Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh tăng cường rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên - Kết quả và những giải pháp chủ yếu
TCCS - Qua các kỳ đại hội, nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức luôn được Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh quan tâm và thực hiện thường xuyên, liên tục, đạt nhiều kết quả tích cực; qua đó, góp phần quan trọng trong xây dựng Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, kết luận
Cụ thể hóa những chủ trương, chỉ đạo của Đảng, những năm qua, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ và đạo đức; đề ra nhiều giải pháp để phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của công tác xây dựng Đảng.
Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành các chương trình hành động thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Hằng năm, các cấp ủy ban hành kế hoạch hành động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, với nội dung chuyên đề cụ thể, gắn với tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao tinh thần trách nhiệm và đổi mới lề lối, phong cách làm việc, đề cao trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị.
Đặc biệt, để xây dựng được đội ngũ cán bộ “5 thật, 6 dám”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh chỉ đạo bổ sung hoàn thiện và tổ chức thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ, gắn với đặc điểm, tình hình của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, với phương châm “Sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện”. Trong đó, tập trung vào 5 mối quan hệ: Đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị; đối với đồng chí, đồng nghiệp; đối với việc nêu gương và thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và đối với bản thân.
Tỉnh ủy Quảng Ninh tiến hành rà soát, bổ sung và cơ bản hoàn thiện hệ thống các quy chế, quy định về mối quan hệ, lề lối làm việc; quản lý tổ chức cán bộ; tăng cường phân cấp, phân quyền, gắn với phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, nhất là đối với các lĩnh vực tổ chức bộ máy, quản lý và sử dụng biên chế, công chức, viên chức; quy định thực hiện trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo chủ chốt các cấp, cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Cụ thể, Tỉnh ủy Quảng Ninh quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; quy chế đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý,... Ở mỗi tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, người đứng đầu cấp ủy, lãnh đạo chủ chốt đã xây dựng chương trình, nội dung cụ thể để thực hiện tốt quy định của Ban Bí thư, Bộ Chính trị về trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Từ tỉnh Quảng Ninh đến các địa phương trong toàn tỉnh, luôn duy trì thực hiện nghiêm các chỉ thị, quyết định của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh trong thực hiện chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, tăng cường công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Nhiều cấp ủy, địa phương, đơn vị tập trung chỉ đạo tăng cường trách nhiệm nêu gương, đưa nội dung nêu gương vào tiêu chí đánh giá cán bộ, đổi mới nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; đồng thời, rà soát, bổ sung, xây dựng chuẩn mực đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên bảo đảm yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 945 cơ quan, đơn vị đã rà soát, bổ sung, xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng; trong đó, có 912 cơ quan, đơn vị đánh giá việc thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng đã đề ra. Tiêu biểu, như chuẩn mực đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành tuyên giáo, với khẩu hiệu “Đoàn kết, đổi mới; dân chủ, kỷ cương; kiên định lập trường; nêu gương, trách nhiệm; bám sát thực tiễn; kiên quyết đấu tranh; bản lĩnh, trung thành; nâng cao lý luận”. Chuẩn mực đạo đức cách mạng của một số cơ quan khối chính quyền, như lấy sự hài lòng của người dân làm tiêu chí thực hiện của cơ quan chính quyền, “Nói đi đôi với làm”, “Vì dân phục vụ”, “Tận tụy, trách nhiệm, trung thực, hiệu quả”. Ngành than xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng cho công nhân “Người thợ mỏ - Người chiến sĩ”, “Kỷ luật và Đồng tâm”, “Vượt khó của người thợ mỏ”,... Ngành công an xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng cho công an “Xây dựng hình ảnh đẹp người chiến sĩ công an Quảng Ninh cùng nụ cười Hạ Long”, “Xây dựng phong cách người công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”, gắn với thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy ngành Công an nhân dân…
Thông qua việc thực hiện nghiêm túc các quy định của Trung ương, đến nay, việc thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên; tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét. Đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh có ý thức hơn trong rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, tác phong, lối sống, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân; gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh; xây dựng gia đình, tổ dân phố, khu phố văn hóa; tích cực đấu tranh với những biểu hiện và hành vi sai trái, vi phạm pháp luật. Đặc biệt, nhiều vụ, việc nghiêm trọng, phức tạp kéo dài, nguy cơ tạo thành “điểm nóng” đã được phát hiện và tập trung chỉ đạo kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý nghiêm minh, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố vững chắc.
Qua gần 40 năm đổi mới, với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Việc thực hành dân chủ trong Đảng và trong xã hội có bước chuyển biến tích cực, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy. Đa số cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh luôn tích cực trau dồi, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, nâng cao năng lực chuyên môn, tiên phong, gương mẫu, năng động, sáng tạo trong công tác, đóng vai trò nòng cốt trong công cuộc đổi mới toàn diện. Tuy nhiên, trước những tác động của nhiều nhân tố khách quan và chủ quan, trong đó có mặt trái, mặt tiêu cực của nền kinh tế thị trường, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, sự phát triển của khoa học và công nghệ,... một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Những giải pháp chủ yếu để thực hiện hiệu quả
Một là, không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng nâng cao phẩm chất chính trị cho cán bộ, đảng viên. Cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thường xuyên nghiên cứu, quán triệt, nhận thức đầy đủ và sâu sắc về tầm quan trọng và yêu cầu của công tác giáo dục đạo đức cách mạng; làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên thấu suốt tình hình nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị đang đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng. Tiếp tục thực hiện hiệu quả nghị quyết, Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII về công tác xây dựng Đảng; Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh””; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương, về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”, mới đây nhất là Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 9-5-2024, của Bộ Chính trị, “Về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”.
Hai là, cụ thể hóa tiêu chuẩn đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên theo vị trí việc làm. Xây dựng các tiêu chí để đánh giá, xếp loại đội ngũ cán bộ, đảng viên phù hợp với vị trí việc làm trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng. Thống nhất giữa đánh giá bản lĩnh chính trị, đạo đức công vụ với kết quả thực thi công vụ, bảo đảm hiệu quả thực sự trong đánh giá, xếp loại đội ngũ cán bộ, đảng viên hằng năm, khắc phục triệt để cách đánh giá đội ngũ cán bộ, đảng viên một cách chung chung, hình thức, “dĩ hòa vi quý”...
Ba là, đổi mới nội dung, phương thức giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nội dung giáo dục phải cơ bản, hệ thống, tập trung vào trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng đối tượng và giai đoạn nhất định. Tập trung vào việc học tập, quán triệt và tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động. Coi trọng việc xác định chỉ tiêu, yêu cầu và định hướng hình thức, biện pháp tự giác học tập, rèn luyện của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đa dạng hóa hình thức đào tạo, bồi dưỡng, gắn liền với hoạt động thực tiễn.
Bốn là, phát huy tính tích cực, tự học, tự rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tăng cường bồi dưỡng các kỹ năng tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện, qua hoạt động thực tiễn và ý chí phấn đấu để mỗi cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh, sửa mình cho phù hợp với những tiêu chí, yêu cầu đòi hỏi khách quan của tình hình, nhiệm vụ mới. Luôn bám sát thực tiễn đời sống xã hội và thông qua các hoạt động thực tiễn thực hiện nhiệm vụ được giao để giáo dục tinh thần tự giác học tập, tu dưỡng, rèn luyện cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Việc tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng phải trở thành nhu cầu trực tiếp, thói quen trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên.
Năm là, xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, quan tâm thực hiện tốt các chính sách, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, đảng viên yên tâm phấn đấu, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng. Quan tâm xây dựng, phát huy không khí đoàn kết, dân chủ, thống nhất, trong sáng ở môi trường công tác; củng cố niềm tin và thái độ chân thành, trung thực giữa tình đồng chí, đồng nghiệp, nhân viên và lãnh đạo, cấp trên và cấp dưới; bảo đảm sự công bằng, khách quan, mọi người được tôn trọng và đối xử bình đẳng, được quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện để cống hiến và phát triển về mọi mặt. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, đảng viên được chuẩn hóa theo quy định; bố trí, sử dụng, đề bạt cán bộ, đảng viên phù hợp; thực hiện đồng bộ chính sách đãi ngộ, động viên cả về vật chất và tinh thần đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Sáu là, không ngừng hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, gắn với việc tăng cường hơn nữa tính nghiêm minh của kỷ luật đảng và pháp luật của Nhà nước. Quá trình đổi mới và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay đặt ra yêu cầu phải khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để hạn chế những “lỗ hổng” dễ bị lợi dụng; đặc biệt, cần tăng cường kỷ cương, phép nước, tính nghiêm minh của pháp luật để củng cố niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan nhà nước. Đồng thời, tăng cường phát huy dân chủ trong Đảng và thực hiện kỷ luật đảng thật sự nghiêm minh; xử lý kịp thời, công khai những cán bộ, đảng viên vi phạm, dù ở cương vị, chức trách nào; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… trong Đảng.
Bảy là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân trong giám sát cán bộ, công chức. Đây là giải pháp vừa cấp bách, vừa lâu dài của công tác xây dựng Đảng, cũng như trong việc phòng, chống chủ nghĩa cá nhân và ngăn chặn tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay. Bên cạnh đó, cần phát huy mặt tích cực của dư luận xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện tốt giải pháp này sẽ góp phần giáo dục, răn đe đối với mọi cán bộ, đảng viên, đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Tám là, tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng, kết hợp với phát huy vai trò giám sát của báo chí và nhân dân đối với việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chú trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy. Coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức; đồng thời, kiên quyết đấu tranh, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Chú trọng tính hiệu quả, thực chất trong công tác kiểm tra, giám sát; phân công, giao nhiệm vụ, giúp đỡ đội ngũ cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình. Kết hợp giữa giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng, đề cao pháp luật của Nhà nước với giáo dục, bồi dưỡng nhân cách, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên hiện nay./.
Nâng cao chất lượng quản lý đảng viên ở ngoài nước trong giai đoạn mới: Thực trạng và giải pháp  (25/10/2024)
Huyện Bình Liêu đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử  (10/10/2024)
Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa tỉnh Quảng Ninh trong phát triển kinh tế - xã hội  (20/08/2024)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm