Bảo tồn, phát huy bền vững giá trị các di sản văn hóa, góp phần phát triển liên kết du lịch tỉnh Vĩnh Long
TCCS - Tỉnh Vĩnh Long là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống văn hóa, lịch sử với hệ thống di sản văn hóa phong phú, đặc sắc, gắn với những con người yêu nước, nghĩa tình, cần cù, hiếu học. Đây là nguồn tài nguyên giàu giá trị mà tỉnh Vĩnh Long xác định cần được bảo tồn, phát huy và gắn kết chặt chẽ với hoạt động du lịch, qua đó vừa thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, vừa góp phần xây dựng văn hóa, con người Vĩnh Long đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
1- Trải qua bao thăng trầm của lịch sử xây dựng, mở mang và bảo vệ bờ cõi, với sự đoàn kết, kiên cường, cần cù, sáng tạo của biết bao thế hệ cha ông, đến nay, tỉnh Vĩnh Long - miền đất trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long - còn lưu giữ hệ thống di sản văn hóa, lịch sử phong phú, đặc sắc. Tính đến cuối năm 2022, tỉnh Vĩnh Long có 66 di tích được xếp hạng (11 di tích cấp quốc gia, 55 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh), tiêu biểu, như Văn Thánh miếu, chùa Tiên Châu, chùa Phước Hậu, chùa Ngọc Sơn Quang, miếu Công Thần… Ngày 24-12-2018, tỉnh có 1 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia là tượng thần Vishnu ở huyện Vũng Liêm và được lưu giữ tại Bảo tàng Vĩnh Long. Tượng được tạo tác bằng đá sa thạch, có niên đại khoảng thế kỷ thứ VI đến thế kỷ thứ VII, thuộc nền văn hóa Óc Eo. Đây là hiện vật gốc, độc bản, nghệ thuật tạo hình độc đáo và quý hiếm, là kiệt tác hội đủ những giá trị cao về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, thẩm mỹ và tiêu biểu về kỹ thuật điêu khắc. Văn Thánh miếu Vĩnh Long là một công trình kiến trúc tiêu biểu từ thời Nguyễn, được mệnh danh là “Quốc Tử Giám của phương Nam”, lưu giữ nhiều câu chuyện quý giá về tinh thần hiếu học của cha ông ta thời xưa. Lăng Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn cũng là di tích lịch sử - văn hóa nổi bật có tuổi đời hơn 200 năm với kiến trúc cổ kính, là nơi thờ phụng người có công lớn trong quá trình khai khẩn vùng đất Trà Ôn, xây dựng mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer và góp phần ngăn chặn âm mưu xâm lược của quân Xiêm La. Ngoài ra, tỉnh Vĩnh Long còn có rất nhiều ngôi đình xây dựng từ thế kỷ XVIII, như đình Tân Hoa, đình Long Thanh, đình Tân Ngãi, đình Vĩnh Thuận, đình Bình Phụng,… Đây là những công trình lịch sử - văn hóa mang kiến trúc Nam Bộ truyền thống, gắn liền với sinh hoạt cộng đồng, tín ngưỡng, lễ hội dân gian của địa phương,...
Tỉnh Vĩnh Long còn nổi tiếng với các công trình kiến trúc ghi dấu ấn của những người con ưu tú đã có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, như Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt với kiến trúc không gian mở, hài hòa giữa tính trang trọng, thành kính, sâu lắng và tính thân thiện, gần gũi của một điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng trên địa bàn; Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa; Bia chiến thắng Bắc Nước Xoáy, Bia chiến thắng Yếu khu Thầy Phó, Tượng Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Ngọt…
Gắn liền với các di tích lịch sử - văn hóa là hệ thống lễ hội đặc sắc, tiêu biểu, như lễ Kỳ Yên, lễ hội lăng Ông Trà Ôn, lễ cúng miễu, lễ Chol Chnam Thmay, lễ Sen Đôn-ta (Sene Dolta)… Trong đó, lễ Chol Chnam Thmay là lễ mừng năm mới của người dân Khmer, là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm, được tổ chức tại chùa và trong từng gia đình vào giữa tháng ba âm lịch hằng năm.
Tỉnh Vĩnh Long không chỉ là địa phương ở Nam Bộ có loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2013, mà còn là nơi khởi phát của loại hình sáng tác Ca ra bộ (hình thức mới của đờn ca tài tử hình thành trong khoảng thời gian từ năm 1912 đến năm 1915) với tên tuổi nổi tiếng, như Tống Hữu Định (ở huyện Vũng Liêm) và là nơi ra đời ban nhạc tài tử nổi tiếng đầu thế kỷ XX. Sau này, tỉnh Vĩnh Long cũng là nơi có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng được phong danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, như nghệ sĩ Phạm Văn Hai (Ba Du), nghệ sĩ Út Trà Ôn, nghệ sĩ Thành Tôn, nghệ sĩ Lệ Thủy,… Hiện nay, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục có nhiều nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú cùng nhiều làng nghề, nghề truyền thống được công nhận...
2- Trên cơ sở nhận thức được giá trị các di sản văn hóa của địa phương - nguồn tài nguyên mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh là “tài sản vô cùng quý báu do Tổ tiên, Cha ông ta mấy nghìn năm để lại”(1) - quán triệt chủ trương, đường lối Đại hội XIII của Đảng về “gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau”(2) …, “quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Phát triển “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia”(3); thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long đã chủ động, tích cực gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, gắn kết các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa với hoạt động du lịch, vừa giáo dục truyền thống, quảng bá hình ảnh đất và người Vĩnh Long, vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Nhìn lại giai đoạn 2016 - 2020, cùng với việc từng bước hoàn thiện các công trình văn hóa, thiết chế văn hóa; nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng, tỉnh Vĩnh Long đã chú trọng công tác bảo tồn, tôn tạo, đầu tư xây dựng các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, lập hồ sơ khoa học cho 17 di tích đề nghị xếp hạng (trong đó có 1 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 16 di tích xếp hạng cấp tỉnh). Tỉnh cũng tổ chức các hội nghị tổng kết hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn; đồng thời trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử được xếp hạng. Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long tập trung và dành nhiều nguồn lực cho công tác sưu tầm và tổ chức các cuộc triển lãm, trưng bày nhân các sự kiện chính trị tiêu biểu của tỉnh và cả nước; tổ chức các chương trình giáo dục thông qua các tua, tuyến du lịch về nguồn, tham quan và trải nghiệm các hoạt động ở bảo tàng. Nhờ đó, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long, các di tích lịch sử - văn hóa, các phòng truyền thống, các điểm đến du lịch văn hóa ở các địa phương của tỉnh đã đón hàng triệu lượt khách tham quan. Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Long cũng chú trọng việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù gắn kết với các di sản văn hóa, như xây dựng các điểm đến di tích văn hóa, trải nghiệm làng nghề, thưởng thức nghệ thuật hát bội... Đặc biệt, tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Vĩnh Long giai đoạn 2015 - 2020 với nhiều nội dung thiết thực và quan trọng, tạo tiền đề cho công tác quản lý, định hướng bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử ở địa phương, xây dựng thành một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Với những nỗ lực gắn kết di sản văn hóa và du lịch, ngành du lịch tỉnh Vĩnh Long từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh với tổng lượng khách lưu trú giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 5,84 triệu lượt (bình quân 1,17 triệu lượt/năm).
Ngoài ra, hoạt động liên kết vùng về văn hóa, du lịch được tỉnh Vĩnh Long chú trọng thông qua việc liên kết, phối hợp với các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ tổ chức các giải thi đấu thể thao khu vực, quốc gia và quốc tế; xây dựng thành công thương hiệu du lịch “Đệ nhất Homestay”. Hiện nay, toàn tỉnh có 6 điểm du lịch được công nhận là điểm du lịch tiêu biểu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long(4), góp phần quảng bá, lan tỏa các giá trị văn hóa của địa phương trong toàn khu vực, cũng như tới các du khách trong nước và quốc tế.
Trong bối cảnh mới, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2-4-2022, của Bộ Chính trị “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết đề ra mục tiêu: Đến năm 2030, xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện đại, sinh thái, văn minh, phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước; là trung tâm kinh tế nông nghiệp xanh, sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng và giá trị gia tăng cao của quốc gia, khu vực và thế giới…; phát triển mạnh kinh tế biển, kinh tế du lịch; tăng cường kết nối nội vùng, liên vùng, trong nước và quốc tế; nâng cao chất lượng sống tốt cho người dân gắn với bảo tồn các tài nguyên, hệ sinh thái; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc... Để đạt được các mục tiêu trên, cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó tập trung đẩy mạnh liên kết vùng; cơ cấu lại kinh tế vùng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên hệ sinh thái, phù hợp với quy luật tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Tỉnh cũng quyết liệt thực hiện Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg, ngày 28-2-2022), trong đó có phương hướng phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc của vùng. Trên cơ sở quy hoạch vùng, Vĩnh Long xây dựng quy hoạch phát triển của tỉnh để bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và bền vững, trong đó có việc thực hiện các đề án về bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, góp phần phát triển du lịch bền vững.
Đặc biệt, thời gian tới, tỉnh Vĩnh Long triển khai thực hiện một số chương trình, kế hoạch, đề án trọng tâm đã được Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, như Đề án Bảo tàng Nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đề án Di sản đương đại Mang Thít, Đề án Bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử tỉnh Vĩnh Long giai đoạn II (2022 - 2025), Kế hoạch thực hiện Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2023 - 2025, Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long...
Nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, thuộc trung tâm châu thổ đồng bằng sông Cửu Long - vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước - từ trong lịch sử, tỉnh Vĩnh Long có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng toàn diện. Không chỉ thuộc vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm lớn nhất cả nước với sản lượng lúa của tỉnh đạt gần 680.000 tấn/năm, tỉnh Vĩnh Long còn nằm trong vùng tứ giác phát triển cây ăn trái lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long(5) với nhiều vùng chuyên canh cây đặc sản chủ lực cho sản lượng trên 1,2 triệu tấn/năm và có giá trị kinh tế cao(6), phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, tỉnh Vĩnh Long cũng là vùng trọng điểm nuôi trồng thủy sản(7), đồng thời có nhiều lợi thế phát triển ngành chế biến nông sản, cung cấp đầu vào cho nông nghiệp, như phân bón, thuốc trừ sâu, trang thiết bị - vật tư nông nghiệp và năng lượng cho các ngành nông nghiệp. Giai đoạn 2021 - 2023, giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp tỉnh tăng bình quân 7,1%/năm, giá trị thu hoạch trên một đơn vị diện tích năm 2022 đạt 357 triệu đồng/ha (tăng bình quân hằng năm trên 10%/năm), góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh Vĩnh Long(8). Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Long có vị trí địa lý và hệ thống giao thông thuận lợi, nằm ở trung tâm khu vực đồng bằng sông Cửu Long, giữa sông Tiền và sông Hậu; phía bắc giáp tỉnh Tiền Giang, phía đông giáp tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, phía nam giáp thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, phía tây giáp tỉnh Đồng Tháp và ở giữa hai trung tâm kinh tế lớn là Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ cũng tạo điều kiện cho tỉnh Vĩnh Long tăng cường liên kết vùng trên nhiều lĩnh vực.
Trên cơ sở xác định vị trí, vai trò của tỉnh trong liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là trong việc gắn kết phát triển nông nghiệp với du lịch văn hóa, ngày 11-5-2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long ban hành Quyết định số 1123/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long (gọi tắt là Bảo tàng).
Từ năm 2007, tỉnh Vĩnh Long đã có chủ trương lập dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Năm 2008, khi Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt qua đời, để thể hiện lòng tri ân đối với cố Thủ tướng - người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long nói riêng và Tổ quốc Việt Nam nói chung - tỉnh Vĩnh Long đã đề xuất và được Ban Bí thư đồng ý xây dựng Khu tưởng niệm đồng chí Võ Văn Kiệt tại huyện Vũng Liêm. Từ đó, quy hoạch của tỉnh đã gắn kết dự án khu tưởng niệm với Bảo tàng Nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long, công viên Nam Kỳ khởi nghĩa và tượng đài Lê Cẩn - Nguyễn Giao. Tại Quyết định 195/QĐ-TTg, ngày 16-2-2012, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 và Quyết định số 194/QĐ-BVHTTDL, ngày 23-1-2015, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng đồng bằng sông Cửu Long”, đã xác định xây dựng không gian bảo tàng lúa nước đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Vĩnh Long. Đến năm 2016, Đề án Bảo tàng Nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương tại Thông báo số 165/TB-VPCP, ngày 7-7-2016, của Văn phòng Chính phủ. Đồng thời, tại Quyết định số 1824/QĐ-TTg, ngày 25-12-2018, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó Bảo tàng Nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long thuộc danh mục dự án Trung ương ưu tiên đầu tư tại tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021 - 2030. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Công văn số 4503/BVHTTDL-DSVH, ngày 10-11-2016, hướng dẫn tỉnh Vĩnh Long triển khai xây dựng Đề án(9).
Mục tiêu của Đề án là tạo dựng thiết chế văn hóa quan trọng xứng tầm với vai trò và vị thế của ngành nông nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Long nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa nông nghiệp (vật thể và phi vật thể), góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là ngành du lịch của địa phương nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Bảo tàng phục vụ cho nhu cầu du lịch, học tập, nghiên cứu khoa học, thụ hưởng văn hóa của công chúng (người dân thuộc mọi thành phần trong xã hội, như các nhà khoa học, học sinh, sinh viên, giáo viên,… cùng khách du lịch trong và ngoài nước); qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân đối với quê hương, đất nước; tăng cường quảng bá các sản phẩm nông nghiệp hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long; tôn vinh sự cần cù, sáng tạo của người nông dân Việt Nam, người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và người dân Vĩnh Long nói riêng. Bảo tàng dự kiến xây dựng tại thị trấn Vũng Liêm và vùng phụ cận thuộc huyện Vũng Liêm, chia thành các hạng mục chính: Khu kiến trúc bảo tàng và tái hiện cảnh quan nông nghiệp đặc trưng đồng bằng sông Cửu Long; khu trải nghiệm nông nghiệp; điểm dừng chân lữ hành; khu trưng bày nông nghiệp; trung tâm triển lãm nông nghiệp khu vực và quốc tế; nguồn vốn thực hiện được huy động từ các nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa.
Quá trình xây dựng Đề án, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ nhiều lần tổ chức hội thảo, đồng thời có văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và đã nhận được sự đồng thuận, thống nhất của các bên. Các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng thống nhất phối hợp với Bảo tàng trong công tác sưu tầm, cung cấp tư liệu, hình ảnh, hiện vật thể hiện đặc trưng của địa phương, từ đó phối hợp kết nối phát huy giá trị di sản văn hóa nông nghiệp và liên kết phát triển du lịch trong vùng. Tỉnh Vĩnh Long bước đầu sưu tầm trên 1.000 hiện vật và tài liệu về nông cụ và phương tiện sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long. Số lượng mẫu vật mà Trường Đại học Cần Thơ có thể cung cấp cho Bảo tàng là hơn 4.000 giống lúa màu, 800 giống cây ăn trái, 1.500 loại động vật, 1.000 loại thực vật…
Hiện nay, Đề án đang được triển khai và dự kiến sẽ được đưa vào khai thác sử dụng vào năm 2027. Đây sẽ là bảo tàng nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam (tính tới thời điểm hiện tại), là đầu mối liên kết đến các bảo tàng của các tỉnh trong vùng, góp phần thúc đẩy hiệu quả liên kết vùng trong quá trình phát triển. Bảo tàng hoạt động với phương thức động và mở, vừa là nơi trưng bày các hiện vật, vừa tổ chức các hoạt động trải nghiệm thiết thực, hấp dẫn, hiện đại, bảo đảm tính trung thực, chính xác, khách quan và an toàn cho du khách, đồng thời cũng là nơi tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, hội thảo chuyên đề về nông nghiệp, phối hợp với đối tác trong và ngoài nước để sưu tầm hiện vật và tư liệu, tổ chức hội chợ, sự kiện quảng bá các sản phẩm nông nghiệp vùng.
Cùng với Đề án Bảo tàng Nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trên cơ sở khai thác giá trị di sản văn hóa, tăng cường liên kết vùng, cơ cấu lại kinh tế theo hướng phù hợp với biến đổi khí hậu, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững, tỉnh Vĩnh Long triển khai Đề án Di sản đương đại Mang Thít (được Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long phê duyệt tại Quyết định số 3502/QĐ-UBND, ngày 20-12-2021) (gọi tắt là Đề án). Với tuổi đời hàng trăm năm, huyện Mang Thít được biết đến là nơi sản xuất gạch, gốm đỏ nổi tiếng và lớn nhất cả nước, xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Những lò nung gạch là di sản độc đáo về kiến trúc và phương thức sản xuất của làng nghề truyền thống địa phương có sự kết hợp, giao thoa văn hóa của các dân tộc Khmer, Kinh và Hoa. Trước yêu cầu chuyển đổi mô hình sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái của địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, tỉnh Vĩnh Long xác định bảo tồn và phát triển “Vương quốc lò gạch” Mang Thít với các giá trị di sản văn hóa độc đáo trở thành một vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm cỡ quốc tế. Đây sẽ là điểm đến hấp dẫn về du lịch di sản, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề với chất lượng hàng đầu về điểm tham quan/trải nghiệm, ăn nghỉ, lữ hành, kết nối, lan tỏa tác động tới các khu du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thông qua việc kế thừa, sáng tạo, đổi mới, mang tới “ngôn ngữ mới” cho di sản, Đề án Di sản đương đại Mang Thít thể hiện dấu ấn của thế hệ hiện nay khi biết trân trọng, chuyển đổi, bồi đắp phương thức sinh kế và văn hóa trên nền di sản cũ trong bối cảnh hiện đại, thích ứng linh hoạt với các vấn đề đang đặt ra, như bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, đa bản sắc, năng lượng xanh, kinh tế tuần hoàn và chia sẻ,… Qua đó, việc thực hiện Đề án vừa góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, vừa giúp người dân chuyển đổi sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống (với việc khắc phục được tác động gây ô nhiễm môi trường không khí tại địa phương do hoạt động của các lò gạch thông qua việc chuyển đổi công năng sử dụng của lò mà không làm thay đổi sinh kế của người dân), tạo đà cho Mang Thít đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Để triển khai Đề án, tại Kỳ họp lần thứ năm, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long khóa X ban hành Nghị quyết số 44/2022/NQ-HĐND, ngày 14-12-2022, “Quy định chính sách hỗ trợ đặc thù bảo tồn lò gạch, gốm thực hiện Đề án Di sản dương đại Mang Thít tỉnh Vĩnh Long” (gọi tắt là Nghị quyết số 44/2022/NQ-HĐND). Theo đó, toàn bộ lò gạch, gốm trong vùng di sản khoảng 3.060ha thuộc 4 xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh (huyện Mang Thít) được bảo tồn, hiện đã có 364 hộ dân cam kết giữ lại 653 lò. Nghị quyết cũng đề ra những quy định cụ thể về định mức và thời gian hỗ trợ đối với từng loại lò truyền thống, tạo cơ sở, động lực để người dân đồng thuận, tin tưởng vào chủ trương của tỉnh.
Ngày 2-6-2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long cũng ban hành Kế hoạch số 07/KH-BCĐ triển khai Đề án Di sản đương đại Mang Thít năm 2023, yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp nhịp nhàng trong tổ chức triển khai Đề án theo nhiệm vụ được phân công, bảo đảm đúng tiến độ và thời gian quy định. Nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra là tuyên truyền, vận động người dân dừng phá dỡ các lò gạch hiện trạng, bảo vệ nguyên trạng để phát triển du lịch, dịch vụ; tổ chức khảo sát, thống kê số lượng lò và chi hỗ trợ chính sách cho người dân theo Nghị quyết số 44/2022/NQ-HĐND; tổ chức lập quy hoạch chung xây dựng (tỷ lệ 1/10.000) cho vùng di sản (3.060ha). Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long theo dõi, đôn đốc tiến độ triển khai các nhiệm vụ được giao và báo cáo kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai về Ủy ban nhân dân tỉnh để được hỗ trợ, giải quyết; đồng thời phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nội dung trong Kế hoạch.
Bên cạnh đó, ngày 18-5-2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long ban hành Quyết định số 956/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, trong đó xác định mục tiêu phát triển sự nghiệp văn hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa được tỉnh đưa ra là bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc; tập trung đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích quốc gia và cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh, xây dựng các mô hình quản lý hiệu quả, gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch. Ngày 29-6-2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, kế hoạch có các nhóm nhiệm vụ, như tu bổ, tôn tạo tổng thể 6 di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia; xây dựng hồ sơ khoa học 4 di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; thực hiện lập hồ sơ đề nghị xếp hạng 6 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh; triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Long”; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản văn hóa trong hoạt động lữ hành, thuyết minh du lịch; phát huy giá trị di sản văn hóa thành sản phẩm du lịch đặc trưng; xây dựng sản phẩm lưu niệm đặc trưng gắn với di tích; tập trung đầu tư phát triển các làng nghề tiêu biểu trên địa bàn tỉnh thành điểm đến trong các tua, tuyến du lịch; tăng cường công tác quản lý lễ hội tại các di tích lịch sử - văn hóa, tạo môi trường du lịch an toàn và thân thiện…; đầu tư trang thiết bị và tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Để tiếp tục bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long theo đúng định hướng, tính chất, bảo lưu những giá trị nghệ thuật truyền thống song song với sự phát triển của xã hội trong giai đoạn mới, ngày 7-6-2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long ban hành Quyết định số 1109/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử tỉnh Vĩnh Long giai đoạn II (2022 - 2025). Đề án tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ; tạo điều kiện để thực hành, sáng tạo và truyền dạy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ trong gia đình, nhà trường, câu lạc bộ, cộng đồng dân cư và lồng ghép vào các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của câu lạc bộ đờn ca tài tử; tăng cường hiệu quả kinh tế của loại hình nghệ thuật này thông qua việc gắn kết với các tua, tuyến du lịch văn hóa. Chú trọng đào tạo lực lượng kế thừa để phát huy khả năng sáng tác, hướng tới việc tham gia biểu diễn mang tầm quốc gia, quốc tế và đăng cai tổ chức Liên hoan đờn ca tài tử Nam Bộ. Đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan truyền thông, các hội nghề nghiệp tổ chức định kỳ các chương trình giới thiệu, quảng bá về nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ nhằm giáo dục thẩm mỹ, cảm thụ nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ tới công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ…
Như vậy, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, trên cơ sở thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, xuất phát từ những yêu cầu mới của thực tiễn, tỉnh Vĩnh Long đã và đang có nhiều nỗ lực đổi mới, sáng tạo, chủ động, tích cực trong việc đề ra các chương trình, kế hoạch, đề án với những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống, tạo động lực, nguồn lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển./.
-------------------------------------
(1) Xem: Nguyễn Phú Trọng: “Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Tạp chí Cộng sản số 979, tháng 12-2021, tr. 13
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 145 - 146
(3) Xem: Nguyễn Phú Trọng: “Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Tlđd, tr. 13
(4) Gồm: Văn Thánh Miếu; Lăng Ông Thống Chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn; Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long; Khu lưu niệm Giáo sư Viện sĩ Trần Đại Nghĩa; Khu tưởng niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng; Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt
(5) Gồm các tỉnh: Tiền Giang có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất, với hơn 82.322ha, Vĩnh Long có hơn 55.690ha, Ðồng Tháp có trên 40.919ha, Bến Tre khoảng 25.478ha (tính đến hết năm 2022)
(6) Vùng chuyên canh cây đặc sản chủ lực của tỉnh Vĩnh Long gồm: vùng trồng cam sành ở huyện Tam Bình, bưởi Năm Roi ở thị xã Bình Minh, nhãn, chôm chôm ở huyện Long Hồ,…
(7) Trong 7 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh Vĩnh Long có 2.170,4 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước, ước tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác 7 tháng năm 2023 được 93.842,8 tấn, tăng 3,22% (khoảng 2.927,4 tấn so với cùng kỳ năm trước)
(8) Giai đoạn 2021 - 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long tăng bình quân 6,18%/năm (trong khi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra là 6%), tăng 1,28 điểm phần % so nhiệm kỳ 2015 - 2020 (4,9%); quy mô kinh tế năm 2023 ước đạt 78.729 tỷ đồng, tăng 34,2% so với năm 2020; ước GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 76,5 triệu đồng (tăng 33,4% so với năm 2020)
(9) Xem: Nhóm phóng viên Báo Vĩnh Long: “Xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long là rất cần thiết”, Báo Vĩnh Long online, ngày 27-5-2020, https://baovinhlong.com.vn/thoi-su/202005/phong-van-chu-tich-ubnd-tinh-lu-quang-ngoi-xay-dung-bao-tang-nong-nghiep-vung-dbscl-la-rat-can-thiet-3005429/
Từ luận đề văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến xây dựng văn hóa thặng dư sinh thái trong thời đại mới  (29/12/2023)
Từ luận đề văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến xây dựng văn hóa thặng dư sinh thái trong thời đại mới  (29/12/2023)
Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh: Mô hình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội  (10/11/2023)
- Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có “tâm, tầm, trí” - yếu tố then chốt của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
- Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một số vấn đề đặt ra
- Tỉnh Bình Định tích cực chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam
- Kết quả, thành tựu thực hiện công bằng về lĩnh vực xã hội trong gần 40 năm đổi mới đất nước và nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy công bằng xã hội ở Việt Nam hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Văn hóa - Xã hội
Một số quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa và nâng tầm văn hóa Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Căng thẳng Nga - Ukraine: Bản chất, nguyên nhân và triển vọng -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay