TCCS - Nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2019-2024, Hội Nông dân tỉnh Nam Định tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của nông dân, tích cực tham gia thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.

Lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tham quan mô hình vườn kiểu mẫu của hội viên nông dân xã Trực Thắng (huyện Trực Ninh)_Ảnh: baonamdinh.vn

Hội Nông dân tỉnh Nam Định đã tập trung tuyên truyền Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 18-6-2021, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XX) về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và các chủ trương, chính sách của tỉnh về xây dựng nông thôn mới; tổ chức ký kết giao ước thi đua với Mặt trận Tổ quốc tỉnh về thực hiện chương trình “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; đồng thời chỉ đạo hội nông dân các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân. 5 năm qua, các cấp hội đã trực tiếp tổ chức hơn 10 nghìn buổi tuyên truyền cho gần 1,3 triệu lượt hội viên, nông dân; 32 hội nghị báo cáo viên; xây dựng 249 bản tin, 95 phóng sự và 246 bài tuyên truyền đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội. Để phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân hưởng thụ”, các cấp hội đã vận động, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt công tác dồn điền, đổi thửa; hiến đất, đóng góp kinh phí, ngày công làm đường thôn xóm, liên thôn, liên xã; ủng hộ xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng. Kết quả, hội viên, nông dân tiếp tục hiến 74.338m2 đất; góp 10.629 ngày công và đóng góp trên 120 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Có 100% cơ sở hội, 100% chi hội có mô hình, việc làm cụ thể trong tham gia xây dựng nông thôn mới. Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo xây dựng thành công mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình”. Đến nay, mô hình đã được triển khai và nhân rộng ở 100% số cơ sở hội và 1.455 chi hội.

Các cấp hội nông dân cũng đẩy mạnh các phong trào thi đua của hội, trọng tâm là phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới; từng bước góp phần thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của người nông dân, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa; từ kinh tế hộ sang hợp tác, liên kết, liên doanh theo chuỗi gắn với an toàn thực phẩm. Đến nay, các cấp hội nông dân toàn tỉnh đã xây dựng được 212 mô hình tổ hợp tác và hợp tác xã với 2.500 thành viên tham gia. Đã có nhiều mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết sản xuất hàng hóa theo chuỗi với doanh thu hàng tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có gần 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi có doanh thu từ 1 tỷ đồng trở lên.

Công tác tương trợ, giúp đỡ các hộ nghèo, hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó vươn lên được các cấp hội quan tâm. 5 năm qua, các cấp hội, các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi đã trực tiếp hỗ trợ hàng nghìn con giống các loại, hàng nghìn ngày công; nâng cấp và xây mới 50 ngôi nhà từ Quỹ “Mái ấm nông dân” cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Nhằm khuyến khích nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, các cấp hội tích cực đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ hội viên về nguồn vốn, khoa học - kỹ thuật, dịch vụ, dạy nghề. Hội Nông dân tỉnh chủ động mở rộng việc ký kết chương trình phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp về tín dụng ngân hàng, cung ứng phân bón, thức ăn chăn nuôi và thuốc bảo vệ thực vật. Bình quân hàng năm, Hội trực tiếp đào tạo cấp chứng chỉ sơ cấp nghề cho 500 học viên nông dân; tổ chức trên 2.300 buổi tập huấn cho 285 nghìn lượt hội viên nông dân với nhiều nội dung đa dạng, phong phú; phối hợp cung ứng trên 60 nghìn tấn phân bón theo hình thức trả chậm cho nông dân. Để hỗ trợ nông dân về vốn sản xuất, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát triển Quỹ hỗ trợ nông dân; hiện Quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh quản lý 37 tỷ 949 triệu đồng thông qua 315 dự án cho 1.523 hộ vay. Hội còn tín chấp từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 12.573 tỷ đồng cho 54.273 hộ vay; nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ 1.714 tỷ đồng cho 38.730 hộ vay.

Thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, hội viên nông dân trong xây dựng đời sống văn hóa - xã hội ở nông thôn; tham gia thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới”, xây dựng “làng văn hóa”, “gia đình nông dân văn hóa”. Qua phát động và bình xét hộ đăng ký gia đình văn hóa, hằng năm có trên 270 nghìn hộ nông dân đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Các cấp hội còn vận động nông dân đóng góp tiền và ngày công nâng cấp các công trình nhà văn hóa, sân thể thao, khu vui chơi cho thanh, thiếu niên; thực hiện tốt các hương ước, quy ước, quy định của thôn, xóm và nếp sống văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội; giữ gìn và phát huy tốt những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương…

Để phát huy hơn nữa vai trò của hội nông dân trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ sở tiếp tục đảm nhận các việc làm cụ thể trong tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Vận động hội viên nông dân tích cực tham gia phong trào “Toàn dân tham gia xây dựng nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp”; đổi mới hình thức sản xuất; tích cực tham gia tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; tăng cường liên kết, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã. Trong đó, tập trung triển khai có hiệu quả Quyết định số 182/QĐ-TTg, ngày 20-2-2024, của Thủ tướng Chính phủ, về việc thực hiện Đề án “hội nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể đến năm 2030”. Tiếp tục tuyên truyền đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp trong nông dân, hỗ trợ hội viên tích cực chuyển đổi số trong nông nghiệp, phấn đấu có trên 10 nghìn hội viên nông dân có tài khoản trên sàn thương mại điện tử./.