Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
TCCSĐT - Để góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân trong giai đoạn hiện nay, một trong những nội dung quan trọng được khẳng định trong văn kiện Đại hội XII của Đảng là: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo” (1).
Quan điểm này không chỉ là sự kế thừa kinh nghiệm trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà còn là bước phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng ta.
Sự kế thừa truyền thống gắn kết giữa xây dựng đất nước với củng cố quốc phòng, an ninh để giữ nước
Xây dựng và bảo vệ đất nước là hai nhiệm vụ gắn kết chặt chẽ với nhau, vừa là cơ sở, điều kiện, quy định ràng buộc nhau trong quá trình phát triển của dân tộc ta. Muốn đất nước cường thịnh phải tạo được năng lực bảo vệ cương vực và thành quả do chính các thế hệ người Việt Nam tạo dựng lên và ngược lại muốn bảo vệ được đất nước phải có các nguồn lực do chính quá trình xây dựng, phát triển đất nước tạo ra. Nói cách khác, dựng nước phải đi đôi với giữ nước. Đây không chỉ là kinh nghiệm, là truyền thống được bao thế hệ người Việt Nam tạo dựng lên và ngày nay trở thành quan điểm chỉ đạo chiến lược xuyên suốt trong đường lối phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước ta.
Cha ông ta trong trong suốt chiều dài lịch sử đã có kế sách để bảo đảm vừa xây dựng, vừa bảo vệ được đất nước. Chẳng hạn chính sách “Ngụ binh ư nông”, một quốc sách lớn dưới các triều Lý, Trần, Lê Sơ đã có hiệu quả trong việc xây dựng sức mạnh quốc phòng. Quân binh được luân phiên nhau về tham gia sản xuất, tự túc lương thực. Chính sách này bảo đảm kết hợp được giữa nhiệm vụ xây dựng phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng, nhằm giảm chi phí nuôi quân, vừa có tác dụng bảo đảm nguồn lao động cho sản xuất nông nghiệp mà không ảnh hưởng đến lực lượng quân binh cần duy trì thường xuyên. Quân binh Đại Việt thời chiến vừa chiến đấu vừa làm ruộng, thời bình vừa giữ nước vừa tham gia sản xuất. Xây dựng kinh tế tăng cường nguồn lực đất nước, kết hợp chặt chẽ “việc binh” với “việc nông” luôn là một kế sách giữ nước đúng đắn của Nhà nước phong kiến Đại Việt. Hay chính sách “phú quốc cường binh” đã được Trần Quốc Tuấn vận dụng thành công, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm nguồn lương thực và sức lực cho quân binh và đây chính là cơ sở quan trọng để đánh thắng giặc ngoại bang khi chúng xâm phạm bờ cõi.
Kế thừa truyền thống của cha ông, ngay trong những năm tháng đầu tiên của chính quyền cách mạng non trẻ, trước âm mưu và hành động xâm lược của các thế lực đế quốc, phản động, Đảng ta đã đề ra chủ trương “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc” và thực tế chúng ta đã bảo vệ được thành quả cách mạng và lập lại hòa bình ở miền Bắc, đưa cả nước bước sang giai đoạn mới, tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược trên phạm vi cả nước. Miền Bắc vừa chiến đấu vừa xây dựng xã hội mới, miền Nam trực tiếp chiến đấu và xây dựng chính quyền cách mạng. Thời kỳ này, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc đã được Đảng ta vận dụng và phát triển hết sức sáng tạo và hiệu quả. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ III đã chỉ rõ: “Trong quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đi đôi với phát triển kinh tế và văn hóa, phải chú trọng củng cố quốc phòng, xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh; phải kết hợp xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng, trong xây dựng kinh tế, phải thấu suốt nhiệm vụ phục vụ quốc phòng, cũng như trong củng cố quốc phòng phải khéo sắp xếp cho ăn khớp với công cuộc xây dựng kinh tế”(2).
Phải khẳng định rằng, việc một nửa đất nước (miền Bắc) quyết tâm đi lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện còn nghèo nàn lạc hậu và đồng thời phải dốc sức cho miền Nam đấu tranh giải phóng khỏi sự đô hộ của chủ nghĩa đế quốc, tiến lên thống nhất nước nhà, không chỉ là sự sáng tạo của Đảng ta trong lý luận về sự quá độ lên chủ nghĩa xã hội, mà còn là sự vận dụng sáng tạo trong kết hợp đồng thời xây dựng đất nước với chiến đấu, bảo vệ đất nước trong điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Bước vào giai đoạn đổi mới, với những nhận thức mới trước sự phát triển của thực tiễn mở cửa và hội nhập, Đảng ta tiếp tục khẳng định: phát huy sức mạnh của cả hệ thống chuyên chính vô sản, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, đẩy mạnh công cuộc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân ngày càng vững mạnh…Tinh thần này tiếp tục được khẳng định trong các văn kiện của Đảng. Tại Đại hội X Đảng ta khẳng định: “Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường sức mạnh quốc phòng và an ninh trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng của đất nước”(3).
Để phát huy tốt nhất mọi tiềm năng của đất nước, không chỉ ở khai thác, biến tiềm năng thành sức mạnh thực sự mà còn phải sử dụng chúng một cách hiệu quả nhất trong điều kiện các nguồn lực của chúng ta chưa phải là dồi dào. Điều đó cho thấy phải có sự gắn kết ngay từ đầu, mà trước hết phải được nhận thức ngay trong quá trình xây dựng chiến lược, kế hoạch. Ngay trong chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phải xác định rõ được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội với mục tiêu củng cố quốc phòng - an ninh, phải xác định, có kế họach phân bổ nguồn lực và giải pháp thực hiện, triển khai kế hoạch. Chính vì vậy, tại Đại hội XI, Đảng ta chỉ rõ quan điểm: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và trên từng địa bàn”(4). Đây có thể xem là bước cụ thể hóa rõ hơn các nội dung kết hợp. Không chỉ kết hợp giữa các địa bàn, vùng miền, các ngành, trong mỗi một ngành, mà phải kết hợp ngay từ khâu xác định chiến lược, xây dựng quy hoạch, kế hoạch và chính sách.
Bước phát triển mới của tư duy lý luận tại Đại hội XII về sự kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh
Trên cơ sở kế thừa, tiếp nối các nhiệm kỳ trước và trước thực tiễn phát triển, tại Đại hội XII, Đảng ta đã có sự bổ sung, phát triển trong tư duy lý luận kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh. Điều này thể hiện trên các khía cạnh sau:
Thứ nhất, không chỉ kế thừa nội dung về sự kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, mà tại Đại hội XII đã có bước phát triển mở rộng sự kết hợp không chỉ kinh tế mà cả văn hóa và xã hội với quốc phòng, an ninh và ngược lại
Phát triển kinh tế - xã hội có vai trò quyết định đến việc tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh. Và ngược lại quốc phòng, an ninh vững mạnh tạo điều kiện, môi trường ổn định cho phát triển kinh tế và bảo vệ những thành quả phát triển đã đạt được. Như vậy, khó có thể có nền quốc phòng vững mạnh khi kinh tế xã hội không được phát triển. Việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội chính là tăng cường sức mạnh nói chung của mỗi quốc gia, là cơ sở vật chất để bảo đảm và tăng cường sức mạnh quốc phòng. Các hoạt động quốc phòng, an ninh, xét về bản chất là hoạt động “tiêu dùng” các nguồn lực và trong quá trình tiêu dùng còn ảnh hưởng tới môi trường, nhất là trong tình trạng chiến tranh xảy ra. Cho nên tiêu dùng quốc phòng - an ninh tuy là cần thiết, với tính cách tạo môi trường phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cần được kết hợp chặt chẽ, hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn lực mỗi quốc gia trong các giai đoạn cụ thể nếu tăng nhiều cho quốc phòng, an ninh sẽ ảnh hưởng đến đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và ngược lại nếu chỉ chú trọng đến phát triển kinh tế - xã hội mà không chú ý đúng mức đến quốc phòng, an ninh sẽ làm mất đi điều kiện và cơ sở cho sự phát triển bền vững của quốc gia.
Ngày nay, trong điều kiện toàn cầu hóa và sự phát triển của kinh tế trí thức, vai trò của tri thức nói riêng, của văn hóa nói chung ngày càng được nhấn mạnh và nhận thức đầy đủ hơn. Văn hóa có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, không chỉ là động lực, là điều kiện mà còn là hệ điều tiết của sự phát triển. Điều đó có nghĩa rằng kinh tế - xã hội có thể phát triển bền vững khi dựa trên môi trường văn hóa mà ở đó các giá trị truyền thống tốt đẹp được phát huy, các giá trị tiến bộ của nhân loại được tiếp nhận. Đó chính là nền tảng tinh thần xã hội mở ra điều kiện và cơ hội thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Do vậy kinh tế - xã hội phải gắn kết hài hòa với văn hóa, cũng như với quốc phòng, an ninh.
Phát triển văn hóa cũng chính là xây dựng con người. Con người cùng với sự phát triển về thể chất phải có trí tuệ, có văn hóa. Trong các cuộc kháng chiến cha ông ta đều vận dụng “lấy ít địch nhiều”, “lấy yếu thắng mạnh” chính là dựa trên phát huy nhân tố con người, trí tuệ con người, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc. Sự gắn kết chặt chẽ các lĩnh vực với an ninh quốc phòng chính là cơ sở xây dựng nền quốc phòng, an ninh cùng với những khí tài quân sự là con người, đội quân có thể lực và trí lực.
Bên cạnh đó muốn phát triển kinh tế, cần có môi trường xã hội ổn định. Chúng ta biết rằng, Việt Nam đi vào xây dựng phát triển đất nước sau mấy chục năm chiến tranh giải phóng, thống nhất đất nước và vừa xây dựng vừa chiến đấu bảo vệ biên giới, biển đảo. Điều đó có nghĩa rằng vừa tập trung xây dựng kinh tế lại đồng thời phải giải quyết hàng loạt vấn đề xã hội do hậu quả chiến tranh để lại như ô nhiễm chất độc, bom mìn, vấn đề thực hiện chính sách đối với gia đình có công và thương binh, liệt sĩ…Hơn nữa quá trình chuyển sang kinh tế thị trường, cùng với tạo cơ chế phát triển, cũng đồng thời nảy sinh mặt trái như suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, sự phân hóa giàu nghèo…Những điều này không được giải quyết hợp lý sẽ ảnh hưởng đến thực hiện chính sách quốc phòng an ninh, làm suy giảm sự đồng thuận xã hội tác động đến cơ sở hậu phương của quân đội. Ngược lại, các vấn đề xã hội được giải quyết hợp lý, cho phép huy động sức mạnh tổng hợp trong xây dựng quốc phòng, an ninh.
Như vậy sự kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội là cần thiết, có cơ sở khách quan. Đây là sự kết hợp biện chứng, phù hợp với bản chất gắn bó, liên hệ phổ biến của các sự vật và hiện tượng. Các mặt này gắn bó chặt chẽ, tác động, ràng buộc lẫn nhau trong tiến trình phát triển.
Thứ hai, điểm mới, điểm phát triển trong tư duy kết hợp là tiếp tục nhấn mạnh sự kết hợp theo địa bàn, vùng, song phải chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo
Việc kết hợp được thực hiện trên phạm vi tổng thể quốc gia, đồng thời trong mỗi địa bàn, vùng có những đặc thù về kinh tế - xã hội và tự nhiên, nên cần có sự sáng tạo trong phối kết hợp thực hiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh. Trong triển khai phát triển kinh tế, xã hội và quốc phòng, chúng ta đã có sự phân vùng kinh tế theo lãnh thổ và xây dựng các quân khu theo địa bàn lãnh thổ. Mỗi vùng lãnh thổ có tiềm năng, thế mạnh riêng, dẫn đến hình thành cơ cấu kinh tế cụ thể phù hợp để phát huy thế mạnh của vùng. Bên cạnh đó, với những đặc thù lịch sử - văn hóa cũng cần hình thành kế hoạch, chính sách phù hợp để khai thác, phát huy sức mạnh tổng hợp cho phát triển kinh tế - xã hội. Việc xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ, tạo thế bố trí chiến lược quốc phòng, an ninh cũng phải trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp về kinh tế, văn hóa, xã hội mới tạo được cơ sở bảo đảm nguồn lực tại chỗ cho từng khu vực phòng thủ, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Đối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển và đảo cần được chú trọng trong kết hợp kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh, bởi đây là những vùng còn kém phát triển, song lại có vị trí vô cùng quan trọng trong chiến lược quốc phòng,an ninh. Và nếu không có sự kết hợp tốt sẽ gia tăng nguy cơ mất an ninh, nguy cơ bị xâm lấn, ảnh hưởng trực tiếp đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Kinh nghiệm thực tiễn cũng cho thấy, đối với các vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo cần chú ý kết hợp ngay trong đầu tư phát triển quốc phòng, an ninh theo hướng “lưỡng dụng”, vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, vừa tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, thúc đẩy phát triển sản xuất trên địa bàn đóng quân.
Thứ ba, không chỉ mở rộng nội dung kết hợp mà Đại hội XII đã nhấn đến tình toàn diện trong sự gắn bó kết hợp các lĩnh vực. Cụ thể, cùng với việc khẳng định rõ yêu cầu kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội, là việc tiếp tục khẳng định yêu cầu kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại, và xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân.
Dựng nước đi đôi với giữ nước, xây dựng đi đôi với bảo vệ và để làm được những điều đó phải phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Điều này đặt ra yêu cầu phải gắn kết toàn diện kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại. Chính sự gắn bó này sẽ tạo điều kiện và đặt yêu cầu sử dụng hợp lý các nguồn lực, góp phần đưa đến sự phát triển hài hòa các lĩnh vực. Vì sự phát triển của dân tộc, vì cuộc sống hạnh phúc của người dân, Đảng lãnh đạo, Nhà nước dựa vào dân triển khai thực hiện các quá trình này thành công, cũng là xây dựng niềm tin trong dân. Có niềm tin ở dân là có cơ sở để thành công. Sinh thời Bác Hồ đã khẳng định: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Chính niềm tin trong dân, “thế trận lòng dân” vững chắc lại là nền nền tảng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân.
Tiếp tục tăng cường gắn kết chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội
Trong 30 năm đổi mới vừa qua kinh tế nước ta có sự tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển; chính trị - xã hội ổn định; văn hóa - xã hội có bước phát triển, bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Cùng với đó quốc phòng, an ninh được tăng cường. Những điều đó đã góp phần đưa đến vị thế và uy tín quốc tế của ta tiếp tục được nâng cao.
Việc kết hợp chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh không chỉ được triển khai trên cấp độ quốc gia, liên ngành và trong từng ngành, đơn vị, mà đã có kết hợp trong xây dựng mục tiêu chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách cũng như kết hợp trong triển khai thực tế ngay trong các chương trình, dự án. Đáng chú ý là sự gắn kết chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh ngay trong hoạt động quốc phòng, an ninh. Chẳng hạn chúng ta đã hình thành được một số khu kinh tế - quốc phòng ở những vị trí trọng yếu, chiến lược trên tuyến biên giới đất liền và ven biển; xây dựng một số loại hình kinh tế biển gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh trên biển, đảo. Các doanh nghiệp quốc phòng ngoài nhiệm vụ phục vụ trực tiếp quốc phòng, an ninh còn tham gia các hoạt động sản xuất, dịch vụ phục vụ nhu cầu dân sinh, góp phần gia tăng ngân sách quốc phòng; tham gia các hoạt động xã hội, thực hiện chính sách hậu phương quân đội, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, làng, bản nơi đơn vị đóng quan, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Nhiều đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn có điều kiện đã tham gia tăng gia sản xuất cải thiện điều kiện sống cho bộ đội.
Bên cạnh đó việc kết hợp kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh cũng còn có hạn chế nhất định. Chúng ta vẫn còn thiếu bền vững trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Việc kết hợp kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh trên một số lĩnh vực, địa bàn có lúc, có nơi chưa chặt chẽ. Thực tế có dự án, công trình làm ảnh hưởng đến thế bố trí quốc phòng, an ninh. Việc quán triệt và triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, các nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh của một số cấp ủy, chính quyền có nơi, có lúc chưa kiên quyết, triệt để, còn thiếu những giải pháp mang tính chiến lược, tổng thể. Do vậy cần: “Khắc phục triệt để những sơ hở, thiếu sót trong việc kết hợp kinh tế và quốc phòng, an ninh tại các địa bàn, nhất là địa bàn chiến lược”(5).
Để tiếp tục tăng cường gắn kết chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội, trước mắt cần tập trung chú ý một số nội dung cơ bản sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về cơ sở khách quan và sự cần thiết phải gắn bó giữa các lĩnh vực. Chú ý nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ đảng viên và nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện việc kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi đơn vị, cũng như trên phạm vi quốc gia. Tuyên truyền làm rõ trong nhận thức về sự gắn bó kết hợp ngay trong xác định mục tiêu chiến lược quốc gia, trong triển khai quy hoạch, kế hoạch, chính sách, trong xác định nguồn lực và phân bổ nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, trong việc triển khai các chương trình dự án. Và quan trọng phải kết hợp cả trong quá trình kiểm tra, giám sát, đánh giá để có những chấn chỉnh và điều chỉnh cho phù hợp. Việc tuyên truyền giáo dục cần đa dạng, kết hợp chính quy với các lớp bồi dưỡng, kết hợp bồi dường chuyên môn với kiến thức quốc phòng, an ninh.
Hai là, cần tiếp tục điều tra, nghiên cứu, khảo sát làm rõ hơn tiềm năng các nguồn lực để xây dựng quy hoạch, kế hoạch xác thực, phù hợp. Muốn phát huy tốt nhất sức mạnh tổng hợp không thể không nắm rõ các nguồn lực, kể cả nguồn nhân lực và vật lực của đất nước nói chung cũng như của các khu vực, vùng miền nói riêng. Trên cơ sở các nguồn lực và yêu cầu nhiệm vụ để xây dựng kế họach và chương trình, dự án trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, chủ động khai thác các nguồn lực bên ngoài thông qua quá trình mở cửa, hội nhập để gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia. Điều đó đặt ra yêu cầu phải tiếp tục nâng cao hiệu qủa hoạt động đối ngoại, trong đó có đối ngoại quốc phòng nhằm tạo môi trường hòa bình ổn định cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Ba là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đi liền với thể chế hóa các chủ trương, mục tiêu, chính sách. Hiện nay, thủ tục hành chính cũng đã có nhiều đổi mới góp phần cải thiện môi trường, điều kiện cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh, song thủ tục hành chính vẫn còn là khâu tồn tại nhiều bất cập ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các lĩnh vực. Cần tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục, nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, mở rộng thực hiện cơ chế một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, thuận lợi cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương và ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ.
Để công tác quản lý, điều hành của Nhà nước được hiệu quả, cùng với cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, rất cần đẩy mạnh việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách, trong đó có chủ trương kết hợp kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại. Trên cơ sở đó việc kết hợp không chỉ là sự cần thiết mà trở thành yêu cầu của hoạt động điều hành bộ máy, trách nhiệm của mỗi ngành, mỗi cấp, đơn vị cụ thể.
Bốn là, tiếp tục nghiên cứu dự báo tốt hơn tình hình để tránh bị động bất ngờ về chiến lược. Phải tổ chức nghiên cứu đánh giá, dự báo các xu thế phát triển của thế giới và khu vực, từ đó xây dựng chiến lược phát triển phù hợp. Trên cơ sở nắm rõ nguồn lực và xu thế vận động của tình hình mới có thể triển khai sự kết hợp chủ động và hiệu quả.
Cần tiếp tục đổi mới tư duy về xây dựng quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trong điều kiện xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao. Chẳng hạn việc huy động tiềm lực toàn dân cho nhiệm vụ quốc phòng hiện nay cần có những cơ chế phù hợp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, việc xây dựng lực lượng dân phòng và tư vệ ở các doanh nghiệp này ra sao? (thực tế vừa qua ở Bình Dương đặt ra yêu cầu bức thiết nghiên cứu làm rõ các vấn đề như trên).
Tiếp tục đổi mới tư duy về xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh. Việc xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh không chỉ chú trọng tiềm lực tinh thần, tiềm lực kinh tế, tiềm lực quân sự và tiềm lực khoa học - công nghệ mà phải chú trọng cả xây dựng tiềm lực con người. Bởi lẽ tiềm lực quốc phòng, an ninh khó có thể mạnh khi thiếu đi một lực lượng nhất định những con người có sức khỏe, có trí lực. Do vậy không chỉ cần giác ngộ, tinh thần trách nhiệm và nhận thức chính trị đúng đắn, sẵn sàng hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc, cho sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia, mà cần có đội quân đủ lớn, có đủ sức khỏe và trí tuệ. Muồn vậy phải xây dựng tiềm lực con người. Việc kết hợp chặt chẽ các lĩnh vực chính là cơ sở để xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh, trong đó có tiềm lực con người.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng các đơn vị quân đội vừa thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh vừa tham gia giải quyết các nhiệm vụ xã hội, tham gia phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa nơi đóng quân. Thực tế đã chứng minh hiệu quả của sự kết hợp này, nhất là những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển và đảo. Bên cạnh đó phát triển lực lượng dân phòng, các tổ, đội liên kết của ngư dân trong khai thác thủy hải sản và cùng nhau bảo vệ hoạt động sản xuất và bảo vệ biên giới, biển đảo./.
------------------------------------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng Đảng, Hà Nội, 2016, tr.149
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 21 , Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr 535
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.110
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.82
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.149
Trên 1.120 người được lập danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội  (18/04/2016)
Trên 1.120 người được lập danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội  (18/04/2016)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Ban Chủ nhiệm Quỹ Học bổng Vừ A Dính  (18/04/2016)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên