Thách thức giữa phát triển kinh tế với ô nhiễm môi trường ở Ninh Bình
TCCS - Trong quá trình đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình bộc lộ nhiều bất cập và tạo ra áp lực lớn đến môi trường, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp, với nhiều điểm nóng, chất lượng môi trường nhiều nơi suy giảm mạnh… Giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với ô nhiễm môi trường đang là thách thức lớn đối với các cấp, các ngành, từ thành thị đến nông thôn của tỉnh Ninh Bình.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế
Theo Tỉnh ủy Ninh Bình, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2023 (theo giá so sánh 2010) đạt 7,28%, đứng thứ 23/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng, giá trị GRDP (theo giá hiện hành) năm 2023 đạt trên 89 nghìn tỷ đồng, gấp khoảng 130 lần so với năm 1992; GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 88 triệu đồng, gấp 110 lần so với năm 1992. Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch tích cực và theo đúng định hướng phát triển của tỉnh, tăng nhanh tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp; đến hết năm 2023, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng là 42,7%; nông, lâm nghiệp, thuỷ sản là 10,2%, dịch vụ là 47,1%. Thu nhập bình quân đầu người/tháng trên địa bàn tỉnh đến hết năm 2023 đạt 5,36 triệu đồng, gấp 4,5 lần so với năm 2010.
Trong sản xuất công nghiệp, với định hướng phát triển công nghiệp đúng đắn của tỉnh, đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 5 khu công nghiệp, 18 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.547,13 ha. Tiểu thủ công nghiệp, làng nghề được duy trì phát triển với 77 làng nghề, giải quyết việc làm cho trên 82,7 nghìn lao động phổ thông với các nghề truyền thống như chế tác đá mỹ nghệ, thêu ren, đan cói... Các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển, du lịch có nhiều chuyển biến về chất lượng, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Hoạt động sản xuất của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Ngành dịch vụ, nhất là du lịch, tiếp tục phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng đứng thứ 2 cả nước (13,23%), là năm thứ 2 có tốc độ tăng trưởng cao trên hai con số. Toàn tỉnh đã đón trên 6,5 triệu lượt khách du lịch, tăng 76,4% so với cùng kỳ, doanh thu gấp 2 lần năm 2022, góp phần thúc đẩy phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.
Thu, chi ngân sách được quản lý chặt chẽ, điều hành linh hoạt và bảo đảm các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Hạ tầng giao thông được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đã phối hợp tổ chức Lễ khánh thành cao tốc đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45; hoàn thành, kết nối đoạn đầu tuyến đường Đông - Tây liên thông với nút giao lên đường cao tốc; tích cực triển khai các bước chuẩn bị đầu tư dự án đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình, đáp ứng tiến độ yêu cầu của Chính phủ đề ra.
Đồng thời, tỉnh chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh (tính đến hết thời hạn giải ngân là ngày 31-1-2024) đạt khoảng 106% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. An sinh xã hội được bảo đảm; tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 1,86%, hộ cận nghèo giảm còn 2,27%. Đã tổ chức tốt nhiều sự kiện văn hóa, chính trị, các hội thảo quan trọng mang tầm quốc gia, quốc tế; các giá trị bản sắc độc đáo được quảng bá, lan tỏa toàn cầu, từng bước chuyển hóa thành nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy phát triển xã hội.
Thực trạng ô nhiễm môi trường
Tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Ninh Bình đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Tuy nhiên sự phát triển kinh tế - xã hội với nhiều khu, cụm công nghiệp gây hậu quả xấu cho môi trường. Chất lượng nước sông Đáy bị suy thoái ở một số nơi, nhất là tại nhiều đoạn chảy qua đô thị, làng nghề, khu công nghiệp. Bảo vệ môi trường lưu vực sông đang đứng trước nhiều thách thức giữa yêu cầu bảo vệ môi trường với lợi ích kinh tế trước mắt, giữa cơ sở hạ tầng, kỹ thuật bảo vệ môi trường còn lạc hậu với khối lượng nước thải từ các khu, cụm công nghiệp, làng nghề xả vào môi trường ngày càng tăng.
Trên địa bàn tỉnh có 24 dự án nhà máy gạch tuynel đang hoạt động, với tổng công suất thiết kế là 610 triệu viên QTC/năm; 5 nhà máy xi-măng với tổng công suất 11,86 triệu tấn/năm; 60 đơn vị khai thác khoáng sản. Ngoài khói bụi, tại các nhà máy còn có khói bụi của hơn chục cảng than, clanke phía ngoài khu công nghiệp, xe trong quá trình vận chuyển vật liệu cũng gây nên tình trạng ô nhiễm. Quá trình đào xới, vận chuyển đất đá và quặng làm địa hình khu khai trường bị hạ thấp, ngược lại quá trình đổ chất thải rắn làm địa hình bãi thải bị nâng cao. Trong quá trình sản xuất, mặc dù các nhà máy có ý thức bảo vệ môi trường song khói bụi vẫn chưa được kiểm soát triệt để, gây bức xúc trong nhân dân.
Tại các làng nghề nơi đóng vai trò phát triển kinh tế và tạo việc làm cho người dân vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập trong vấn đề bảo đảm môi trường. Trên địa bàn tỉnh hiện có 63 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, trong đó 04 làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản;13 làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, 46 làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ. Tuy nhiên, hầu hết là các làng nghề thủ công lâu đời chưa có hệ thống xử lý nước thải, chất thải, đang gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường
Không chỉ môi trường ở thành phố, thị xã trong tỉnh Ninh Bình bị ô nhiễm, ngay cả khu vực nông thôn cũng đang báo động đỏ về tình trạng ô nhiễm nguồn nước và không khí. Theo số liệu thống kê, mỗi ngày trên địa tỉnh Ninh Bình có gần 330 tấn rác thải sinh hoạt phát sinh tại khu vực nông thôn, chiếm khoảng 67% tổng lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn. Tuy nhiên, việc xử lý rác thải tại khu vực nông thôn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Quyết tâm bảo vệ môi trường, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường
Ninh Bình xác định phát triển kinh tế phải dựa trên quan điểm, nguyên tắc phát triển bền vững. Để giải quyết các vấn đề "nóng" về môi trường, tỉnh đã chủ động và có nhiều giải pháp nhằm hạn chế ô nhiễm và kiểm soát tốt chất lượng môi trường.
Ngày 21-8-2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 156/KH - UBND yêu cầu các sở, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện việc tổ chức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở các địa phương trong tỉnh, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân, cộng đồng trong việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, từng bước hình thành thói quen và tự giác thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư
Việc triển khai kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phải bảo đảm thiết thực, hiệu quả, đồng bộ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên tập trung thực hiện trước tại các khu vực đô thị, đông dân cư, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, trường học, cơ quan, doanh nghiệp,... từng bước mở rộng đến khu vực nông thôn, đảm bảo việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được áp dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh năm 2025.
Phấn đấu đến hết năm 2024, hoàn thành cơ bản việc triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh; các cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Tỷ lệ chất thải được phân loại tại nguồn của các hộ gia đình ở các phường, thị trấn cơ bản đạt 50%, ở các xã đạt 30%. Trên 70% các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh được trang bị kiến thức về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Đến năm 2025, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn của các hộ gia đình ở các xã, phường, thị trấn đạt 100%. 100% các xã, phường, thị trấn có giải pháp cụ thể trong phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý đối với chất thải nguy hại và chất thải cồng kềnh sau khi được phân loại. 100% các điểm tham quan, khu du lịch, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ được trang bị các thiết bị phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Khuyến khích thực hiện các mô hình tái chế, tái sử dụng chất thải để tận dụng tối đa giá trị, kéo dài vòng đời của sản phẩm, vật liệu. Tổ chức một số chương trình, ngày hội về tái chế, xử lý chất thải. Ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới để tái chế đối với chất thải có khả năng tái chế và tận dụng chất thải thực phẩm đề làm phân bón hữu cơ; khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động sáng chế, sáng tạo trong lĩnh vực tái chế, xử lý chất thải. Khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân triển khai các mô hình tái sử dụng, tái chế đối với nhóm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế và chất thải cồng kềnh. Khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân triển khai các mô hình tận dụng chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi quy mô cấp thôn, xã.
Hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là một nội dung mới, phần lớn dựa vào ý thức tự giác của mỗi người vì vậy cần có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, sâu sát của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
Công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động trồng trọt đã có nhiều chuyển biến. Cụ thể: thu gom, xử lý khoảng 70% bao gói thuốc bảo vệ thực vật; phụ phẩm nông nghiệp chủ yếu là rơm rạ phát sinh khoảng 550.000 tấn/năm, được thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý, đạt trên 90%; hạn chế được tình trạng đốt rơm rạ.
Đối với hoạt động sản xuất của các làng nghề, 52/75 làng nghề trên địa bàn Ninh Bình đã có phương án bảo vệ môi trường làng nghề và thành lập tổ tự quản về môi trường. Các làng nghề đã thực hiện thu gom, xử lý chất thải; làng nghề bún Yên Ninh (thị trấn Yên Ninh), làng nghề đá mỹ nghệ tại xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư đã được đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải…
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã lắp đặt được 47 trạm quan trắc nước thải, khí thải tự động liên tục tại 19 cơ sở sản xuất, kinh doanh và truyền dữ liệu 24/24h về cơ quan quản lý chuyên ngành, đạt tỷ lệ 86,3%. Có 4 trong tổng số 5 khu công nghiệp; 8/15 cụm công nghiệp đã lắp đặt hệ thống xử lý nước thải tập trung khi nước thải ra đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường. Đối với rác thải, về cơ bản các nguồn thải lớn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đã được kiểm soát. Hầu hết các bệnh viện, trung tâm y tế của tỉnh Ninh Bình đều đã được đầu tư, xây dựng hệ thống xử lý rác thải y tế theo quy định; 92,5% rác thải sinh hoạt của thành phố Ninh Bình và thành phố Tam Điệp được thu gom, xử lý; 83,5% các đơn vị cấp xã đã hình thành mô hình tổ thu gom rác thải nông thôn. Và điều quan trọng hơn cả là ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường của người dân cả ở thành phố và nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên rõ rệt./.
Mô hình phát triển “xanh” tại huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình  (20/11/2024)
Giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch: Hướng đi cho “du lịch xanh” tại tỉnh Ninh Bình  (20/11/2024)
Tỉnh Ninh Bình: Hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị  (19/11/2024)
Phát triển du lịch xanh gắn với xây dựng nông thôn mới  (19/11/2024)
- Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia: Động lực quan trọng để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới
- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại Cộng hòa Séc
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư gặp mặt các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm