, giải trình và quyết định các vấn đề quan trọng của Hội đồng nhân dân Thành phố. Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố cần tiếp tục tăng cường giữ mối liên hệ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và Ủy ban nhân dân Thành phố trên các lĩnh vực hoạt động của Hội đồng nhân dân cũng như trong việc thực hiện các nhiệm vụ chung của thành phố…/.
Bảo vệ quyền của người tiêu dùng trong điều kiện phát triển xã hội thông tin và thương mại điện tử  (18/12/2019)
Giáo dục Hà Nội khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước  (29/11/2019)
Giáo dục Hà Nội đổi mới và hội nhập  (28/11/2019)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên