TCCS - Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức. Chủ trương thật đúng đắn. Dư luận rất đồng tình. Ấy vậy mà, vẫn có một nghịch lý đáng buồn. Chủ trương thì “tinh gọn”, “tinh giản” nhưng trên thực tế thì biên chế vẫn tăng, số lượng đầu mối vẫn ngày càng nhiều.

Gần đây, bên lề một hội thảo khoa học về công tác xây dựng Đảng, tôi có nghe được một cuộc tranh luận khá thú vị giữa các chuyên gia.

Một người nói: Theo Báo cáo của Đoàn giám sát trình tại Quốc hội vừa rồi, tổng số biên chế tinh giản trong 2 năm 2015 và 2016 của khối các cơ quan hành chính chỉ được 1%. Trong khi đó số viên chức lại phình to, từ gần 2 triệu người năm 2011 lên đến 2,1 triệu người năm 2016.

Người khác tặc lưỡi: Mấy năm trước, Bộ Chính trị có hẳn một nghị quyết yêu cầu đến năm 2021 phải giảm được 10% so với biên chế được giao năm 2015. Mà kết quả thì trái ngược. Chẳng phải là nghịch lý sao?

Người thứ ba đặt câu hỏi: Chẳng lẽ quyết tâm của mình mới chỉ dừng lại ở việc hô hào? Và tự trả lời:

- Tôi nghĩ, có nhiều lý do. Nhưng trước hết, có lẽ là trách nhiệm của người đứng đầu. Có anh đứng đầu tốt, nhưng lại chưa thực sự coi tinh giản biên chế là nhiệm vụ bức bách của đơn vị mình. Nhiều anh thì vì lợi ích, miệng nói rất quyết tâm, nhưng làm thì chỉ dừng ở mức độ cầm chừng, lấy lệ. Lý do rất đơn giản. Tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối sẽ ảnh hưởng đến lợi ích, quyền lực cá nhân và các mối quan hệ. Thêm đầu mối, thêm biên chế sẽ là cơ hội tăng thêm nguồn ngân sách; cơ hội đưa người thân vào bộ máy,... Hệ quả tất nhiên là, sẽ thêm vây, thêm cánh để thực hiện những quyết định đầy toan tính, có lợi cho cá nhân và phe nhóm mình. Lại cả những anh duy tình thì cũng khó làm đến nơi đến chốn, bởi việc tinh giản biên chế sẽ động chạm đến lợi ích của nhiều người, ắt họ không ngần ngại bằng nhiều cách khác nhau gây áp lực cho người lãnh đạo.

Người thứ tư bổ sung: Bộ máy phình to, ngân sách eo hẹp thì khó mà cải cách tiền lương. Mà theo tôi, còn một hệ lụy nữa, đó là việc tinh giản “nửa vời” này sẽ dẫn đến tình trạng cán bộ vừa thừa lại vừa thiếu.

Người sau cùng có vẻ trầm tư: Chuyện ta đang bàn đâu phải là chuyện mới. Bốn năm trước, một cơ quan truyền thông nước ngoài, ngày 31-10-2014, khi bình luận về bộ máy công chức Việt Nam có dẫn một số liệu để so sánh: Việt Nam có 2,2 triệu công chức/90 triệu dân. Mỹ có 2,2 triệu công chức trên 310 triệu dân. Về diện tích, Việt Nam bằng 1/10 diện tích của Mỹ. Và cơ quan truyền thông này dẫn lại câu nói của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc: 30% số công chức “sáng vác ô đi, tối vác về”. Có nghĩa 700.000 công chức là thừa. Nếu lương mỗi tháng 2 triệu đồng/người thì mỗi năm mất gần 17.000 tỷ đồng.

Câu chuyện làm gợi trong người viết bài này nhiều suy nghĩ. Tinh giản bộ máy, biên chế là công việc khó, nhạy cảm, nhưng lẽ nào chúng ta không đảo ngược được cái “nghịch lý” đáng buồn nói trên?

Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nghị quyết đã thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng ta trong cải cách hành chính, tinh giản biên chế. Và, thực tế vừa qua, hiệu quả ở một số mô hình thí điểm về cải cách, đổi mới bộ máy hành chính, hệ thống chính trị tại một số địa phương đã được kiểm chứng, đánh giá. Đây sẽ là căn cứ để chúng ta tăng thêm niềm tin và sức mạnh đẩy việc tinh giản biên chế đến thành công./.