Thành phố Hà Nội: Thị trường lao động, việc làm sôi động trở lại sau dịch COVID-19
TCCS - Hiện nay, thị trường lao động, việc làm ở thành phố Hà Nội đang sôi động trở lại sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Mọi mặt của đời sống kinh tế đang trên đà phục hồi và phát triển. Nhiều doanh nghiệp, dự án hoạt động trở lại, kéo theo đó là nhu cầu tuyển dụng lao động cũng tăng lên.
1- Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6-2022, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định: Sau hơn hai năm dịch COVID-19, hoạt động kinh tế toàn cầu giảm mạnh, tăng trưởng năm 2022 dự kiến chỉ đạt 2,9%, giảm 1,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 1-2022. Hoạt động kinh tế của các nền kinh tế phát triển bị kìm hãm do giá năng lượng tăng, điều kiện tài chính kém thuận lợi và gián đoạn chuỗi cung ứng. Về lĩnh vực lao động, việc làm, theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), công cuộc phục hồi của thị trường lao động toàn cầu đang bị đe dọa bởi những cuộc khủng hoảng đang diễn ra đồng thời và có tác động lẫn nhau, cũng như tình trạng bất bình đẳng gia tăng.
Ở trong nước, nhờ các giải pháp ứng phó linh hoạt cùng với nỗ lực không ngừng nhằm phục hồi và phát triển kinh tế của toàn hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương, đại dịch COVID-19 được kiểm soát, hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định và phát triển, GDP quý III/2022 tăng 13,67%, 9 tháng năm 2022 tăng 8,83%, cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022. Lạm phát được kiểm soát tốt; các cân đối lớn được bảo đảm; chính sách tiền tệ, tài khóa được điều hành chủ động, linh hoạt và hiệu quả; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Thu ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2022 ước đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước; vốn FDI thực hiện tại Việt Nam đạt 15,4 tỷ USD, tăng 16,2%. Hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, đạt mức tăng trưởng cao hơn so với thời điểm trước khi dịch COVID-19 xảy ra. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 9 tháng đạt trên 163 nghìn doanh nghiệp, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 558,5 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất siêu 6,52 tỷ USD.
2- Tại thành phố Hà Nội, thị trường lao động, việc làm trong 9 tháng đầu của năm 2022 đã sôi động trở lại. Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thành phố đã giải quyết việc làm cho trên 168.000 lao động. Trong đó, tạo việc làm cho 53.250 lao động từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền hơn 2.500 tỷ đồng; số người lao động nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm là 12.830 lao động; đưa 3.638 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Số lao động được giải quyết việc làm qua cung ứng dịch vụ việc làm của các doanh nghiệp và qua các hình thức khác hơn 98.723 lao động, đạt 105,2% kế hoạch năm, tăng trên 51.500 lao động được tạo việc làm, tương đương tăng 44% so với 9 tháng đầu năm 2021. Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức 189 phiên giao dịch việc làm với hơn 4.944 đơn vị, doanh nghiệp tham gia; tổng số nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh là hơn 90.128 người; tổng số lao động được phỏng vấn là hơn 35.600 lao động; số lao động được tuyển dụng tại phiên là trên 12.833 lao động.
Năm 2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống sàn giao dịch việc làm thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo”. Triển khai đề án, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội đã phối hợp với các sở, ngành và quận, huyện tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối với các tỉnh, thành phố phía Bắc cung ứng nguồn lao động cho các nhà tuyển dụng tại các tỉnh; đồng thời, thu hút, kết nối người lao động các tỉnh lân cận tới làm việc cho các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô. Hiện tại, các thị trường lao động, như Nhật Bản, Hàn Quốc đang có nhiều tín hiệu đáng mừng và khả quan, mở rộng cửa, đón lao động nước ngoài vào làm việc. Các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động đi các thị trường này đã cung cấp thông tin cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội về nguồn lao động đi xuất khẩu và thực tập sinh chất lượng và quy mô với chỉ tiêu năm nay là hơn 3.500 lượt người lao động được đi xuất khẩu lao động, tiếp tục đào tạo cho người lao động có đủ trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng của các doanh nghiệp ở nước ngoài.
Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30-1-2022, của Chính phủ “Về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình”, thành phố Hà Nội triển khai hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động để giúp họ sớm quay trở lại thị trường lao động; hỗ trợ nguồn vốn cho người lao động vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội… Hoạt động giao dịch việc làm, kích cầu lao động được thúc đẩy mạnh mẽ với nỗ lực cao nhất để bảo đảm cho doanh nghiệp có lao động và hỗ trợ cho người lao động quay trở lại thị trường. Thành phố Hà Nội đã đưa được 3.638 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Riêng trong tháng 9-2022, thành phố Hà Nội giải quyết việc làm cho 14.920 lao động. Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố đã thẩm định và chấp thuận 8.422 vị trí việc làm của người nước ngoài lao động tại Việt Nam, trong đó có 2.827 vị trí nhà quản lý, giám đốc điều hành, 7.103 vị trí chuyên gia, 1.397 lao động kỹ thuật; cấp mới 7.112 giấy phép, cấp lại 632 giấy phép cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, thông báo miễn cấp cho 405 trường hợp người nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
3- Nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động, việc làm thành phố Hà Nội cần triển khai một số giải pháp:
Một là, khảo sát, đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhu cầu sử dụng lao động của mạng lưới doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Căn cứ vào kết quả khảo sát, các cơ quan đề xuất và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả kết nối cung - cầu về lao động, việc làm, bảo đảm cho doanh nghiệp có thể duy trì sản xuất, kinh doanh, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ lao động thất nghiệp.
Hai là, tuyên truyền các chính sách, pháp luật về lao động, việc làm; cung cấp đầy đủ và phổ biến rộng rãi thông tin, số liệu về thị trường lao động dưới nhiều hình thức đa dạng, như cổng thông tin điện tử về việc làm, bản tin, website, trên các phương tiện thông tin đại chúng,... để người lao động, người sử dụng lao động, các cơ sở giáo dục - đào tạo, các cơ quan quản lý nhà nước có nhu cầu khai thác, sử dụng nhằm phục vụ các giao dịch việc làm thuận lợi, tạo cơ sở dự báo nhu cầu đào tạo nghề và nâng cao hiệu quả hoạch định các chính sách phát triển thị trường lao động; nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống Sàn Giao dịch việc làm; đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, nâng cao chất lượng tổ chức các phiên giao dịch việc làm hằng ngày đồng bộ trên toàn bộ hệ thống Sàn Giao dịch việc làm; ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ hoạt động quản lý, điều hành của hệ thống Sàn Giao dịch việc làm đáp ứng yêu cầu triển khai tổ chức phiên giao dịch việc làm hằng ngày từ sàn trung tâm đến các sàn vệ tinh cũng như công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, phân tích dự báo thị trường lao động và thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Ba là, hoàn thiện, nâng cấp website: http://vieclamhanoi.net thành Cổng Thông tin việc làm của thành phố phục vụ công tác tuyển dụng, tìm việc của doanh nghiệp và người lao động đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường lao động; tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm online kết nối cung - cầu lao động trên toàn hệ thống điểm, sàn giao dịch việc làm thành phố và kết nối với các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Bốn là, đẩy mạnh công tác dự báo thị trường lao động ngắn hạn và dài hạn về nguồn nhân lực Thủ đô, báo cáo xu hướng về tình trạng việc làm, nghề nghiệp, các ngành, nghề dịch chuyển dưới tác động từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các ngành, nghề bị ảnh hưởng nặng nề sau dịch COVID-19 và các ngành, nghề đang phát triển thu hút nguồn nhân lực trong thời gian tới nhằm hỗ trợ tối đa cho các đối tượng tham gia vào thị trường lao động. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp đã có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tuyển chọn lao động trên địa bàn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tổ chức giới thiệu việc làm cho đối tượng lao động hết hạn hợp đồng về nước đúng thời hạn. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và nghiêm khắc xử lý vi phạm của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động; xử lý nghiêm những lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc bất hợp pháp hoặc bỏ trốn ở lại.
Năm là, tập trung các nguồn lực của Trung ương và thành phố Hà Nội triển khai có hiệu quả, chất lượng tín dụng ưu đãi trên địa bàn. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố huy động các nguồn lực hợp pháp khác để tăng nguồn vốn cho vay; tăng cường nguồn vốn ngân sách cấp huyện ủy thác cho vay hỗ trợ tạo việc làm qua Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp, bảo đảm 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn tín dụng ưu đãi để có cơ hội tự tạo việc làm, ổn định cuộc sống.
Sáu là, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, như giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất; triển khai hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, nâng cao kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; thông qua số điện thoại, email, Zalo để gửi thông tin về các phiên giao dịch việc làm đến người lao động nhằm giúp họ sớm tìm kiếm việc làm và quay trở lại thị trường lao động./.
Phát huy vai trò của công tác dân vận trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội  (11/09/2022)
Tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng công an nhân dân thành phố Hà Nội thật sự trong sạch, vững mạnh  (11/09/2022)
Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng công an xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới  (11/09/2022)
Công an Thành phố Hà Nội nhìn lại 10 năm triển khai thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật  (11/09/2022)
Hà Nội phát triển nông nghiệp bắt kịp xu hướng xanh  (10/09/2022)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam