Nam Định: Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển để tăng nhanh nội lực cho nền kinh tế
TCCS - Để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững, tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao sức mạnh nội lực của nền kinh tế, thời gian qua, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh Nam Định luôn chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng tập trung thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương Đảng, Chính phủ và các chương trình hành động, kế hoạch của tỉnh về đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; nhất là việc thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 18-6-2021, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX, về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định giai đoạn 2022-2025 do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp làm Trưởng ban để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự đồng thuận, thống nhất và bảo đảm tiến độ công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Quán triệt tinh thần chỉ đạo quyết liệt của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành chức năng đã tập trung chỉ đạo, quyết tâm cải cách thủ tục hành chính gắn với hoàn thiện hạ tầng nền tảng chính quyền điện tử, nhanh chóng rà soát cắt giảm, đơn giản hóa ngay những quy trình, thủ tục gây rào cản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giảm gánh nặng về thời gian, chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp. Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh, Trung tâm hành chính một cửa các huyện, thành phố không ngừng được quan tâm nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm giúp đỡ, tư vấn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh và giải quyết các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng. Tổ công tác đặc biệt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ đạo cải cách hành chính, Tổ công tác 874 luôn duy trì hoạt động hiệu quả để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án của nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. Quyết liệt tháo gỡ "điểm nghẽn" về hạ tầng công nghiệp gây bất cập cho doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt đã tích cực huy động, ưu tiên nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, các khu, cụm công nghiệp theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Các ngành, các địa phương trong tỉnh Nam Định đã triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ của Trung ương giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, như giảm miễn thuế, tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, ổn định thị trường. Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nam Định, trong 7 tháng đầu năm 2024, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện nghiêm, kịp thời các chính sách về tiền tệ, tín dụng bảo đảm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp. Tổng dư nợ cho vay ước đạt 111.615 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, cho vay doanh nghiệp, hợp tác xã 30.852 tỷ đồng, chiếm 29,2% và tăng 5,5%. Sở Công Thương tỉnh đẩy mạnh các hoạt động cung cấp thông tin, kết nối, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, chú trọng tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại đến các thị trường xuất khẩu, trong đó ưu tiên gắn kết cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trên cả nước với cơ quan thương vụ các nước. Hỗ trợ hàng hóa trong nước tiếp cận mạng lưới hệ thống bán lẻ tại nước ngoài. Thực hiện hỗ trợ miễn phí cho doanh nghiệp các thông tin, kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, những cơ hội, thách thức của các FTA mà Việt Nam đã và sẽ ký kết, giúp các doanh nghiệp chuẩn bị điều kiện cần thiết để chủ động phòng vệ thương mại, vượt qua các rào cản thương mại để phát triển.
Sở Công Thương cũng phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp để hỗ trợ đào tạo và cung ứng nguồn lao động có chất lượng; tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo nghề nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân ở trong nước, nước ngoài và các tổ chức xã hội tham gia đào tạo nghề nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, tạo điều kiện cho người lao động dễ dàng thường xuyên học tập nâng cao trình độ, tay nghề. Các biện pháp tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh đã giúp các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện hiệu quả chung của nền kinh tế và nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng. Tình hình kinh tế 7 tháng đầu năm 2024 của tỉnh vẫn duy trì mức tăng trưởng khá. Quy mô nền kinh tế được mở rộng, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng 69% so với cùng kỳ năm 2023. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm; công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tiếp tục tăng.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, 7 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 1.116 doanh nghiệp gia nhập thị trường và quay trở lại hoạt động; số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế gấp 3,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Toàn tỉnh có 846 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 28.664 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 11.872 lao động, tăng 16,0% về số doanh nghiệp, gấp 3,7 lần về vốn đăng ký. Đặc biệt nhóm doanh nghiệp mới được cấp phép đầu tư tại địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây, như Tập đoàn Quanta Computer Inc., Tập đoàn Toray Nhật Bản... đã hoàn tất xây dựng nhà xưởng, đưa vào vận hành sản xuất, cung ứng sản phẩm ra thị trường.
Thời gian tới, ngoài việc duy trì thực thi các giải pháp hữu hiệu kể trên, tỉnh tập trung chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch để làm cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư. Trọng tâm là thực hiện Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch lớn, như: Quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch chung xây dựng khu chức năng phía Nam đô thị Rạng Đông đến năm 2040; các quy hoạch vùng liên huyện, quy hoạch chung xây dựng các thị trấn, các xã; quy hoạch các tuyến đường huyết mạch; quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết… Các ngành, các địa phương cũng tích cực đổi mới trong chiến lược hỗ trợ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp theo hướng: Duy trì phát triển các doanh nghiệp sản xuất trong các lĩnh vực công nghiệp giữ vai trò chủ đạo, xương sống của tỉnh, như dệt may, cơ khí chế tạo và gia công kim loại, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ xuất khẩu, sản xuất thuốc, hóa dược, dược liệu, sản xuất da giày và các sản phẩm liên quan, sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản và đồ uống. Đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển các ngành nghề gồm: Công nghiệp luyện thép xanh và sản phẩm sau thép; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghiệp năng lượng (nhiệt điện, điện khí, điện gió, chế biến khí, điện năng lượng mặt trời, điện rác…); công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ nhóm doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng nhà xưởng, các doanh nghiệp mới đưa nhà máy vào vận hành sản xuất, kinh doanh, nhất là các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư các dự án quy mô lớn, tiêu biểu như Tổ hợp thép xanh Xuân Thiện Nam Định do Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư tại khu vực Cồn Xanh (Nghĩa Hưng)... Riêng nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là những doanh nghiệp khởi sự, doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể để gia nhập thị trường, mở rộng quy mô được các ngành, các địa phương hỗ trợ tham gia nhiều chương trình, dự án góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thị trường và sản phẩm mới, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bằng các biện pháp đồng bộ, các cấp, các ngành trong tỉnh nỗ lực hỗ trợ tối đa cho sự phát triển của doanh nghiệp, đúng theo phương châm "thành công của doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng chính là thành công của tỉnh", góp phần tăng nhanh nội lực cho nền kinh tế./.
Hội Nông dân các cấp tỉnh Nam Định tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh  (05/09/2024)
Sắp xếp đơn vị hành chính, tạo không gian phát triển mới, xây dựng thành phố Nam Định văn minh, hiện đại  (01/09/2024)
Nam Định đồng hành cùng doanh nghiệp thúc đẩy đầu tư các khu công nghiệp  (01/08/2024)
Nam Định - nhân tố mới trong cuộc đua FDI  (20/07/2024)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay