Nâng cao đạo đức công vụ trong bối cảnh hội nhập quốc tế: Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới và đề xuất tham chiếu đối với Thủ đô Hà Nội
TCCS - Mặc dù mỗi quốc gia có những cách thức, phương pháp, quy định riêng về nâng cao đạo đức công vụ, nhưng nhìn chung đều thống nhất ở một số nội dung: ban hành pháp luật/bộ quy tắc về đạo đức công vụ và áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau nhằm nâng cao đạo đức công vụ. Do vậy, việc ban hành các quy định về đạo đức công vụ ở Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, toàn diện, sẽ giúp cán bộ, công chức nhận thức rõ hơn về các hành vi, thái độ, cách ứng xử…, từ đó góp phần nâng cao đạo đức công vụ.
Ban hành pháp luật/quy tắc về đạo đức công vụ
Bộ quy tắc ứng xử quốc tế dành cho công chức của Liên hợp quốc đã đề ra ba nguyên tắc chung, trong đó nguyên tắc thứ ba quy định: Trong thực thi công vụ, người công chức phải chú tâm, công bằng, không thiên vị, đặt biệt trong quan hệ với nhân dân. Công chức không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để đối xử ưu tiên cho một nhóm người hoặc một cá nhân nào và cũng không được đối xử phân biệt với một nhóm người hoặc một cá nhân khác(1).
Nghiên cứu về đạo đức công vụ ở một số quốc gia châu Âu, nhà nghiên cứu J. Ziller nhận xét, những quy định về đạo đức công vụ của các nước thành viên Cộng đồng châu Âu (EC) được quy định trong các luật công và được Tòa án Tư pháp châu Âu xác định để tham chiếu các nguyên tắc pháp lý chung về đạo đức, nguyên tắc hành chính đối với các quốc gia thành viên(2). Trách nhiệm công vụ gồm 3 khía cạnh: 1- Độ tin cậy và khả năng dự đoán; 2- Sự cởi mở và minh bạch; 3- Trách nhiệm và hiệu quả(3). Tùy vào đặc điểm từng quốc gia mà những nội dung về trách nhiệm được thay đổi cho phù hợp.
Đối với Thái Lan, Luật Đạo đức nghề nghiệp của nước này quy định 16 điểm cụ thể về đạo đức công vụ, theo đó, công chức phải đề cao các nguyên tắc đạo đức, bản thân phải cư xử sao cho tương xứng với cương vị là một công chức nhà nước. Luật quy định những nguyên tắc ứng xử của công chức trong thực thi công vụ, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động thực thi công vụ của công chức. Nội dung cơ bản của Luật bao gồm: 1- Trách nhiệm, đạo đức cá nhân; 2- Trách nhiệm, đạo đức trong công sở; 3- Trách nhiệm, đạo đức trong ối quan hệ với đồng nghiệp, cấp trên và cấp dưới; 4- Đạo đức trong mối quan hệ với người dân và xã hội.
Ngoài ra, có thể kể đến các đạo luật, quy định pháp lý của các quốc gia khác, như Luật Công chức năm 1999 của Hà Lan, Luật Quản trị hiệu quả năm 2005 của Tây Ban Nha,… cũng quy định về vấn đề đạo đức công vụ, đòi hỏi công chức phải có các phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu của hoạt động công vụ. Chẳng hạn, Bộ Quy tắc đạo đức của công chức của Ấn Độ quy định mỗi cơ quan công quyền cũng như cá nhân công chức phải có các tiêu chuẩn đạo đức cần thiết, trong đó, đạo đức công chức trước hết biểu hiện ở cách thức ứng xử của công chức. Theo đó, công chức ở Ấn Độ ngoài việc trung thành với Hiến pháp, cần phải thực hiện các chuẩn mực đạo đức, như: 1- Tuân thủ ở mức cao nhất về tính toàn vẹn, công bằng, khách quan và sự cống hiến cho dịch vụ công; 2- Đồng cảm và từ bi đối với những người yếu thế. Năm 2000, Chính phủ Malaysia đã ban hành các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp công chức, bao gồm: 1- Lòng tin; - Chính trực; 3- Xuất sắc; 4- Trung thành; 5- Cam kết; 6- Cống hiến; 7- Kỷ luật; 8- Siêng năng; 9- Chuyên nghiệp.
Những giá trị cốt lõi của nền công vụ thường được các quốc gia lựa chọn xác định, như: trung thành, liêm chính, khách quan.. Các giá trị cốt lõi này là nền tảng để xây dựng lên một chính quyền hiệu quả và bảo đảm đạt các tiêu chuẩn đã đặt ra trong nền công vụ ở mức cao nhất có thể. Đơn cử như, ở Đức, ngăn chặn tham nhũng và cải thiện quản lý dịch vụ công là mục tiêu chính của việc thúc đẩy các tiêu chuẩn về đạo đức của công chức. Ở Anh, các giá trị cơ bản của công vụ, bao gồm: tính trung thực, liêm chính, khách quan, không liên kết, không bè phái. Tại Nhật Bản, sự kết hợp giữa hai nguyên tắc “trung thành” và “liêm chính” đã trở thành nền tảng của một số quy định đặc trưng trong lối hành xử của công chức nước này. Singapore cũng đề ra những giá trị cốt lõi của nền công vụ, đó là: cùng chung sức xây dựng nền công vụ hạng nhất - năng lực, sáng tạo và hướng tới phía trước.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao đạo đức công vụ
Một là, đưa tiêu chí phẩm chất đạo đức và trong công tác tuyển dụng công chức. Tại Nhật Bản, đạo đức công vụ là một tiêu chí được coi là quan trọng nhất để đánh giá chất lượng công chức. Chính phủ Nhật Bản hết sức quan tâm đến phẩm chất đạo đức và ý thức công dân của công chức, cũng như việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho công chức, chú trọng năng lực và kết quả công tác của công chức, bảo đảm cho công chức luôn là hình mẫu đối với công dân nước này. Trong khi đó, Trung Quốc quy định việc tuyển chọn công chức phải tuân thủ 4 nguyên tắc: 1- Có cả đức và tài; 2- Chọn người hiền đức, dùng người có năng lực; 3- Nguyên tắc về việc chọn người; 4- Nguyên tắc tùy tài mà sử dụng. Đối với Philippines, từ năm 2011 đến nay, Ủy ban Công vụ nước này tiến hành tuyển dụng công chức dựa trên hồ sơ của ứng viên và sử dụng phương pháp thi tuyển cạnh tranh trên máy tính kết hợp với phần thi viết và đang hoàn thiện quy trình tuyển chọn, cấu thành một hệ thống quản lý theo năng lực, thông qua 5 yếu tố mẫu: tính ổn định cảm xúc; tính hướng ngoại; cởi mở để chia sẻ kinh nghiệm; ý thức chấp hành; sự tận tâm trong công việc.
Hai là, công chức phải được biết quyền và trách nhiệm trong khi thi hành công vụ liên quan đến đạo đức công vụ. Luật Đạo đức công vụ của Singapore quy định, công chức không được phép nhận quà biếu của người dân, ngoài quà tặng thông thường của bạn bè, dù dưới hình thức tiền, hiện vật, chuyến đi miễn phí hay các quyền lợi cá nhân khác. Còn Luật Đạo đức nghề nghiệp của Thái Lan quy định, công chức phải kiềm chế, không được nhận từ người mình phục vụ quà biếu hay ân huệ có giá trị vượt quá giá trị mà người này thường cho người kia do quý mến và phải báo cáo với cấp trên về việc nhận quà biếu mà sau khi nhận công chức đó thấy nó có giá trị đáng kể để có các xử lý thích hợp(4). Chính phủ Malaysia quy định, công chức phải khai báo tài sản của mình để tránh sự nghi ngờ và nhầm lẫn trong việc thực hiện nhiệm vụ. Công chức phải bảo vệ an ninh và bảo mật thông tin cũng như các tài liệu theo quy định để không bị rơi vào tay những người không được phép vì an ninh của quốc gia. Đối với Anh, Luật Dịch vụ công nước này quy định cơ quan công chức phải có nghĩa vụ giúp công chức hiểu và thực hiện đúng những quy định của luật này. Công chức có nghĩa vụ yêu cầu sự giúp đỡ từ người quản lý trực tiếp, hoặc quản lý gián tiếp cũng như đồng nghiệp để có những tư vấn nhằm nâng cao hiểu biết và thực hành trách nhiệm, đạo đức công vụ…
Ba là, có biện pháp theo dõi, kiểm tra việc thực hiện đạo đức công vụ. Một trong những giải pháp thực hiện Luật Quản trị hiệu quả mà Chính phủ Tây Ban Nha đưa ra là Chính phủ phải có các báo cáo hằng năm về thực trạng thực hiện trách nhiệm của công chức. Trên cơ sở báo cáo, chính quyền các cấp sẽ rà soát lại những điều khoản liên quan, phân tích các thủ tục và hành động can thiệp kịp thời để công chức thực hiện tốt hơn đạo đức công vụ. Ở Hy Lạp, Chính phủ nước này đã thành lập Ủy ban đạo đưc công vụ ở các địa phương nhằm mục đích duy trì các tiêu chuẩn cao nhất về tính toàn vẹn trong dịch vụ công cộng, bảo vệ công chức kháng cáo các cáo buộc hoặc khiếu nại không hợp lý về hành vi vi phạm quy tắc đạo đức hoặc vô căn cứ về các vi phạm phát sinh từ việc thực hiện nhiệm vụ hợp lý của công chức. Bên cạnh đó, nhiều nước trên thế giới rất coi trọng hệ thống quản lý trách nhiệm công vụ, trong đó chú trọng khung pháp lý và khung tổ chức. Đơn cử như, Mỹ có Cơ quan đạo đức chính phủ với khoảng 70 nhân viên, trong đó có 15 luật sư, ngân sách hằng năm là 12 triệu USD và công chức hành pháp của Mỹ phải tuân theo 14 quy tắc hành vi đạo đức…
Bốn là, có hình thức khen thưởng và xử phạt thích hợp trong việc thực hiện trách nhiệm công vụ. Quy chế hành vi và kỷ luật năm 1993 của Malaysia quy định việc công chức không mặc đồng phục, không đeo thẻ công chức và không sử dụng thẻ đúng mục đích sẽ bị cấp quản lý trực tiếp khiển trách. Nếu người đó vi phạm lần thứ hai sẽ bị cấp quản lý gián tiếp khiển trách và nếu vi phạm 3 lần sẽ bị trừ 1 ngày lương… Các biện pháp kỷ luật công chức Indinesia vi phạm trách nhiệm, bao gồm: kỷ luật nhẹ (phê bình/khiển trách/cảnh cáo), kỷ luật trung bình (hoãn tăng lương, hạ lương, hoãn đề bạt tối đa là l năm), kỷ luật nặng (hạ một cấp tối đa là 1 năm, cách chức, cho thôi việc, sa thải). Những hành vi vi phạm đạo đức công vụ tại Tây Ban Nha được quy định và sẽ bị xử lý nghiêm theo luật định. Không những thế, để phát hiện công chức làm điều sai trái, người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức phải có trách nhiệm báo cáo điều trần trước hội đồng dân cử hằng năm hoặc đột xuất khi có những sự vụ nghiêm trọng liên quan đến công chức, như kỳ thị, tham nhũng…
Năm là, đào tạo, bồi dưỡng về trách nhiệm công vụ. Đạo đức công vụ, trách nhiệm của công chức và văn hóa công vụ là một trong ba nội dung cơ bản trong chương trình bồi dưỡng công chức ở các quốc gia trên thế giới. Mỗi quốc gia chú trọng một vấn đề. Chẳng hạn như, các nước châu Âu rất chú trọng bồi dưỡng đạo đức công vụ. Ở Tây Ban Nha, công chức các cấp phải tham gia các khóa học hằng năm (khoảng 2 lần/năm) do trường bồi dưỡng công chức địa phương tổ chức theo yêu cầu của chính phủ nước này, để nâng cao năng lực chuyên môn và đạo đức công vụ. Tùy theo hạng công chức mà thời gian học dài hay ngắn… Hàn Quốc rất chú trọng nội dung bồi dưỡng về đạo đức công vụ với hai mục tiêu: 1- Bảo đảm sự hỗ trợ cho các công chức chính phủ nhằm duy trì kiểm soát hành chính của chính phủ; 2- Thay đổi tư duy công chức. Ở Malaysia, nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp của công chức quy định công chức phải không ngừng nâng cao kiến thức và rèn luyện kỹ năng để cung cấp các dịch vụ công hiệu quả, nhanh chóng và trách nhiệm bằng cách tham gia các chương trình bồi dưỡng về đạo đức công vụ.
Một vài gợi ý tham chiếu đối với Thủ đô Hà Nội
Qua tìm hiểu các quy định điều chỉnh về trách nhiệm công vụ và giải pháp nâng cao trách nhiệm công vụ của một số quốc gia trên thế giới, xin đề xuất một số kinh nghiệm tham chiếu đối với Thủ đô Hà Nội như sau:
Thứ nhất, ban hành Luật Đạo đức công vụ. Pháp luật liên quan đến trách nhiệm, đạo đức công vụ ở Việt Nam đã được quy định trong một số luật liên quan đến cán bộ, công chức, như: Luật Cán bộ công chức; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… giúp cho cán bộ công chức có ý thức điều chỉnh hành vi, thái độ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Tuy nhiên, chưa có các quy định rõ ràng và cụ thể về trách nhiệm, đạo đức công vụ. Do đó, có thể thấy, việc ban hành Luật Đạo đức công vụ ở Thủ đô Hà Nội là rất cần thiết để nâng cao trách nhiệm công vụ trong giai đoạn hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.
Thứ hai, các tiêu chuẩn về trách nhiệm công vụ cần được quy định cụ thể và mang tính bắt buộc. Mặc dù mỗi quốc gia có những quy định riêng về trách nhiệm công vụ nhưng nhìn chung các quy định về trách nhiệm được xem như những chuẩn mực đạo đức tối thiểu của công chức. Do vậy, việc ban hành các quy định về trách nhiệm công vụ ở Thủ đô Hà Nội, sẽ giúp cán bộ, công chức nhận thức rõ hơn về toàn bộ các hành vi, thái độ, cách ứng xử…, từ đó giúp cán bộ, công chức thực hiện tốt, hạn chế các sai phạm về trách nhiệm công vụ.
Thứ ba, có chế tài xử phạt đủ mạnh để cán bộ, công chức không vi phạm quy định về trách nhiệm đạo đức công vụ. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, việc đưa ra các chế tài xử phạt nghiêm sẽ giúp hạn chế các hành vi vi phạm trách nhiệm, đạo đức công vụ. Hình phạt nặng nhất trong trường hợp mà các nước đang áp dụng đó là sa thải đối với công chức vi phạm đạo đức công vụ. Đối với Thủ đô Hà Nội, để làm được điều này, cần nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật, có cơ chế, chính sách chủ động và tích cực phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tiêu cực; xác định rõ trách nhiệm của mỗi công chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi để xảy ra tiêu cực, tham nhũng. Hình thức xử lý cần nghiêm minh và đủ sức răn đe để cán bộ, công chức có ý thức không vi phạm các quy định về trách nhiệm, đạo đức công vụ.
Thứ tư, chú trọng nội dung bồi dưỡng trách nhiệm, đạo đức công vụ trong chương trình bồi dưỡng bắt buộc hằng năm đối với cán bộ, công chức. Các quốc gia trên thế giới, tùy theo vị trí việc làm của công chức mà có các chương trình bồi dưỡng bắt buộc về trách nhiệm công vụ của vị trí đó. Nội dung và thời gian bồi dưỡng về trách nhiệm công vụ phù hợp với từng vị trí việc làm của công chức. Sau khi kết thúc các khóa học này phải có sự đánh giá và kiểm tra các nội dung được trang bị. Do đó, hoạt động bồi dưỡng về trách nhiệm công vụ đối với cán bộ, công chức cần duy trì và đưa vào nhiệm vụ thường xuyên.
Thứ năm, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm đạo đức công vụ của cán bộ, công chức. Hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm công vụ được triển khai kịp thời, thường xuyên sẽ giúp cho quá trình thực hiện các quy định về trách nhiệm công vụ được tuân thủ và đạt hiệu quả thiết thực. Thông qua kiểm tra, giám sát, người lãnh đạo hiểu được đạo đức công vụ được thực hiện thế nào, hiệu quả ra sao, còn hạn chế những gì nhằm bổ sung, sửa đổi, phòng ngừa, uốn nắn, điều chỉnh, ngăn chặn các nội dung sai lệch với việc thực hiện trách nhiệm công vụ, giúp nâng cao hiệu quả họat động của các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, cần xây dựng và thực hiện cơ chế giám sát của nhân dân đối với việc thực hiện trách nhiệm công vụ nhằm nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức và bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.
Thứ sáu, nâng cao tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Các cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức phải chịu trách nhiệm về hoạt động của bản thân và có trách nhiệm giải trình theo hai hướng: trách nhiệm của cấp dưới đối với cấp trên (nội bộ) và trách nhiệm của bộ máy công quyền với xã hội, và phải chịu trách nhiệm khi chưa làm tròn nhiệm vụ được giao hoặc có hành vi vi phạm trong quá trình thực thi công vụ. Bên cạnh đó, công khai, minh bạch sẽ tạo điều kiện để người dân cũng như toàn xã hội tham gia vào giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước. Trong bối cảnh hiện nay, minh bạch và giải trình không chỉ là yêu cầu tiên quyết đối với việc thực hiện hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý, bảo đảm quyền công dân tham gia quản lý nhà nước mà đó còn là một trong những cách ngăn chặn và phòng, chống những biểu hiện lệch lạc, vi phạm về trách nhiệm công vụ một cách hiệu quả, góp phần xây dựng thể chế đủ mạnh để đáp ứng xu hướng phát triển hiệu quả và bền vững.
Tóm lại, có thể nói, đạo đức công vụ chính là nền tảng cho hoạt động thực hiện pháp luật công chính, nghiêm minh của cán bộ, công chức, viên chức. Chú trọng xây dựng trách nhiệm công vụ trong hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức góp phần tích cực vào việc phòng ngừa vi phạm pháp luật, phòng, chống tham nhũng hiệu quả. Đối với Thủ đô Hà Nội, để tăng hiệu quả của hoạt động này trong giai đoạn hiện nay, cần tiến hành nghiên cứu, vận dụng sáng tạo bài học, kinh nghiệm của các quốc gia, hoàn thiện hệ thống quy định pháo lý về đạo đức công vụ, đồng thời áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp với điều kiện cụ thể trong từng giai đoạn, từng ngành, lĩnh vực,… khác nhau theo quy định của pháp luật./.
-----------------
(1) Xem: Đỗ Thị Ngọc Lan: Nghiên cứu so sánh quy định về đạo đức công vụ của một số quốc gia và Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, 2012, tr. 30
(2) Xem: J. Ziller: Administrations comparées: les systèmes politico-administratifs de l’Europe des Douze, Montchrestien, Paris, 1993; J. Schwarze: Europäisches Verwaltungsrecht, Nomos, Baden-Baden,1988
(3) Xem: J. Schwarze: Europäisches Verwaltungsrecht, Nomos, Baden-Baden, 1988. English version: European
(4) Những điều cấm kỵ đối với công chức các nước khối ASEAN, ngày 2-9-2010, http://plo.vn
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Hà Nội sau Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV  (27/11/2021)
Hà Nội: Đẩy mạnh hội nhập, tạo sức bật mới cho Thủ đô  (25/11/2021)
Hà Nội nỗ lực hồi phục ngành du lịch trong trạng thái bình thường mới  (18/11/2021)
Hà Nội: quyết tâm thực hiện nghiêm các quy định của Đảng  (18/11/2021)
Đạo đức sinh thái trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế  (16/11/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay