Công trình giao thông trọng điểm tại Hà Nội: Bứt phá để “cán đích”
TCCS - Khắc phục khó khăn về dịch bệnh COVID-19 và những bất lợi về thời tiết gây ra, thành phố Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng các dự án giao thông trọng điểm, góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Lãnh đạo Thành phố trực tiếp xuống kiểm tra tiến độ thi công các dự án để nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, giúp các dự án "cán đích" đúng hẹn.
“Chốt” tiến độ 5 dự án giao thông trọng điểm của Thủ đô
Đầu tháng 7-2020, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra tiến độ thi công tại 5 dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Thành phố. Các dự án giao thông trọng điểm được kiểm tra gồm: Dự án đầu tư mở rộng tuyến đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long; dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên; dự án xây dựng đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2 kết hợp mở rộng đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng theo hình thức hợp đồng BT; dự án xây dựng đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm; dự án xây dựng hoàn chỉnh đường Vành đai 3 kết nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Đoàn công tác đã nghe các chủ đầu tư, đơn vị thi công báo cáo chi tiết tiến độ triển khai, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị lãnh đạo Thành phố tháo gỡ. Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu trong quá trình thi công, hoàn thiện dự án, chủ đầu tư và các đơn vị thi công cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề an toàn lao động, bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật của các công trình; đầu tư đồng bộ từ hệ thống cây xanh, chiếu sáng, vỉa hè... phấn đấu hoàn thành đúng tiến độ để chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII cũng như Đại hội XIII của Đảng.
Sau cuộc kiểm tra, như được tiếp thêm sinh lực, trên công trường thi công đường Vành đai 3, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long những ngày qua đều đang trong giai đoạn thi công nước rút. Dưới thời tiết nắng gắt của tháng 7 hay những trận mưa đầu tháng 8, các công nhân đều khắc phục thời tiết bất lợi để hoàn thiện phần bó vỉa dải phân cách giữa và phần vỉa hè nút giao với đường Hoàng Quốc Việt. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn cho biết, hiện nhà thầu đang thi công 5 cầu đi bộ dọc tuyến; trồng cây xanh… Ban cũng đang nhận bàn giao mặt bằng từ Dự án cầu cạn Vành đai 3 trên cao do Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư, để thi công các hạng mục khớp nối, nhằm hoàn thành toàn tuyến đúng dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10 và 1010 năm Thăng Long - Hà Nội.
Với dự án Vành đai 3 trên cao, Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long Dương Viết Roãn thông tin, đến nay gói thầu số 1 (đoạn Mai Dịch - Cổ Nhuế) đã hoàn thành hơn 93% khối lượng công việc; gói thầu số 2 (đoạn Cổ Nhuế - Nam Thăng Long) hoàn thành hơn 95% khối lượng. Các hạng mục chính đã cơ bản hoàn thành như mặt cầu, dải phân cách giữa, gờ chắn, lan can… Dự án cũng quyết tâm hoàn thành vào dịp kỷ niệm 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10 tới đồng bộ với đường Phạm Văn Đồng, qua đó khơi thông tuyến đường vành đai huyết mạch của Thủ đô.
Một dự án trọng điểm khác của Hà Nội là tuyến Vành đai 2 trên cao, đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng cũng đang gấp rút hoàn thiện những phần việc cuối, như sơn vạch kẻ đường, lắp biển báo... để kịp thông xe đúng dịp Quốc khánh 2-9 tới. Sau đoạn trên cao từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng, dự kiến đoạn đi bằng toàn tuyến từ Ngã Tư Sở đến cầu Vĩnh Tuy hoàn thành vào cuối năm 2020; toàn bộ phần cầu cạn hoàn thành vào đầu năm 2022.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cũng đang chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đầu tư xây dựng, hoàn chỉnh theo quy hoạch nút giao đường Vành đai 3 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Theo kế hoạch, nhà thầu là Công ty cổ phần Xây dựng cầu 7 Thăng Long sau khi hoàn thành thi công một cầu nhánh phải trên đường Vành đai 3 để tiến hành phân luồng giao thông phục vụ thi công cầu còn lại, cầu nhánh trái sẽ hoàn thành trong tháng 12-2021. Toàn bộ dự án hoàn thiện vào tháng 1-2022.
Như vậy, với quyết tâm đẩy nhanh tiến độ các dự án, lập thành tích chào mừng các sự kiện, ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước, các dự án giao thông trọng điểm của thành phố đang nỗ lực cao độ để hoàn thành theo đúng tiến độ đã đề ra. Do thời gian để các dự án trọng điểm hoàn thành không còn nhiều nên đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân đang ngày - đêm "bám" công trường, khẩn trương hơn trong thi công nhằm đạt kết quả cao nhất cả về tiến độ và chất lượng. Các chủ đầu tư, nhà thầu thi công luôn quán triệt ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tại buổi kiểm tra, trong đó đặc biệt lưu ý về tổ chức giao thông và khớp nối hiệu quả với giao thông khu vực nhằm giảm ùn tắc và khi hoàn thành sẽ góp phần tạo dựng kiến trúc đẹp cho Thủ đô.
Bứt phá, tạo đà cho thành phố vươn lên mạnh mẽ
Theo thống kê, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới của Hà Nội đạt 9,75% (tiêu chuẩn là 20 - 26%), mật độ đường giao thông đạt 1,7 km/km2 (tiêu chuẩn là 4,0 - 6,5 km/km2), diện tích đất dành cho giao thông tĩnh dưới 1% (tiêu chuẩn là 3 - 4%), tỷ lệ vận tải hành khách công cộng là 17,03% (tiêu chuẩn 50 - 55%). Điều đó cho thấy, kết cấu hạ tầng giao thông của Hà Nội đang bị quá tải.
Trước thực tế này, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh thủ tục triển khai các dự án giao thông kết nối, có tính chất cấp thiết. Theo đó, với dự án Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn II và dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi, gửi Sở Giao thông Vận tải tổ chức thẩm định, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt trong quý II-2020.
Với dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3, Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao cập nhật, bổ sung danh mục đầu tư công trung hạn, báo cáo Ủy ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân thành phố xem xét bố trí kế hoạch vốn cho Dự án để thực hiện lập, trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Đồng thời, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội (chủ đầu tư) phối hợp với Ủy ban nhân dân quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì thực hiện ngay giải phóng mặt bằng dự án theo chỉ giới đường đỏ và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt trong quý II-2020...
Về dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, tại buổi làm việc với các bộ, ngành, Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố về các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn diễn ra mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã đề nghị thành lập tổ công tác để xây dựng kế hoạch, phân loại các công việc của Ban Quản lý dự án, tổng thầu, từng bộ, ngành và báo cáo Chính phủ quyết định để nghiệm thu, bàn giao, vận hành có điều kiện, thúc đẩy dự án sớm đi vào hoạt động.
Tầm quan trọng của mỗi dự án đều đã được thành phố xác định rõ. Do đó, để những công đoạn cuối cùng của dự án đạt kết quả tốt, các chủ đầu tư, nhà thầu thi công dự án cần phối hợp với chính quyền địa phương nơi có dự án đi qua giải quyết dứt điểm mọi vướng mắc về mặt bằng, bảo đảm dự án hoàn thành trọn vẹn. Bên cạnh đó là tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công theo phương châm "làm đến đâu gọn đến đó", bảo đảm đúng thiết kế, đồng bộ với các hạng mục liên quan như cây xanh, thoát nước...
Đồng thời, nhà thầu thi công phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công nhân làm việc tại công trường cũng như người và phương tiện tham gia giao thông tại các tuyến đường tiếp giáp phía ngoài dự án; giữ gìn môi trường khu vực thi công. Đặc biệt, trong mùa mưa bão hiện nay, chủ đầu tư, nhà thầu thi công phải phối hợp với các đơn vị thoát nước của thành phố có giải pháp thi công phù hợp, bảo đảm không ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước chung của khu vực và thành phố. Ngoài ra, hầu hết các dự án giao thông trọng điểm đều là các dự án đầu tư công lớn, do vậy, song song với thúc đẩy tiến độ dự án, các chủ đầu tư và nhà thầu cần kịp thời làm thủ tục thanh toán đúng quy định, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của trung ương và thành phố.
Những dự án trọng điểm hoàn thành vào dịp cả nước và Thủ đô kỷ niệm là hoạt động thiết thực chào mừng những ngày lễ trọng, như 75 năm Ngày Quốc khánh (2-9-1945 - 2-9-2020); 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954 - 10-10-2020); 1010 năm Thăng Long - Hà Nội (1010 - 2020), đặc biệt là Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Người dân Thủ đô đang vững tin hy vọng những công trình này sẽ tạo bứt phá, góp phần thay đổi diện mạo, tạo đà cho Thủ đô vươn lên mạnh mẽ./.
Xây dựng huyện Mỹ Đức đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu sớm trở thành một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ, thương mại của Thủ đô  (11/07/2020)
Kiên định đồng hành cùng doanh nghiệp  (02/07/2020)
Góp ý dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025: ghi nhận từ phía dư luận và nhân dân  (02/07/2020)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay